Bước qua quá khứ
Thôi thì hãy cứ là những gã đàn ông đúng nghĩa, luôn biết đâu là trạm dừng của một cuộc tình, đâu mới là nhà để về.
Cô ngã sóng soài vào chiếc ghế sofa màu kem thêu những cánh hoa đỗ quyên rực rỡ. Anh lao vào cô, ghì chặt cổ áo. Ánh mắt long sòng sọc. Những tia máu đỏ in hằn lên đôi tròng. Một cái bạt tai giáng xuống. Đồ đạc hất tung tóe. Tiếng ầm ĩ quát tháo nơi phòng khách vọng lại như những chuỗi âm thanh rền vang, tựa như ai dùng đinh bổ vào từng nhát trong tai cô. Ong óc.
Cuối tháng hai, trời vẫn lưng chừng xuân. Nắng dát vàng bên cửa sổ. Nắng theo gió len vào căn phòng mỗi khi chiếc rèm voan mỏng lay nhẹ. Cô vẫn ngồi thẫn thờ như vậy kể từ lúc anh bỏ đi. Chậu đỗ quyên cô mua về từ hồi trước tết vẫn xao xác một màu đỏ rưng rức.
Cô ba mươi hai, lấy anh từ hồi hai mươi bốn. Vậy là tám năm. Lần đầu tiên anh đánh cô. Buồn hay vui? Hạnh phúc hay đớn đau? Cô chẳng biết. Chỉ nhớ một điều, ngày cô gật đầu về với anh cũng là ngày cô dặn lòng mình là phải thương anh. Thương như thể người biết thương người.
Chàng họa sĩ thả lỏng người trong bồn tắm của khách sạn năm sao nổi tiếng bậc nhất ở mảnh đất phồn hoa này. Sài Gòn của chàng khác quá. Mới chỉ bốn năm. Thời gian là dài hay ngắn? Chàng chẳng thể định, chỉ biết ngần ấy ngày trôi qua chàng vẫn u uẩn về ánh mắt của cô hôm chia tay.
Ngày đó, chàng ra đi theo suất học bổng từ một trường mỹ thuật danh giá của thành phố Paris, bỏ lại hàng me xanh dọc con đường Lý Tự Trọng mà chiều nào chàng cũng đèo cô thơ thẩn suốt buổi.
Cô làm trong một ngân hàng nước ngoài có văn phòng đại diện ở cái tòa nhà cao hơn ba mươi tầng, nơi góc phố có cây me già tán rộng nhất đám me hai bên đường. Góc phố có cái quán cà phê cóc, hay liêu xiêu mỗi bận gió xạc xào lá me rơi chênh chao.
Họa sĩ nghèo với chiếc xe cà tàng cùng mớ màu nước lúc nào cũng lấm lem đôi tay, lấy việc chép tranh đổi cơm-áo-gạo-tiền hằng tháng. Những đêm cô ở lại là những đêm gã hạnh phúc nhất. Thể nào sau những ân ái mặn nồng, chàng cứ tự nhiên mà cầm cọ vẽ. Không một mảnh vải che thân. Chàng vẽ cô. Vẽ nụ cười quyến rũ. Vẽ đường cong mướt mát. Vẽ bờ vai rưng rức. Vẽ đôi môi dẫn dụ. Những bức vẽ nồng nàn. Chàng gọi chúng là Mỹ Nhân.
Đôi tháng, việc chép tranh không suôn sẻ, cô dúi vào tay chàng tiền nhà, tiền màu nước, tiền giấy vẽ. Chỉ là cô cho chàng mượn đỡ. Mai mốt bán tranh được phải trả gấp mười số này. Cô cười ngọt cánh môi. Cô biết tính chàng vốn đầy tự ái. Chàng nhốt khát vọng nghệ thuật lớn lao trong vòng xoáy cơm- áo-gạo-tiền. Những lúc ấy, chàng ghì cô vào đôi vai xương xẩu. Trả cả đời cũng được.
Ngày đó xa rồi. Đến tận thời khắc này, khi thả lỏng mình trong làn nước ấm áp, chàng vẫn chưa lần nào trả bất cứ thứ gì cho cô.
Thành phố thay đổi với nhiều tòa nhà cao ngút trời. Đèn giăng xanh đỏ khắp các con phố trung tâm. Ngày chàng về, lòng có nhiều xáo động. Ngày gặp lại cô, trái tim chàng vỡ tung. Ánh mắt u uẩn nay thành xác xơ quá đỗi.
