Buồn vì mẹ chồng đối xử không tốt
Thường xuyên lên mục tâm sự để đọc, cũng nhiều lần vào chia sẻ gửi những ý kiến của mình tới nhiều mọi người nhưng chưa khi nào tôi nghĩ rằng sẽ có lúc mình phải lên đây gửi gắm nỗi niềm riêng.
ảnh minh họa
Tôi năm nay 25 tuổi, chồng tôi hơn tôi 3 tuổi. Chúng tôi cưới nhau đã hơn 1 năm nhưng không có em bé. Hung tin ập xuống gia đình tôi cách đâu 5 tháng. Hai vợ chồng tôi đi khám, và kết quả là chồng tôi bị vô sinh, có thể nói khả năng có con là rất thấp vì tinh trùng anh có quá ít và yếu hết mức có thể. Tôi vô cùng thương anh, và luôn muốn anh yên tâm chữa trị cũng như ổn định về tâm lý lường trước được những khả năng xấu nhất. Lúc này đây tôi luôn muốn ở bên anh, chăm sóc chia sẻ cùng anh và biết rằng, cuộc sống của tôi cũng như anh giờ đây sẽ bất hạnh.
Chồng tôi là con trưởng của một dòng họ lớn. Chúng tôi đến với nhau vì tình yêu đích thực. Khi anh quyết định cưới tôi, gia đình anh đã phản đối rất dữ dội, nhưng cuối cùng chúng tôivẫn đến được với nhau. Và khi tôi về nhà anh, tôi luôn bị ác cảm bởi mẹ chồng. Với tôi, mẹ rất quá đáng và ích kỷ. Mẹ thường xưng với tôi là mày – tao. Mẹ rất hay mắng tôi. Những lần tôi với chồng có cãi nhau tý xíu, mẹ luôn bênh con trai. Cư xử của mẹ cũng vô cùng thiếu tế nhị(mẹ sẵn sàng giật bát cơm tôi đang ăn để dành cho chó, vì hôm đó tôi không để ý là chó chưa ăn). Với tôi, không phải lúc nào mẹ cũng như thế, nhưng nghĩ đến những lần mình bị đối xử không công bằng, tôi rất ghét mẹ. Có thể không phải là người xấu, nhưng tôi không thể hòa hợp được, mặc dù bọn tôi đang sống ở Sài Gòn, năm về chỉ có 3 – 4 lần(nhà tôi cách Sài Gòn 300km). Tôi cũng không thích cách can thiệp mẹ vào cuộc sống của vợ chồng tôi. Mẹ thường hay nói tôi, phải biết tiết kiệm, và nếu có tiền thì để mẹ cất giữ cho. Nói thật với các bạn, vợ chồng là công chức nhà nước, sống cảnh nhà thuê giữa đất Sài
thành thì khó khăn đến chừng nào. Hồi đó, tôi vẫn vô tư cưới anh mà không ngần ngại gì trước sự phản đối của bố mẹ anh. Tôi đã nghĩ chỉ cần hai đứa yếu nhau. Nhưng tôi thực sự thấy mình sai lầm khi đã nghĩ đơn giản như thế.
