Ca ghép mặt cứu mạng sống đầu tiên trên thế giới
Ngày 22/5, Trung tâm ung thư và Viện nghiên cứu ung thư Ba Lan thông báo các bác sĩ nước này vừa thực hiện ca ghép mặt cho một bệnh nhân bị tai nạn lao động mất gần như toàn bộ khuôn mặt. Đây là ca ghép mặt cứu mạng sống đầu tiên trên thế giới.
Người phát ngôn trung tâm nói trên, bà Anna Uryga, cho biết bệnh nhân được ghép mặt là nam thanh niên Grzegorz, 33 tuổi, bị máy cắt đá “xén” gần trọn khuôn mặt từ ngày 23/4 khi đang làm việc. Các bác sĩ đã tìm cách ghép lại phần mặt bị cắt đứt cho nạn nhân nhưng không thành, chỉ có thể duy trì khả năng nhìn và một phần khuôn mặt cho nạn nhân này. Tính mạng của nạn nhân bị đe dọa do vết thương quá rộng và sâu.
Sau đó 2 tuần, các bác sĩ may mắn tìm được một nam thanh niên cũng ở độ tuổi 30 tình nguyện hiến tặng khuôn mặt của mình. Với sự đồng thuận của bệnh nhân bị cắt mặt và gia đình anh này, các bác sĩ đã tiến hành ghép mặt cho bệnh nhân trong ca phẫu thuật kéo dài 17 giờ ngày 15/5 vừa qua.
Hiện tại, bệnh nhân vẫn đang trong tình trạng nguy kịch do cuộc phẫu thuật kéo dài, song đã có thể tự thở và giao tiếp bằng đầu và tay. Các bác sĩ cho biết bệnh nhân sẽ ăn, thở, và nhìn được nhưng phải mất 8 tháng nữa mới khôi phục được hoàn toàn cơ vận động trên vùng mặt.
Video đang HOT
Khuôn mặt được ghép đầu tiên trên thế giới
Năm 2005, các bác sĩ Pháp đã tiến hành ca ghép mặt đầu tiên trên thế giới, cho một phụ nữ 38 tuổi bị chó đớp mất một phần khuôn mặt. Kể từ đó đã có 20 ca khác được ghép mặt trên toàn thế giới, trong đó có Bỉ, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ.
Theo TTXVN
Những ca cấy ghép mặt sửng sốt nhất thế giới
Nhờ những tiến bộ vượt bậc về công nghệ và bàn tay "phù thủy" của các bác sĩ phẫu thuật tài ba, nhiều bệnh nhân từng bị hủy hoại diện mạo đã được tái tạo khuôn mặt mới đúng với mơ ước của họ.
Người được cấy ghép mặt quy mô nhất
Đây là những hình ảnh đáng kinh ngạc về Richard Lee Norris trước và sau khi trải qua ca phẫu thuật cấy ghép mặt quy mô nhất từ trước tới nay trên thế giới hồi tháng 3 vừa qua. Anh Norris, người bị thương trong một tai nạn súng năm 1997, đã được chụp ảnh 7 tháng sau khi cuộc đại phẫu thuật kéo dài 36 giờ đồng hồ tại Bệnh viện Đại học Maryland nhằm tái tạo cho anh một khuôn mặt, hàm răng và lưỡi mới.
Trước đó, suốt 15 năm, anh Norris đã sống ẩn dật tại Hillsville, Virginia (Mỹ), luôn đeo mặt nạ che mặt và chỉ ra khỏi nhà vào buổi tối. Tuy nhiên, hiện tại, người đàn ông này đã lấy lại được cảm giác với khuôn mặt, có thể đánh răng và cạo râu như những nam giới bình thường khác. Anh cũng đã hồi phục được khứu giác từng bị mất sau tai nạn kinh hoàng. Khi tự bắn vào mặt mình năm 1997, anh Norris thậm chí đã mất mũi, môi và hầu hết cử động của miệng. Anh đã phải trải qua hàng loạt cuộc phẫu thuật sống còn và tái tạo lại khuôn mặt, trong đó có cả việc thay thế cơ và các dây thần kinh từ da đầu tới cổ. Chức năng của các dây thần kinh vận động trên khuôn mặt tái tạo của anh Norris hiện đã phục hồi 80% ở nửa mặt phải và 40% ở nửa mặt trái.
Người đầu tiên trải qua cấy ghép một phần mặt
Isabelle Dinoire, người Pháp, đã bị một con chó giống Labrador tấn công vào mặt sau khi sử dụng quá liều các viên thuốc ngủ vào tháng 5/2005. Trong khi bà chủ bất tỉnh, chú chó cưng Tania đã bất thần tiến tới, cào xé và nhai nghiến ngấu khuôn mặt của Dinoire. Có nhiều lời đồn đoán rằng, con chó đã phát điên sau khi chứng kiến bà chủ không có phản ứng và có thể nó chỉ cố thức tỉnh cô. Sau vụ tai nạn, Dinoire không còn môi và bị mất một phần mũi, cằm và má. Cô đã trải qua cuộc phẫu thuật cấy ghép một phần khuôn mặt đầu tiên trên thế giới vào ngày 27/11/2005 tại bệnh viện Đại học Nord ở Amiens, Pháp.
