Cá cược: Cấm không được thì mở?
Một trong những nguy hiểm của việc cá cược là hình thành trong xã hội tâm lý “không làm mà cũng thu được lợi nhuận”, thậm chí là lợi nhuận rất cao. Dù dự thảo nghị định cá cược có nói rằng đây là hoạt động kinh doanh không khuyến khích và có điều kiện, nhưng lại chưa chỉ ra được những tác động của nó đối với xã hội.
Ông Kso Phước, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đưa ra quan điểm trong cuộc trao đổi với Báo Giao thông, xung quanh dự thảo Nghị định về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế, vừa được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cuối tuần qua.
Nhiều ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, dự thảo Nghị định chỉ nói mặt tích cực mà chưa đánh giá đầy đủ tác động của nó đối với xã hội. Theo ông, trong hoàn cảnh điều kiện kinh tế – xã hội của Việt Nam hiện nay, việc đưa ra vấn đề cá cược đã phù hợp hay chưa?
Ông Kso Phước
Thực tiễn đã cho thấy, cá cược là mặt trái của xã hội, làm tăng tính phức tạp trong đời sống xã hội, gây mất trật tự an ninh, hình thành các tổ chức tội phạm như cho vay nặng lãi, rửa tiền… Ở đây, không phải vấn đề sớm hay muộn, có vội vàng hay không mà là thái độ của chúng ta. Phải chăng, có những mặt trái của xã hội mà ta quản lý không được thì hợp pháp hóa nó, cứ mở hết ra để rồi kiểm soát nó? Ở một số nước, họ rất “mở” trong các vấn đề sử dụng vũ khí, mại dâm. Nhưng không phải tất cả các nước đều làm được như vậy. Mỗi nước có đặc điểm khác nhau về chế độ chính trị, luật pháp, các điều kiện về kinh tế, xã hội, tâm lý, các đặc điểm về tổ chức quản lý nhà nước, về tổ chức pháp lý… Và họ đã đi trước ta hàng chục, hàng trăm năm.
Trong khi đó, chúng ta đã và đang xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Vấn đề cá cược là một hình thức mới và chúng ta phải xem xét đã tính đến yếu tố định hướng xã hội chủ nghĩa chưa? Có phạm vào định hướng xã hội chủ nghĩa không? Việc hội nhập quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ. Không cho chơi ở trong nước thì người ta ra nước ngoài chơi, đó là một nhu cầu có thực trong xã hội. Nhưng không có nghĩa những gì không cấm, cản được thì buộc phải mở ra.
Đã có nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại khi việc cá cược được hợp pháp hóa, chúng ta sẽ mất nhiều hơn được, quan điểm của ông thế nào?
Trong xã hội, việc cá cược không chỉ dừng lại ở đua ngựa, đua chó, bóng đá quốc tế, như dự thảo nghị định của Chính phủ đưa ra. Thực tế ở ta đã có cá độ chọi gà, chọi cá đấy thôi. Và đó đều là những thỏa thuận ngầm giữa hai người hoặc một nhóm người với nhau. Thực tế, từ Quốc hội Khóa XI, ông Nguyễn Danh Thái, khi đó còn là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Thể dục thể thao đã nêu vấn đề hợp pháp hóa cá độ bóng đá nhưng không được chấp thuận.
Về mặt tư duy, chúng ta chưa giải đáp được những vấn đề tác động xã hội của hoạt động cá cược. Chính vì vậy, khi được hợp pháp hóa, nó sẽ làm trầm trọng hơn những khuyết tật, những tật xấu trong xã hội chúng ta, làm mờ dần định hướng xã hội chủ nghĩa. Chúng ta chưa mổ xẻ, chưa đưa ra được cơ chế ứng phó với những tác động của hoạt động cá cược. Trong khi, với hoạt động này, nó sẽ hình thành tâm lý không làm mà chờ vào may rủi.
Video đang HOT
Nhưng rõ ràng trên thực tế, hoạt động cá cược ngầm vẫn âm thầm diễn ra trong xã hội, vậy thì sao không hợp pháp hóa nó để dễ bề quản lý, thưa ông?