Phận làm con, tôi cũng cố gắng không nghĩ nhiều để nhưng nhiều lúc không chịu nổi. Từ khi vợ chồng tôi đi khám, biết kết quả, bà chỉ biết động viên chồng và không hề động viên tôi. Tôi cũng tâm sự với mẹ là từ khi biết chồng bị bệnh, tôi cũng buồn lắm. Khi nghe tôi nói thế mẹ quát “buồn gì mà buồn, giờ phải vui tươi động viên chồng, càng như thế, bệnh chồng càng nặng thêm”. Tôi biết mẹ nói đúng, nhưng từng lời nói cử chỉ của mẹ, luôn chỉ nghĩ đến con trai. Tôi nói lại ” con chỉ tâm sự vậy thôi, cả hai chúng con đều buồn mẹ ạ, con cũng khổ mà”. Mẹ nói “cùng lắm là thụ tinh trong ống nghiệm”. Nhưng mẹ đâu biết, với tình hình chất lượng tinh trùng của chồng tôi bây giờ chưa đủ điều kiện để chúng tôi thụ tinh được trong ống nghiệm. Tôi chỉ nói “bây giờ phương pháp đó xác suất thành công cũng không cao”. Bà nói đầy ẩn ý ” đứa con gái nào dễ thì có ngay”. Mẹ bảo chồng tôi ăn hàu sống, tôi bảo mấy hôm trước con có làm nhưng anh ấy ghê nên không ăn được. Tôi lập tức bị quát: “Phải dạy cho chồng ăn, phải làm thế nào để cho chồng ăn được chứ”. Việc tìm thức ăn bổ hay chế biến cho chồng ăn là điều quá bình thường mà người vợ nào cũng có thể và muốn được làm nhưng khi nghe cái từ “dạy”, tôi cảm giác mẹ ấy luôn coi con trai mình là bé bỏng và thái độ của mẹ khi nói cũng rất khó chịu. Mẹ còn bảo chồng tôi xin nghỉ việc một vài tháng về mẹ nuôi, tôi không biết được ý mẹ là mẹ sẽ chăm sóc chu đáo con trai hơn tôi hay về quê thì thức ăn đỡ độc hại và thay đổi không khí, nhưng trong lòng tôi cũng thấy buồn. Thực ra việc chữa trị vô sinh vô cùng khó khăn, nhưng khi tôi nói với mẹ là có ý định vay anh chị em ruột của tôi cũng như chị gái của chồng thì mẹ tôi “rào” trước. Không được vay con L(chị gái chồng tôi), nhà nó vừa xây nhà nên đang nợ. Lúc quá khó khăn thì tôi mới nhờ cậy anh em. Anh em ruột của tôi cũng chả khá gì hơn. Chồng bị bệnh, là vợ, tôi cũng rất khổ nhưng chẳng được mẹ chia sẻ, mà chỉ biết an ủi, động viên con trai. Lúc nãy mà mẹ chẳng thương tôi hơn thì không biết có bao giờ mẹ thương tôi hay không. Chồng tôi là trưởng một dòng họ lớn, sống trong một gia đình mà mình gánh trách nhiệm lớn nhưng chả được yêu thương, hiều khi tôi vô cùng chán nản.
Video đang HOT
Tôi không biết cuộc sống của tôi sau này sẽ thế nào nữa, hiếm muộn đã khổ, trách nhiệm dâu kế thế lớn lao, lại gặp phải mẹ chồng như vậy. Hôm mẹ biết chồng tôi bị bệnh, mẹ “khuyên” tôi một câu mà tôi thấy mẹ thương con trai đến mức ích kỷ, mẹ nói lẽ ra tôi không nên để chồng biết về kết quả xét nghiệm tinh dịch đồ(nhưng hai vợ chồng đi khám, anh là người đầu tiên bết kết quả), sau này âm thầm bơm tinh trùng vào tử cung và tuyệt đốigiấu chồng, để chồng không buồn và đảm bảo hạnh phúc gia đình. Tôi thật sự không hiểu mẹ đang nghĩ gì, có bệnh thì việc đầu tiên là chạy chữa, rồi vợ chồng cùng cố gắng. Và còn rất nhiều chuyện khiến tôi thấy vô cùng chán nản. Nhiều khi bực quá, tôi nói với chồng “nếu như một ngày nào đó, em và anh chia tay thì lý do luôn là vì mẹ”. Tôi biết nói thế chồng tôi cũng rất buồn nhưng nhiều khi tôi thấy bà thật quá đáng. Chồng tôi rất ít khi cãi lại bố mẹ, nhiều lúc tôi phàn nàn, anh luôn tỏ ra khó chịu và bênh bố mẹ, hoặc là im lặng. Tôi không cần anh bênh mình, tôi chỉ cần anh góp ý riêng với mẹ, nhưng tôi biết anh chưa bao giờ
làm thế, mặc dù chúng tôi rất yêu thương nhau.
Tôi phụ nữ, nghĩ đến việc không được làm mẹ, tôi cũng rất buồn. Nếu sau này, công việc chữa trị của chồng tôi không thành công, thì có lẽ chúng tôi sẽ xin con nuôi hay thụ tinh trong ống nghiệm từ việc xin tinh trùng, nhưng với gia đình như gia đình chồng tôi, không biết đứa trẻ đó và tôi có được đối xử bình thường hay không. Tôi vô cùng yêu thương chồng nên không thể nói lời chia tay anh, nhất là lúc anh đang bị bệnh tật như thế này,
lương tâm càng không cho phép tôi làm thế. Tôi chỉ mong các bạn cho tôi lời khuyên, hoàn cảnh của tôi bây giờ, tôi phải “ứng xử” với mẹ chồng như thế nào để vừa không mang tiếng vô lễ với bà, mà lòng mình cũng không luôn phải thấy ấm ức.
