Cá chép cúng ông Táo: Cá giấy lấn át cá sống
Không như mọi năm, thị trường cá chép cúng ông Táo Tết Quý Tỵ khá trầm lắng. Người dân chuyển sang dùng cá chép giấy, vừa rẻ vừa tiện.
Nếu như mọi năm, cá chép được bày bán ở bất cứ nơi đâu từ góc phố, khu chợ… thì năm nay, ở ngay những khu phố chuyên bán cá cảnh như chợ Bưởi (phố Hoàng Hoa Thám) cũng rất khó để tìm được loại cá này.
Theo những người buôn, cá chép giống năm nay rất khan hiếm hàng do bị chết nhiều trong đợt rét đậm vừa rồi. Mặc dù hiếm nhưng nhu cầu năm nay lại không nhiều, không xảy ra tình trạng “cháy” chợ như mọi năm. Những người buôn cá cho biết giá cá chép sống đều tăng 1,5 đến 2 lần so với năm ngoái. Trung bình một bộ cá chép đỏ gồm ba con, mỗi con chỉ bằng hai ngón tay cũng có giá 30.000 đồng (10.000 đồng/ con).
Loại cá lớn hơn, khoảng trên dưới 100 g/con có giá bán từ 20.000-25.000 đồng/con. Loại trên dưới 200g/con được bán với giá 40.000-50.000 đồng/con. Cũng vì giá cao nên nhiều người không chọn mua cá sống. Anh Hoàng Ngọc Lâm, chuyên buôn cá chép đỏ cho các cửa hàng trên phố Hoàng Hoa Thám trong dịp “ông Công, ông Táo”, cho biết nếu như mọi năm từ 20 tháng chạp anh đã bán được khoảng hai chuyến hàng/ngày (mỗi chuyến khoảng 100 con cá) thì tính đến thời điểm năm nay, mỗi ngày anh chỉ có thể bán được tầm 100 con cá là hết mức.
Cá chép, cá vàng bán tại chợ Gia Ngư với giá từ 30.000-50.000 đồng/con – Ảnh: Việt Dũng
Theo ghi nhận của PV, cá chép đỏ thiếu nguồn cung nên nhiều cửa hàng đã bán những loại chép đen, chép trắng, chép khoang của Nhật… để phục vụ nhu cầu cúng, thả cá ông Táo.
Ngoài cá chép sống, những năm gần đây nhiều người dân chuyển sang dùng cá chép giấy, được bán cùng với bộ hia mũ ông Công ông Táo giấy, vừa tiện lại rất rẻ, không cần phải vừa cúng vừa canh cá nhảy như cúng cá chép đỏ sống như bình thường. Những loại cá giấy này cũng có hình dáng cá chép được bán chung với một bộ ông Công ông Táo hàng mã. Mỗi bộ có đầy đủ cả quần áo, mũ, giày dép… cho một bà hai ông và 3 cá chép được bán tại các chợ có giá bán từ 30.000-50.000 đồng tùy loại to nhỏ. Cá biệt có những bộ đẹp, cầu kỳ có thể lên đến hàng trăm ngàn và chủ yếu dành cho những người sành, có điều kiện.
Năm nay do 23 tháng chạp đúng dịp ngày nghỉ nên nhiều gia đình tranh thủ làm lễ tiễn ông Công ông Táo về chầu trời từ 21-22 tháng chạp.
Video đang HOT
Đến hẹn lại lên, thị trường gà vào dịp tết luôn có sự biến động mạnh. Giá gà được đẩy lên từ giữa tháng chạp. Tính tới thời điểm này, tại các chợ đầu mối, chợ bán lẻ tăng từ hai đến ba lần so với ngày thường. Khảo sát tại các chợ như chợ đầu mối phía nam, chợ Trương Định, chợ Bưởi… cho thấy giá gà ta loại ngon hiện nay khoảng 160.000-180.000 đồng/kg, cá biệt có những nơi giá gà được đẩy lên tới 200.000 đồng/ kg.
Những loại gà như gà mía, gà đồi Yên Thế, gà Bắc Giang, gà Lương Phượng đều ở mức giá từ 140.000 -150.000 đồng/kg. Giá gà tăng mạnh nhưng sức mua vẫn cao. Nhiều tiểu thương cho biết giá gà năm nay cao, nhu cầu lớn do gà nhập lậu không còn tung hoành như mọi năm. Theo tình hình chung, giá gà còn có thể nâng lên hơn nữa trong những ngày cận tết.
