Ca ghép gan cho người lớn đầu tiên ở phía Nam: Mất hai năm chuẩn bị
Sau ba ngày được tiến hành phẫu thuật ghép gan tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), đến hôm nay (15.10), cả người cho (con trai) và người nhận gan (mẹ) đều đã tỉnh táo, có thể tiếp xúc, các chỉ số sinh tồn như mạch, huyết áp, nhịp thở, chức năng gan,… đều ổn định và tiến triển tốt.
Qua đó, Bệnh viện Chợ Rẫy chính thức đánh giá ca mổ đã bước đầu thành công.
Hai năm chuẩn bị
Bệnh nhân là bà C.T.K.Đ. (52 tuổi, ngụ Đắk Min, Đắk Nông). Năm 1999, bà Đ. được phẫu thuật cắt túi mật. Đến năm 2004, bà bị hẹp đường mật, làm tăng áp lực trong gan dẫn đến xơ gan.
Sau đó, bệnh nhân bị giãn tĩnh mạch thực quản, diễn tiến tới suy gan. Tình trạng suy gan của bệnh nhân ảnh hưởng đến chức năng của lá lách, làm cho lá lách to ra, tiêu hủy tiểu cầu, hồng cầu khiến bệnh nhân dễ chảy máu và thiếu máu.
C.T.K.Đ. (áo hồng phía xa) xúc động nhìn con trai mình qua cửa sổ giữa hai phòng sau khi tỉnh dậy – Ảnh do Bệnh viện Chợ Rẫy cung cấp
Vợ chồng bà Đ. đã bền bỉ tuân thủ theo quá trình điều trị của các bác sĩ tại Bệnh viện Chợ Rẫy từ năm 2008.
Nhưng đến năm 2010, các bác sĩ khuyên gia đình nếu có điều kiện thì nên ra nước ngoài ghép gan vì gan của bệnh nhân đã bị suy đến giai đoạn cuối.
Tuy nhiên, hai vợ chồng bà Đ. cùng làm nghề giáo nên có vay mượn tất cả người thân cũng không đủ tiền ra nước ngoài ghép gan. Vì vậy, bệnh nhân tiếp tục điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy với tâm niệm kéo dài được sự sống được ngày nào hay ngày ấy.
Chẩn đoán sau cùng của bệnh nhân Đ. là xơ gan, lách to giai đoạn cuối kèm theo cường lách.
Người cho gan trong ca phẫu thuật chính là con trai ruột của bệnh nhân, anh D.H.L. (22 tuổi), hiện là sinh viên năm thứ tư, Khoa Công nghệ thông tin, Trường ĐH Ngoại ngữ Tin học TP.HCM.
Theo Phó giáo sư – tiến sĩ – bác sĩ Nguyễn Tấn Cường, Trưởng khoa Ngoại Gan – Mật – Tụy, Bệnh viện Chợ Rẫy, bà Đ. là một trong bảy trường hợp cần ghép gan được Bệnh viện Chợ Rẫy theo dõi, làm nhiều xét nghiệm, tư vấn tâm lý, chọn chuẩn bị cho việc ghép gan trong hai năm nay.
Ca mổ này được Bệnh viện Chợ Rẫy thực hiện phối hợp với Bệnh viện Asan (Hàn Quốc). “Bệnh viện Asan là một trung tâm y khoa nổi tiếng không chỉ ở châu Á mà toàn thế giới về ghép gan từ người cho sống. Trung bình, mỗi năm bệnh viện này thực hiện 300-350 ca ghép gan”, bác sĩ Cường nêu lý do chọn Bệnh viện Asan cùng thực hiện ca phẫu thuật.
Video đang HOT
Các bác sĩ trao đổi về tình trạng sức khỏe bệnh nhân sau phẫu thuật – Ảnh do Bệnh viện Chợ Rẫy cung cấp
Trong vòng hai năm qua, Bệnh viện Chợ Rẫy đã lần lượt gửi 15 y bác sĩ qua học tập tại Bệnh viện Asan, đầu tư trang thiết bị y tế và gửi các trường hợp được chọn ghép gan qua Bệnh viện Asan để cùng theo dõi, chẩn đoán.