Đắn đo rất nhiều lần, cô mới tìm đến buổi triển lãm của một chàng họa sĩ Việt kiều vừa đoạt giải vàng thế giới với bộ tranh Hoa Mỹ Nhân. Lúc cầm tờ báo trên tay, cái tên ấy, đập ngay vào mắt cô tức khắc. Là chàng. Sau bốn năm, chàng về, nụ cười rạng rỡ. Nhiều người săn đón. Một bức tranh có giá mấy chục ngàn đô la.
Là chàng, nhưng lạ lẫm phù phiếm. Bờ vai xương xẩu ngày nào chừng như đã đắp lên một mớ da thịt bóng bẩy. Đôi tay lấm lem màu nước xa xưa, giờ trịnh trọng tinh tươm vẫy chào kiêu hãnh.
Là chàng, nhưng chẳng phải ngày xưa.
Video đang HOT
Cô hẫng nhẹ.
Giọt nước mắt hôm tiễn đưa chẳng thể níu giữ. Mầm sống cựa quậy tượng hình trong cô cũng chẳng đủ để chàng khước từ đam mê. Chàng buông tay giữa đám đông nháo nhào nơi sân bay. Cô nghe như đời mình đang giãy chết…
Chàng hứa sẽ về. Chàng dặn phải đợi. Nhưng giá như chàng biết cái bạt tai của cha, sự chì chiết của mẹ, những đêm dài hoang hoải soi mình giữa bốn bức tường tối đen của cô, liệu chàng có nỡ lòng ra đi? Chàng ích kỷ với tình yêu riêng cô. Chàng nắm bắt cơ hội với đam mê đời mình. Phải chăng tình yêu này chẳng đủ lớn để mình hy sinh vì nhau.
Hai tuần sau, bình tâm đối diện với thời khắc nghiệt ngã đó, cô báo chàng, cô đã bỏ đứa bé. Vậy là giữa cô và chàng chẳng còn gì. Chục cú điện thoại hối hả từ bên kia bờ sông Seine cũng chẳng làm cô thay đổi.
Khi một người đã chết trong lòng một người thì trăng tròn cỡ nào cũng chỉ là đêm khuyết hư hao.
Hồi ấy, anh gặp cô tại phòng khám riêng với lời đề nghị ngập ngừng bỏ đi một mầm sống vừa chớm nở. Đó là một buổi tối muộn, trời buông gió, lồng lộng. Cô là vị khách cuối cùng. Anh đưa ánh mắt dò xét cô gái trẻ đang gằm mặt xuống. Tại sao? Câu hỏi làm cho những nỗi đau chực trào. Cô khóc nấc nghẹn. Anh chẳng thể thăm khám, chỉ khuyên cô bình tĩnh mà về, mai hãy quay lại. Anh cho cô số điện thoại cá nhân, cũng như những cô gái non dại khác. Khi cô chuẩn bị rời đi, bất giác anh cảm thấy lòng bất an. Lần đầu tiên anh đề nghị đích thân đưa bệnh nhân của mình về tận nhà. Cô từ chối. Anh cương quyết.
Anh chủ động nhắn tin hỏi han chuyện thai kỳ. Hướng dẫn cô mọi thứ cần chuẩn bị cho chuyến vượt cạn. Tháng thứ tư của kỳ thai, khi cô xuất hiện với đôi gò má còn in hằn dấu một bàn tay, thể trạng yếu ớt, anh lại quyết định sẽ đưa cô về nhà. Lần thứ hai anh đưa cô về. Cũng là lần anh hứng trọn cái tát của cha cô, anh hiểu đôi gò má ửng đỏ đó phải gánh chịu nỗi đau đớn như thế nào. Anh ngồi nơi góc phòng, nghe mẹ cô khua môi những lời gia giáo, anh lại thương áp lực mà những ngày qua cô phải nhẫn nhịn.
Anh chẳng nói gì, cầm chặt tay cô. Tuyệt nhiên cũng chẳng để cô thốt lời nào phân bua. Anh cưới cô ngay tháng sau đó. Lễ cưới giản đơn nhưng đầy đủ mâm quả và lấp lánh vòng vàng. Cha mẹ cô cười tươi như hoa.
