Ca ghép tế bào chữa bạch biến thay đổi cuộc đời tôi
Tôi là Nguyễn Hồng Hạnh, sống tại Lào Cai. Tôi là bệnh nhân bạch biến suốt 26 năm nay. Căn bệnh từng khiến tôi đau đớn, ám ảnh khi trở thành học sinh cá biệt. 6h sáng 5/6, tôi và cha mẹ đã có mặt tại Bệnh viện Da liễu Trung ương để chuẩn bị cho ca ghép tế bào thượng bì tự thân không qua nuôi cấy để chữa căn bệnh này.
Cha mẹ tôi đã rất vất vả chạy theo tất cả biện pháp để những vết loang lổ kia biến mất nhưng không thành. Hôm nay, tôi có niềm tin ca ghép tế bào gốc sẽ thành công. Và giấc mơ của tôi sẽ thành sự thực.
Cả đêm hôm trước mẹ tôi không ngủ được. Bà ôm tôi và không ngừng rơi nước mắt như từng làm suốt 26 năm qua.
Gần 8h, tôi bước vào phòng phẫu thuật. Bước đầu tiên, bác sĩ dùng thiết bị chuyên dụng để định hình tổn thương do bạch biến trên khuôn mặt tôi.
Bản chất bệnh bạch biến là da vùng bị bệnh mất đi sắc tố melanin, chỉ còn lại màu trắng. Bác sĩ đã cắt một phần tóc của tôi để lộ vết bạch biến trước khi thực hiện các bước tiếp theo. Tôi khá bất ngờ nhưng chỉ một thoáng sau, tôi kịp lấy lại bình tĩnh. Không sao, chúng sẽ mọc lại.
Ngay sau đó, tôi được ê-kíp bác sĩ thông báo chuẩn bị gây mê. Tôi khá sợ. Thấy vậy, các bác sĩ giúp tôi thả lỏng bằng cách nói chuyện, hỏi han, thậm chí trêu đùa… “Sao em không biết gì thế này” – tôi chỉ kịp thốt nhẹ rồi chính thức mê man trong khoảng một tiếng.
Lúc này, ThS.BS Hoàng Văn Tâm – Phó trưởng Khoa Điều trị nội trú ban ngày – sẽ tiến hành lấy da ở mặt trước đùi của tôi. Đối với tôi, anh không chỉ là bác sĩ mà còn là một người anh, một ân nhân. “Em gái ơi, giấc mơ của em sắp thành hiện thực rồi” – anh nhắn cho tôi thời điểm trước Tết.
Video đang HOT
Bác sĩ Tâm dùng tay để lấy da thay vì máy. Nhờ đó, bác sĩ sẽ kiểm soát được độ mỏng tốt hơn, tránh cho tôi vết sẹo ở đùi.
Sau đó, những miếng da này sẽ được đưa vào trong dung dịch, qua các công đoạn sẽ tách lấy tế bào thượng bì, nuôi dưỡng, đếm tế bào trước khi ghép vào vùng da bị bạch biến.
Vùng da bị bệnh được bào mòn bằng laser để sẵn sàng ghép tế bào gốc. Điều gây ảnh hưởng lớn và khủng khiếp nhất đối với người bệnh bạch biến là sự tự ti. Đa phần cảm xúc đó xuất phát từ sự kỳ thị của những người xung quanh.
Tôi đã trải qua những tháng ngày đó. Tôi học trang điểm, cố tìm cách che đi vết trắng loang lổ trên khuôn mặt. Sau tất cả, tôi là một người may mắn khi đã tự tin bước tiếp, chấp nhận bản thân. Nhưng không phải bệnh nhân bạch biến nào cũng làm được như vậy.
Bước ghép tế bào gốc trực tiếp lên vết bạch biến được thực hiện khi tôi đã tỉnh. Sau khi thoát mê, tôi có mê sảng một chút và được nói chuyện với ê-kíp. Không khí trong phòng phẫu thuật thực sự thân thiện, vui vẻ, khác những gì tôi đã tưởng tượng.
Tế bào ghép vào sẽ được dùng gạc cố định lại và tháo ra trong vòng một tuần. Gần 12h, tôi được đưa ra ngoài, nơi cha mẹ đang hồi hộp chờ đợi. Ca ghép tế bào diễn ra khá nhẹ nhàng. Tôi có thể trở về nhà ngay, không cần nằm viện. Kết quả sẽ được ghi nhận trong vài tuần tới.