Không chỉ hoạt động cá cược bất hợp pháp mà hiện nay có những cái thực tiễn đặt ra và chúng ta không ngăn chặn được một cách hiệu quả. Còn nếu bây giờ hợp pháp hóa cá cược, lấy gì để bảo đảm những yếu tố tiêu cực sẽ được ngăn chặn?
Đối với hoạt động cá cược, chúng ta không có một thước đo nào, cũng chưa có tiền lệ nào cả. Đến khi xảy ra những xung đột thì không biết giải quyết như thế nào. Và nếu được thông qua, nó sẽ làm phức tạp thêm tình hình trật tự xã hội, đặc biệt là vấn đề rửa tiền. Chẳng hạn, anh có 500 triệu đồng bất hợp pháp, anh bỏ ra 200 triệu đồng mua những người chơi để những người này giúp cho anh có 300 triệu đồng hợp pháp.
Theo ông, việc khống chế số tiền chơi từ 10.000 – 1 triệu đồng/ngày phải chăng cũng là một cách để kiểm soát, hay chỉ là một con số tượng trưng?
Đó chỉ là cái khung cho người chơi, nhưng cái thiếu ở đây chính là những hậu quả xã hội, đặc biệt là vấn đề rửa tiền. Nói là không khuyến khích loại hình kinh doanh này nhưng lại đưa ra cái khung 10.000 đồng – 1 triệu đồng cho người chơi. Ngay trong tờ trình của Chính phủ, phần báo cáo của Bộ Công an cũng không rõ ràng và có cảm giác, Bộ Công an cũng không đồng ý cho phép hợp pháp hóa hoạt động này. Đặc biệt, tờ trình còn thiếu hẳn một báo cáo tác động của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Lẽ thông thường, phàm là cái gì mới thì càng phải thận trọng, trong khi dự thảo của Nghị định còn “hổng” nhiều thứ. Ông có đồng ý với nhận định này?
Tại sao lại chỉ là đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế mà không phải là chọi trâu, chọi gà, đá cá, đua bò, chọi chim? Có những trò chơi dân gian có hàng trăm năm, tại sao lại cho phép đặt cược những trò kia mà không phải là trò này? Đây có phải là chúng ta mở đường để dần dần hợp pháp hóa việc đặt cược ở tất cả các trò chơi hay không?
Cái tích cực nhất của đặt cược là trò chơi giải trí của nhân dân. Nhưng mặt xấu của nó là lợi dụng những mặt tốt, những đặc điểm tốt của trò chơi, lợi dụng việc không cần lao động, không cần bỏ nhiều công sức, trí tuệ… mà vẫn thu được lợi nhuận cao. Chúng ta không khuyến khích những hoạt động như thế, bởi nó không mang giá trị lao động, không đóng góp chất xám, sự sáng tạo cho xã hội. Nó không đơn thuần chỉ dừng lại ở việc đặt cược mà có nhiều vấn đề xã hội khác kéo theo, mà điều này thì dự thảo của Chính phủ chưa trả lời được.
Cảm ơn ông!
Theo Minh Thành – Đình Quang (Giaothongvantai.com.vn)
Cá cược thể thao: Đã mở thì mở cho trúng
Nhiều nỗi băn khoăn được đặt ra, như: Mỗi ngày cá cược không được quá 1 triệu đồng, mỗi lần chơi ít nhất là 10.000 đồng; tại sao không được cá cược bóng đá trong nước; vào casino có cần xác minh nhân thân.
Chính phủ vừa có tờ trình cho nghị định về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế (nghị định về cá cược) và nghị định hoạt động kinh doanh casino (nghị định về casino). Đây được xem là bước tiến mới nhằm quản lý hoạt động cá cược đang ngầm diễn ra. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng trong các nghị định có nhiều nội dung chưa trúng mục tiêu.