Trong khi đó, thịt bò ngon cũng tăng 20.000-30.000 đồng/kg trong khoảng 1 tuần nay lên mức 250.000 đồng/kg. Dự báo trong những ngày sát tết giá thịt bò sẽ còn tiếp tục được đẩy lên. Năm nay cá trắm đen, một loại cá ngon, dai và ngọt thịt, đang được bán lẻ với giá 200.000 đồng/kg.
Theo 24h
Hàng mã "đổi mới công nghệ" vẫn ế
Những mặt hàng mã cao cấp như iphone, ipad, máy giặt, xe máy SH... khó bán hơn năm trước dù "thủ phủ hàng cõi âm" phố Hàng Mã (Hà Nội) vẫn nhộn nhịp.
Hàng cao cấp "ế sưng ế xỉa"
Sáng ngày 22 tháng Chạp, phố Hàng Mã (Hà Nội) - nơi chuyên bán mặt hàng "cõi âm" rực rỡ, lung linh sắc màu. Tại đây, hàng mã phục vụ cho ngày ông Công, ông Táo về trời bày bán bắt mắt, phong phú, đủ chủng loại từ mũ, quần áo, giày dép, cá chép giấy, cá chép nhựa,...
Nơi đây cũng được rỉ tai là đi đầu trong "đổi mới công nghệ" cho người cõi âm. Bằng chứng là các mặt hàng thủ công ipad, iphone, xe máy SH giấy luôn được đổi mới, cập nhật như quan niệm "trần sao âm vậy".
Theo khảo sát của PV, trên tay những khách hàng tại phố Hàng Mã vắng hẳn những món đồ cao cấp, đắt tiền. Chỉ tay lên dàn xe máy đắt tiền treo lủng lẳng trên giá, chủ cửa hàng vàng mã Nguyễn Thị Thu ngán ngẩm: "Cả ngày không bán nổi cái xe nào. Trong khi tầm náy năm ngoái tôi bán được vài chục chiếc".
Ipad giấy không còn là món hàng hot
Gần hết một buổi sáng nhưng chiếc ipad giấy của một cửa hàng phố Hàng Mã vẫn nằm gọn gàng trên giá. Chị Thanh Thúy, nhân viên cửa hàng bán đồ vàng mã than thở: "Năm nay bán hàng chậm hơn hẳn những năm trước. Mọi năm, giờ này chúng tôi còn không có thời gian để ăn cơm. Chưa kể, ai muốn mua hàng cao cấp phải đặt trước mới chuẩn bị kịp".
Tại phố Hàng Mã năm nay, mặt hàng cá chép nhựa cao cấp cũng phong phú về màu sắc, chủng loại. Giá trung bình khoảng 150 đến 200 nghìn đồng/con. Trong vai khách hàng, chúng tôi được chủ cửa hàng Nguyễn Thị Thu nài nỉ mua giúp vì hàng đang ế ẩm.
Thay vì những đồ cao cấp, người dân chủ yếu mua đồ bình dân như mũ, áo, hia, cá chép giấy... Theo bà chủ Nguyễn Thị Thu: "Đây là những vật thiết yếu, bắt buộc để ông Táo lên chầu trời, nên ai cũng phải mua. Còn những thứ như nhà lầu, xe máy, điện thoại... dành cho người có điều kiện "trang bị" thêm".
Anh Xuân Vinh (Long Biên, Hà Nội) đang chọn hàng tại phố Hàng Mã cho biết, năm nay anh chỉ sắm duy nhất bộ đồ cúng ông Táo. Bởi kinh tế khó khăn, nên mọi chi tiêu gia đình đề phải tính toán, giảm những thứ "xa xỉ" không cần thiết. "Năm trước, tôi sắm thêm chiếc xe máy SH khoảng 150 nghìn đồng để các cụ đi báo cáo cho tiện. Năm trước nữa, gia đình tôi sắm căn biệt thự khoảng 350 nghìn đồng... nhưng năm nay bớt được thứ nào hay thứ ấy", anh Vinh nói.
Bà Thu Mai, (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cầm trên tay bộ đồ cúng ông Táo cho biết: "Việc cúng ông Công, ông Táo phụ thuộc vào sự thành tâm của mỗi người. Nếu lạm dụng, đốt quá nhiều vàng mã không chỉ lãng phí mà còn gây phản cảm. Do vậy, tôi chỉ mua đồ bình dân, cần thiết theo đúng tục lệ".
