Buôn cây cảnh, chổi đót và những cách làm giàu đặc biệt của “quan”
Những câu chuyện về cách làm giàu của bằng cách bán cây cảnh, bán chổi đót hay chạy xe ôm… của một số quan chức khiến cho người dân không khỏi ngỡ ngàng.
Buôn cây cảnh mua đồng hồ hơn 1 tỷ đồng
Cựu tướng Phan Văn Vĩnh khai trước Hội đồng xét xử Tòa án Nhân dân tỉnh Phú Thọ: chiếc đồng hồ trị giá 1,1 tỷ đồng có được là nhờ bán cây cảnh.
Cụ thể, ngày 19.11, vừa qua phiên tòa xét xử cựu tướng Phan Văn Vĩnh tiếp tục diễn ra tại Tòa án Nhân dân tỉnh Phú Thọ. Tại phiên tòa bị cáo Vĩnh được hỏi về việc được bị cáo Dương cho một số tiền và tài sản, vật chất ông Vĩnh khẳng định không có chuyện đó, chỉ có một lọ thuốc bổ gan và 1 chiếc áo sơ mi.
Trong phiên xét xử chiều 19.11 tại TAND tỉnh Phú Thọ, bị cáo Phan Văn Vĩnh bước lên bục khai báo. Ảnh: Dân Việt
Khi nhắc tới chiếc đồng hồ trị giá 1,1 tỷ đồng bị cáo Phan Văn Vĩnh cho biết chiếc đồng hồ bị cáo đã trả tiền, với số tiền là 1,1 tỷ đồng. Giải thích cho số tiền để mua chiếc đồng hồ này khi mức lương chỉ khoảng 20 triệu đồng/tháng và lương của vợ khoảng 8 triệu đồng/ tháng, bị cáo Phan Văn Vĩnh nói rằng đã “lấy tiền bán cây cảnh ra mua đồng hồ, không lấy lương”.
Buôn chổi đót xây biệt phủ
Câu chuyện kê khai tài sản và lời giải trình về khối tài sản “khủng” của ông Phạm Sỹ Quý – nguyên Giám đốc Sở TN&MT Yên Bái trở thành tâm điểm của dư luận vào hồi tháng 10.2017.
Theo bản kê khai của ông Quý, gia đình ông sở hữu ngôi nhà tại tổ 51 phường Minh Tân (công trình cấp 3) có diện tích xây dựng 600 m2; nhà tạm diện tích xây dựng 150 m2, giá trị 200 triệu đồng.
Video đang HOT
Ông Quý cũng kê khai sở hữu mảnh đất 1 ha trị giá 500 triệu đồng tại tổ 51; trang trại diện tích 2 ha giá trị 1 tỷ đồng và một ôtô Toyota Camry. Tại Hà Nội, ông Quý có một căn hộ chung cư Mandarin Garden (đường Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy, Hà Nội) rộng trên 130 m2 với giá trị tại thời điểm xây dựng là 2,5 tỷ đồng.
Biệt phủ của gia đình ông Phạm Sỹ Quý. Ảnh: Dân trí
Tuy nhiên, Thanh tra Chính Phủ xác định ông Quý đã kê khai thiếu: 7.905 m2 đất ở; hơn 27.500 m2 đất nông nghiệp do vợ đứng tên; 1 căn nhà diện tích xây dựng 600 m2; tiền vay ngân hàng hơn 9,1 tỷ đồng và nợ bạn bè 60 cây vàng.
Giải thích về nguồn gốc tài sản “không lồ” trên, chiều 29.6.2017 trả lời với báo chí ông Phạm Sỹ Quý – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái cho biết, khu dinh thự được xây dựng từ tiền vay ngân hàng 20 tỷ đồng, mượn của nhiều bạn bè và “kết quả của cả một quá trình tôi lam lũ đi làm từ thời trẻ, nỗ lực vươn lên làm đủ thứ nghề”.
