Bừng tỉnh nhờ những lời dạy nằm ngoài “giáo án” của Bác Hồ
Dù đã chuẩn bị rất kỹ “giáo án” sau chuyến tập huấn nhưng không ai trong đoàn nghĩ Bác lại hỏi những câu vô cùng bình dị, gần gũi đến như vậy. Những lời căn dặn của Bác đều thấm đến tận tâm can, khiến mọi người dường như bừng tỉnh.
Ngớ người vì những câu hỏi không có trong “giáo án”
Dù đã bước sang tuổi 74 nhưng bà Nguyễn Thị Nhâm (ở xóm 11, xã Quỳnh Hậu, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) vẫn còn nhớ như in từng câu nói, từng hành động, ánh mắt của vị lãnh tụ, người Cha già của dân tộc. Cả cuộc đời này sẽ chẳng bao giờ bà có thể quên được lời dạy của Người trong hai lần vinh dự được gặp Bác.
Dù năm nay đã ở cái tuổi xưa nay hiếm nhưng đôi mắt, hành động của bà Nhâm vẫn còn rất lanh lợi, bà vẫn có thể làm những công việc đồng áng bình thường. Nụ cười hiền dịu, phúc hậu lúc nào cũng nở trên môi của nguyên Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Quỳnh Lưu nay là Chủ tịch Hội người cao tuổi huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An.
“Sẽ chẳng bao giờ tôi quên được hình ảnh lúc ấy của Người – Vị lãnh tụ của dân tộc. Sẽ chẳng quên được lời dặn dò của Người cho đến từng từ một. Với tôi đó là cả một báu vật may mắn trong cuộc sống của mình được Người ban cho. Nhờ những lời dạy đó của Người đã làm cho tôi luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”, bà Nhâm tâm sự.
Lần đầu tiên, với tư cách là Bí thư Đoàn tham gia Đại hội thanh niên xung phong tình nguyện miền Bắc được tổ chức vào năm 1965, bà vinh dự được nghe Bác nói chuyện.
“Bác giải thích rất kỹ về cụm từ xung phong và tình nguyện. Trên cơ sở đó để thấy được vị trí, trách nhiệm của đoàn viên thanh niên trong hoàn cảnh của đất nước. Thanh niên phải là lực lượng xung kích, đi đầu đến những nơi khó khăn, làm việc hết khả năng của mình cống hiến cho xã hội với tinh thần tự nguyện chứ không phải là bắt buộc. Bên cạnh đó phải không ngừng học hỏi, hoàn thiện bản thân để đảm nhiệm những sứ mệnh cao cả hơn mà đất nước giao phó”, bà Nhâm nhớ lại những lời dạy của Bác trong buổi gặp đầu tiên.
Tuổi đã cao, ngày ngày vui vẻ cùng cháu con nhưng bà Nhâm không bao giờ quên những lời dạy của Bác.
Lần thứ 2 với tư cách là Phó Bí thư thường trực Huyện ủy, bà Nhâm may mắn được gặp Bác tại Phủ Chủ tịch sau chuyến tập huấn học tập mô hình sản xuất lúa tại Thái Bình vào cuối năm 1967.
Trước buổi gặp mặt, mọi người đều lo Bác sẽ kiểm tra “gắt” về kỹ thuật, quy trình sản xuất, biện pháp… liên quan đến việc sản xuất giống lúa mới. Chính vì vậy mà ai cũng đều tranh thủ chuẩn bị thật kỹ “giáo án” của mình, ôn lại từng chi tiết nhỏ nhất trong chuyến tập huấn.
Nhưng đến khi gặp Bác, ai nấy đều “ngớ người” bởi những câu hỏi của Bác hoàn toàn không nằm trong “giáo án” mà họ đã chuẩn bị. “Bác hỏi đến đời sống của nhân dân tại từng vùng ở địa phương, rồi việc bà con đang sản xuất thì giặc ném bom phải trú ở đâu? đoàn thể có hay liên hoan không?… Mỗi câu hỏi của Bác đều rất bình dị, gắn với cuộc sống thường ngày nhưng khiến chúng tôi như bừng tỉnh”, bà Nhâm nhớ lại.
“Một đồng chí trong đoàn được Bác hỏi: Đoàn thể ta ở địa phương có hay liên hoan không? Đồng chí ấy trả lời là: Ít khi lắm Bác ạ. Lúc này Bác mới giải thích: “Ít thì chắc chắn là vẫn liên hoan. Mà liên hoan thì lấy tiền của tập thể, là của dân góp lại. Đấy là mồ hôi nước mắt của đồng bào. Vì chẳng ai bỏ tiền túi ra để liên hoan cả đâu. Các chú nên chấm dứt việc làm này”, bà Nhâm thấm thía từng lời Bác năm xưa căn dặn.
