“Buộc bụng” quá chặt
Chính sách kinh tế khắc khổ “thắt lưng buộc bụng” nhằm thoát khỏi cuộc khủng hoảng nợ công đã để lại mặt trái ngày càng tai hại cho hàng triệu người dân Italia, đặc biệt là giới trẻ.
Cuộc biểu tình tại Thủ đô Rome phản đối chính sách kinh tế khắc khổ của Chính phủ
Hàng trăm nghìn người dân Italia ngày 18-5 đã xuống đường ở Thủ đô Rome biểu tình phản đối chính sách kinh tế khắc khổ cũng như tỷ lệ thất nghiệp cao kỷ lục tại nước này. Nhiều người mang các biểu ngữ như: “Chúng tôi không thể chờ đợi thêm nữa”, “Chúng tôi cần tiền để sống”… nhằm thúc giục chính phủ bãi bỏ các chính sách “thắt lưng buộc bụng” và thực hiện nhiều biện pháp hơn nhằm tạo thêm việc làm.
Video đang HOT
Đây là cuộc biểu tình lớn đầu tiên phản đối chính phủ liên minh tả – hữu diễn ra ở Thủ đô Rome kể từ khi chính phủ do Thủ tướng Enrico Letta đứng đầu nhậm chức ngày 28-4 vừa qua. Thủ tướng Letta khi nhậm chức từng tuyên bố mong muốn nhanh chóng hành động để giải quyết tình trạng thất nghiệp ở mức cao kỷ lục 11,6% cũng như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế để tháo gỡ khó khăn cho người dân.
3 tuần tất nhiên là khoảng thời gian quá ngắn để chính phủ của Thủ tướng Letta – vị đứng đầu chính phủ trẻ nhất trong Liên minh châu Âu (EU) hiện nay mới 46 tuổi, thực hiện các cam kết của mình. Thế nhưng, hậu quả của chính sách kinh tế khắc khổ “thắt lưng buộc bụng” là quá nặng nề, từng ngày từng giờ tác động, ảnh hưởng tới cuộc sống nên người dân Italia đã xuống đường biểu tình ở Rome để thúc giục chính phủ phải khẩn trương hành động.
Từ cuối năm 2011, để khỏi bị rơi vào cuộc khủng hoảng nợ công khi mà nợ công đã lên tới con số báo động hơn 130% GDP với hơn 2.000 tỷ euro, chính phủ do Thủ tướng Mario Monti đứng đầu lúc đó đã áp dụng chính sách kinh tế khắc khổ. Theo đó, cắt giảm 10% đội ngũ công nhân viên chức khu vực nhà nước, cắt giảm ngân sách dành cho y tế và hành chính công, đồng thời tăng thuế VAT lên tới 21%…
Chính sách kinh tế khắc khổ tới mức Ủy ban châu Âu (EC) – cơ quan hành pháp của Liên minh châu Âu (EU) vốn luôn thúc giục các thành viên cắt giảm chi tiêu công để thoát nợ công cũng phải lên tiếng khuyến cáo rằng không nên “thắt lưng buộc bụng” quá chặt. Cho dù Italia không phải rơi vào khủng hoảng nợ công trầm trọng như Hy Lạp, Tây Ban Nha… song chính sách kinh tế khắc khổ cũng khiến người dân nước này “lãnh đủ”.
Hậu quả là Italia đang chìm trong cuộc suy thoái kinh tế kéo dài nhất trong vòng hơn 40 năm qua với tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao kỷ lục 11,6%. Điều khiến chính phủ của Thủ tướng Letta đặc biệt lo ngại là tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên đã lên tới mức kỷ lục 38,4%.
Với quan điểm “không có việc làm thanh niên sẽ chẳng có điều gì để hy vọng”, Thủ tướng Letta cùng người đồng cấp Tây Ban Nha là Thủ tướng Mariano Rajoy đã nhất trí thành lập ủy ban chung để soạn thảo một chiến lược về tạo công ăn việc làm cho giới trẻ. Hai vị Thủ tướng còn dự định cùng nhau đưa ra chiến lược nhằm giải quyết tình trạng thất nghiệp trong thanh niên tại hai nước này cũng như toàn châu Âu tại Hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra vào 2 ngày 27 và 28-6 tới.
Theo ANTD
Khắc khổ quá mức
Chính phủ Italia đã áp dụng chính sách "thắt lưng buộc bụng" khắc khổ nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng nợ công song chính sách này đã đi quá đà, gây ra những hệ lụy nghiêm trọng.
