Bước tiến mới cứu bệnh nhân đột quỵ não
Ứng dụng các kỹ thuật điện quang giúp bác sĩ cứu bệnh nhân đột quỵ đến viện muộn hoặc bị tắc mạch lớn.
Ngày 20/4, tại Hà Nội, Hội Điện quang can thiệp Việt Nam tổ chức hội nghị giới thiệu các kỹ thuật can thiệp điện quang trong đột quỵ nhồi máu, các bệnh cơ xương khớp.
Điện quang can thiệp là một lĩnh vực mới, gồm các kỹ thuật can thiệp để điều trị có sử dụng các thiết bị hình ảnh để định hướng như máy chụp mạch số hóa, cắt lớp, siêu âm giúp định vị chính xác. Kỹ thuật điện quang can thiệp giúp triển khai các kỹ thuật xâm lấn tối thiểu nhằm chẩn đoán, điều trị triệt để, tăng cường khả năng hồi phục, rút ngắn thời gian nằm viện của bệnh nhân.
Kỹ thuật điện quang giúp cứu nhiều bệnh nhân khỏi tàn tật. Ảnh: B.M.
Giáo sư Phạm Minh Thông, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), Chủ tịch Hội Điện quang can thiệp Việt Nam cho biết, kỹ thuật điện quang can thiệp rất mới trên thế giới và đã áp dụng thành công tại Việt Nam, đặc biệt trong việc lấy huyết khối điều trị đột quỵ não do tắc động mạch lớn.
Video đang HOT
Trên thế giới, phác đồ điều trị đột quỵ não là sử dụng thuốc tiêu sợi huyết. Tuy nhiên, tiêu sợi huyết chỉ thông được các mạch nhỏ, không tiêu được các mạch lớn. Ngoài ra, người bệnh cần được đưa đến viện sớm trong thời gian vàng (6 giờ kể từ thời điểm đột quỵ).
Khi tắc các mạch lớn, người bệnh được chỉ định lấy huyết khối bằng các kỹ thuật can thiệp điện quang. Theo giáo sư Thông, việc loại bỏ huyết khối bằng ứng dụng điện quang giúp người bệnh có cơ hội hồi phục thêm 50-60%. Ngoài ra, phương pháp này cho phép mở rộng thêm thời gian để cứu bệnh nhân đột quỵ não. Nhờ phối hợp giữa tiêu sợi huyết và các kỹ thuật điện quang can thiệp, bệnh nhân đến viện muộn không còn ở giờ “vàng” để dùng tiêu sợi huyết sẽ có thêm cơ hội sống, tránh tàn tật.
Tại Bệnh viện Bạch Mai, trung bình mỗi năm có khoảng 150 bệnh nhân được can thiệp lấy huyết khối thành công.
Hiện nay lĩnh vực điện quang can thiệp được thực hiện đơn lẻ tại các bệnh viện. Việc thực hiện gặp rất nhiều khó khăn do thiếu các trang thiết bị. Ngoài ra, vật liệu can thiệp rất đắt tiền chưa phù hợp với điều kiện kinh tế của Việt Nam, bệnh nhân không đủ khả năng chi trả. Các bệnh viện chỉ thực hiện được một số kỹ thuật rất đơn giản như chụp mạch máu, nút động mạch phế quản để cầm máu, chụp mạch chi…
Sắp tới, kỹ thuật điện quang can thiệp sẽ được mở rộng áp dụng cho nhiều bệnh lý khác ngoài đột quỵ não, gồm cả các bệnh lý thần kinh, ung thư gan… “Chúng tôi sẽ mời các chuyên gia, giáo sư nổi tiếng nhất thế giới về lĩnh vực này, thực hiện trực tiếp trên mô hình để đào tạo bác sĩ tại các tỉnh, giúp tăng cường hiệu quả điều trị, giảm thời gian nằm viện của người bệnh”, giáo sư Thông nói.
Nam Phương
Theo vnexpress.net
Bác sĩ Áo hỗ trợ đồng nghiệp Việt phục hồi cho bệnh nhân sau đột quỵ
Các bác sĩ từ Áo sang Bệnh viện Thống Nhất (TP HCM) tập huấn cho 130 bác sĩ từ 26 cơ sở y tế Việt Nam.
Giáo sư Nguyễn Đức Công, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất cho biết, khóa tập huấn từ ngày 26 đến 30/3 nằm trong chương trình hợp tác giữa Việt Nam và Áo giúp tăng cường hiệu quả trong phục hồi chức năng thần kinh cho bệnh nhân sau đột quỵ tại Việt Nam.
Bệnh nhân đột quỵ khi ra viện thường thiếu hoặc không biết tiếp tục tập luyện ở đâu, như thế nào để điều trị phục hồi chức năng, sớm trở về cuộc sống bình thường. Phục hồi chức năng thần kinh sau đột quỵ tại Việt Nam hiện vẫn chưa được thực hiện một cách thường quy, không thống nhất về phương pháp.
Bác sĩ Bệnh viện Thống Nhất giả làm bệnh nhân để thực hành trong khóa tập huấn. Ảnh: Lê Phương.
Đột quỵ não là một nhóm bệnh gây tử vong và tàn tật hàng đầu trên thế giới. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 8-12% bệnh nhân bị nhồi máu não và 37-38% xuất huyết não dẫn đến tử vong trong vòng 30 ngày. Hơn 30% bệnh nhân đột qụy bị tàn tật và hoàn toàn phụ thuộc, 30% phụ thuộc một phần, 50% không hồi phục chức năng tay.
Ở Việt Nam, tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ đang gia tăng ở mức đáng lo ngại đối với cả hai giới nam và nữ ở các lứa tuổi. Hàng năm có khoảng 230.000 bệnh nhân mới. Hiện nay nhờ hệ thống các trung tâm và đơn vị đột quỵ được thành lập với các phương pháp can thiệp điều trị tiên tiến được áp dụng ngay trong những giờ đầu nên nhiều bệnh nhân đột quỵ được cứu sống.
Mặc dù vậy số lượng bệnh nhân bị tàn tật do đột quỵ lại có xu hướng tăng mạnh, chiếm 90%, với nhiều di chứng nặng nề như liệt nửa người, rối loạn nuốt, thất ngôn, viêm phổi, co cứng, suy giảm trí nhớ, trầm cảm, loét tỳ đè... Trong số đó chỉ 25-30% tự đi lại phục vụ bản thân, 20-25% đi lại khó khăn và cần sự hỗ trợ của người khác trong sinh hoạt hàng ngày, 15-25% phải phụ thuộc hoàn toàn vào người khác.
Lê Phương
Theo vnexpress.net
Liên tục có người đột quỵ do rét đậm kéo dài Thời tiết lạnh làm co mạch, máu dễ bị đông hơn có thể gây tắc nghẽn nên dễ bị đột quỵ nếu không biết cách phòng ngừa. Theo PGS. TS. Mai Duy Tôn - Khoa Cấp cứu A9 Bệnh viện Bạch Mai, mùa lạnh là thời điểm bệnh nhân đột quỵ gia tăng đáng kể. Hiện tại, trung bình mỗi ngày Khoa Cấp...