Cả 175 Uỷ viên Trung ương tán thành giới thiệu Tổng Bí thư để bầu Chủ tịch nước
Chủ trì họp báo thông tin về kết quả hội nghị TƯ 8 chiều nay, 6/10, Phó Chánh Văn phòng TƯ Đảng Lê Quang Vĩnh cho biết, cả 175 uỷ viên chính thức Ban chấp hành TƯ Đảng dự hội nghị thống nhất giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước. Chỉ một uỷ viên TƯ vắng mặt tại hội nghị lần này là ông Đinh Thế Huynh.
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Bùi Trường Giang thông tin tại buổi họp báo
Mở đầu họp báo, thông tin về kết quả hội nghị TƯ 8, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ Bùi Trường Giang cho biết, kết thúc hội nghị, TƯ đã thông qua các nghị quyết quan trọng như Nghị quyết về phát triển kinh tế xã hội, Nghị quyết về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn 2045, Nghị quyết về quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, Đảng viên, trước hết là uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban chấp hành TƯ Đảng.
Hội nghị cũng thống nhất thành lập 5 tiểu ban để chuẩn bị cho Đại hội lần thứ 13 của Đảng. Cụ thể, đó là Tiểu ban văn kiện do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm trưởng tiểu ban; Tiểu ban Kinh tế – Xã hội do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phuc làm Trưởng tiểu ban, Tiểu ban Điều lệ Đảng do Trưởng Ban Tổ chức TƯ Phạm Minh Chính làm Trưởng tiểu ban, Tiểu ban nhân sự do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng tiểu ban, Tiểu ban Phục vụ đại hội do Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng làm Trưởng tiểu ban.
TƯ cũng thống nhất rất cao giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước vào kỳ họp Quốc hội thứ 6 tới.
Cũng về công tác nhân sự, TƯ quyết định thi hành bằng hình thức kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng với ông Trần Văn Minh – nguyên UỶ viên TƯ Đảng, nguyên Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng; ông Nguyễn Bắc Son – nguyên uỷ viên TƯ Đảng, nguyên Bí thi Ban cán sự Đảng bộ Thông tin – truyền thông nhiệm kỳ 2011-2016, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông thời kỳ này.
Ngoài ra, công tác quan trọng khác, Ban chấp hành TƯ đã giải quyết và vào cáo công tác tài chính Đảng năm 2017.
Video đang HOT
Phó Chánh Văn phòng TƯ Đảng Lê Quang Vĩnh
Trao đổi thêm xung quanh những câu hỏi đặt ra về việc TƯ giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch nước, Phó Chánh Văn phòng TƯ Đảng Lê Quang Vĩnh cho biết, việc biểu quyết trong Ban chấp hành TƯ về nội dung này chỉ thực hiện với các Uỷ viên chính thức Ban chấp hành TƯ, các Uỷ viên dự khuyết không có quyền tham gia việc này. Kết quả, 100% các Uỷ viên tham dự hội nghị, tức 175/175 Uỷ viên chính thức của Ban chấp hành TƯ khoá XII đã thống nhất giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu đồng thời làm Chủ tịch nước.
Ông Vĩnh thông tin, ông Đinh Thế Huynh – Uỷ viên Bộ Chính trị là Uỷ viên Trưng ương Đảng duy nhất vắng mặt tại hội nghị lần thứ 8 này do đang phải điều trị bệnh.
Về công tác chuẩn bị để tới đây, hoạt động của Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước, nếu được Quốc hội bầu, đạt hiệu quả cao, ông Lê Quang Vĩnh phân tích, việc tổ chức bộ máy giúp việc tới đây phải đảm bảo phù hợp với việc vận hành bộ máy của cả Đảng và cơ quan Chủ tịch nước.
“Việc này đã có tiền lệ trong lịch sử Việt Nam, thực hiện qua hàng chục năm Bác Hồ là Chủ tịch Đảng đồng thời là Chủ tịch nước. Vậy nên việc phối hợp công tác giữa Văn phòng TƯ Đảng và Văn phòng Chủ tịch nước sẽ không có gì đáng ngại” – Phó Chánh Văn phòng TƯ Đảng quả quyết.
Ông Vĩnh cũng nhấn mạnh, lâu nay, 4 văn phòng phục vụ (Văn phòng TƯ Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ) vẫn có quy chế phối hợp rất chặt chẽ để đảm bảo công việc phục vụ cho các lãnh đạo. Theo đó, việc vận hành của 2 Văn phòng TƯ Đảng và Văn phòng Chủ tịch nước khi Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước còn thuận lợi cho công việc chung.
Ông Vĩnh nhấn mạnh, TƯ không đặt vấn đề nhập 2 văn phòng vì thời Bác Hồ làm việc vẫn có 2 cơ quan giúp việc tồn tại riêng biệt trong hàng chục năm.
Văn phòng Ban chấp hành TƯ Đảng thì có nhiệm vụ giúp việc Ban chấp hành TƯ, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong công tác tham mưu cho Ban chấp hành TƯ. Văn phòng TƯ Đảng phục vụ trực tiếp hoạt động của Bộ Chính trị, Ban Bí thư mà cụ thể là phục vụ Tổng Bí thư, Thường trực Ban Bí thư. Tổng Bí thư cũng có Văn phòng riêng gồm các thư ký và trợ lý.