Nếu thành công với phương pháp này, các vết bạch biến sẽ biến mất vĩnh viễn, tôi sẽ có một khuôn mặt bình thường như bất cứ ai.
Sau ca ghép tế bào thượng bì tự thân không qua nuôi cấy, tôi trở về Lào Cai nghỉ ngơi. Hàng ngày, tôi thay băng theo hướng dẫn của bác sĩ và vẫn sinh hoạt bình thường. Hôm nay (20/6), sau hai tuần, tôi xuống Hà Nội gặp bác sĩ Tâm để tái khám.
Bác sĩ cho biết kết quả ca ghép của tôi rất tốt. Vùng bạch biến của tôi đã xuất hiện các đốm đen và tiếp tục tiến triển. Anh bảo sau vài tháng tới, tôi sẽ có diện mạo mới. Tôi rất hạnh phúc.
Ngày hôm sau, tôi tham dự Lễ kỷ niệm Ngày bạch biến thế giới được tổ chức tại Bệnh viện Da liễu Trung ương. Tiếp xúc và lắng nghe nhiều tâm sự của người đồng bệnh, tôi rất thương họ. Những vết trắng loang lổ đeo bám cuộc đời họ mang theo nhiều đau khổ.
Nếu giấc mơ thành sự thật, tôi sẽ rất hạnh phúc bởi không chỉ mình, những người bệnh khác cũng tìm thấy niềm hy vọng. Bác sĩ Hoàng Văn Tâm cũng vậy, bởi nhiều năm trăn trở cùng bệnh nhân bạch biến, giấc mơ của anh chính là chữa được bệnh cho chúng tôi.
Tin vui cho người mắc bệnh bạch biến
Bệnh viện Da liễu trung ương đã áp dụng thành công phương pháp "Ghép tế bào thượng bì tự thân không qua nuôi cấy" điều trị bệnh bạch biến và các rối loạn giảm sắc tố da khác
Dù không phải căn bệnh nguy hiểm nhưng bệnh nhân mắc bạch biến thường mặc cảm về những mảng trắng loang lổ trên cơ thể, nhất là trên gương mặt.
Phương pháp mới
Sau 2 tháng được ghép tế bào thượng bì tự thân không qua nuôi cấy chữa bệnh bạch biến, chị Trần Thị T. (27 tuổi; ngụ quận Hà Đông, TP Hà Nội) nở nụ cười rạng rỡ bởi mảng da trắng loang lổ trên vầng trán của con trai đã dần chuyển về sắc thái bình thường. Chị T. cho biết tháng 7-2017, bé N.C.V (3 tuổi) bỗng xuất hiện một số nốt nhỏ, lốm đốm như hoa giấy màu trắng trên trán. Những đốm trắng này ngày càng lan rộng khiến vợ chồng chị T. không khỏi lo lắng.
"Càng lớn, con càng ý thức về cơ thể mình. Có những lúc thấy con mặc cảm, ngại vui chơi cùng bạn bè vì những mảng da khác màu trên khuôn mặt, vợ chồng tôi rất xót xa. Chúng tôi đưa con đi khám khắp nơi. Hết dùng thuốc bôi, thuốc uống đến chỉ định chiếu đèn... Suốt 3 năm kiên trì, kết quả vẫn không thuyên giảm, các mảng trắng cứ lan rộng trên trán" - chị T. kể.
Bé N.C.V là bệnh nhân được ghép tế bào tự thân chữa bạch biến, màu da ở trán đã có thay đổi rất tốt sau điều trị
Bác sĩ Hoàng Văn Tâm, Phó Trưởng Khoa Điều trị nội trú ban ngày Bệnh viện Da liễu trung ương, cho biết các biện pháp điều trị bạch biến kinh điển cho thấy mức độ đáp ứng kém, hầu như bệnh không có biến chuyển gì nhiều. Đầu năm 2020, sau thời gian chuẩn bị, Bệnh viện Da liễu trung ương đã áp dụng một hướng chữa trị bệnh bạch biến mới là ghép tế bào thượng bì tự thân không qua nuôi cấy. Đến nay đã có hơn 100 trường hợp (trong đó có 10 bệnh nhân là trẻ em) được ghép thành công với kết quả rất khả quan.
