Bưởi Diễn trồng trên ‘đất nhút’ cho thu nhập gần 1 tỷ đồng/ha
Nghiên cứu thấy chất đất, khí hậu vùng Thanh Chương (Nghệ An) phù hợp với giống cây có múi, anh Hồ Sỹ Phượng ở Xóm 5, xã Thanh Liên đã mạnh dạn trồng 500 gốc bưởi Diễn. Năm nay mặc dù nắng nóng kéo dài nhưng bưởi Diễn vẫn cho nhiều quả ngọt.
Điều đặc biệt, từ mô hình thành công của anh, huyện Thanh Chương lập quy hoạch nhân rộng 200 ha bưởi Diễn với những chính sách khuyến khích nông dân trồng giống cây này.
Mặc dù năm nay nắng nóng kéo dài nhưng bưởi Diễn của anh Hồ Sỹ Phương vẫn trĩu quả ngọt.
Sau khi tốt nghiệp THPT, anh Hồ Sỹ Phượng theo học một lớp Trung cấp nghề làm vườn hoa, cây cảnh. Sau lúc ra trường tham gia làm cây giống tại Trung tâm giống- cây trồng thuộc Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam. Với kinh nghiệm tích lũy, anh về lại quê hương, đấu thấu 1 ha đất của xã để trồng bưởi Diễn.
Video đang HOT
Giống bưởi này là đặc sản của Làng Diễn thuộc huyện Từ Liêm nay thuộc quận Cầu Giấy – Hà Nội nhưng do làng đã thành phố không còn đất nên những người dân tâm huyết với cây đặc sản này đã di dời ra vùng ngoại thành. Những cây bưởi Diễn mà anh đưa về Thanh Chương trồng được chọn lọc từ các trại giống ở huyện Hoài Đức (Hà Tây cũ). Đặc điểm của bưởi Diễn là có bộ lá xanh tốt, cây mọc khỏe, không kén đất. Quả không to lắm nhưng bù lại là khi chín có màu vàng đẹp và rất ngọt.
Bưởi Diễn trồng ở Thanh Chương giữ mùi vị thơm ngon
Năm 2008, anh đã trồng 500 gốc Bưởi Diễn. Nhờ có kỹ thuật tốt nên chỉ sau 3 năm cây đã bắt đầu bói quả. Từ năm 2013 đến nay tất cả các cây đều có quả và dần cho thu nhập ổn định. Riêng năm nay mặc dù nắng hạn nhưng bưởi vẫn phát triển tốt, bình quân mỗi gốc đạt khoảng 50 quả. Dự tính, anh có thể thu được 25.000 quả. Với giá hiện tại là 30.000 đồng/ quả, vườn bưởi của anh có thể thu nhập khoảng 800 triệu đồng. Theo tính toán của anh Phương, trong những năm tới, vườn bưởi của gia đình anh có thể cho thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm.
Từ hiệu quả của cây bưởi Diễn, Hồ Sỹ Phượng đã cùng gia đình đấu thầu tiếp 2 ha đất ở vùng bãi Sông Giăng, cách vườn cũ khoảng 500 m để trồng Bưởi. Nhiều người dân xã Thanh Liên và một số xã trong vùng như Thanh Tiên, Thanh Hòa cũng học theo anh trồng bưởi Diễn thành công.
Sau khi huyện Thanh Chương lập quy hoạch 200 ha bưởi Diễn với những cơ chế khuyến khích, anh Phượng rất phấn khởi hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật cho nhân dân quanh vùng.
Trước những thành công bước đầu của anh Phượng, lãnh đạo huyện Thannh Chương tổ chức tham quan, đánh giá mô hình và lập đề án để nhân rộng, hình thành vùng chuyên canh bưởi Diễn. Theo đó, bước đầu huyện đã chỉ đạo 4 xã gồm Thanh Liên, Thanh Tiên, Thanh Phong và Thanh Ngọc tạo nguồn quỹ đất để người dân trồng 200 ha.
HĐND huyện Thanh Chương cũng thông qua Nghị quyết đồng ý: “Ngoài định mức hỗ trợ theo Quyết định 09/ 2016 QĐ- UBND ngày 18/1/ 2016 của UBND tỉnh, huyện sẽ hỗ trợ với mức 20.000 đồng/cây giống và kinh phí làm đất trồng mới 5 triệu đồng/ ha đối với các hộ trồng bưởi Diễn trong vùng quy hoạch với diện tích tối thiểu trồng tập trung từ 1.000 m2 trở lên”..
Theo Trần Đình Hà (Báo Nghệ An)
"Kết duyên" bưởi Diễn, nhiều người thu bộn tiền
Ông Đỗ Văn Mão là người đầu tiên đưa giống bưởi Diễn về trồng với quy mô hàng hóa ở xã Thắng Quân, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang). Từ trồng bưởi, gia đình ông Mão có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Nhìn vườn bưởi được trồng thành hàng thẳng đều tăm tắp, cây nào cây ấy lá xanh bóng, sai trĩu quả, chúng tôi thầm nghĩ chắc người đàn ông này phải dành rất nhiều tâm huyết chăm sóc cho vườn bưởi. Vừa làm, ông Mão vui vẻ nói: "Tính đến nay tôi đã có gần 15 năm "kết duyên" với cây bưởi. Với tôi chăm sóc bưởi không chỉ cho thu nhập mà còn tạo niềm vui trong cuộc sống hàng ngày".
Ông Mão bên vườn bưởi Diễn sai trĩu quả. Ảnh: Thu Hà
Kể về cơ duyên gắn bó với cây bưởi, ông Mão cho biết, ông vốn quê ở Hà Tây (cũ). Năm 1990, ông di cư lên Tuyên Quang xây dựng vùng kinh tế mới. Trong một lần về quê, được thưởng thức giống bưởi Diễn với tép bưởi ráo múi, khô tay, mọng nước, vị ngọt thanh ông đã nảy ý tưởng mang giống bưởi này về trồng trên đất vườn đồi nhà mình. Nghĩ là làm, ông nán lại quê cũ tìm hiểu kỹ thuật, kinh nghiệm trồng bưởi của người dân.
Lúc đầu ông Mão đưa vào trồng 50 cành chiết bưởi Diễn. Nhờ chăm sóc tốt, đến năm thứ 3 vườn bưởi của ông đã bắt đầu bói quả. Thấy cây ra quả lần đầu nhưng khá sai và chất lượng quả thì ngon tuyệt, ông Mão đã quyết định tăng dần diện tích trồng bưởi Diễn. Ông Mão còn đưa vào trồng thêm giống bưởi Soi Hà. Đây là giống bưởi truyền thống của người dân trên địa bàn huyện Yên Sơn. Tổng diện tích trồng bưởi của gia đình ông lên tới 20 sào. "Với 7 sào trồng bưởi Diễn đang cho thu hoạch, trung bình mỗi năm gia đình tôi thu hái hàng vạn trái bưởi. Các thương lái vào tận vườn mua, chứ tôi không cần phải đem đi bán lẻ".
Từ cách làm của ông Mão, nhiều bà con trong xã đã theo gương ông phát hoang đất đồi trồng bưởi và có thu nhập cao từ loại cây này.
Theo Danviet