“Để đảm bảo thành công cho ca phẫu thuật này, đến cả kim chỉ thực hiện phẫu thuật Bệnh viện Asan cũng đòi hỏi phải đúng mẫu, nhà sản xuất, kích cỡ và cả số series của sản phẩm”, bác sĩ Cường nói.
Thành công hơn mong đợi
Ca phẫu thuật ghép gan cho người lớn đầu tiên ở phía Nam được thực hiện ngày 12.10, bắt đầu lúc 8 giờ 25 phút sáng, khi người cho gan được đưa lên bàn mổ.
Ca mổ của người nhận bắt đầu lúc 8 giờ 50 phút cùng buổi sáng.
Theo đó, hai ê kíp mổ đã tiến hành song song việc lấy phần gan của người cho và cắt bỏ gan hư của người nhận.
Đến 16 giờ, phần gan phải của người cho đã được lấy nguyên vẹn các cuống mạch nuôi như dự kiến trước mổ.
Đến 22 giờ 30 phút, ca mổ ghép gan cho người nhận đã kết thúc. Sau hơn 13 giờ phẫu thuật, các bác sĩ đã cắt toàn bộ gan xơ và cắt lách kèm theo lách phụ của bệnh nhân ghép phần gan của người cho vào vị trí phần gan đã cắt bỏ với các miệng nối mạch máu tĩnh mạch gan, động mạch gan và nối đường mật vào quai ruột non.
“Thời gian phẫu thuật ca ghép gan này tương đương một ca ghép gan tại Bệnh viện Asan (Hàn Quốc)”, bác sĩ Cường đánh giá. Việc ghép phần gan của người cho vào người nhận được thực hiện chỉ 15 phút sau khi gan được lấy ra khỏi người nhận (trong khi giới hạn cho phép là gan lấy ra trong vòng 3 giờ đồng hồ phải được ghép lại).
Các bác sĩ tách lấy gan của người cho – Ảnh: Nguyên Mi
Mặt khác, Bệnh viện Chợ Rẫy đã chuẩn bị 100 đơn vị máu cho mỗi người trong ca mổ. Tuy nhiên, người cho gan trong ca phẫu thuật chỉ mất 100 cc máu và không phải truyền máu, còn người nhận gan chỉ phải truyền 8 đơn vị máu.
Hai giờ sau khi mổ, người cho gan đã tỉnh táo và đã có thể tiếp xúc nói chuyện được với người thân. Bệnh nhân được ghép gan đã tỉnh táo lúc 5 giờ ngày 13.10.
Ngay khi vừa tỉnh dậy, người mẹ đã yêu cầu các bác sĩ: “Làm ơn cho tôi gặp con trai tôi”. Bà đã được các bác sĩ mở cửa sổ giữa hai phòng để có thể nhìn thấy con trai mình cũng đã tỉnh táo
Hôm nay (15.10), các bác sĩ đánh giá, các chỉ số sinh tồn (mạch, huyết áp, nhịp thở) của cả hai người cho và nhận đều ổn định, tiến triển tốt. Người cho gan đã có thể uống sữa. Riêng người nhận gan còn được nuôi bằng cách bơm dưỡng chất vào đường tĩnh mạch. Tuy nhiên, bà Đ. đã có thể tự đi sang phòng thăm con trai.
Bác sĩ Cường cho biết: Việc điều trị sau ca phẫu thuật ghép gan còn nhiều phức tạp nên người cho gan vẫn phải được theo dõi chặt chẽ trong phòng cách ly 10 ngày nữa người nhận gan, được nằm trong phòng cách ly vô trùng tuyệt đối hai tuần nữa. Sau đó, người nhận gan sẽ tiếp tục được chăm sóc đặc biệt thêm hai tuần, theo dõi sát ức chế miễn dịch, chống thải ghép.
