Buông hay nắm?
Sau 8 năm làm mẹ đơn thân, một mình nuôi dạy hai con gái và co cụm, sợ hãi đàn ông, tôi bất ngờ gặp “anh”, một chàng trai trẻ hơn mình tới 12 tuổi.
ảnh minh họa
Thật sự lúc đầu, tôi không hề nghĩ đến tình yêu, thậm chí tình bạn, tình chị em cũng không, bởi chàng trai như một đứa trẻ ranh, chưa hề trải qua cuộc tình nào, công danh sự nghiệp chưa có, hai bàn tay trắng, lơ ngơ trước tôi, một nữ giám đốc thành đạt, giàu kinh nghiệm thương trường và có phần lạnh lùng với tất cả mọi người.
Phải, tôi cố giữ cho mình vẻ ngoài lạnh lùng để không còn ai có thể làm tổn thương mình như người chồng cũ nữa, thế nhưng bên trong, tôi vẫn là người đàn bà yếu đuối, nhạy cảm, mỏng manh. Bởi càng cố chống đỡ với cuộc đời bao nhiêu thì những phía khác của con người ta thành vách càng yếu ớt bấy nhiêu. Và anh bước vào trái tim tôi từ phía đó. Tôi đã bất ngờ trước sự theo đuổi kiên trì, nồng nàn và đầy ngưỡng mộ của anh. Tôi đã mang lý trí của mình ra để chiến đấu với tình cảm… kỳ quái đó. Thậm chí tôi đã mắng thẳng vào mặt anh rằng anh chỉ muốn lợi dụng tiền bạc và vị trí xã hội của tôi. Anh đã nhẫn nhịn chịu đựng tất cả, cho đến khi tôi phải mở rộng vòng tay đón anh vào một ngày anh xách va ly đến thất thểu đứng trước cửa nhà tôi: cha mẹ anh đuổi anh ra khỏi nhà vì không chấp nhận sự si mê của anh dành cho tôi.
Chúng tôi đến với nhau như thế, trong mọi lời chỉ trích, lăng nhục của gia đình và cười nhạo của bạn bè. Với những người thân mắng mỏ anh là ngu, là dại, bị bỏ bùa, tôi đã cố chứng minh điều ngược lại: Tôi mở riêng cho anh một công ty, đặt anh lên một vị trí xã hội quan trọng và cung cấp tiền bạc cho cả gia đình anh. Ngoài vật chất, tôi đã cố gắng yêu thương, chăm sóc người thân anh hết lòng và cuối cùng, họ cũng đã phải miễn cưỡng chấp nhận tôi với một cái lễ ra mắt nhỏ. Với dự đoán của bạn bè: xem có được 2,3 năm không, tôi đã cố gắng gìn giữ gia đình của mình bằng sự hy sinh hết mình.
Video đang HOT
Về với nhau tôi đã 45 tuổi, tôi vẫn luôn nung nấu trong lòng ý định cố gắng sinh cho anh một đứa con. Bởi anh là đàn ông, là con trai duy nhất của bố mẹ anh. Thế nhưng suốt gần 8 năm với mọi loại thuốc thang, tôi vẫn không thể nào có bầu được dù các bác sĩ sau khi kiểm tra đều nói rằng mọi hoạt động và cơ quan trong cơ thể tôi vẫn còn hoạt động bình thường, khả năng làm mẹ vẫn có thể xảy ra.
8 năm trôi qua, chúng tôi vẫn còn đang bên nhau, tôi vẫn còn trẻ. Theo mọi người thì tôi nhìn không hề già so với tuổi của mình vì tôi hết sức giữ gìn nhan sắc, dáng vóc của mình, đề giữ anh. Anh thì tất nhiên ngày càng đẹp trai, khỏe mạnh và lịch lãm hơn vì được tôi chăm sóc và lo toan mọi điều. Thế nhưng, cuộc tìm kiếm con của tôi hình như bắt đầu làm anh mệt mỏi. Cách đây chừng vài tháng, trong một lần nói chuyện, anh bảo tôi: “Anh sẽ không bao giờ bỏ em vì anh biết ơn tất cả những gì em đã làm cho anh và gia đình anh, nhưng anh nhất định phải có con”. Khi nghe câu đó của anh, tôi gần như bị sốc nặng. Bởi tôi biết đó là điều báo trước cho sự lựa chọn, quyết định của anh mà tôi không có quyền ngăn cản, phản đối.
Vài tháng nay, tôi đi công tác suốt. Tôi muốn để anh một mình với những quyết định và tìm kiếm của anh. Tôi không muốn mình phải đau lòng mà dằn vặt nhau. Những chuyến tôi đi xa, anh không hề gọi điện, thăm hỏi, lo toan gì nữa như thời mới yêu. Và dù tôi biết, khi tôi trở về, anh vẫn ở chỗ đó, nhưng không phải là chờ tôi, còn bản thân tôi có khi không muốn trở về!