Trong khi đó, Văn phòng Chủ tịch nước cũng là cơ quan độc lập để giúp việc Chủ tịch nước (1 chế định, tức 1 pháp nhân đồng thời cũng là 1 thể nhân) cũng như giúp việc Phó Chủ tịch nước. Vậy nên việc sát nhập Văn phòng TƯ Đảng với Văn phòng Chủ tịch nước là không đúng, không nên đặt ra.
Trả lời thêm câu hỏi, việc Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước có được tiếp tục duy trì trong các nhiệm kỳ tới hay chỉ áp dụng cho nhiệm kỳ này, trong bối cảnh Chủ tịch nước đương nhiệm qua đời, Phó Chánh Văn phòng TƯ Đảng Lê Quang Vĩnh phân tích các nguyên lý cơ bản.
Trước hết, theo ông Vĩnh, việc người đứng đầu Đảng cầm quyền thường đồng thời là nguyên thủ quốc gia hoặc người đứng đầu Chính phủ hoặc cả 2 không lạ. Đây là tập quán chính trị và thông lệ quốc tế được nhiều nước đang áp dụng chứ không chỉ Việt Nam. Vậy nên việc Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước cũng là việc tự nhiên, hợp ý Đảng lòng dân.
“Thực tế ở Việt Nam, thời Bác Hồ mấy chục năm cũng đã áp dụng thông lệ này, Bác là Chủ tịch Đảng đồng thời là Chủ tịch nước. Khi Bác Hồ “ra đi”, do điều kiện chính trị, lịch sử cụ thể chưa cho phép việc này tiêp tục” – ông Vĩnh giải thích.
Theo P.Thảo
Dân trí
Hội nghị Trung ương 8 sẽ quyết định nhiều nội dung quan trọng
Theo dự kiến, sáng nay (2.10), tại Hà Nội sẽ diễn ra Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8 khóa XII. Hội nghị lần này sẽ quyết định nhiều nội dung quan trọng.
Hội nghị Trung ương 8 khóa XII dự kiến diễn ra 5 ngày (ảnh TTXVN).
Theo thông lệ tại phiên khai mạc Hội nghị Trung ương, Tổng Bí thư sẽ có bài phát biểu quan trọng.
Trước đó vào ngày 28.9, lần đầu tiên Văn phòng Trung ương Đảng và Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp tổ chức họp báo cung cấp một số thông tin của Hội nghị Trung ương 8.
Tại cuộc họp báo này, ông Bùi Trường Giang, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, Hội nghị Trung ương 8 khóa XII sẽ diễn ra trong 5 ngày, từ ngày 2.10 đến 6.10.2018 (dự kiến khai mạc ngày 2.10, và bế mạc vào ngày 6.10).
Hội nghị Trung ương sẽ thảo luận và kết luận về Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019; Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa X về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020; Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Thành lập các tiểu ban chuẩn bị Đại hội 13 của Đảng; Công tác nhân sự và một số nội dung quan trọng khác.
Tổng số đại biểu tham dự Hội nghị Trung ương 8 là 223 đại biểu.
Liên quan đến vấn đề xử lý kỷ luật cán bộ sai phạm, trước khi Hội nghị Trung ương 8 diễn ra, tại phiên họp ngày 12.7, Bộ Chính trị đã xem xét về vi phạm của ông Nguyễn Bắc Son, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông trong thương vụ Mobifone mua AVG. Sau khi xem xét Bộ Chính trị đã đề nghị Ban chấp hành Trung ương kỷ luật nghiêm minh đối với ông Nguyễn Bắc Son. Còn một trường hợp khác là ông Trần Văn Minh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng (đã bị đình chỉ sinh hoạt Đảng), bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương (kỳ họp thứ 29 diễn ra từ ngày 10 12.9) đề nghị Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương xem xét, thi hành kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng.
Liên quan đến vấn đề dư luận quan tâm, tại buổi họp báo ngày 28.9, báo chí đã đặt câu hỏi Hội nghị Trung ương 8 có xem xét giới thiệu nhân sự Chủ tịch nước sau khi ông Trần Đại Quang từ trần, ông Lê Quang Vĩnh, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng cho hay, việc Trung ương có xem xét quyết định việc giới thiệu nhân sự Chủ tịch nước trong Hội nghị này hay không còn tùy thuộc vào quá trình chuẩn bị của các cấp có thẩm quyền theo quy định của Đảng và Nhà nước.
"Việc giới thiệu nhân sự Chủ tịch nước để Quốc hội bầu là việc hết sức hệ trọng của Quốc gia và của Đảng. Cho nên, cần phải chuẩn bị hết sức chu đáo, hết sức kỹ lưỡng theo đúng quy định của Đảng và Nhà nước", ông Vĩnh nhấn mạnh.
Theo ông Lê Quang Vĩnh, sau khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã giữ Quyền Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Sự phân công này trên cơ sở các quy định của Hiến pháp và quy định của Đảng. Quyền hạn, trách nhiệm của Chủ tịch nước vẫn được thực thi đầy đủ và liên tục.
Theo Danviet
'Nhân sự Chủ tịch nước sẽ được chuẩn bị kỹ lưỡng theo quy định' Lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng nói cấp có thẩm quyền sẽ xem xét về nhân sự Chủ tịch nước, nhưng hiện chưa có thời gian cụ thể. Sáng 28/9, Ban Tuyên giáo Trung ương họp báo thông tin về Hội nghị Trung ương 8, khoá XII. Trả lời câu hỏi liên quan đến phương án nhân sự Chủ tịch nước sau...