Anh cũng cười. Cô cũng cười. Anh bảo, cứ nương tựa vào nhau mà sống. Nhân duyên trong cuộc đời này, đôi khi cứ như một thưởng ngoạn đường hoa. Mình thích đóa này, mình lựa nhánh kia nhưng rồi đều không ưng ý. Cuối đoạn đường chỉ còn lại một bông mà thôi. Thời gian không trả ai về lại vạch xuất phát cả. Người ta luôn bị cuốn theo cái vòng luẩn quẩn xuân-hạ-thu-đông. Ngẩng đầu lên, chỉ còn đúng một bông mà thôi. Đó là duyên phận. Là đoạn đời này, cô phải thương anh. Anh sẽ thương cô. Mình thương nhau. Tình thương này lớn lao hơn tình yêu. Nó bao hàm cả sự bao dung và hy sinh.
Đứa bé ra đời mang họ của anh. Anh đặt cho nói cái tên Thương. Hoài Thương.
Giữa những người thưởng lãm đang rảo quanh căn phòng, bất giác chàng chú ý đến cô gái mặc chiếc đầm đỏ mận tôn lên nước da trắng, mái tóc cắt cúp ngang vai, nhuộm màu nâu hạt dẻ suôn mượt. Không dưng chàng cứ đảo mắt quanh cô gái ấy, dù hiện tại, cô gái đang đứng ở một góc khuất nhất căn phòng, quay lưng lại với chàng. Bức tranh mà cô gái đang đắm chìm vào, là bức mà chàng đã vẽ cách đây hơn sáu năm. Một bờ vai buông hờ hững giữa chiếc giường ngang khung cửa sổ. Ánh trăng dát vào từng khung cửa, lọt những vệt sáng hắt lên đường cong thanh xuân. Căn phòng bừa bộn giá vẽ, khung tranh, màu nước. Căn phòng của tình yêu, của ký ức. Bức tranh chỉ hai gam màu trắng và đen. Đối lập nhưng hòa quyện. Bức tranh chàng đã vẽ người tình của mình sau một lần mặn nồng. Một thời trai trẻ bụi bặm với người con gái luôn dành tất cả cho chàng, vì chàng. Vậy mà…
Chàng tiến đến gần, mỗi bước chân là một lần tim đập dồn. Lạ thế! Càng gần hơn, chàng lại càng muốn vươn đôi tay mà vịn vào bờ vai ấy, hình như rất quen… mà cũng rất lạ!
Cô quay lại khi nghe một hơi thở cận kề mình. Là chàng… Ờ, giờ là một họa sĩ tài ba. Cô quay gót, chạy thật nhanh về phía cửa. Bỏ lại sau lưng tiếng kêu với một âm vang nức nở từ anh. Hình như cô nghe bờ môi mình mặn và tanh mùi máu. Thì ra, sau tất cả, quãng thời gian cũng không thể xóa nhòa tình yêu mà cô dành cho chàng. Trái tim luôn có những nhịp đập nghiệt ngã. Thì ra, sau tất cả, tình vẫn còn đau.
Cái cảnh nhốn nháo giữa buổi triển lãm, thoáng chốc được giựt tít phơi bày lên mọi trang báo mạng. Tận vài hôm sau, báo giấy vẫn còn đi bài về chàng họa sĩ lãng tử và nàng mỹ nhân trốn chạy.
Cô lo sợ sức mạnh của cộng đồng mạng, khi trang facebook cá nhân dập dìu lượt theo dõi, hộp thư đầy tin nhắn của người lạ, của báo chí xin phỏng vấn. Cô khóa tất cả. Cô tắt điện thoại.
Nhưng anh thì không, anh thấy và biết. Đồng nghiệp chìa ra trước mặt, gia đình nhắn tin hỏi han. Anh lao vội về nhà giữa một cơn điên cuồng.
Chu Bar một đêm Sài Gòn hiu hắt gió. Tháng ba vẫn oi nồng cho tới tận buổi khuya. Cả hai người đàn ông đều tỉnh táo. Tưởng chừng buổi gặp gỡ này phải diễn ra giữa cơn say bí tỉ, giữa những cào cấu xô xát đời nhau. Nhưng không, họ ngồi lặng lẽ ở một góc khuất, ban nhạc Philippines đang chơi bản Toi Jamais. Giai điệu bập bùng của cây guitar cùng tiếng trống cajon khiến không gian như đắm chìm. Mọi nặng nề dường như tan biến.
Họ chọn mocktail, thứ đồ uống không cồn. Cả anh và chàng đều cần tỉnh táo. Một người đến trước, một người đến sau. Một người buông, một người nắm. Họ ngồi đây, khắc giây này, là những người đàn ông đã đi qua một quãng đời của cùng một người con gái. Khác chăng là ở cái vị thế. Chàng chỉ là quãng đời thanh xuân đầy tươi trong nhưng nhuốm nhiều đớn đau. Anh lại là quãng đời xanh mát mang phong vị ấm áp dẫu thoảng khi vẫn gợn lên những ghen tuông.