“Quá trình thời thanh niên tôi đi mua chổi đót, lá chít từ trên này xuống Hà Nội, đã có những lúc tôi lạc trong rừng, ngủ trong rừng. Từ ngày xửa xưa tôi còn làm men nấu rượu, làm bánh kẹo, làm giá đỗ, tôi chả thiếu nghề gì trên đời” – Ông Quý trả lời trên báo Tuổi trẻ Online ngày 29.6.2017.
Chạy xe ôm góp tiền xây biệt thự
Chạy xe ôm thời trẻ tích góp tiền là “cách làm giàu” của ông Nguyễn Sỹ Kỷ (Phó Ban Nội chính Tỉnh ủy Đắk Lắk) để xây dựng nên một biệt thự tổng diện tích khoảng 200m2, khu nhà bếp và nhà ăn 91m2, nhà chòi xây trên hồ nước tổng diện tích 19m2, một hồ bơi rộng 152m2. Sự việc được phát hiện vào cuối tháng 3 đầu tháng 4. 2017 vì biệt thự của ông Kỷ lại được xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp.
Phường Ea Tam (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) đã lập biên bản hành chính và báo cáo lên UBND TP Buôn Ma Thuột về công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp của gia đình ông Nguyễn Sỹ Kỷ – phó Ban nội chính Tỉnh ủy Đắk Lắk.
Trao đổi với báo Người lao động ông Kỷ cho biết ngôi nhà là tài sản cả đời tích góp của vợ chồng ông. Vợ ông kinh doanh nhiều mặt hàng, còn ông ngoài làm cán bộ nhà nước, lúc trẻ sau giờ làm việc phải chạy xe ôm thâu đêm để tích góp.
Lao động đến thối cả móng tay
Để có được biệt thự ở Tp Hồ Chí Minh và Bến Tre, ông Trần Văn Truyền – nguyên Tổng Thanh tra Chính cho biết đã phải “lao động đến thối cả móng tay”.
Câu chuyện về khối tài sản “siêu khủng” của ông Truyền được phát hiện vào cuối năm 2014. Cụ thể, ông Truyền sở hữu ngôi dinh thự tại ấp 3, xã Sơn Đông, Bến Tre xây cất trên diện tích xây dựng hơn 16.000 m2 trong tổng diện tích chung lên đến 30.000 m2. Trong khuôn viên dinh thự này còn có một số gian nhà cổ làm bằng gỗ sưa là một loại gỗ quý hiếm, ngoài ra về kiến trúc thì Cổng chính đi vào dinh thự và dự án gia đình có màu sắc sơn son thếp vàng.
Một biệt thự của ông Truyền tại Bến Tre. Ảnh: Kiến thức
Ngoài ra, ông còn có 3 cơ ngơi ở TP HCM tại phường Thảo Điền (Quận 2), Quận 5 và khu đô thị Phú Mỹ Hưng do người thân đang quản lý, sử dụng.
Lý giải trên báo chí về nguồn gốc tài sản trên, ông Truyền nói ngôi dinh thự tại ấp 3, xã Sơn Đông, TP Bến Tre là nhà của mình nhưng xây cất trên diện tích đất của người con trai. Ông Truyền cho hay con trai ông đã bỏ tiền ra mua phần đất này từ trước đó.
Ông Truyền khẳng định tiền xây dựng nên ngôi nhà này, một phần là tiền của tích cóp của gia đình ông bấy lâu nay, một phần từ sự giúp đỡ của nhiều người bạn cho đá, cho gạch… Trong đó có một cô em nuôi ở quận 9, TP.HCM, có hỗ trợ tiền bạc khi thiếu hụt.
“Khi đã nghỉ hưu, tôi cũng về làm vườn, lao động đến thối cả móng tay, cực nhọc lắm chứ đâu bở” – ông Truyền nói.