Xem lại mức sàn, mức trần
TS Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp - Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhìn nhận việc 2 nghị định nói trên được ban hành sẽ nhằm hướng tới quản lý được tình trạng người dân lén lút cá cược qua mạng nước ngoài hay qua biên giới đánh bạc, đồng thời tăng được nguồn thu. Theo ông Thảo, nếu chủ quan đưa ra mức tối thiểu và mức trần (nghị định về cá cược quy định mức tối thiểu 10.000 đồng/lần chơi và tối đa 1 triệu đồng/ngày) thì e rằng khó đạt mục tiêu quản lý được tình trạng đánh bạc lén lút. "Cần có điều tra đầy đủ hơn để đưa ra mức trần hợp lý" - ông Thảo kiến nghị.
Trường đua Phú Thọ (TP HCM) từng là nơi tổ chức đua ngựa có cá cược. Ảnh: TẤN THẠNH
Tán đồng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ông Nguyễn Sỹ Cương, cho rằng với mức trần chỉ tối đa 1 triệu đồng/ngày hay mỗi lần chơi tối thiểu 10.000 đồng sẽ không đạt được mục đích quản lý. Ông nói: "Cơ quan soạn thảo cần tính toán để nâng mức trần đặt cược trong ngày để đánh trúng nhu cầu. Tuy nhiên, trước mắt nên nghiên cứu để có mức trần hợp lý mà không thể quá cao hoặc không có giới hạn làm nảy sinh hệ lụy khác".
Cá cược bóng đá nội, tại sao không?
Ông Nguyễn Sỹ Cương băn khoăn và bày tỏ không ủng hộ việc dự thảo nghị định về cá cược mới dừng lại ở 3 môn là đua chó, đua ngựa và bóng đá quốc tế. Ông Cương lý giải: Bóng đá hay bất cứ môn thể thao nào mà người dân muốn cá cược thì đều có thể thực hiện. Tại sao cho cá cược bóng đá quốc tế mà cấm cá cược bóng đá trong nước?
Theo đại tá Hồ Sỹ Tiến, Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (C45) - Bộ Công an, nhiều đường dây cá cược bóng đá bất hợp pháp không chỉ tổ chức với các trận đấu quốc tế mà ngay cả những trận đấu của giải chuyên nghiệp. Phó Chủ tịch VFF Phạm Ngọc Viễn cũng cho rằng hợp pháp hóa việc cá cược với giải quốc nội sẽ hạn chế nạn cá độ và móc ngoặc làm ảnh hưởng đến giải.
Theo người đồng nhiệm của ông Viễn ở VFF - ông Lê Hùng Dũng - nên mạnh dạn thử nghiệm cá cược bóng đá với giải trong nước. Nguồn thu ngân sách thất thoát không nhỏ vì các hoạt động cá cược bất hợp pháp đã và đang diễn ra đối với các giải trong nước. "Được phép cá cược bóng đá trong nước, khán giả sẽ tới sân đông hơn, các đội bóng đua tranh quyết liệt hơn bởi phần thưởng sẽ lớn hơn nhờ tiền bản quyền truyền hình, tiền tài trợ giải..." - ông Phạm Ngọc Viễn lạc quan.
Tuy nhiên, theo đại tá Hồ Sỹ Tiến, việc quản lý cá độ bóng đá nội là không dễ và cần có cơ chế phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, nhất là khi sân chơi chuyên nghiệp còn đang ở giai đoạn non trẻ. Đồng tình, ông Phạm Ngọc Viễn cho rằng việc cá cược với bóng đá trong nước sẽ không còn quá nhạy cảm nếu có biện pháp quản lý chặt.
Chẳng hạn, những người trực tiếp liên quan đến giải đấu như người của VFF, Ban Tổ chức giải, cầu thủ, những người làm việc ở các đội bóng không được phép tham gia cá cược. Bàn về vấn đề trên, ông Nguyễn Sỹ Cương khẳng định giải nào cũng vậy, vấn đề là kiểm soát các đội bóng, cầu thủ, ông bầu bằng các biện pháp, chế tài khác...
