Buýt nhanh chậm hơn… buýt thường
Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố về việc xây dựng phương án thí điểm cho xe buýt thường đi vào làn dành riêng cho buýt nhanh BRT, Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị Hà Nội (Tramoc) đang tổ chức khảo sát, lên phương án để trình cấp trên xem xét. Trong vai hành khách đi xe buýt, phóng viên Báo Lao Động đã tiến hành khảo sát thực tế hai tuyến buýt nhanh và buýt thường với cùng điểm xuất phát tại Kim Mã và điểm cuối là bến xe Yên Nghĩa. Kết quả: Buýt nhanh… chậm hơn buýt thường.
17h46 ngày 10.5, PV Báo Lao Động ngẫu nhiên lên chiếc xe buýt mang BKS 29B-154.93 tại bến xe Kim Mã. Đến 17h49 chiếc xe rời bến. Trên xe lúc này có 34 người.
Điều đáng nói, tại tuyến đường Lê Văn Lương (đoạn từ Trung Văn về đến ngã ba Lê Văn Lương – Trần Phú) dọc đường này phương tiện rất đông.
Do một làn đường riêng dành cho xe buýt nhanh BRT nên hai làn đường còn lại phần lớn là ôtô. Các phương tiện xe máy phải len lỏi giữa dòng xe ôtô, còn lại leo lên vỉa hè để di chuyển.
Nhiều phương tiện đã lấn sang đường xe buýt nhanh khiến chiếc xe liên tục phải bóp còi. Hành trình của tuyến buýt nhanh BRT từ bến xe Kim Mã – bến xe Yên Nghĩa mất 50 phút.
Ngược với chuyến xe buýt nhanh BRT, cũng vào giờ cao điểm, ngày 11.5 chúng tôi đứng tại một điểm chờ xe buýt thường trên đường Tôn Đức Thắng (đây là điểm gần bến xe Kim Mã và chạy gần như song song với tuyến BRT) để lên xe về bến xe Yên Nghĩa (Hà Đông).
Vào 17h9, chúng tôi bước lên chiếc xe buýt số 02 mang BKS 30T-4254 theo lộ trình Bác Cổ – bến xe Yên Nghĩa. Lúc này, trên xe khá đông đúc, theo tính toán khoảng hơn 60 người.
Đi thêm được vài ba điểm đón khách, chiếc xe như bị nêm chặt cứng. Những hành khách trên xe chỉ đứng như tượng, không thể di chuyển được chỗ khác.
Khi chiếc xe đến điểm đón gần đối diện cổng Trường Đại học Công Đoàn, hai cánh cửa vẫn được mở ra.
Theo quan sát, phía dưới điểm chờ rất nhiều người đứng đợi tuy nhiên trên xe không thể “nêm” thêm được nữa nên nhiều người đành phải ngậm ngùi đợi chuyến sau.
Video đang HOT
Càng đi qua điểm chờ gần các trường đại học, cụ thể như: Đại học Thủy Lợi, Đại học Tự Nhiên, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Hà Nội, Đại học Kiến Trúc… thì lượng khách càng đông.
Hầu hết xe đi qua các điểm này thì vẫn mở cửa nhưng chỉ mở cho có. Bởi lẽ, lượng khách trên xe chật cứng và khách ở dưới đành phải từ chối.
Suốt chặng đường dài vào giờ cao điểm từ trong nội thành hướng về ngoại thành, trên chiếc xe buýt thường này luôn chật kín khách. Dù không được ưu tiên đường riêng nhưng chiếc xe này di chuyển khá đều.
Đến 17h50 chiếc xe buýt này đã về tới bến xe Yên Nghĩa. Theo đó, khoảng thời gian từ điểm bến xe buýt nằm trên đường Tôn Đức Thắng (Đống Đa) về bến xe Yên Nghĩa (Hà Đông, Hà Nội) chỉ mất 41 phút.
TS Trần Hữu Minh – Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia – cho rằng xe buýt nhanh ở Hà Nội hoạt động chưa hoàn toàn là BRT do chưa được ưu tiên về đèn tín hiệu qua nút giao; không có giải phân cách cứng; phương tiện cá nhân vẫn lấn làn.
Hạ tầng buýt nhanh ở Hà Nội chưa đạt chuẩn như thế giới, vì vậy tốc độ lưu thông chưa cao, chưa được người dân lựa chọn nhiều.
Về phương án đưa xe buýt thường vào chạy chung trên làn BRT, theo ông Minh, nếu cơ sở hạ tầng, đèn tín hiệu qua nút giao… được cải thiện thì việc đưa xe buýt thường chạy vào là không hợp lý.
Có thể làm ảnh hưởng tốc độ của buýt nhanh, làm cho buýt nhanh trở thành buýt thường, người dân sẽ không mặn mà lưu thông tuyến này.
Cũng theo ông Minh, hiện nay chúng ta cứ gọi là xe buýt nhanh nhưng thực chất loại phương tiện này mới chỉ tương đối, chỉ xứng đáng là xe buýt chất lượng cao.
(Theo Lao Động)
Hà Nội công bố giá mua buýt nhanh: Trên 5 tỷ đồng mỗi xe
Đơn vị quản lý dự án buýt nhanh BRT cho biết, giá mỗi chiếc xe trên 5 tỷ đồng và xe được đặt hàng với nhiều yêu cầu thiết kế riêng.
Ngày 8/3, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội (Ban quản lý) đã có văn bản làm rõ một số thông tin liên quan đến dự án thí điểm xe buýt nhanh BRT, tuyến Kim Mã - Yên Nghĩa.