Nhưng sau tất thảy, chàng rồi sẽ ra đi. Anh thì ở lại. Giằng xé nhau chi? Được gì và mất gì? Có chăng, chỉ làm người con gái mà mình yêu thương phải sống trong những tháng ngày khánh kiệt con tim lẫn thể xác.
Thôi thì hãy cứ là những gã đàn ông đúng nghĩa, luôn biết đâu là trạm dừng của một cuộc tình, đâu mới là nhà để về.
Quá khứ luôn là cánh cửa mà một khi đã gõ, liệu chúng ta có dễ dàng bước qua? Liệu chúng ta có đủ bản lĩnh để giải quyết? Vậy nên, cuộc đời này, luôn có những cánh cửa mà chúng ta không nên gõ. Hãy để nó đóng im mãi mãi. Vì yêu thương không nằm phía sau cánh cửa đó. Yêu thương nằm trong trái tim của chính chúng ta.
Hai người đàn ông khuất sau cánh cửa, mỗi người mỗi ngả, bỏ lại giọng hát trầm mặc của ban nhạc Philippines trên sân khấu với bản tình ca Mal đầy khắc khoải.
Anh về đến nhà, đèn vẫn sáng, con bé nhảy chồm lên người anh khi lần đầu tiên bố về muộn mà trong người không có mùi bia rượu. Cô nép mình một bên cánh cửa. Anh bồng con lên, khẽ nắm tay cô về phía bàn ăn, nơi lúc nào cũng có một mâm cơm dành sẵn, dẫu anh có về trễ đến đâu. Lần này, mâm cơm chẳng phải đổ bỏ như mọi khi.
Cô là vợ. Anh là chồng. Là cha mẹ của con bé. Cả ba là gia đình. Là nhà của nhau. Là nơi trở về sau những bộn bề lo toan ngoài kia. Là nơi rộn vang tiếng cười sau những mỏi mệt buồn chán ngoài kia. Là nơi sum vầy đong đầy tình thương sau những chuỗi ngày hoang hoải tan tác. Là thương, thương hơn cả phận mình.
Chuyến bay muộn ngay khuya hôm đó đưa chàng về lại đôi bờ sông Seine, về lại thành phố tình yêu, với những đêm mơ màng bên khung cửa sổ và đóa hoa mỹ nhân của riêng mình. Khác chăng lần này chàng đã để quên con tim lại Sài Gòn.
Chàng họa sĩ lãng du lại sẽ miên di bước đường phiêu bạt với những cảm hứng cùng mớ màu mực. Chàng chấp nhận rời xa cô, vì hơn ai hết, chính anh mới là một bến đỗ an yên cho cuộc đời cô. Đâu cứ gì phải giành lấy cái tình yêu ấy về phía mình. Huống chi đó lại là lỗi lầm ích kỷ chàng đã gây nên. Người Pháp vẫn nói, yêu nhau không nhất thiết phải đi chung một con đường. Mà yêu nhau chính là nhìn người mình yêu hạnh phúc và bình yên.
Chàng tin, cô và con bé đã tìm được cho mình một mái nhà đúng nghĩa. Trong mái nhà ấy không có chàng – một chàng họa sĩ phiêu lãng rong ruổi theo tháng ngày. Chàng tin anh ta. Khi một gã đàn ông bật khóc lo sợ chàng sẽ đem người đàn bà anh ta yêu và đứa con rời xa, từ trong sâu thẳm tâm hồn anh ta, họ đã như một phần máu thịt. Anh ta sẽ dành cho cô không chỉ là thứ tình thương như một phần an ủi sau nửa quãng đời cô chịu nhiều thiệt thòi cùng chàng. Anh ta sẽ thương con bé không phải bởi thứ tình thương của một người vô sinh may nhờ duyên lành có được đứa con.
Mà chàng tin chắc rằng, cái tình thương anh ta dành cho họ là thật.
ĐỒNG BẰNG
Theo phunuonline.com.vn
Paris là thành phố sống khỏe mạnh nhất thế giới
Chiang Mai của Thái Lan đứng ở vị trí thứ hai và thủ đô Barcerlone của Tây Ban Nha xếp ở vị trí thứ ba trong những thành phố sống khoẻ mạnh nhất thế giới. Thành phố sức khỏe kém nhất là Artvin của Thổ Nhĩ Kỳ, Marrakech và Siam Reap của Cam-pu-chia.
