Buông lời phân biệt chủng tộc, dù bạn có là sếp lớn của Netflix cũng bị đuổi thẳng cổ
Netflix đã chứng tỏ động thái cương quyết của mình khi cách chức Jonathan Friedland – người từng là giám đốc truyền thông của hãng này sau khi ông này không chỉ một, mà hai lần sử dụng từ “n-word” với thái độ “không thể chấp nhận được”.
Jonathan Friedland người giữ chức vụ giám đốc truyền thông cho hãng Netflix đã buộc phải khăn gói rời công ty sau những phát ngôn “nhạy cảm”. Cụ thể, ông này đã sử dụng từ “n-word” (một từ có hàm ý phân biệt chủng tộc) trong các cuộc họp. Sự cố đầu tiên xảy ra trong một cuộc họp với nhóm quan hệ công chúng để thảo luận các từ nhạy cảm trong phim; trong khi vụ việc thứ hai là tại một cuộc họp với các nhân viên da màu trong công ty. Một số người sau đó phản ánh điều này lên cấp trên. CEO của Netflix là Reed Hastings đã gửi tới toàn thể công ty một email dài giải thích quyết định đuổi việc Friedland.
Trong bức thư, Hastings nói hành động của Friedland cho thấy “độ nhạy cảm và nhận thức về nạn phân biệt chủng tộc thấp đến mức không thể chấp nhận được, không phù hợp với các giá trị của chúng ta trên tư cách một công ty.”
Friedland đã có 7 năm đóng góp cho Netflix ở bộ phận truyền thông. Tháng 2 năm 2011, ông này gia nhập Netflix với tư cách phó chủ tịch mảng truyền thông toàn cầu, trước khi được đề bạt lên vị trí lãnh đạo cao cấp một năm sau đó. Trong lời xin lỗi chính thức được đưa ra vào thứ sáu vừa qua, cựu giám đốc này cho hay ông đã không đáp ứng được tiêu chuẩn mà lãnh đạo đưa ra khi sử dụng từ ngữ một cách thiếu nhạy cảm. Điều đáng nói là trong khi từ “n-word” được giới trẻ da màu sử dụng khá phổ biến, thì bản thân nó lại mang hàm ý phân biệt chủng tộc nặng nề. Vì tính nhạy cảm của nó mà việc nói ra “n-word” gần như bị coi là hành động miệt thị, xúc phạm.
Có lẽ Friedland sẽ có nhiều thời gian để ngẫm lại hành động “vạ miệng” của mình trước khi tìm lấy sự nghiệp ở nơi khác.
Netflix là hãng dịch vụ truyền hình trực tuyến sừng sỏ trên thế giới với mức tăng trưởng đáng ao ước. Năm 2018 số lượt theo dõi của Netflix đã lên tới 125 triệu người, so với 57 triệu lượt năm 2014. Thành công của hãng này đã đe doạ trực tiếp đến “bát cơm” của các studio điện ảnh truyền thống và cả hệ thống chiếu rạp vốn đã tồn tại hơn một thế kỷ qua. Càng bành trướng đến các lãnh thổ nước ngoài, Netflix càng tỏ ra chú trọng đến sự đa dạng văn hoá và đầu tư vào nội dung sáng tạo bằng các kịch bản gốc.
Video đang HOT
Theo Trí Thức Trẻ
Từng khiến dư luận ầm ĩ, Netflix nay lại thừa nhận sai lầm khi "cạch mặt" Liên hoan phim Cannes
CEO của Netflix đã thừa nhận họ rơi vào tình hình khó xử hơn rất nhiều so với dự liệu khi chọn cách đối đầu không khoan nhượng với một liên hoan phim có tuổi đời như Cannes.
Trong bài phát biểu tại Series Mania, Pháp ngày 3/5 vừa qua, CEO của Netflix Reed Hastings thừa nhận họ không lường trước được những rắc rối leo thang xung quanh cuộc đối đầu giữa dịch vụ truyền hình này với liên hoan phim Cannes.
"Chúng tôi không tìm cách phá hoại hệ thống điện ảnh"
Vị chủ tịch Netflix thẳng thắn cho rằng đây là một sai lầm lớn: "Chúng tôi đã nhiều lần bị mang tiếng là kẻ phá hoại và đôi lúc phạm phải sai lầm. Tôi nghĩ chúng tôi đã vướng vào một tình thế khó xử với liên hoan phim Cannes hơn rất nhiều những gì từng dự liệu. Bạn biết đấy, chúng tôi không tìm cách phá hoại hệ thống điện ảnh, chúng tôi chỉ đang cố gắng khiến khách hàng hài lòng bằng cách cung cấp nội dung cho họ."
Tóm tắt lại câu chuyện nghỉ chơi cạch mặt nhau thì vào năm ngoái, Netflix có đem hai phim là Okja (Siêu Lợn) của đạo diễn Bong Joon-ho và The Meyerowitz Stories (New and Selected) của đạo diễn Noah Baumbach đi tham dự Cannes. Nhằm bảo vệ các khách hàng Netflix tại Pháp, Netflix đã từ chối chiếu hai phim trên tại các rạp nước này vì theo luật, các phim sau khi ra rạp 36 tháng thì mới được chiếu qua dịch vụ truyền hình trực tuyến (streaming).