Ban quản lý dự án cho rằng xe buýt BRT có nhiều tính năng ưu việt và được đặt hàng theo tiêu chuẩn cao. Ảnh: Ngọc Thành.
Ban quản lý dự án cho biết, giá xe buýt BRT do nhà thầu Trường Hải cung cấp là trên 5 tỷ/xe, trong đó giá xe đã bao gồm thuế là 4,91 tỷ/xe, còn lại là chi phí vận hành, đào tạo lái xe và nộp thuế VAT...
Lý giải mức giá này, Ban quản lý cho hay, xe buýt BRT có thiết kế riêng với sàn xe cao và cửa mở bên trái (khác xe buýt thông thường) với sức chứa 90 hành khách, hệ thống đóng mở cửa tự động khi tiếp cận cửa nhà chờ.
Bên cạnh đó, xe buýt BRT được thiết kế với các đặc tính, thông số kỹ thuật cao như: Động cơ Hino của Nhật Bản; hộp số tự động 6 cấp của Đức; chế độ bảo hành kéo dài hơn và xe được thiết kế theo tiêu chuẩn quốc tế...
Ngoài ra, gói thầu đoàn xe còn được bổ sung các hạng mục như hệ thống dây cáp tín hiệu và tủ rack, thiết bị lắp đặt trên xe đảm bảo vận hành, với kinh phí khoảng 17,7 tỷ đồng.
"Hiện toàn bộ gói thầu đoàn xe chưa được quyết toán", Ban quản lý dự án cho hay.
Theo Ban quản lý dự án, gói thầu đoàn xe được tổ chức đấu thầu quốc tế rộng rãi trong năm 2014, theo đúng các quy định của Việt Nam và Ngân hàng Thế giới. Kết quả đấu thầu đã được Sở Giao thông (chủ đầu tư) phê duyệt ngày 20/10/2014 với giá trúng thầu là trên 11,6 triệu USD (bao gồm chi phí vận hành, đào tạo và chuyển giao công nghệ; chi phí kiểm tra xe và thuế); Nhà thầu trúng thầu là Liên danh Openasia Equipment Limited - Volvo Bus.
Tuy nhiên, do việc thương thảo, đàm phán hợp đồng với nhà thầu liên danh này không thành công nên ngày 18/3/2015, Sở Giao thông có văn bản hủy đấu thầu.
Tổng giá trị thực hiện hạng mục BRT của dự án khoảng 35 triệu USD. Ảnh: Giang Huy
Sau khi hủy thầu các đơn vị liên quan đã triển khai đấu thầu lại, kết quả lựa chọn được công bố sau đó với giá trị trúng thầu là 176,29 tỷ đồng (tương đương 7,9 triệu USD). Bên trúng thầu là Liên danh công ty cổ phần Thiên Thành An và Công ty cổ phần ô tô Trường Hải. Thời gian giữa lần đấu thầu thứ nhất và thứ 2 cách nhau khoảng 8 tháng.
Trước đó, một cơ quan báo chí phản ánh "buýt nhanh đội giá", với thông tin về một số gói thầu của dự án này, trong đó cho rằng giá buýt nhanh là trên 5 tỷ/xe đồng, trong khi ôtô 47 chỗ cao cấp nhất hiện nay chỉ khoảng 4,2 tỉ/chiếc...
Dự án đầu tư phát triển giao thông đô thị Hà Nội được phê duyệt từ năm 2007, sử dụng vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới, gồm 3 hợp phần: Xe buýt nhanh (BRT); xây dựng đường vành đai 2; tăng cường thể chế.
Tại quyết định phê duyệt dự án lần đầu, tổng mức đầu tư dự án là 452,42 triệu USD (vốn vay WB là 134,35 triệu USD; Quỹ môi trường toàn cầu (GEF) viện trợ không hoàn lại là 11,15 triệu USD; vốn ngân sách thành phố Hà Nội là 306,92 triệu USD).
Dự án đã được phê duyệt điều chỉnh 3 lần và tổng mức đầu tư tại lần điều chỉnh cuối cùng là 332,599 triệu USD. Riêng về hạng mục BRT, tổng giá trị thực hiện đến thời điểm kết thúc dự án khoảng 35 triệu USD, thấp hơn so với giá trị trong tổng mức đầu tư được duyệt là 53,6 triệu USD.
Ngày 31/12, UBND TP Hà Nội khai trương tuyến buýt nhanh (Bus Rapid Transit - BRT) Kim Mã - Yên Nghĩa, quãng đường khoảng 14,7 km. Dọc tuyến buýt có 21 nhà chờ, 10 cầu vượt cho người đi bộ ra giữa đường đón xe.
Giai đoạn đầu, 24 xe buýt được đưa vào vận hành, trong đó ngày thường 20 xe, chủ nhật 14 xe, 4 xe dự phòng. Ngày thường, xe buýt hoạt động với tần suất từ 5 đến 15 phút/lượt, chủ nhật từ 7 đến 15 phút/lượt. Thời gian xe mở cửa đón khách từ 5h đến 22h.
Giá vé mỗi lượt là 7.000 đồng, sử dụng loại vé như xe buýt thông thường.
Võ Hải
Theo VNE
Cảnh sát được đề nghị xác minh thông tin lái xe biển xanh lấn làn buýt nhanh Uỷ ban an toàn giao thông quốc gia đề nghị công an Hà Nội chỉ đạo Phòng CSGT kiểm tra thông tin lái xe biển xanh lấn làn xe buýt nhanh để có biện pháp xử lý. Cảnh sát từng nhắc nhở nhiều tài xế lấn làn buýt nhanh, tuy nhiên đến thời điểm này chưa trường hợp nào bị xử lý. Ảnh:...