Người Mỹ đầu tiên cấy ghép toàn bộ mặt
Dallas Wiens là người Mỹ đầu tiên được cấy ghép toàn bộ mặt vào ngày 14/3/2011 tại bệnh viện phụ nữ Brigham ở Boston. Đây là ca phẫu thuật đầu tiên dạng này được thực hiện ở Mỹ và là ca thứ ba trên thế giới. Chàng trai Wiens, 27 tuổi, đến từ Texas, đã bị biến dạng mặt mày năm 2008 sau tai nạn tiếp xúc với một đường dây điện cao thế. Khi được chuyển bằng trực thăng tới bệnh viện Parkland Memorial, các bác sĩ đã tiến hành 36 giờ đồng hồ phẫu thuật trong 2 ngày nhằm cứu mạng Wiens.
Tai nạn đã đẩy chàng trai trẻ tới tình cảnh bị mù vĩnh viễn, không có môi, mũi và lông mày. Các bác sĩ từng thông báo với gia đình nạn nhân rằng, anh nhiều khả năng sẽ bị liệt từ cổ trở xuống, không thể nói hoặc tiết ra đủ nước bọt để ăn thực phẩm đặc. Các bác sĩ đã tác động, làm Wiens hôn mê suốt 3 tháng. Sau khi tỉnh dậy, anh đã có những tiến triển chưa từng có và rời bệnh viện vào mùa xuân năm 2009. Tháng 5/2010, Wiens bắt đầu tự đi lại. Đến tháng 3/2011, một nhóm chuyên gia phẫu thuật cấy ghép, gồm hơn 30 người, đã tiến hành cuộc phẫu thuật cấy ghép toàn bộ khuôn mặt cho anh ở bệnh viện Brigham. Tất cả kéo dài trong 15 giờ đồng hồ. Thị lực của Wiens không thể khôi phục được nhưng anh đã có thể nói chuyện qua điện thoại và ngửi được.
Người Mỹ đầu tiên được phẫu thuật tái tạo mặt
Connie Culp, 46 tuổi, đến từ Ohio là người đầu tiên trải qua phẫu thuật cấy ghép mặt ở Mỹ sau khi bị chồng bắn vào năm 2004. Tổng cộng, Culp đã phải trải qua 30 ca phẫu thuật. Các bác sĩ đã lấy một phần các xương sườn của cô để tạo xương gò má và tạo hình hàm răng trên từ một xương chân của cô. Culp cũng được cấy ghép vô số mảng da lấy từ đùi. Diện mạo mới của cô khác xa khuôn mặt nhàu nát, không mũi khiến trẻ em kinh hãi sau tai nạn. Các biểu cảm trên mặt của Culp hiện vẫn còn đôi chút đơ cứng nhưng cô có thể trò chuyện, mỉm cười, ngửi và nếm lại thức ăn như thuở xưa. Giọng nói của cô đôi lúc rất khó nghe. Khuôn mặt mới thì sưng phồng và hơi vuông vức quá, da mặt cũng chảy trũng thành những mảng lớn nên các bác sĩ đã lên kế hoạch cắt gọt bớt khi tuần hoàn máu của cô được cải thiện và các dây thần kinh trên mặt phát triển, làm cử động những cơ mới.
Người bị bệnh về gen được tái tạo khuôn mặt mới
Những bức ảnh trên hé lộ sự sự biến chuyển đáng kinh ngạc về diện mạo của Pascal Coler, một "người voi" hiện đại. Khuôn mặt của Coler đã bị biến dạng thảm hại vì căn bệnh Von Recklinghausen, một rối loạn về gen hiếm gặp. Tuy nhiên, năm 2008, một nhóm phẫu thuật Pháp do giáo sư Laurent Lantieri đứng đầu, đã tạo cho anh một luồng sinh khí mới. Tờ News of the World đưa tin, ca phẫu thuật kéo dài 16 giờ đồng hồ, bao gồm cả việc thay thế khuôn mặt của Coler bằng mặt của một người hiến tặng đã qua đời. Trong ca phẫu thuật, các bác sĩ đã phải thực hiện hàng loạt kỹ thuật phức tạp nhằm nối gắn các tế bào, dây thần kinh, động mạch và tĩnh mạch cho khuôn mặt bệnh nhân. Coler miêu tả, ngày phẫu thuật là thời điểm hạnh phúc nhất trong cuộc đời của anh.
Theo 24h