Ca Covid-19 tăng kỷ lục ở Trung Quốc, dân được phép tự xét nghiệm
Hôm 13.3, giới chức y tế Trung Quốc ghi nhận gần 3.200 ca Covid-19 trong vòng 24 giờ, kỷ lục cao nhất theo ngày trong 2 năm qua, dẫn đến phong tỏa một số thành phố và đóng cửa trường học ở Thượng Hải.
Người dân xếp hàng xét nghiệm trong đêm 11.3 ở thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm. Ảnh AFP
Tính đến thời điểm hiện tại, gần 19 tỉnh của Trung Quốc đang đối phó các ổ dịch do biến thể Omicron và Delta.
Thành phố Cát Lâm thuộc tỉnh cùng tên đã bị phong tỏa một phần, gây ảnh hưởng hàng trăm khu vực thuộc thành phố. Bên cạnh đó, thành phố Diên Cát (700.000 dân) giáp CHDCND Triều Tiên bị phong tỏa hoàn toàn, theo AFP dẫn lời giới chức địa phương.
Trung Quốc, nơi ghi nhận ca Covid-19 đầu tiên trên toàn thế giới tại Vũ Hán cuối năm 2019, đến nay vẫn duy trì chính sách “zero-Covid”, tức áp dụng những biện pháp nghiêm ngặt nhằm quét sạch ca nhiễm trong cộng đồng.
Tuy nhiên, các đợt bùng dịch mới nhất đến từ Omicron, biến thể có khả năng lây lan mạnh hơn các biến thể trước đó, đang mang đến thách thức cho Trung Quốc nếu muốn tiếp tục chính sách trên.
AFP dẫn lời ông Zhang Yan, một quan chức thuộc Ủy ban Y tế tỉnh Cát Lâm, hôm 13.3 thừa nhận thiếu sót trong cách ứng phó dịch Covid-19 của tỉnh này.
Video đang HOT
Kể từ khi xuất hiện ổ dịch đầu tiên trong tuần qua, người dân thành phố Cát Lâm đã trải qua 6 đợt xét nghiệm. Đến ngày 13.3, nơi này ghi nhận hơn 500 ca Omicron.
Thành phố Trường Xuân kế bên với hơn 9 triệu người đã bị phong tỏa từ ngày 11.3. Còn thành phố Tứ Bình, Đôn Hóa cũng thuộc tỉnh Cát Lâm cũng bị phong tỏa lần lượt vào ngày 10.3 và 11.3.
Ở thành phố lớn nhất Trung Quốc là Thượng Hải, giới chức tại đây quyết định phong tỏa tạm thời các trường học, cơ sở kinh doanh, nhà hàng và các trung tâm thương mại có ca tiếp xúc gần người bệnh thay vì áp lệnh phong tỏa toàn thành phố.
Trong bối cảnh dịch bệnh gia tăng, Ủy ban Y tế Quốc gia của Trung Quốc ngày 11.3 cho biết sẽ cho phép người dân xét nghiệm nhanh tại nhà. Các bộ kit xét nghiệm nhanh kháng nguyên được bán trực tuyến hoặc tại các tiệm thuốc, tạo điều kiện cho người dân tự xét nghiệm.
Thái Lan lo sầu riêng bị ùn ứ vì chính sách chống Covid-19 của Trung Quốc
Thái Lan lo ngại chính sách chống Covid-19 nghiêm ngặt của Trung Quốc có thể tác động tiêu cực đến xuất khẩu sầu riêng của nước này trong mùa vụ 2022.
Thái Lan chuẩn bị xuất khẩu hàng trăm nghìn tấn sầu riêng sang Trung Quốc vào năm 2022. (Ảnh: iStock).
Theo CNA, sầu riêng đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế Thái Lan vì loại trái cây này rất được yêu thích tại thị trường xuất khẩu chủ lực: Trung Quốc.
Năm 2021, Thái Lan xuất khẩu hơn 875.000 tấn sang Trung Quốc, tạo ra ít nhất 3,4 tỷ USD, theo thống kê của Bộ Nông nghiệp. Năm nay, nước này đặt mục tiêu xuất khẩu nhiều sầu riêng hơn nữa vì dự kiến thu hoạch lớn hơn.
Tuy nhiên, chính sách chống Covid-19 nghiêm ngặt của Trung Quốc có thể tác động tiêu cực đến xuất khẩu sầu riêng của Thái Lan trong mùa tới.
Chiến lược phòng dịch nghiêm ngặt của Trung Quốc đã gây ra tình trạng tắc nghẽn giao thông tại các cửa khẩu biên giới khác nhau, nơi hàng nghìn xe tải chở thực phẩm từ Đông Nam Á phải chờ xét nghiệm.