"Năm 2018, tổn thương trên da của bé N.C.V đã lan rộng xuống dưới mang tai, vùng quai hàm nhưng nặng nhất vẫn là vết tròn trắng chính giữa trán. Bé N.C.V là bệnh nhân đầu tiên được ghép tế bào tự thân chữa bạch biến và đã có thay đổi rõ rệt 1 tháng sau ghép. Bệnh đã giảm đến hơn 80%" - bác sĩ Hoàng Văn Tâm cho biết.
An toàn, ít tác dụng phụ
Theo bác sĩ Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và Phục hồi chức năng Bệnh viện Da liễu trung ương, bạch biến là một trong các bệnh da thường gặp trên thế giới, chiếm từ 0,5%-1% dân số thế giới. Bệnh bạch biến biểu hiện bởi những đám trắng trên da, đặc biệt ở vùng da hở.
Ở Việt Nam đến nay vẫn chưa có tỉ lệ mắc bệnh chính xác nhưng tại Bệnh viện Da liễu trung ương những năm qua, số lượng bệnh nhân bạch biến đến khám tăng dần đều từng năm. Mặc dù bệnh không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe nhưng gây tổn thương tâm lý với người bệnh, người mắc căn bệnh này thường thu mình khỏi xã hội, có xu hướng trầm cảm.
Bác sĩ Hoàng Văn Tâm cho biết phương pháp dùng tế bào thượng bì của chính cơ thể bệnh nhân ghép vào tổn thương bạch biến áp dụng cho những trường hợp đã chữa trị với thuốc bôi và liệu pháp ánh sáng mà không hiệu quả. Ưu điểm của phương pháp này là có thể thực hiện được trên tổn thương có diện tích lớn, trong khi vùng lấy da lành diện tích nhỏ, ít để lại sẹo, ít gây đau, thời gian thực hiện chỉ từ 60-90 phút.
Kỹ thuật ghép tế bào thượng bì tự thân không qua nuôi cấy được thực hiện như sau: các bác sĩ sẽ gây mê tĩnh mạch (với người lớn, tổn thương nhỏ thì chỉ cần gây tê tại chỗ), sau đó lấy một miếng da nhỏ ở phía trước đùi, tỉ lệ chỉ bằng 1/5 vùng cần ghép (khoảng 5 cm). Miếng da này được đưa vào trong dung dịch, qua các công đoạn sẽ tách lấy tế bào thượng bì, nuôi dưỡng, đếm tế bào, rồi ghép vào vùng da bị bạch biến. Tế bào ghép sẽ được cố định trong khoảng một tuần bằng gạc.
Ngoài điều trị bạch biến, phương pháp này cũng được chỉ định điều trị giảm sắc tố bẩm sinh, giảm sắc tố sau viêm (sau phẫu thuật, sau điều trị laser, bỏng...).
"Thông thường bệnh nhân chỉ cần ghép 1 lần, tuy nhiên, cũng có thể ghép hơn 1 lần để hiệu quả cao hơn. Sau điều trị, bệnh nhân có thể hoạt động và làm việc bình thường. Hiện nay, chi phí điều trị phương pháp ghép này dao động từ 25-35 triệu đồng tùy diện tích tổn thương. So với chi phí ở một số nước lên đến 200 triệu đồng một lần ghép, mức phí điều trị ở Việt Nam thấp hơn rất nhiều" - bác sĩ Hoàng Văn Tâm thông tin.
Theo bác sĩ Hoàng Văn Tâm, điều trị bệnh bạch biến là một quá trình lâu dài, cần sự phối hợp kiên trì giữa bệnh nhân và bác sĩ. Người bệnh cần giữ vững tâm lý, tránh bi quan, lo lắng.
Đã có phương pháp mới điều trị bệnh bạch biến hiệu quả đến 80% Đạt hiệu quả điều trị bệnh bạch biến lên tới 70-80%, Bệnh viện Da liễu Trung ương vừa công bố đơn vị này lần đầu tiên áp dụng thành công phương pháp ghép tế bào thượng bì tự thân không qua nuôi cấy điều trị bệnh bạch biến và các rối loạn giảm sắc tố da khác. Bệnh nhân bạch biến sau hai...