Video đang HOT
Đạp xe từ Nghệ An ra Thái Bình xin thóc giống
Hai vợ chồng bà Nhâm sống giản dị trong ngôi nhà cấp 4 cùng cháu con.
Kết thúc buổi nói chuyện, Bác căn dặn các thành viên trong đoàn: “Các cô các chú ra Thái Bình học cách làm 5 tấn là rất đúng. Nhưng các cô, các chú phải biết đất Thái Bình khác, đất Nghệ An khác, người Thái Bình khác, người Nghệ An khác. Các cô các chú không thể đặt 5 tấn ở Thái Bình lên Nghệ An được. Các cô các chú cần phải học được cách làm, sự cần cù sáng tạo vào điều kiện thực tế. Bác chúc các cô các chú sớm đạt được 5 tấn tại Nghệ An. Để sau này đất nước thống nhất, đồng bào miền Nam lại ra Nghệ An để học chứ không phải ra đến tận Thái Bình, lại mất thêm một đoạn đường”. Những lời căn dặn chân tình, giản dị nhưng chứa chan lòng yêu dân, yêu nước của Bác khiến ai nấy đều xúc động.
Sau buổi nói chuyện, toàn bộ đoàn rời Thái Bình về Nghệ An. Về quê mình xứ Nghệ, bà cùng với nhiều đồng chí khác đã ứng dụng những kinh nghiệm vào thực tế. Bà Nhâm cùng các đồng chí trong chi bộ mình phụ trách quyết định đạp xe quay trở lại Thái Bình để xin giống lúa về làm thí điểm. Phải mất 2 đêm 1 ngày, bà cùng với các đồng đội mới đạp xe được đến Thái Bình và được hỗ trợ 30kg giống lúa.
Ngay trong vụ đầu sản xuất xã điểm nơi bà Nhâm thực hiện đạt năng suất 6,8 tấn/ hecta, vượt so với chỉ tiêu đề ra. Sau đó cùng với thực hiện thành công đề án trồng khoai lang, đảng bộ, nông dân huyện Quỳnh Lưu nói riêng và Nghệ An nói chung vinh dự nhận được Thư khen ngợi của Bác.
“Chúng tôi đã thực hiện được nguyện vọng của Bác – Nghệ An đã hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu đề ra trong những năm sau đó. Có được thành công trên cũng nhờ vào những lời dạy của Bác. Cả cuộc đời này tôi sẽ không bao giờ quên”, bà Nhâm tâm sự.
Nguyễn Tình – Nguyễn Duy
Theo Dantri
Cây vú sữa trong vườn Bác Hồ từ Hà Nội về Cà Mau
Ở tỉnh Cà Mau hiện nay có cây vú sữa được nhân giống từ chính cây vú sữa miền Nam trong khu vườn Bác Hồ ở Hà Nội. 25 năm qua, nhân dân Cà Mau đã gìn giữ cây vú sữa, thể hiện tình cảm thiêng liêng của đồng bào miền Nam với Bác.
Cây vú sữa của bà má miền Nam tặng Bác
Tiếp chúng tôi tại Phủ thờ Bác Hồ ở ấp Phủ Thờ (xã Trí Lực, huyện Thới Bình) vào những ngày cận kề kỷ niệm 125 năm ngày sinh nhật Bác, ông Huỳnh Minh Tâm (77 tuổi, người có hơn 7 năm làm nhiệm vụ trông coi Phủ thờ Bác) kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về cây vú sữa miền Nam với Bác Hồ.
Ông Tâm nhớ lại, khoảng cuối năm 1954, tại Cà Mau diễn ra buổi tiễn đưa cuối cùng đoàn tập kết cán bộ, chiến sĩ miền Nam ra Bắc. Đó là một buổi tiễn đưa với nhiều tâm trạng, cảm xúc của người đi, kẻ ở. Lúc đó, bà Lê Thị Sảnh (còn gọi là má Tư) muốn làm một điều gì đó thật ý nghĩa để gửi đến Bác Hồ, thể hiện tấm lòng của bà nói riêng, của đồng bào miền Nam nói chung với Bác. Bà má Tư đã kêu con gái bứng một cây vú sữa con bỏ vào một gáo dừa khô. Má Tư gửi cây vú sữa cho trưởng đoàn tập kết với lời gửi gắm là trao tận tay Bác Hồ.
Vào ngày 26/2/1955, đúng ngày mùng 2 Tết Ất Mùi, trong dịp cán bộ, chiến sĩ đến chúc Tết Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch, đại diện đoàn miền Nam là ông Nguyễn Văn Kỉnh đã dâng tặng cây vú sữa của bà má Tư lên Bác Hồ. "Lúc đó, nghe kể là Bác rất xúc động khi nhận cây vú sữa. Một vật tặng của nhân dân miền Nam dù đơn giản nhưng đó là tấm lòng kính yêu nhất của đồng bào ruột thịt miền Nam đối với Bác", ông Tâm chia sẻ.
