Buôn lậu xăng dầu, than, khoáng sản làm thất thu ngân sách hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm
Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình yêu cầu thẳng thắn đánh giá những tồn tại, hạn chế trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm trên biển, nhất là trong bối cảnh hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép đối với các mặt hàng trọng điểm như xăng dầu, than khoáng sản, thuốc lá, pháo nổ vẫn diễn biến phức tạp.
Lực lượng Vùng Cảnh sát biển kiểm tra một tàu có nhiều dấu hiệu vi phạm (Ảnh minh hoạ).
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tại buổi làm việc với Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa trên biển.
Thông báo nêu rõ, năm 2017, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự cố gắng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị và nhân dân cả nước, chúng ta đã đạt được những kết quả tích cực, toàn diện trên các mặt kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh và đối ngoại. Trong đó có đóng góp quan trọng của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam trong công tác bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn và thực thi pháp luật trên biển, đặc biệt là đối với công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép trên biển.
Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đã phát hiện, xử lý 49 vụ/56 tàu/254 đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, thu giữ trên 24 nghìn tấn quặng, 15 triệu lít dầu DO; tổng số tiền phạt vi phạm hành chính trên 4 tỷ đồng, tiền phát mại số hàng hóa trên 162 tỷ đồng. Về tội phạm ma túy đã phát hiện, xử lý 161 vụ/340 đối tượng, tang vật thu giữ 299 bánh heroin.
Tuy vậy, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn chưa thực sự tạo được chuyển biến căn bản, tình hình vẫn diễn biến phức tạp. Đặc biệt, theo thống kê của nhiều tổ chức, hiệp hội, tình trạng buôn lậu xăng dầu, than, khoáng sản làm thất thu ngân sách mỗi năm hàng ngàn tỷ đồng.
Video đang HOT
Chính vì vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu các thủ trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, Bộ Tư lệnh các Vùng phải luôn xác định bên cạnh công tác trọng tâm là bảo vệ chủ quyền, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn trên biển, công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa trên biển là một nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của lực lượng; phải tổ chức quán triệt và triển khai quyết liệt, có hiệu quả ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Quốc phòng, Ban Chỉ đạo 1389/BQP về công tác này.
Phó Thủ tướng yêu cầu phải thẳng thắn, nghiêm túc đánh giá những tồn tại, hạn chế trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm trên biển của lực lượng, nhất là trong bối cảnh hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép đối với các mặt hàng trọng điểm như xăng dầu, than khoáng sản, thuốc lá, pháo nổ vẫn diễn biến phức tạp, nhưng các vụ việc được các lực lượng chức năng phát hiện, xử lý chưa phản ánh hết và đúng với tình hình thực tế; số vụ khởi tố, điều tra xử lý hình sự chiếm tỷ lệ rất thấp.
Đồng thời tăng cường giáo dục về tư tưởng chính trị, chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, chiến sỹ trong toàn lực lượng; phân định rõ trách nhiệm theo địa bàn, lĩnh vực, đề cao vai trò người đứng đầu. Xây dựng và ban hành chế độ, quy trình luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác cán bộ, chiến sỹ tại các vị trí nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng.
Công tác thanh tra, kiểm tra công vụ phải được tăng cường để đấu tranh phòng, chống tham nhũng ngay trong nội bộ; xử lý kịp thời, nghiêm minh những cán bộ, chiến sỹ chưa hoàn thành nhiệm vụ, tiếp tay, bảo kê cho các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa trên biển. Kiên quyết “không có vùng cấm” trong công tác này.
Phó Thủ tướng chỉ đạo, quá trình xử lý các vụ việc cụ thể phải có biện pháp nghiệp vụ giám sát, kiểm tra chặt chẽ, không để nảy sinh trường hợp người xử lý vi phạm thông đồng, móc ngoặc với đối tượng vi phạm để kê khai không trung thực về hàng hóa bị thu giữ nhằm hợp thức hồ sơ làm giảm mức vi phạm.
Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với các lực lượng chức năng liên quan, (Công an, Bộ đội biên phòng, Hải quan…) làm tốt công tác thu thập, chia sẻ thông tin, điều tra cơ bản, nắm chắc đối tượng, địa bàn, phương thức, thủ đoạn để cùng xác lập các chuyên án lớn, làm chuyên sâu và phải mở rộng điều tra sau khi phá án nhằm đảm bảo đánh đúng, đánh trúng các đầu nậu buôn lậu, lợi dụng chính sách tạm nhập, tái xuất để vận chuyển trái phép hàng hóa trên biển, trọng tâm là các đối tượng trong nước.
Thế Kha
Theo Dantri
Buôn lậu xăng dầu "thủ" súng máy, đối phó cảnh sát ở biển Tây Nam
Các đối tượng buôn lậu xăng dầu nước ngoài sử dụng vũ khí nóng, thiết bị quan sát từ xa, dùng định vị và điện thoại vệ tinh, cá biệt lực lược cảnh sát biển và liên ngành 389 Quốc gia thu được cả súng máy với băng đạn đầy ắp trên các thuyền buôn lậu trên biển phía Tây Nam.