Hành động trên đã tạo ra một làn sóng giận dữ trong hội đồng giám khảo của Cannes. Sức ép lớn tới mức chủ tịch của liên hoan phim là Thierry Fremaux đã tuyên bố thay đổi luật lệ và cấm cửa các phim của Netflix tham gia tranh tài tại Cannes, kể từ năm 2018 này (dù chiếu bên lề sự kiện thì vẫn cho phép). Sau đó, Netflix cũng đánh tiếng không thèm đem phim tới dự liên hoan phim này luôn nếu phim của họ không được tranh tài giải Cành Cọ Vàng.
Hastings trong bài phát biểu đã nhấn mạnh việc Netflix đang đẩy mạnh xây dựng mảng nội dung chứ không cố gắng trù dập ai cả: "Điều chúng tôi đang làm là tập trung vào mảng truyền hình, phim tài liệu, xây dựng nội dung hấp dẫn mà không làm gián đoạn hoặc bị xem là cản trở cho lĩnh vực điện ảnh.[...] Chúng tôi xem xét các phim của mình như một loạt sản phẩm liên tục được đưa tới người dùng ngay lập tức, đồng thời cố gắng không cạnh tranh với hệ thống rạp chiếu."
Tuy nhiên vị CEO này từ chối kêu gọi Cannes thay đổi luật chơi mà chỉ buông một câu: "Tôi nghĩ điều này còn tùy vào người Pháp muốn sắp xếp ngành công nghiệp điện ảnh của họ ra sao. Cho tới nay thì mô hình này vẫn rất thành công."
Năm 2019, Netflix dự kiến sẽ đầu tư 1,9 tỉ đô chỉ để xây dựng nội dung cho mảng châu Âu. Cuối năm ngoái, hai phim gây được tiếng vang là La Casa de Papel / Phi Vụ Trộm Tiền (của Tây Ban Nha) và The End of the F***ing World / (của Anh) đều là những cái tên đến từ lục địa già. Tuy nhiên dịch vụ này cũng vấp phải thách thức từ luật định của từng quốc gia và nhất là mức thuế khá cao lên tới 20%.
"Thế giới đã trở nên nhỏ hơn"
Về phần Cannes, tương lai của liên hoan phim này cũng liên tiếp bị đặt dấu hỏi khi hết lùm xùm giữa Netflix xảy ra cho tới việc Cannes tỏ ra khắt khe với công nghệ (cấm các sao chụp ảnh "tự sướng" trên thảm đỏ) và cả danh sách khách mời từ đạo diễn tới diễn viên hầu như toàn nam giới trong bối cảnh làn sóng #MeToo, Time's Up đang lên cao.
Từ lâu những liên hoan phim như Cannes đã không còn là sân chơi duy nhất để các nhà làm phim thu hút sự chú ý. Trong khi các nhà làm phim độc lập có thể bứt phá bằng những cách tiết kiệm hơn, thì khoản tiền bỏ ra khoảng vài triệu đô để tham dự Cannes thực sự là khoản phí mà họ suy nghĩ. Nói như đồng chủ tịch của Sony Pictures Classics Tom Bernard thì: "Thế giới đã trở nên nhỏ hơn. Bạn không cần phải tỏ ra ồn ào như ngày xưa nữa. Bạn không cần tổ chức một bữa tiệc hoành tráng chỉ để mọi người chú ý tới mình."
Giờ đây chỉ cần một clip gây bão trên mạng như Twitter hay Youtube là họ có thể nhận được sự quan tâm của cả đống người, thay vì lặn lội tới nước Pháp chi cả đống tiền cho một sự kiện xa xỉ. Trong một thời đại mà màn ảnh bị thống trị bởi các phần hậu truyện, chuyển thể, siêu anh hùng, ý nghĩa tôn vinh các phim độc lập của Cannes càng trở nên xa cách với khán giả đại chúng.
Không chỉ Netflix mà các nhà sản xuất và phân phối phim của Mỹ ngày nay đang dần tỏ ra bớt hứng thú với Cannes. Một số đang rút dần số lượng người tham gia của mình qua mỗi mùa liên hoan phim.
"A Star Is Born" với sự tham gia của Bradley Cooper và Lady Gaga sẽ không tham gia Cannes năm nay.
Hai phim được đánh giá cao năm nay là A Star Is Born của đạo diễn Bradley Cooper và Suspiria do Luca Guadagnino thực hiện đều từ chối lời mời tham gia Cannes. Nhiều người đã chỉ ra nếu muốn tranh tài tại Academy Awards thì không nên tham dự Cannes bởi liên hoan phim này được tổ chức quá sớm so với mùa phim Oscar và ban giám khảo thường tỏ ra khắt khe, điển hình là các nhận xét trái chiều dành cho Carol, Foxcatcher hay Loving. Vì thế các nhà làm phim độc lập thường nhắm tới các liên hoan phim khác như Venice, Telluride hay Toronto, vốn được tổ chức gần mùa bầu chọn Oscar và có ban giám khảo dễ chịu hơn. Chắc chắn năm nay sẽ là một năm đầy thử thách dành cho liên hoan phim có tiếng tăm nhất nhì thế giới như Cannes.
Liên hoan phim Cannes được tổ chức từ ngày 8/5 đến ngày 19/5 năm 2018.
Nguồn: Variety, Hollywood Reporter
Theo Trí Thức Trẻ
Netflix chính thức "nghỉ chơi" với liên hoan phim Cannes Cuộc đối đầu giữa dịch vụ truyền hình trực tuyến Netflix và liên hoan phim Cannes đã sang một chương mới khi nhà đài này quyết định rút hẳn khỏi Cannes 2018. Theo tờ Variety, đại diện bộ phận nội dung của Netflix là Ted Sarandos ngày 11/4 vừa qua đã xác nhận Netflix sẽ không tham dự tại liên hoan phim Cannes...