Trong đầu tôi bây giờ chỉ vang lên một câu hỏi: Làm gì đây? Tự buông hay cố giữ? Chấp nhận cảnh chồng chung, cảnh chồng có con riêng hay chấp nhận số phận thui thủi một mình? Tôi đau đớn quá vì những gì mình đã vun đắp, giữ gìn, ràng buộc bằng mọi cách suốt nhiều năm qua, giờ lại cảm thấy mình không có quyền!
Theo VNE
Chuyện về những "phòng hạnh phúc" trong trại giam
Ở đời, nhiều cặp đôi ước chẳng phải dính nhau như sam, không phải nhìn thấy nhau cả ngày nhưng có một nơi mà các cặp vợ chồng quý đến từng giây, từng phút của 2 - 3 tiếng đồng hồ ít ỏi được bên nhau. Cũng ở nơi ấy, những giây phút ấy, họ cảm nhận được hạnh phúc tưởng chừng rất đỗi bình dị nhưng trong hoàn cảnh đó mới thấy đáng quý biết nhường nào...
Tôi đến thăm Trại giam Phú Sơn 4 (tỉnh Thái Nguyên) vào một ngày tháng Chạp nắng ấm khắp núi rừng. Khu thăm gặp các phân trại ngày cuối năm nhộn nhịp hơn hẳn thường ngày. Người thân và các phạm nhân hồ hởi được gặp nhau với bao cảm xúc thân thương khi Tết sắp đến, xuân sắp về. Ở một góc khu có dãy phòng nhỏ kín đáo nằm nép mình sau những rặng cây, đàn chim sẻ nhỏ bay sà xuống nền sân tinh nghịch trong không gian yên bình. Trên mấy chiếc ghế đá, vài cặp vợ chồng phạm nhân đang khe khẽ trò chuyện. Trung tá, Phó giám thị Lê Đình Thanh bảo: "Dãy nhà đó là buồng hạnh phúc đấy nhà báo ạ. Nhận thấy ý nghĩa nhân văn nên năm 2010, trại đã đưa vào sử dụng các buồng hạnh phúc. Các phạm nhân có quá trình cải tạo tốt được xét thăm gặp vợ hoặc chồng tại buồng hạnh phúc mỗi tháng một lần. Lúc nào các buồng cũng trong tình trạng quá tải...".
Hồi hộp như thuở mới yêu
Nơi phòng thăm gặp chung, nhiều gia đình được thăm và gặp người thân của mình đang thụ án ở trại. Tiếng mẹ già hỏi thăm con, tiếng vợ thân thương gọi chồng, tiếng con bi bô gọi bố... khiến không gian rộng của căn phòng ấm áp và khoảng cách giữa những người thân sau những ngày xa cách bị xóa nhòa.
Phạm nhân được gặp, sinh hoạt với người thân ở buồng hạnh phúc tại Trại giam Phú Sơn 4
Ở một góc phòng, phạm nhân Nguyễn Mạnh Hà ở TP Thái Nguyên, đang phải thụ án 7 năm tù về tội mua bán trái phép chất ma túy phấn khởi nắm tay vợ cho biết: "Thời gian đầu vào trại tôi buồn chán lắm, chẳng thiết tha gì nhưng sau nhờ cán bộ trại động viên nên tôi đã tích cực cải tạo. Mỗi lần đi ngang qua dãy nhà hạnh phúc này tôi đều mong nhưng nghĩ chắc chẳng bao giờ đến lượt mình nhưng bất ngờ cách đây mấy tháng tôi được cán bộ trại thông báo mình được gặp vợ trong lần thăm gặp tới. Tôi vui lắm và lần đầu gặp nhau trong buồng hạnh phúc, cả hai vợ chồng cứ ôm nhau khóc mãi. Tôi cảm thấy được động viên tinh thần nên phấn khởi lắm, càng yên tâm cải tạo tốt hơn. Mấy tháng nay, tháng nào tôi cũng được cán bộ trại tạo điều kiện cho gặp vợ một lần đấy. Thú thật với nhà báo, không phải mong gặp vợ vì "chuyện ấy"... đâu mà đối với những người ở tù, tinh thần là quan trọng nhất. Sau này, khi mãn hạn tù chắc chắn tôi sẽ sống và làm ăn lương thiện vì những tháng năm ở đây tôi đã thấy thấm và quý biết nhường nào sự tự do".
Còn chị Vũ Thị Trang, vợ phạm nhân Hà bẽn lẽn bên chồng: "Cứ tháng nào, qua hệ thống điện thoại của trại, anh ấy báo về là tháng này được thăm gặp ở buồng hạnh phúc là tôi vui lắm, bằng mọi giá phải thu xếp công việc để được vào gặp chồng. Được gặp nhau dù chỉ trong một hai tiếng đồng hồ ngắn ngủi nhưng vợ chồng tôi đỡ cảm thấy xa cách tình cảm. Những phút giây riêng bên nhau quý biết nhường nào. Hai vợ chồng có điều kiện thuận lợi để nói với nhau những tâm sự riêng tư. Tranh thủ khi được gần chồng, tôi đều động viên anh ấy yên tâm cải tạo và chia sẻ với anh ấy việc nhà. Bản thân tôi cũng bớt hoang mang và suy nghĩ tiêu cực để vững tin, thủy chung đợi ngày anh được trở về. Mỗi tháng tôi đều mong ngóng từng giờ từng phút để được gặp lại nhau, lần nào được gặp chồng cũng hồi hộp như thuở mới yêu...".
