Buýt sông, mua vui chỉ được vài trống canh!?
Dù đang khá đắt khách nhưng xem ra, buýt đường sông nếu không thay đổi, sẽ dễ thành tàu du lịch với lượng khách “hên – xui”, chứ không phải là loại hình vận tải hành khách công cộng giúp “chia lửa” cho đường bộ như mục đích của dự án đề ra. Vậy nên chọn cách nào để phát triển buýt sông?
Tuy không kín khách như hai ngày cuối tuần nhưng sáng 11.12, trên tuyến buýt đường sông số 1 Bạch Đằng – Linh Đông (khai thác ngày 25.11, với giá vé 15.000 đồng/người/lượt) cũng gần như kín chỗ khi rời bến Bạch Đằng Q.1, TP.HCM. Buýt số 1 có 72 ghế trong khoang, trên tàu còn một băng ghế phía sau nhằm tạo không gian rộng, thoáng đãng cho hành khách ngắm cảnh, hóng gió, có tivi và nước uống. Đặc biệt, hành khách đi theo từng nhóm gia đình, bạn bè nói cười vui vẻ suốt tuyến.
Buýt đường sông để phát triển cần đấu nối tốt với buýt bộ như một hệ thống đa dạng.
“Ngắm sông nước cho vui ấy mà”
Huỳnh Thị Thuỳ, 47 tuổi, ngụ đường Lê Thánh Tôn, P. Bến Nghé, Q.1 kể lại: thấy cả xóm ai cũng bàn tán về buýt đường sông nên tôi đi cho biết. “Hôm qua, dẫn mẹ và hai con gái ra mua vé buýt đường sông nhằm mục địch tham quan, ngắm cảnh sông Sài Gòn nhưng hết vé, nên sáng đầu tuần đi cho biết. Đúng là lâu lắm ngắm cảnh sông nước cũng thích. Chứ hỏi có đi thêm nhiều lần nữa không, tôi thấy khó”, chị Thuỳ, chia sẻ.
Theo chị Thuỳ, từ Bạch Đằng đến Linh Đông – Thủ Đức mất 45 phút; đi, về 90 phút nên chị thấy hơi mệt có vẻ như say sóng. Chưa kể, hành khách khi muốn quay ngược lộ trình trở về lại bến xuất phát phải đợi gần ba tiếng. Việc này khiến không ít người thấy bất tiện, trong khi tại bến Linh Đông cũng rất ít các dịch vụ để hành khách giải trí trong lúc chờ tàu buýt quay về. Do đó, nhiều người chọn phương án đón taxi hoặc xe ôm để về Q.1. “Đặc biệt, buýt sông không “thuận” với những người chưa từng biết đến sóng và nước đâu”, chị Thuỳ khuyến cáo.
Video đang HOT
Không đi ngắm cảnh như chị Thuỳ, sáng 11.12, kết thúc chuyến thử đi làm bằng phương tiện buýt sông từ Bình Thạnh lên Thủ Đức, anh Nguyễn Văn Bình đã kết luận: khó mà sử dụng để đi làm. Theo anh Bình, nếu sử dụng buýt bộ đi từ Bình Thạnh đến bến Bạch Đằng tương đối dễ, thì ở tuyến cuối việc sử dụng buýt bộ đến cơ quan là một cực hình, bởi trạm xe buýt khá xa và vô cùng bất tiện. “Nói tóm lại, tôi đi thử cho biết thôi chứ xác định là không đi làm bằng buýt sông được, dù rất thích cảnh không khí trong lành trên sông Sài Gòn”, anh Bình nói.
Cứ vậy sẽ chóng tàn
Ngoài những lý do trên, chị Hoài Thu nhà ở quận 4, làm việc ở Thủ Đức cho hay, chị sẽ không chọn buýt sông làm phương tiện đi lại, vì số lượng tàu còn quá ít, phải chờ đợi lâu. Trong khi đó, việc kết nối giữa tuyến buýt này với hệ thống buýt bộ lại hạn chế, hiện chỉ có bến Bạch Đằng là thuận lợi.
Ngoài phải chờ lâu, phương tiện buýt bộ kết nối còn hạn chế, chuyện đi làm bằng buýt sông còn rất tốn kém. Nếu sử dụng buýt sông đi làm một tuần sáu lượt đi về – chị Thu làm công chức một phường ở Thủ Đức – sẽ phải tiêu tốn 180.000 đồng/tuần. Đi buýt bộ chỉ tốn từ 112.500 – 135.000 đồng/tập 30 vé. “Các tàu của tuyến buýt đường sông rất đẹp, nhưng chỉ phù hợp cho người đi du lịch, tham quan chứ chưa là một tuyến buýt phục vụ cho những người đi lại. Và hậu quả là khi người dân hết tò mò vì đã trải nghiệm xong thì tìm đâu ra lượng khách ổn định cho buýt đường sông duy trì hoạt động”, chị Thu phân tích.