Theo bác sĩ, các ca ghép gan dùng thuốc ức chế miễn dịch (chống thải ghép) ít hơn ghép thận. Sau 8 năm, người được ghép gan có thể ngưng, không phải dùng thuốc. Tỷ lệ trên thế giới hiện nay là 30% người được ghép gan không phải dùng thuốc sau 8 năm.
Các bác sĩ đã lấy 2/3 phần gan của anh L. (với 630 g) để ghép cho bà Đ. “Gan của người cho sẽ tái sinh sau 6 tuần nữa và sẽ phục hồi sau 3 tháng, đạt được thể tích 60-80% so với lá gan cũ. Thể tích lá gan mới được tái sinh như trên có thể đảm bảo chức năng gan như cũ cho người cho”, bác sĩ Cường đánh giá.
Đây là ca ghép gan thứ ba từ người cho sống thành công trên cả nước và ca đầu tiên tại phía Nam.
Ca ghép gan đầu tiên tại VN được thực hiện tại Học viện Quân y Hà Nội vào ngày 31.1.2004.
Tới nay, cả nước đã có 16 ca ghép gan ở trẻ em (Bệnh viện Nhi Trung ương Hà Nội, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM thực hiện) và 8 ca ghép gan cho người lớn (kể cả ca này). Trong đó, có 3 ca ghép gan lấy gan từ người cho sống.
Theo TNO
Hai mẹ con ghép gan đã ăn uống, trò chuyện được
Đến hôm nay, người con cho gan và người mẹ nhận gan đã tỉnh táo, đi lại nhẹ nhàng, trò chuyện được với nhau.
Đại diện BV Chợ Rẫy (TP HCM), cho biết tại buổi họp báo ngày 15/10 về ca ghép gan người lớn đầu tiên tại BV này.
BS thực hiện phẫu thuật ghép gan
Cũng theo các BS, cả hai được điều trị trong điều kiện vô trùng tuyệt đối, theo dõi chặt chẽ theo quy trình ghép gan.
BS Phạm Thị Ngọc Thảo, Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, cho hay:
Hiện các chỉ số sinh tồn (mạch, huyết áp, nhịp thở) của cả hai đều ổn định.
Các chỉ số xét nghiệm chức năng gan, tiết mật, miễn dịch chống thải ghép, siêu âm mạch máu đều trong dự kiến, diễn tiến thuận lợi.
Được biết, sau khi về nước, đoàn BS, chuyên gia Hàn Quốc đã để lại một BS và hai điều dưỡng nhằm phối hợp tiếp tục theo dõi, điều trị cho ca ghép gan này.
PGS TS BS Nguyễn Tấn Cường, Trưởng Khoa Ngoại gan - mật - tụy (BV Chợ Rẫy) cho biết:
Người con đã cho đi 2/3 thể tích gan của mình (630 gram) để ghép cho mẹ.
Khoảng 6 - 8 tuần sau gan mới của người hiến sẽ được tái sinh (khoảng 60% - 80% thể tích gan) và có thể xuất viện sau 2 tuần điều trị.
Riêng bà Cung Thị Kim Đính, người nhận gan, ít nhất sau 1 tháng cách ly theo dõi, điều trị phản ứng thải ghép nghiêm ngặt mới có thể cho về nhà.
Trước đó, ngày 12/10, bà Cung Thị Kim Đính (52 tuổi, ở Đắk Min, Đắk Nông) đã được các BS Bệnh viện Chợ Rẫy ghép gan từ gan người con trai hiến tặng.
Sau 15 giờ phẫu thuật, ca ghép gan đã thành công.
Theo Tinngan
Xúc động con trai hiến gan cứu mẹ "Mẹ con sao rồi ba?" là câu nói đầu tiên của bệnh nhân Diệp Hữu Lộc (22 tuổi) khi tỉnh lại và được gặp ba. Gương mặt con toát lên vẻ tự hào của một người con trai đã góp phần giúp mẹ kéo dài thêm sự sống. Hôm qua là một ngày mới, ngày mà ông Diệp Bảo Hà, 53 tuổi, giải...