Đó là chia sẻ của Đại tá Trần Văn Nam, Cục Nghiệp vụ và Pháp luật, Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển Việt Nam tại buổi Họp báo sơ kết hoạt động Phòng và chống buôn lậu của Ban chỉ đạo 389 Quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả ngày 25/7.
Buôn lậu xăng dầu trên biển (ảnh minh hoạ)
Theo ông Nam, thời gian vừa qua tình trạng buôn lậu xăng dầu trên biển phía Tây Nam như Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu... tiếp giáp với Thái Lan, Campuchia và Malaysia diễn biến cực kỳ phức tạp, hiện trạng trên đã và đang ở mức báo động.
Ông Nam cho biết, công tác chống buôn lậu xăng dầu từ năm ngoái đến nay luôn được liên ngành 389 Quốc gia và địa phương ưu tiên hàng đầu vì đây là mặt hàng ảnh hưởng rất lớn đến quốc gia. Trong 6 tháng qua, riêng buôn lậu xăng dầu trên biển, lực lượng Cảnh sát biển đã bắt 16 vụ với 31 tàu, khoảng 5 triệu lít dầu DO, giá trị 75 tỷ đồng.
Việc bắt giữ xăng dầu tăng hơn 3 triệu lít so với cùng kỳ và tăng trên 55 tỷ đồng. Theo ông Nam, hoạt động buôn lậu và gian lận trong xăng dầu hiện nay phổ biến 3 hình thức, các đối tượng người, tổ chức nước ngoài vận chuyển tiêu thụ xăng dầu trên biển của Việt Nam; đối tượng DN Việt Nam mua bán xăng dầu nhập lậu; ngư dân và thuyền viên Việt Nam mua bán dầu nhập lậu.
Cụ thể, 6 tháng qua Cảnh sát biển Việt Nam đã bắt 10 tầu nước ngoài, chủ tàu, thuyền trưởng đều là người Thái Lan và Malaysia. "Đối với nước ngoài, tàu nước ngoài hoạt động ở Việt Nam, cung ứng xăng dầu là chuyện buôn bán trái phép, đây là hành vi bất hợp pháp. Tất cả hành vi mua bán đều phải xử lý theo pháp luật Việt Nam', ông Nam nói.
Xác định được đây là hành vi tội phạm, nên các đối tượng buôn lậu nước ngoài sử dụng nhiều phương pháp buôn lậu tinh vi như chạy ven vùng biển giáp ranh, vùng biển quốc tế. Các lực lượng buôn lậu sử dụng cảnh giới, quan sát từ xa, để chạy khỏi biển Việt Nam khi bị phát hiện. Đáng nói, các đối tượng còn sử dụng vũ khí nóng, thu được cả súng máy với băng đạn đầy ắp, điện thoại vệ tinh, và tàu có sử dụng hệ thống định vị GPS.
Tuy nhiên, còn có chuyện các DN cung ứng dịch vụ hậu cần nghề cá ở Việt Nam đóng mới các tàu chở dầu để bán cho ngư dân cố tình vi phạm. Tàu chở hơn 200.000 lít dầu, nhưng chủ tàu chỉ mua 100.000 lít dầu để bán cho ngư dân. Khi bán hết, họ ra vùng biển giáp ranh với biển quốc tế để mua lại từ các tàu buôn lậu của nước khác, bán lại cho tàu cá.
Theo ông Nam, thời gian qua, lực lượng chức năng Việt Nam đã bắt giữ 3 tàu dịch vụ hậu cần nghề cá của Việt Nam cố tình mua xăng dầu lậu để bán cho ngư dân, gây thất thu cho ngân sách. Số tàu trên là của ba tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Bến Tre.
Ông Nam cho biết, ngư dân khai báo mức giá mua dầu nhập lậu rẻ bằng 2/3 so với mua xăng dầu trong nước do không phải chịu thuế. Chính vì vậy điều này khiến nhiều các ngư dân Việt Nam cải hoán tàu đánh cá, thành tàu chuyên chở xăng dầu, tiếp tay cho buôn lậu.
An Linh
Theo Dantri
Cà Mau: Liên tiếp bắt nhiều tàu chở dầu trái phép với khối lượng lớn Ngày 19.11, thông tin từ Bộ tư lệnh Cảnh sát biển, Bộ Tư lệnh vùng Cảnh sát biển 4 cho biết, từ ngày 9 - 17.11, đơn vị đã liên tiếp phát hiện và bắt giữ nhiều tàu chở dầu trái phép trên vùng biển Tây Nam. Qua đó, tang vật bị lực lượng chức năng thu giữ là khoảng 190.000 lít dầu...