Nhiều người trong ngành ở Thái Lan cho biết, trong trường hợp bị phát hiện có virus, hàng hóa sẽ bị tiêu hủy hoặc sẽ phải đóng biên vài ngày, thậm chí vài tuần. Nhiều nông dân ở Thái Lan đã bị ảnh hưởng, đặc biệt là trong mùa vụ năm ngoái.
Ông Chonlatee Numnoo, Giám đốc Văn phòng Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp tại Vùng 6, cho biết: "Thiệt hại là rất lớn, với hàng chục nghìn tấn trái cây đã bị hư hỏng".
Vùng 6 là nơi tập trung các nhà sản xuất sầu riêng lớn nhất Thái Lan, bao gồm các tỉnh phía đông Chanthaburi, Rayong và Trat. Theo ông Chonlatee, sản lượng sầu riêng ở khu vực phía đông dự kiến đạt 740.000 tấn trong năm nay, chưa kể 210.000 tấn măng cụt, một mặt hàng xuất khẩu quan trọng khác sang Trung Quốc.
"Rất khó để chúng tôi kiểm soát vì virus có thể bị phát hiện bằng cách kiểm tra ngẫu nhiên. Hơn nữa, với tình hình Covid-19 hiện tại, biến chủng Omicron dễ dàng phát tán và lây lan. Vì vậy, chúng tôi khá lo ngại", ông nói với hãng tin CNA.
Để giảm thiểu rủi ro hàng bị ô nhiễm và ngăn chặn sự chậm trễ không cần thiết, Thái Lan đã và đang thực hiện chiến lược "Không Covid-19" riêng tại các trang trại và nhà đóng gói sầu riêng.
Các biện pháp bao gồm xét nghiệm cho công nhân thường xuyên, yêu cầu sử dụng khẩu trang, găng tay, kiểm tra thân nhiệt, cũng như khử khuẩn sản phẩm, bao bì và phương tiện vận chuyển sản phẩm qua biên giới.
Hàng năm, Thái Lan xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc bằng đường bộ, đường biển và đường hàng không. Với các quy trình Covid-19 nghiêm ngặt dọc theo biên giới hiện nay, chính phủ Thái Lan hy vọng trái cây có thể được xuất khẩu sang Trung Quốc trong năm nay bằng tuyến đường sắt cao tốc mới nối thủ đô Vientiane của Lào và thành phố Côn Minh của Trung Quốc.
Mùa sầu riêng bắt đầu vào khoảng tháng 3 nhưng đạt cao điểm vào khoảng giữa tháng 5 đến giữa tháng 6.
Ông Chonlatee tin rằng, nếu chính phủ Thái Lan có thể sắp xếp để sử dụng tuyến đường sắt nhằm xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc vào thời điểm này, tình trạng ùn ứ tại các cửa khẩu biên giới trên bộ sẽ giảm. Họ cũng sẽ phân phối được nhiều trái cây hơn sang thị trường lớn của Thái Lan.
"Sức chứa của đoàn tàu khá lớn. Một chuyến có thể vận chuyển khoảng 35 container hoặc tối đa 50 container", ông Panusak Saipanich, Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng Thái Lan, cho biết.
"Điều này có thể giải quyết rất nhiều vấn đề trong lĩnh vực xuất khẩu. Nếu thỏa thuận đường sắt thành công, hàng hóa của chúng tôi sẽ không phải mắc kẹt tại các cửa khẩu biên giới trên bộ. Trong trường hợp bị đóng biên, tuyến đường sắt thì có thể chuyển hàng hóa sang tuyến đường sắt", quan chức trên nói.
Hiện Thái Lan chỉ có thể sử dụng tuyến đường sắt cao tốc để xuất khẩu cao su, sắn và hàng hóa liên quan đến quặng chứ chưa bao gồm trái cây. Ông Panusak cho hay: "Chúng tôi đang chờ xem liệu Trung Quốc có chấp thuận kịp thời vụ trái cây này hay không vì vào tháng 5, chúng tôi sẽ có cả sầu riêng và măng cụt".
"Nếu xảy ra bất kỳ sự cố nào tại các cửa khẩu biên giới đất liền sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ và điều này rất đáng lo ngại", ông nói.
Lý do Trung Quốc cấm xét nghiệm nhanh kháng nguyên trong phòng chống COVID-19 Nhiều nước phương Tây đã bắt đầu phân phát bộ xét nghiệm nhanh kháng nguyên (RAT) miễn phí cho người dân. Tuy nhiên, riêng Trung Quốc vẫn bảo lưu quan điểm PCR là tiêu chuẩn vàng trong xét nghiệm tại quốc gia này. Trung Quốc thường kích hoạt xét nghiệm axit nucleic diện rộng mỗi khi xuất hiện một ổ dịch COVID-19 mới....