Nếu bạn muốn tìm kiếm một kì nghỉ ở thành phố hiện đại với các tiêu chí về sức khỏe thì Paris là nơi dành cho bạn, bởi vì thủ đô của Tình yêu mới được nêu danh là thành phố sống khỏe mạnh nhất thế giới, theo sau là Chiang Mai của Thái Lan và Barcelona của Tây Ban Nha.
Miami xếp vị trí thứ 6 toàn cầu và thứ nhất của nước Mỹ trong khi London lại yếu ớt đứng ở vị trí thứ 67.
Xếp hạng này dựa trên đánh giá số công viên, phòng tập gym, trung tâm spa, các nhà hàng chay, trung tâm yoga, số giờ mặt trời chiếu sáng và cả chi phí khách sạn một đêm trên 100 thành phố khắp thế giới.
Nghiên cứu này của TravelSupermarket đã xếp Paris ở vị trí số 1 vì nó đạt 61,9 trên 100 điểm. Các nhà tìm thấy ở thủ đô của nước Pháp có hơn 894 trung tâm spa rải rác khắp nơi có nhiệm vụ chăm sóc và vỗ về cơ thể mệt mỏi của du khách lẫn cư dân sinh sống tại đây.
Trong khi món croque monsieurs (bánh mì sandwich kiểu Pháp) và ốc sên được cho là ẩm thực điển hình của Paris thì khảo sát cũng chỉ ra rằng Paris có đến hơn 1.305 nhà hàng thuần chay với hơn 150 cửa hàng đồ ăn tốt cho sức khỏe.
Vị trí thứ hai là Chiang Mai với điểm số 59,6. Trung bình cứ mỗi kilomet vuông thành phố này có 7 trung tâm spa với 307 nhà hàng chay trên khắp thành phố.
Vị trí thứ ba là Barcelona với 52,1 điểm. Thành phố của Tây Ban Nha có 1.350 nhà hàng chay tự chọn, 510 trung tâm spa, 32 trung tâm yoga và pilates.
Danh sách còn lại trong Top 10 lần lượt là Pattaya của Thái Lan, Vancouver của Canada, San Francisco của Mỹ, Lisbon của Bồ Đào Nha, Denpansar của Indonesia, và Buenos Aires.
London ảm đạm vị trí thứ 67 một phần vì thủ đô nước Anh không có nhiều trung tâm yoga và các trung tâm này cũng vô cùng đắt đỏ. Tuy nhiên, nó có đến 4.000 nhà hàng chay và 665 trung tâm spa. Melbourne của Úc xếp ở vị trí thứ 78.
Các thành phố của Mỹ thống trị trong Top 20 với Washington DC ở vị trí 15, New York ở vị trí 17, và Las Vegas ở vị trí thứ 20.
Xếp cuối của bảng xếp hạng là ba thành phố đạt 0 điểm, đó là Artvin của Thổ Nhĩ Kỳ, Marrakech của Morroco và Siam Reap của Cambodia. Ba thành phố này có rất ít cơ sở chăm sóc sức khỏe.
Emma Coulthurst, nhà bình luận du lịch của TravelSupermarket, cho biết: 'Chúng tôi thuộc về thế hệ coi trọng việc chăm sóc sức khỏe và lối sống lành mạnh. Điều này có nghĩa là chúng tôi sẽ quan tâm nhiều hơn đến các điểm du lịch có các dịch vụ chăm sóc lối sống khỏe mạnh dành cho du khách. Việc một thành phố có các thiết bị chăm sóc sức khỏe như khách sạn có phòng tập gym và fitness, một chuỗi các cửa hàng đồ ăn có lợi cho sức khỏe phục vụ các món ăn chay theo yêu cầu và trung tâm spa rải rác khắp thành phố là cách tuyệt vời nhất để thu hút các du khách có nhận thức về sức khỏe đến đây nhiều hơn."
Theo dantri.com.vn
Cảnh tượng đổ nát sau vụ nổ khiến 4 người chết tại Paris Một vụ nổ đã xảy ra tại một tiệm bánh ở quận 9 của thủ đô Paris, Pháp hôm nay 12/1 khiến ít nhất 4 người thiệt mạng và nhiều người bị thương nặng. Một vụ nổ đã xảy ra tại tiệm bánh trên đường Rue de Trévise ở trung tâm thủ đô Paris, Pháp vào lúc 9h sáng nay theo giờ địa...