Phạm nhân Nguyễn Thị Hương, sinh năm 1960, đang thụ án chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản cho biết: "Trước đây tôi cũng buồn chán lắm vì nghĩ mình thụ án chung thân thì coi như trọn đời trong lao tù, chẳng còn hy vọng gì. Phải mất rất lâu tôi mới lấy lại được tinh thần, cố gắng cải tạo tốt. Rồi đến một ngày tôi được thăm gặp người chồng ở buồng hạnh phúc. Đấy là cuộc gặp bất ngờ và vô cùng hạnh phúc với tôi. Từ đó, tháng nào chồng tôi cũng lặn lội từ tận Lào Cai xuống thăm vợ. Hai vợ chồng được gặp nhau trong buồng hạnh phúc đều vui lắm, rì rầm chuyện gia đình và ước thời gian trôi chậm lại. Tôi càng có động lực để cải tạo tốt hơn, không còn suy nghĩ buông xuôi như trước nên đã được giảm từ chung thân xuống án tù có thời hạn. Tôi đếm ngược mỗi lần được gặp chồng là mỗi ngày án tù của mình giảm xuống, ngày về với gia đình càng gần hơn. À, nhà báo ạ, hôm nọ được gặp chồng, anh ấy báo rằng tôi được lên chức bà ngoại rồi. Hạnh phúc quá...".
Niềm vui lan tỏa
Trò chuyện với chúng tôi, Đại úy Nguyễn Thanh Xuân, cán bộ Phân trại K4 cho biết, trước đây nhiều phạm nhân trong quá trình thụ án không có điều kiện chia sẻ tình cảm vợ chồng nên đã bị vợ hoặc chồng bỏ rơi dẫn đến trầm uất, phát sinh suy nghĩ tiêu cực "vào tù là mất hết". Một số người nghĩ quẩn về chuyện gia đình, con cái không được giải tỏa kịp thời nên có tư tưởng chống đối, tìm cách trốn trại về nhà, thậm chí trốn trại với mục đích tìm về trả thù người thân. Nhà hạnh phúc từ khi đi vào hoạt động đã giải quyết kịp thời nhu cầu chia sẻ riêng tư của phạm nhân, động viên kịp thời những phạm nhân cải tạo tốt. Việc này có ý nghĩa đặc biệt về tinh thần với số phạm nhân phải thụ án lâu năm khiến họ cảm thấy cuộc sống còn có ý nghĩa và có sợi dây gắn bó với cuộc sống bên ngoài để vững tin cải tạo với hy vọng được trở về với cuộc đời bình dị dù rằng thời gian của bản án mà họ phải trả không hề ngắn.
Theo Phó giám thị Lê Đình Thanh, suốt ba năm qua, trong số phạm nhân được thăm gặp vợ, chồng ở buồng hạnh phúc hầu như không có trường hợp nào có quá trình cải tạo xấu đi, nhiều trường hợp tiến bộ trông thấy, được xét giảm án và đặc xá. Cũng nhờ vậy công việc của các anh cũng đỡ vất vả hơn nhiều. Thiếu tá Thanh tâm sự: "Suy cho cùng ai cũng là con người, đều có hai mặt thiện - ác, điều cốt tử là biết gieo, nuôi dưỡng và nhân lên mầm thiện cho họ. Buồng hạnh phúc được Ban Giám thị quyết định xây dựng từ quỹ phúc lợi của trại cũng vì lẽ đó. Đây cũng là chủ trương và cách làm của nhiều trại giam thuộc hệ thống trại giam do Bộ Công an quản lý. Những căn buồng hạnh phúc nhỏ bé đã thực sự là nơi đem lại hạnh phúc cho những người đang khát khao hướng thiện và thấy họ hạnh phúc, những người cán bộ trại giam chúng tôi cũng vui lây...".
Chờ đợi mãi rồi cũng tới lượt mình, phạm nhân Nguyễn Mạnh Hà dắt tay vợ vào buồng hạnh phúc. Tôi xin phép họ được tận mắt xem phía trong buồng hạnh phúc. Đó là căn phòng nhỏ có phòng vệ sinh riêng, với chiếc giường gỗ và những đồ vật xinh xắn, không có gì quá cao sang nhưng tôi biết với họ thế là quá đủ. Phạm nhân Hà bảo tôi: "Nhà báo chụp hộ cho chúng em một kiểu ảnh kỷ niệm đặc biệt nhé", rồi anh khẽ ôm vợ vào lòng, đặt lên môi chị một nụ hôn cháy bỏng. Tôi bấm máy xong, gật đầu chào anh rồi tế nhị lùi ra, khép cửa căn phòng, trả lại cho họ không gian riêng tư, ấm áp. Xuân sang rồi, xuân của tình yêu và sự sống dâng tràn...
Theo An ninh thủ đô