Theo VNE
Tôi đã không kịp về để ăn bánh xèo của má...
"Thằng Sáu mày nói thèm bánh xèo hả? Sao không về má làm cho ăn?". Tháng trước má tôi gọi điện nói vậy.
Tôi nhìn đống hồ sơ trên bàn rồi ỡm ờ: "Dạ, thèm thì có thèm nhưng mà công việc nhiều quá má ơi". Má tôi hiểu đó là một lời từ chối khéo nên mắng yêu: "Tổ cha mày, lúc nào cũng công việc; không về bây giờ, mai mốt má chết, ai làm cho mày ăn?". Nghe má nói vậy, tôi cười ha hả: "Má còn khỏe lắm má ơi, thầy tướng nói rồi, má sống tới 105 tuổi lận. Nói vậy chớ để con coi thu xếp, bữa nào con về".
Đúng là má tôi còn rất khỏe. Gần 90 tuổi mà vẫn còn cứng cáp, đi lại làm lụng thoăn thoắt đến nỗi cô em dâu tôi phải theo mệt nghỉ. Những lần nhà có đám tiệc, má tôi bắc cái ghế bố ngồi ở nhà sau chỉ huy. Con cháu mấy chục đứa cứ răm rắp làm theo. Má tôi không phải thợ nấu nhưng trong làng, ai có đám tiệc cũng rước má tôi tới nấu nướng.
Hồi đó tôi hay ước ao sau này cưới được vợ nấu ăn ngon như má. Nhưng trời chẳng chiều lòng người. Bà xã tôi là con cưng, chẳng biết nữ công gia chánh, tôi huấn luyện mãi mới làm được mấy món đơn giản. Chính vì vậy, có nhiều thứ mà mỗi lần thèm ăn, tôi chỉ còn biết thốt lên: "Ước gì có má ở đây...". Tháng trước gọi điện cho thằng út, tôi cũng nói vu vơ là thèm bánh xèo của má; chắc là nó nói lại nên má mới điện thoại kêu tôi về. Vậy mà tôi cứ nấn ná, chờ cho xong việc...
Nhưng thời gian đâu có biết chờ đợi? Chỉ sau đó 2 tuần, má tôi đã đột ngột ra đi. Nửa đêm nghe tiếng điện thoại réo, tôi bật dậy. Giọng thằng út khàn khàn: "Anh về đi, má mất rồi". Buông điện thoại, tôi ngồi chết lặng. Không có lời lẽ nào để nói hết nỗi ân hận, day dứt trong tôi.
Má tôi ra đi đột ngột nhưng thanh thản, y như thể má đang ngủ một giấc ngủ dài. Khi tôi về đến nhà, cơ thể má đã lạnh nhưng bàn tay vẫn mềm dịu, tôi nắm chặt tay má mà cứ ngỡ má đang nắm tay dắt tôi đi qua cây cầu gòn trơn trợt để đến trường những ngày mưa gió năm xưa.
Nhưng thời gian đâu có biết chờ đợi? Chỉ sau đó 2 tuần, má tôi đã đột ngột ra đi. Nửa đêm nghe tiếng điện thoại réo, tôi bật dậy. (ảnh minh họa)
Tôi đã không kịp về để ăn bánh xèo của má, những chiếc bánh xèo mà má đổ không chỉ bằng những thứ nguyên liệu bình thường. Bánh của má có một thứ gia vị mà hình như tất cả những người mẹ yêu con đều nêm nếm khi nấu ăn cho con mình. Và những đứa con sẽ cảm nhận điều đó bằng những cung bậc tình yêu của mình đối với mẹ cha.