Theo Danviet
Cựu tướng công an Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa bị đề nghị truy tố
Trưa nay (18.7) trao đổi với PV, một lãnh đạo Viện KSND tỉnh Phú Thọ cho biết, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Phú Thọ đã chuyển kết luận điều tra vụ "Sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc, đánh bạc, mua bán trái phép hóa đơn và rửa tiền xảy ra tại Phú Thọ và một số tỉnh, thành phố"
Ông Phan Văn Vĩnh (ảnh IT).
Vị lãnh đạo Viện KSND tỉnh Phú Thọ cho biết, Viện KS đang tiếp nhận, đồng thời cho biết trong vụ án có 104 bị can, có 9 bị can đang bị truy nã, số còn lại bị đề nghị truy tố.
Ông Phan Văn Vĩnh, người từng là trung tướng, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát bị đề nghị truy tố một tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Còn ông Nguyễn Thanh Hóa (cựu Cục trưởng cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao - C50) bị đề nghị truy tố tội Tổ chức đánh bạc.
Theo Cơ quan điều tra, vụ án "Sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc, đánh bạc, mua bán trái phép hóa đơn và rửa tiền xảy ra tại Phú Thọ và một số tỉnh, thành phố".
Theo đó, Game bài Rikvip bắt đầu hoạt động từ ngày 18/4/2015, gồm 42 trò mô phỏng các hình thức đánh bạc, hoạt động trái phép thông qua website rikvip.com, rikvip.vn; từ tháng 8.2016 đổi tên thành Tip.club và dưới dạng các ứng dụng cho điện thoại và máy tính.
Các đối tượng còn lập ra hệ thống đại lý nhiều cấp, gồm 25 đại lý cấp 1 và 5.852 đại lý cấp 2, trên toàn quốc để con bạc nạp, rút tiền chơi bạc; việc giao dịch được thực hiện bằng tiền mặt hoặc qua ngân hàng. Với mạng lưới trên toàn quốc, hệ thống đại lý đã góp phần rất lớn trong việc thu hút con bạc và là một kênh giao dịch chiếm tỉ trọng lớn (đại lý cấp 1 có tổng lượng giao dịch lớn nhất lên đến trên 1.700 tỷ đồng).
Do có hệ thống thanh toán giúp con bạc dễ dàng nạp và rút tiền chơi bạc, kết hợp quảng cáo rầm rộ trên mạng, Rikvip/Tip.club đã nhanh chóng thu hút được lượng lớn người chơi, trở thành trò chơi cờ bạc trá hình có quy mô và doanh thu lớn nhất Việt Nam. Theo kết quả điều tra, từ 18.4.2015 đến 29.8.2017 có 42.956.715 tài khoản người chơi thực trên hệ thống Rikvip/Tip.club (nếu trung bình 01 con bạc có 03 tài khoản thì tổng số tương đương trên 14 triệu con bạc).
Qua quá trình điều tra đã xác định: Đường dây tổ chức đánh bạc này do Phan Sào Nam (sinh năm 1979, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty cổ phần VTC Truyền thông trực tuyến - VTC online), Nguyễn Văn Dương (sinh 1975, Chủ tịch HĐTV Công ty đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao - CNC) có vai trò chủ mưu, cầm đầu.
Trong vụ án này, mới đây, Nguyễn Văn Dương còn bị khởi tố thêm tội Đưa hối lộ. trước đó đối tượng Lưu Thị Hồng (tổng giám đốc CNC) cũng bị khởi tố về tội Đưa hối lộ.
Theo Danviet
Ông Hồ Đức Hợp thay ông Phạm Sỹ Quý làm GĐ Sở TN&MT Yên Bái Tại kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh Yên Bái khóa XVIII sáng 10/4, các đại biểu đã miễn nhiệm chức danh Ủy viên UBND tỉnh đối với ông Phạm Sỹ Quý, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường.Ông Hồ Đức Hợp là kỹ sư nông nghiệp khoa trồng trọt, từng giữ các chức vụ: Phó phòng kỹ thuật và tuyên truyền...