Thanh niên Italia biểu tình đòi việc làm và phản đối chính sách thắt lưng buộc bụng
Phát biểu ngày 22-2, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Olli Rehn nhấn mạnh, Italia không cần phải áp dụng thêm các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" nhằm thực hiện các mục tiêu ngân sách của mình. Tuy nhiên, vị quan chức cấp cao của EC - cơ quan hành pháp của Liên minh châu Âu (EU) - cũng khuyến cáo, chính phủ sắp tới của Italia, được bầu sau cuộc tổng tuyển cử ngày 24 và 25-2, phải tiếp tục theo đuổi các chính sách củng cố tài khóa vốn đã được áp dụng khá hiệu quả dưới thời chính phủ kỹ trị của Thủ tướng Mario Monti.
Đây được xem là tuyên bố khá bất ngờ bởi trước nay, các quan chức của EU luôn lên tiếng thúc giục các nước thành viên rơi vào khủng hoảng nợ công hay ngấp nghé bên bờ vực khủng hoảng như Italia phải thi hành các chính sách kinh tế khắc khổ "thắt lưng buộc bụng". Trong khi đó, dù chưa tới mức phải cầu cứu EU và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) như Hy Lạp, song nợ công của Italia cũng đã lên tới mức kỷ lục hơn 2.000 tỷ euro, tức là khoảng gần 128% GDP.
Chính vì tỷ lệ nợ công bị đẩy tới bên bờ vực của khủng hoảng trong khi lại tỏ ra bất lực, không thể ngăn cản điều tồi tệ này nên chính phủ của Thủ tướng Silvio Berlusconi đã phải sụp đổ hồi tháng 11-2011. Lên cầm quyền sau đó, chính phủ kỹ trị của Thủ tướng Monti đã thực thi ngay những chính sách kinh tế khắc khổ, trong đó tập trung vào tăng thuế đi đôi với cắt giảm chi tiêu công và phúc lợi xã hội.
Theo kế hoạch cắt giảm chi tiêu công trong 3 năm của chính quyền Thủ tướng Monti, chính phủ sẽ cắt giảm 10% đội ngũ công nhân viên chức thuộc khu vực nhà nước, cắt giảm ngân sách dành cho y tế và hành chính công. Thuế VAT của Italia cũng lên tới mức khá cao là 21%.
Những biện pháp kinh tế khắc khổ đã giúp Italia không rơi vào cuộc khủng hoảng nợ công, với dự báo sẽ tăng lên mức đỉnh 128,1% GDP vào cuối năm 2013 song sẽ giảm từ năm 2014. Thế nhưng, Italia đã phải trả những cái giá đắt cho việc thực thi chính sách "thắt lưng buộc bụng".
Dễ thấy nhất là con số thất nghiệp bị đẩy lên tới mức kỷ lục, khiến các cuộc biểu tình liên tiếp nổ ra tại Italia, trong đó không ít cuộc đã biến thành các cuộc bạo động đường phố. Theo số liệu của Cơ quan Thống kê quốc gia Italia (ISTAT) công bố mới đây, tỷ lệ thất nghiệp tại nước này đã lên tới mức kỷ lục là 11,1% và đáng lo ngại nhất là tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ lên tới con số kinh hoàng là trên 37%, đẩy gần 2 triệu thanh, thiếu niên đang sống trong tình trạng nghèo khổ.
Chính sách khắc khổ dù giúp Italia tạm thoát nguy cơ rơi vào khủng hoảng nợ công, song lại làm tổn thương tới nền kinh tế quốc gia này. Thất nghiệp gia tăng, thu nhập giảm... đã dẫn tới giảm mạnh nhu cầu chi tiêu, gây khó khăn thêm cho sản xuất giữa thời buổi suy thoái kinh tế.
Báo cáo mới của EC cho rằng GDP của Italia sẽ giảm 1% trong năm nay và tỷ lệ thất nghiệp sẽ tiếp tục tăng lên 12% vào năm 2014. Đó là lý do khiến vị Phó Chủ tịch EC khuyên Italia không nên "thắt lưng buộc bụng" thêm nữa.
Theo ANTD
Dư chấn khủng hoảng nợ Cuộc khủng hoảng nợ công tại Khu vực đồng tiền chung euro (Eurozone) tiếp tục gây ra những dư chấn nặng nề cho cả kinh tế và xã hội thế giới. Một trong những dư chấn đó là thất nghiệp trong giới trẻ đã lên tới mức kỷ lục. Thanh niên Tây Ban Nha thất nghiệp biểu tình đòi cơ hội việc làm...