Theo các chuyên gia giao thông, để buýt đường sông đi đúng định hướng ban đầu, ngoài chuyện phải tăng cường đầu tư xây dựng các bến bãi đường thuỷ, kết nối đường thuỷ với đường bộ bằng buýt bộ – hành khách xài xe máy phải có chỗ giữ xe với giá cả phải chăng, nếu chủ đầu tư buýt sông miễn phí càng tốt…, nhất thiết chính quyền TP.HCM phải tính toán đến việc phát triển kèm theo hàng loạt tuyến vận tải hành khách hoặc tuyến du lịch đường thuỷ khách để tạo thành “một vòng đường thuỷ” khép kín.
Trong đó, việc khép kín các tuyến vận tải hành khách và du lịch đường sông không khó, bởi TP.HCM có hơn 1.000km đường thuỷ với 975km đã được quy hoạch và tổ chức quản lý. Một lợi thế lớn là TP.HCM có hai tuyến sông chính Sài Gòn và Đồng Nai chảy qua, đã tạo nên mạng lưới các con sông nhỏ và kênh, rạch chằng chịt. Lợi thế này không chỉ giúp thành phố có một hệ sinh thái đa dạng, mà còn tạo ra nhiều tiềm năng trong phát triển du lịch, cũng như xây dựng hệ thống giao thông thuỷ kết nối với các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu và khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Chưa kể, đã có nhiều tuyến du lịch đường thuỷ được đầu tư phát triển nhiều năm qua tại TP.HCM.
Tuy nhiên, hầu hết các tuyến đường sông trên đến nay vẫn èo uột là do quy hoạch bến bãi đường thuỷ còn quá hạn chế. Vì vậy, để khắc phục điểm nghẽn này, theo các chuyên gia và các công ty khai thác liên quan đến đường thuỷ, TP.HCM phải cải cách nhiều thủ tục hành chính, mạnh dạn cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng bến bãi, mở rộng mạng lưới tuyến cũng như áp dụng mức phí thuê bến bãi mà doanh nghiệp có thể chịu đựng được, do mức phí hiện tại hơi cao. Sau khi khắc phục xong việc thiếu bến bãi, khi TP.HCM đã có chủ trương phát triển giao thông, du lịch đường thuỷ, cần phải có chính sách khuyến khích doanh nghiệp để cùng đầu tư phát triển.
Theo Danviet
TP.HCM: Hạ tầng yếu kém "bóp chết" du lịch đường thủy
Có nhiều tiềm năng phát triển du lịch đường thủy nhưng những năm qua loại hình du lịch này của TP.HCM vẫn ì ạch, các doanh nghiệp còn phải than trời vì cơ sở hạ tầng yếu kém.
Tại buổi tọa đàm "Phát triển đường thủy gắn với sản phẩm du lịch TP.HCM" do Sở GTVT, Sở Du lịch TP.HCM và báo Sài gòn Giải phóng tổ chức chiều nay (28.11), nhiều doanh nghiệp đã nêu các bất cập khiến loại hình du lịch này chưa phát triển được, nhất là từ khi Bến thủy trung tâm (bến Bạch Đằng) bị ngưng hoạt động vào năm 2015.
Bà Liêu Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Hoàng Triều cho biết, công ty bà có 15 ca nô cao tốc phục vụ du lịch đường thủy. Nhưng hoạt động của các ca nô này gặp nhiều khó khăn do hạ tầng phục vụ yếu kém. Bà dẫn chứng các bến bãi ở khu vực trung tâm rất thiếu khi doanh nghiệp của bà chỉ có 3 bến đón khách là Tân Cảng, Cầu Mống và Vườn Kiểng. Trong đó, bến Cầu Mống không có nhà chờ mái che, không có toilet, trong khi phí cao ngất ngưởng. Bà Hạnh cho rằng nếu thành phố đang khuyến khích phát triển du lịch đường thủy thì cần giải quyết vấn đề về hạ tầng để du loại hình du lịch này phát triển.
Ca nô phục vụ khách du lịch trên sông Sài Gòn.