Kiểm soát dòng tiền thay vì nhân thân
Nghị định về casino đề xuất thí điểm cho phép người Việt Nam vào chơi tại casino ở Đặc khu kinh tế Vân Đồn (Quảng Ninh). Ông Nguyễn Sỹ Cương cho rằng đó là điều cần thiết để rút kinh nghiệm rồi điều chỉnh chính sách. "Sau này, có thể mở rộng đối tượng được vào casino vì người dân có tiền, có nhu cầu thì cứ cho họ chơi. Vấn đề là họ phải tuân thủ luật pháp và quy định của sòng bạc. Đừng tìm cách hạn chế như vừa qua trong khi vẫn có người trong nước chơi lậu ở một số casino trong nước" - ông Cương nói.
Việc xác nhận nhân thân trước khi vào chơi theo ông Cương là phức tạp và không khả thi nếu chưa kiểm soát được thu nhập, nguồn gốc số tiền. TS Đinh Xuân Thảo nói thêm: "Nghị định về casino mà thiếu vai trò ngân hàng là không ổn. Vì tiền thắng cá cược là tiền hợp pháp, tiền "sạch" do vậy phải kiểm soát đầu vào".
Ngựa chờ tung vó
Trước thông tin sẽ cho phép cá cược đua ngựa, đua chó..., ông Nguyễn Ngọc Mỹ, Giám đốc trường đua chó Vũng Tàu, trải lòng: "Chúng tôi đã chờ đợi ngày này suốt 13 năm qua kể từ khi Công ty Dịch vụ thể thao và Thi đấu giải trí (SES) được cấp phép cho tổ chức đua chó tại Vũng Tàu vào năm 2000. Sau đó, chúng tôi được phép làm thêm môn đua ngựa tại CLB Phú Thọ (TP HCM). Tuy nhiên, hết hợp đồng 7 năm vào năm 2011, chúng tôi vẫn phải mỏi mòn trông chờ nhà nước cho phép hợp pháp hóa hoạt động đua ngựa, đua chó".
Thực tế, chỉ riêng hoạt động đua ngựa trong 7 năm tại TP HCM, doanh nghiệp của ông Mỹ đã đóng góp cho ngân sách nhà nước khoảng 150 tỉ đồng. Khoản thu này hoàn toàn hợp pháp từ cách làm khoa học, có đăng ký với ngành thuế địa phương như tổng doanh thu sau khi trừ 35% chi phí sẽ được dùng để chi trả tiền thưởng cho những người thắng cược.
Ông Mỹ cho rằng việc hợp pháp hóa cá cược không chỉ tạo hành lang pháp lý, giúp ổn định hoạt động cá cược ở Việt Nam, giảm thiểu tác động xấu đến an ninh trật tự xã hội mà còn tạo nguồn thu rất lớn do ngăn chặn được việc chảy máu ngoại tệ từ cá cược bất hợp pháp. Ngoài ra, một phần nguồn thu nếu được tái đầu tư vào thể thao thì nền thể thao nước nhà sẽ có thêm điều kiện để phát triển. Với thành công từ trường đua chó ở Vũng Tàu, lại có sự mở đường từ các nghị định kinh doanh đặt cược đua chó, đua ngựa, ông Mỹ đang chuẩn bị mở thêm một trường đua chó ở Nghệ An cũng như xây dựng cơ sở hạ tầng để đưa vào hoạt động trường đua ngựa ở Madagui (Lâm Đồng) vào giữa tháng 4/2014. Đây cũng chính là địa điểm ông Mỹ đã đăng ký với Ủy ban Olympic quốc gia nhận đăng cai môn đua ngựa băng đồng, đánh polo... tại ASIAD 2019 sắp tới. Đ.Tùng
Theo Thế Dũng - Mạnh Duy (Người lao động)
Hợp pháp hóa cá cược Ba hoạt động sẽ được cho phép cá cược là đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế. Mức đặt cược tối đa cho mỗi người chơi trong 1 ngày là 1 triệu đồng Ngày 14/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) đã nghe và cho ý kiến dự thảo Nghị định về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó...