Cả đại đội xe chở thuốc lá lậu chạy ầm ầm mà không bị… chặn
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết, giá cả thuốc lá trong nước với thuốc lá lậu chênh lệch lớn, tạo nên “siêu lợi nhuận” nên nhiều người lao vào buôn thuốc lá lậu. Đội quân buôn lậu thuốc lá đông như trung đội, đại đội nối đuôi nhau chạy về TPHCM mà không ai ngăn chặn.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình – Trưởng Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho biết như trên tại hội nghị chuyên đề về tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá tại những địa bàn trọng điểm, diễn ra ngày 18/10 tại TPHCM.
Long An muốn tái xuất thuốc lá lậu
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Hữu Chí cho biết, thời gian gần đây, tình hình buôn lậu thuốc lá tại các địa phương trọng điểm đang diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Các đối tượng buôn lậu ngày càng tinh vi hơn. Đặc biệt, các đối tượng còn bố trí người theo dõi trước trụ sở cơ quan của lực lượng chống buôn lậu, thuê người dò đường trước khi vận chuyển.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Hữu Chí
Ngoài ra, đối tượng buôn thuốc lá lậu manh động và liều lĩnh hơn, sẵn sàng chống trả lại lực lượng chức năng khi bị phát hiện bắt giữ. Họ hô hào, tập trung đông người gây áp lực nhằm cướp hàng, tẩu tán tang vật, đánh tháo đối tượng bị bắt giữ. Buôn thuốc lá lậu có lợi nhuận lớn nên nhiều người tham gia.
Ông Chí cho biết, việc tiêu hủy thuốc lá lậu bị tịch thu gây lãng phí của cải xã hội, đồng thời phải chi thêm khoản tiền để thực hiện tiêu hủy; gây ô nhiễm môi trường và phản cảm, bức xúc trong dư luận.
Vì vậy, ông Chí kiến nghị tiếp tục thực hiện cơ chế tiêu hủy thuốc lá bị tịch thu (như trước đây) với các điều kiện tăng mức hỗ trợ từ 3.500 đồng lên 5.500 đồng/bao. Hoặc chọn phương án thực hiện thí điểm tái xuất thuốc lá nhập lậu.
Phát biểu tại hội nghị, Thiếu tướng Nguyễn Văn Sơn – Phó Tư lệnh Cảnh sát biển cho biết: “Thời gian qua số vụ phát hiện không nhiều nhưng phát hiện vụ nào thì lớn vụ đó. Có vụ tới 240.000 thùng (mỗi thùng 50 bao), sau gần 3 năm điều tra mới đưa ra xử lý hình sự”.
Theo Thiếu tướng Sơn, khi lực lượng chức năng đánh mạnh ở vùng Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình thì các đối tượng lại chuyển hoạt động sâu vào trong nội địa. Người dân là đối tượng tham gia vận chuyển thuốc lá lậu. Nhưng do cơ chế xử phạt chưa đủ sức răn đe nên các đầu nậu sẵn sàng chi tiền để người dân đóng phạt và tiếp tục tái phạm.
Video đang HOT
Thiếu tướng Sơn cũng nêu quan điểm không đồng ý phương án tái xuất thuốc lá nhập lậu. “Hầu hết bao bì, nhãn mác… chúng ta đều nhập. Bây giờ tái xuất liệu nước nào sẽ nhận. Chẳng lẽ lại xuất sang Lào, Campuchia hay Trung Quốc. Làm không tốt có khi lại tạo điều kiện hợp pháp cho thuốc lá lậu trở lại Việt Nam”, ông Sơn nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Hồng – Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Long An – lại đề xuất cho thí điểm tái xuất thuốc lá nhập lậu còn đảm bảo chất lượng.
Ông Hồng phân tích: “Nhà nước không phải bỏ ra bất cứ đồng tiền nào để tái xuất thuốc lá. Cụ thể là năm 2014 đã xuất được hơn 12 triệu gói và thu về gần 50 tỷ đồng. Trong đó, tỉnh Long An đã thu được hơn 14 tỷ đồng. Chủ yếu là xuất sang thị trường Thái Lan”.
Đại đội xe máy chở thuốc lá lậu về TPHCM
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết phương án tiêu hủy hay tái xuất thuốc lá nhập lậu bị tịch thu đều có những mặt lợi. Tuy nhiên, cần phải nghiên cứu kỹ và có đánh giá cụ thể từng phương án.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu không để tái diễn tình trạng hàng đoàn xe máy chở thuốc lá lậu từ biên giới về TPHCM mà không bị ngăn chặn
“Nếu tiêu hủy, đã thật sự tốt hay chưa? Vì trong nước tiêu hủy, nguồn thuốc lá lậu bên kia biên giới chỉ đợi chúng ta lơ là thì số lượng thuốc lá lậu sẽ phát triển mạnh hơn để bù vào số đã bị các cơ quan chức năng tiêu hủy. Còn nếu tái xuất thì có hiệu quả kinh tế. Nhưng về mặt pháp lý có đảm bảo, có vi phạm Công ước mà Việt Nam đã kí kết hay không? Vi phạm luật của nước thứ 3 hay không? Bộ Tư pháp cần chủ trì nghiên cứu vấn đề này và báo cáo Chính phủ”, Phó Thủ tướng đặt vấn đề và lưu ý nếu vi phạm công ước quốc tế thì chắc chắn không tái xuất.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, hiện nay vẫn tiếp tục tiêu hủy thuốc lá lậu, còn địa phương nào đủ điều kiện tái xuất thì phải trình đề án cụ thể. “Phải nêu rõ khối lượng, xuất có hiệu quả hay không? Có doanh nghiệp nào hợp pháp đứng ra làm hay không? Thị trường nào tiêu thụ được và đặc biệt là cơ chế giám sát. Vì tôi nghe báo cáo thì tiêu hủy cũng có phần tiêu cực (đưa ra tiêu thụ lén), rồi tái xuất cũng có vấn đề”, ông Bình lưu ý.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng đánh giá hoạt động buôn bán, vận chuyển thuốc lá lậu vẫn diễn ra công khai, ngang nhiên vì người đứng đầu chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng chưa làm thường xuyên, quyết liệt. Còn có cán bộ thiếu trách nhiệm, thậm chí còn có trường hợp bao che, tiếp tay cho đối tượng buôn thuốc lá lậu.
Phó Thủ tướng yêu cầu phải chấn chỉnh công tác quản lý địa bàn và phối hợp giữa các lực lượng chức năng nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn bán thuốc lá lậu. “Có lúc hàng đoàn xe chạy từ biên giới về TPHCM mà không bị ngăn chặn đẩy lùi. Rất là phản cảm. Có thể nói là tiểu đội, trung đội, đại đội xe máy chở thuốc lá chạy ầm ầm trên đường suốt từ biên giới vào TP mà không bị ngăn chặn”.
“Đồng thời, không thể để tái diễn tình trạng lực lượng chức năng gác đầy biên giới, cửa khẩu mà hàng lậu thoải mái qua biên giới, không kiểm tra. Không phải lúc nào cũng vậy, nhưng đây chính những kẻ hở để hàng lậu tràn qua biên giới”, ông Bình nói.
Phó Thủ tướng cũng thừa nhận thực tế là giá thuốc lá trong nước và giá thuốc lá lậu chênh lệch quá cao, chênh lệch từ 5.000 đến 15.000 đồng, nên thu hút nhiều người tham gia và tiếp tay cho buôn lậu.
“Sản phẩm thuốc lá trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu về giá và gu của người hút thuốc lá là miếng đất tốt cho tình trạng buôn lậu và tiêu thụ thuốc lá lậu. Chúng ta phải giải bài toán cung – cầu. Giá cả chênh lệch lớn, siêu lợi nhuận là người ta lao vào làm”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu phải có giải pháp để đáp ứng yêu cầu của người dân, hạn chế tiêu thụ thuốc lá lậu. Đồng thời, tạo công ăn việc làm, điều kiện sản xuất cho đời sống người dân vùng biên giới khá hơn, tuyên truyền pháp luật cho người dân không tham gia vận chuyển thuốc lá lậu.
Quốc Anh
Theo Dantri
Chống thuốc lá lậu: Có nên lại thí điểm tái xuất lần 2?
Trong những cuộc họp bàn về chống buôn thuốc lá lậu, có địa phương vừa qua đưa ra đề xuất cho phép tái xuất thuốc lá lậu bị tịch thu. Liệu đây có phải là giải pháp phù hợp?
Trước đây không lâu, việc tái xuất thuốc lá nhập lậu bị tịch thu đã từng được thực hiện theo Quyết định số 1112/QĐ-TTg ngày 21/8/2012. Sau 2 năm thực hiện thí điểm, phương án này cho thấy nhiều bất cập trong cả khâu kiểm soát và thực hiện.
Theo báo cáo của Hiệp hội thuốc lá Việt Nam, thuốc lá lậu ở nước ta chủ yếu là JET, HERO (hiện chiếm trên 80%). Hai nhãn này trên thực tế chỉ được tiêu thụ tại Việt Nam và chỉ được người hút Việt nam biết đến.
Các nhãn thuốc lá lậu bị bắt giữ đều không in cảnh báo sức khỏe, không in nơi sản xuất, không in thời gian sản xuất và không có giấy xác nhận chất lượng nên không đủ tiêu chuẩn, không phù hợp với qui định của bất cứ quốc gia nào để nhập khẩu.
(Cụ thể, các nước trong khu vực và trên thế giới đều có qui định về ghi nhãn và diện tích in cảnh báo sức khỏe đối với các sản phẩm thuốc lá tiêu thụ nội địa. Ví dụ: Campuchia cảnh báo chiếm 30% mặt trước và sau, Indonessia là 40%, Lào 30%, Malaysia 50% mặt trước và 60% mặt sau, Philippnes và Singapore 50% mặt trước và sau, các nước Úc, châu Âu thậm chí còn qui định bao bì trơn...).
Đây là nguyên nhân dẫn đến việc tái thẩm lậu thuốc lá đã được đưa đi tái xuất trở lại thị trường trong nước. Trên thực tế, hầu hết các sản phẩm thuốc lá tái xuất đều không được tái xuất sang các nước có ghi trong hợp đồng. Như vậy việc tái xuất vừa không đạt hiệu quả kinh tế vừa không đạt được mục tiêu của việc tái xuất.
Công ước khung về Kiểm soát thuốc lá (FCTC) đã quy định rõ các quốc gia thành viên (trong đó có Việt Nam) phải đảm bảo rằng thuốc lá nhập lậu bị tịch thu được tiêu hủy".
Ngày 22/9/2016, Bộ Tư Pháp đã gửi ý kiến tới Văn phòng Chính phủ về công tác chống buôn lậu thuốc lá, trong đó khẳng định việc tái xuất thuốc lá nhập lậu bị tịch thu là chưa phù hợp với yêu cầu của Công ước khung về phòng, chống tác hại thuốc lá mà Việt Nam đã tham gia ký kết. Ngoài ra, việc tái xuất thuốc lá nhập lậu bị tịch thu đòi hỏi phải có số lượng lớn, trong khi có những trường hợp tịch thu thuốc lá nhập lậu với lượng ít, trường hợp này phải cần có nơi cất và bảo quản thuốc lá để đợi khi có đủ số lượng mới thực hiện tái xuất, vậy sẽ phát sinh thêm các chi phí khác để cất giữ và bảo quan thuốc lá nhập lậu bị tịch thu.
Tương tự, Bộ Y tế cũng có chung quan điểm sẽ nảy sinh các bất cập khi thực hiện tái xuất thuốc lá nhập lậu, cụ thể: lượng thuốc lá bị bắt giữ có nhiều loại sản phẩm thấp cấp, giá thành rẻ, số tiền thu được do tái xuất thấp hơn số tiền hỗ trợ tiêu huỷ. Tại nhiều địa phương, do không có kho bảo quản nên sản phẩm dễ hư hỏng, các đơn vị thu gom không tiến hành thu mua hoặc mua số lượng rất ít so với số bắt được. Việc thu gom, vận chuyển tập kết tại kho chờ tái xuất cũng không có cơ quan quản lý, giám sát chặt chẽ nên dễ xảy ra vi phạm.
Mặt khác để bảo quản các sản phẩm sau khi tái xuất không quay trở lại Việt Nam, việc tái xuất phải được thực hiện bằng đường biển và phải xuất đến các quốc gia không có đường biên giới với Việt Nam. Thực tế rất ít các công ty thu mua đáp ứng được quy định này.
Bên cạnh đó, việc tìm được thị trường tái xuất cũng là vấn đề khó khăn bởi sản phẩm thuốc lá muốn được nhập khẩu chính thức vào các nước phải đáp ứng các tiêu chí kỹ thuật đối với sản phẩm thuốc lá của nước nhập khẩu. Đây là những nguyên nhân dẫn đến việc tái thẩm lậu thuốc lá đã được đưa đi tái xuất trở lại thị trường trong nước.
"Theo số liệu của Bộ Công Thương, hầu hết các sản phẩm thuốc lá tái xuất đều không được tái xuất sang các nước có ghi trong hợp đồng. Như vậy việc tái xuất vừa không đạt được hiệu quả kinh tế vừa không đạt được mục tiêu của việc tái xuất và đa số các tỉnh trọng điểm về buôn lậu thuốc lá theo báo cáo số 18/BC-BCĐ 389 ngày 8/8/2016 ủng hộ việc tiếp tục thực hiện tiêu hủy thuốc lá", văn bản nêu rõ.
Một điểm cần lưu ý là, Việt Nam là một trong những nước đầu tiên tham gia Công ước khung về Kiểm soát thuốc lá (FCTC) của Tổ chức Y tế Thế giới. Hiện trên thế giới không có bất kỳ quốc gia nào là thành viên của FCTC lại cho phép tái xuất thuốc lá lậu.
Bởi FCTC đã quy định rõ các quốc gia thành viên phải "tiến hành các bước thích hợp để đảm bảo rằng tất cả các thiết bị sản xuất, thuốc lá giả, thuốc lá nhái nhãn mác, thuốc lá nhập lậu và các sản phẩm thuốc lá khác bị tịch thu được tiêu hủy".
PV
Theo Dantri
8 tháng, bắt hàng chục nghìn tấn xăng dầu xuất lậu trái phép Tính riêng mặt hàng xăng, 8 tháng đầu năm lực lượng Hải quan đã bắt giữ hơn 12.299 tấn xăng, 6.500 lít xăng cùng hàng chục nghìn lít dầu các loại xuất lậu trái phép. Tổng cục Hải quan (TCHQ) vừa có báo cáo tình hình chống buôn lậu và gian lận thương mại trong 8 tháng qua, trong đó nhấn mạnh số...