Hàng bình dân giữ giá
Đến hẹn lại lên, dịp 23 tháng Chạp hàng năm, các gia đình Việt Nam đều sắm sửa hài mũ, cá chép để tiễn ông Công, ông Táo về trời. Nhiều gia đình đã rục rịch sắm đồ trước đó cả tuần, bởi sợ sát ngày giá hàng mã tăng cao. Tuy nhiên, trái với dự đoán, vàng mã năm nay giữ giá, không có tăng đột biến.
Theo chủ cửa hàng Thanh Thúy (Hàng Mã, Hà Nội), với những mặt hàng cao cấp như nhà lầu, xe máy... giá cả tùy thuộc vào từng món hàng cụ thể. Có món hàng lên đến tiền triệu. Những đồ bình dân, giá cả chỉ ngang bằng năm ngoái. Một bộ đồ lễ cúng ông Công, ông Táo gồm có: 3 chiếc mũ, 3 con cá chép giấy, 3 đôi hài, 3 bộ áo, loại to đẹp có giá từ 100 - 130 nghìn nghìn đồng/bộ; nếu lấy luôn bộ cúng ông táo kèm theo bộ cúng cho đêm giao thừa, giá 200 nghìn đồng/bộ. Loại vừa, nhỏ có giá khoảng 60.000 đồng/ bộ. Chị Thúy cho rằng, mức giá này ngang bằng với năm ngoái.
Chú cá chép giá 200 nghìn đồng
Chủ cửa hàng Thu Hương (Hàng Mã, Hà Nội) cho hay, năm ngoài một bộ đồ bình dân cũng ông Táo giá 50 nghìn đồng, năm nay là 60 nghìn đồng. Tuy đắt hơn chút ít, nhưng rõ ràng mẫu mã đẹp và bắt mắt hơn. Chị Hương nói:"Mặc dù đồ cúng, khách hàng không mặc cả, nhưng chúng tôi không thể tùy tiện nâng giá vì sợ mất khách".
Khảo sát của PV tại chợ các huyện ngoại thành, giá đồ hàng mã thấp hơn nhiều so với nội thành. Một bộ đồ cúng ông Táo ở các chợ huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn... giá chỉ từ 25 nghìn đến 30 nghìn đồng/bộ. Trong khi đó, ở phố Hàng Mã có giá 60 - 65 nghìn đồng/bộ.
Đặc biệt, giá cá chép đỏ đang bơi cúng ông Công, ông Táo tại các chợ nội và ngoại thành cũng chỉ ngang bằng năm trước, từ 8 đến 10 nghìn đồng/chú cá.
Theo quan niệm truyền thống của người Việt, ngày tết ông Công, ông Táo là một trong những ngày Tết quan trọng nhất trong năm. Theo tín ngưỡng cổ truyền, ngày 23 tháng Chạp Âm lịch hàng năm, Táo quân cưỡi cá chép vàng về trời báo cáo với Ngọc Hoàng về việc bếp núc, làm ăn của gia đình dưới hạ giới trong năm qua.
Lễ vật cúng Táo quân gồm có ba bộ mã, hai bộ tượng trưng cho Táo ông và một bộ tượng trưng cho Táo bà. Những đồ "vàng mã" sẽ được đốt đi sau lễ cúng ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp cùng với bài vị cũ. Sau đó người ta lập bài vị mới cho ông Táo. Trong ngày cúng ông Táo, người dân còn chuẩn bị 3 con cá chép sống, thả trong chậu nước, cúng cùng các đồ lễ khác. Sau khi cúng xong sẽ đem thả ở sông, ao, hồ, nghĩa là "phóng sinh" để đưa ông Táo về trời. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, nét đẹp của Tết ông Công, ông Táo chính là tục phóng sinh.
Theo 24h
Làng vàng mã tất bật ngày "tiễn ông Táo" Thị trường phục vụ Táo quân năm nay xuất hiện mũ Quỷ Vương và mũ Thần Linh được nhiều người lựa chọn. Mỗi năm, khi không khí Tết tràn ngập trên mọi nẻo đường cũng là lúc làng Phúc Am, Duyên Trường (Thường Tín, Hà Nội) nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Các hộ sản xuất tại đây đang tất bật công đoạn...