Tôi nhớ những ngày còn ở quê nhà Vị Thủy. Tháng mười một âm lịch là mùa tép rong đẻ trứng. Con tép nào cũng mang cái bụng lặc lè. Anh hai xúc tép về, má đổ bánh xèo nhưn tép rong, củ sắn. Chỉ vậy thôi mà anh em tôi sì sụp gói, chấm, nhai nhồm nhoàm như thể đang thưởng thức cao lương mỹ vị. Bao giờ cũng vậy, khi má đổ sắp xong còn lại vài vá bột, tôi đòi má làm bánh xèo da. Đó là những cái bánh xèo không có nhưn, chỉ có bột bánh. Má để lửa than cho bánh từ từ chín rồi khô giòn, miếng bánh cắn tới đâu, biết đã tới đó vì nó vừa giòn, vừa ngọt, vừa béo, vừa thơm.
Có lần tôi qua nhà bác Tư hàng xóm cũng được đãi ăn bánh xèo. Tôi ăn xong về thỏ thẻ nói với má: "Bánh của bác Tư dở ẹc". Má tôi la: "Người ta cho ăn mà còn chê nữa hả?". Nhưng rồi má cũng hỏi: "Sao mà dở?". Tôi lắc đầu: "Con đâu có biết, chỉ thấy nó tươm mỡ béo ngậy, nhưn bánh thì lung tung xèng đủ thứ. Nhưng chắc là tại bột bánh không ngon, nó lạt nhách hà...".
Tôi nhớ khi đó má xoa đầu tôi: "Bây giờ biết ngon, dở, khen chê rồi hả? Để má nói cho mà nghe...". Nhà tôi không có con gái nên anh em tôi đứa nào cũng được má chỉ dạy nấu nướng. Má bảo bột bánh xèo muốn ngon thì phải pha thêm một phần gạo mới cho bánh mềm mà không dính. Người ta pha nghệ cho bột có màu vàng còn má tôi thì chỉ pha nước lá dành dành và lòng đỏ trứng vì tôi không thích mùi nghệ. Trong bột bánh xèo má còn cho thêm đậu xanh đãi vỏ nấu chín, chút nước cốt dừa cho bột hơi béo mà không ngậy. Đặc biệt, má cho rất nhiều hành hương nên khi chín, bánh thơm lừng, đứng tận ngoài ngõ cũng nghe mùi thơm.
Cõ lẽ thêm một điều khiến bánh xèo của má tôi đặc biệt là cái chảo để đổ bánh xèo không phải là chảo gang hay chảo nhôm thường thấy mà là một cái chảo đất. Khi mua chảo về, má cho mỡ heo vào thắng, sau đó má cứ để mỡ trong chảo 2-3 bữa cho mỡ thấm vào chảo. Má nói: "Như vầy chảo sẽ không bị dính, khi đổ bánh cũng không phải thoa nhiều mỡ mà bánh vẫn tróc".
Bây giờ thì tất cả những thứ ấy đã theo má tôi vào cõi vĩnh hằng. Cúng má, em dâu tôi làm bánh xèo. Cũng gạo, cũng trứng, cũng đậu xanh, cũng cái chảo đất ấy mà giờ đây không có bàn tay mẹ, miếng bánh bỗng nhạt thếch trong miệng. Em dâu tôi lấy làm lạ khi tôi chỉ ăn có mấy miếng rồi buông đũa: "Em làm không giống má hả anh Sáu?". Tôi gật đầu: "Ừ...".
Tôi chỉ nói vậy rồi nghẹn lời. Bởi tôi nhớ tới cuộc gọi cuối cùng của má. Tôi thèm nghe cái giọng hụt hửi của má mỗi khi gọi điện vì có khi má cầm cái điện thoại ngược đầu hoặc để xa quá. Giờ đây, sẽ chẳng bao giờ tôi được nghe má mắng: "Tổ cha mày, lúc nào cũng công việc...".
Bất giác tôi bỗng ước thời gian quay ngược lại để tôi được nghe má nói: "Thằng Sáu mày thèm bánh xèo hả? Sao không về má làm cho ăn?".
Theo VNE
Bố mẹ cay nghiệt, chồng hờ hững Khi biết cô mang bầu con gái, bố mẹ chồng càng trở nên lạnh nhạt với cô hơn. Hùng rất yêu Hoa còn Hoa thì không. Trước đây cô có yêu một chàng kĩ sư xây dựng, nhưng giữa hai người dường như "có duyên mà không có phận" nên không thể đến được với nhau. Bố mẹ cô chê nhà anh xa,...