Tương tự ông Nguyễn Hải Linh, chủ tàu du lịch Elisa nêu, khi bến Bạch Đằng đóng cửa các tàu du lịch không có chỗ đón khách. Hoạt động này được dời sang cảng Sài Gòn nhưng các doanh nghiệp chỉ thuê được khoảng 300m. Mới đây đơn vị quản lý cảng này đã có thông báo sẽ lấy lại không cho doanh nghiệp thuê nữa. "Doanh nghiệp làm du lịch đường sông không có ai bảo vệ, nhiều lúc chỉ hô hào cho vui chứ công tác định hướng không có. Tôi nghĩ thành phố cần có những việc hỗ trợ cụ thể, còn doanh nghiệp cũng cần tự chủ động để có hướng đi phù hợp", ông Linh nêu.
Đáng chú ý, ông An Sơn Lâm, Công ty thuyền buồm Đông Dương thông tin, trước đây công ty ông có 7 tàu phục vụ du lịch đường thủy nhưng đã phải bán đi 3 chiếc. Cách đây 2 năm bến Bạch Đằng bị khai tử, các doanh nghiệp chạy qua cảng Sài Gòn thuê. Dịch vụ tại cảng này tốt nhưng mức phí cũng rất cao, chẳng hạn 1kWh điện giá tới 5.700 đồng, 1m3 nước giá 44.000 đồng. Cách đây một năm ông mạnh dạn đầu tư đóng 1 tàu mới hiện đại nhưng lại không thể chạy được do không có bến bãi.
"Lãnh đạo thành phố khuyến khích phát triển du lịch đường sông, tôi tin tưởng và yên tâm về đóng tàu mới nhưng xong không hoạt động được. Cảng Sài Gòn đã đưa ra giấy gần như khai tử cảng này. Tôi đề nghị thành phố cần phải giữ lấy cảng Sài Gòn, không nên chuyển đổi công năng bởi cảng này gắn với lịch sử, phục vụ du lịch tốt", ông Lâm nói.
Một góc bến Vườn Kiểng, hiện chủ yếu phục vụ tuyến buýt đường sông .
Nhiều ý kiến cũng đề nghị mở lại bến Bạch Đằng, đồng thời xây dựng hệ thống bến bãi phục vụ du lịch đường thủy. Thành phố không cần bỏ tiền ra đầu tư mà có thể thông qua mời gọi tư nhân đầu tư, tạo cơ chế khuyến khích doanh nghiệp thực hiện. Bên cạnh đó nhiều ý kiến cũng đề nghị thành phố cần tạo ra các sản phẩm du lịch đường thủy đa dạng, thay vì chỉ đi dạo và phục vụ ăn uống như hiện nay. "Để du lịch đường sông phát triển được cần thay đổi thói quen, cần phải có các bến đỗ, điểm đến, cần có các khu lưu trú và các dịch vụ trên bờ...", một đại biểu nêu.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho hay, thành phố đang phát triển và có thay đổi một số không gian. Trước mắt có thể ảnh hưởng đến hoạt động du lịch đường thủy nhưng về tổng thể không có mâu thuẫn. Đại diện Sở Du lịch cho biết sẽ tham mưu thành phố xác định các địa điểm đầu tư mới hoặc điều chỉnh vị trí các cầu tàu, bến bãi để doanh nghiệp thuận lợi trong khai thác; đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư, xây dựng về hạ tầng, bến bãi...
Riêng bến Bạch Đằng, đại diện Sở GTVT TP.HCM cho biết, bến đang tạm ngưng hoạt động để phục vụ chỉnh trang. Theo kế hoạch, phát triển sản phẩm du lịch đường thủy giai đoạn 2017 - 2020 thành phố sẽ tập trung đầu tư một số tuyến đường thủy với điểm xuất phát là bến Bạch Đằng, bến Cầu Móng và bến cảng Sài Gòn - Khánh Hội đi các khu vực Q.5, 6, 7, 8, Củ Chi, Cần Giờ, Bình Dương, Vũng Tàu. Do đó bến này sẽ sớm được sắp xếp và đưa vào sử dụng lại.
Theo Danviet
Bên trong tàu buýt đường sông đầu tiên ở Sài Gòn Sáng 21/8, tàu buýt đường sông đầu tiên tại TP HCM đã vận hành kỹ thuật sau nhiều tháng chuẩn bị. Tàu dài 18 m, công suất 660 mã lực, được thiết kế màu vàng - trắng, với sức chứa tối đa 80 hành khách. Đây là một trong năm tàu được đóng cho tuyến buýt sông này (gồm bốn tàu hoạt động...