Bức ảnh Bác Hồ đang tưới cây vú sữa của đồng bào miền Nam gửi tặng Bác.
Cây vú sữa của bà má Tư sau đó được Bác trồng trong khu vườn gần nhà làm việc của Bác. Hàng ngày, tự tay Bác chăm sóc, tưới nước cho cây. Sau này bức ảnh Bác Hồ đang tưới cây vú sữa miền Nam trở thành một bức ảnh lịch sử.
Bà Lê Thị Sảnh (má Tư)- người đã gửi tặng Bác Hồ cây vú sữa vào năm 1954.
Và cây vú sữa bên Phủ thờ Bác ở Cà Mau
Sau khi kể xong gốc tích về cây vú sữa của bà má Tư tặng Bác Hồ hồi 60 năm về trước, ông Tâm lại chỉ cho chúng tôi thấy một cây vú sữa nằm cạnh bên Phủ thờ Bác. "Đó chính là cây vú sữa được nhân giống ra từ cây vú sữa ở khu vườn Bác ngoài Hà Nội đó", ông Tâm nói.
Ông Tâm cho biết, qua lời kể của nhiều cán bộ, trước khi mất, Bác có căn dặn một khi đất nước độc lập mà Bác chưa được vào Nam thì Bảo tàng Việt Nam phải chăm sóc, bảo quản thật tốt cây vú sữa của nhân dân miền Nam tặng Bác, sau đó cho nhân giống cây vú sữa ấy và gửi tặng lại cho nhân dân miền Nam.
Phủ thờ Bác Hồ tại xã Trí Lực, huyện Thới Bình, Cà Mau...
...nơi có cây vú sữa được nhân giống từ cây vú sữa ở khu vườn Bác ngoài Hà Nội.
Theo nguyện vọng của Bác, cây vú sữa ở vườn Bác được nhân thành 4 cây vú sữa để chuyển vào Nam. Tuy nhiên, khi về tới Bạc Liêu thì chỉ còn sống 2 cây. Sau đó, một cây tặng cho gia đình bà má Tư Lê Thị Sảnh, một cây trồng ở Phủ thờ Bác. "Các cây vú sữa khi về tới Bạc Liêu được cán bộ, nhân dân Cà Mau lên Bạc Liêu đón nhận trọng thị lắm, cũng đúng vào ngày 19/5/1990, dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Bác", ông Tâm cho biết.
Theo ông Tâm, lúc các cây vú sữa về tới Cà Mau thì bà má Tư đã mất, cây vú sữa sau đó được trồng nhưng cũng vì nhiều nguyên nhân khác nhau nên đến giờ không còn sống nữa. Riêng cây vú sữa được trồng ở Phủ thờ Bác thì vẫn sống đến ngày hôm nay.
Dẫn chúng tôi xem cây vú sữa dù không được xum xuê nhưng cành lá vẫn xanh tươi, ông Tâm cho biết, trải qua thời gian, cây vú sữa này nhiều lần có nguy cơ bị chết nhưng chính quyền địa phương và nhân dân đã tìm mọi cách để cứu sống cây. "Hồi tôi về trông coi Phủ thờ Bác khoảng năm 2006 thì cây vú sữa tưởng đã chết vì thân cây bị sâu ăn gần hết. Sau đó, đồng chí Chủ tịch xã có nói với tôi có cách nào cứu cây không, tôi nói cũng chưa biết sao. Sau đó tôi mua thuốc sâu về tưới từ trên xuống dưới, cuối cùng diệt được sâu và cây sống đến giờ", ông Tâm nhớ lại.
Ông Tâm cho biết, cây vú sữa này cũng không biết là tên loại gì, mỗi năm bông nở nhiều nhưng đậu trái rất ít. Loại cây vú sữa này có khác với một số loại vú sữa khác là khi trái chín thì trên cuống hơi tím nhạt, xuống một đoạn hơn nửa trái thì xanh dợt, bên trong ruột tím nhạt chứ không phải tím sậm, trong khi nhiều loại vú sữa khác màu da vàng, xanh vàng , trên cuống màu đỏ.
"Hiện, địa phương đang tính nhiều phương án để có thể nhân giống cây vú sữa này trồng ra thêm nhằm gìn giữ, gắn chặt tấm lòng củc Bác Hồ với đồng bào miền Nam nói chung, với nhân dân Cà Mau nói riêng", ông Tâm bày tỏ.
Bà Nguyễn Thị Bảy (con dâu má Tư) nâng niu bức ảnh Bác Hồ tưới cây vú sữa.
Chúng tôi tìm đến nhà bà má Tư ở ấp 10, xã Trí Phải, huyện Thới Bình, Cà Mau. Bà má Tư đã mất vào năm 1986. Trong nhà của má có tấm ảnh Bác Hồ đang tưới cây vú sữa được để trang trọng trên đầu tủ thờ giữa nhà. Bà Nguyễn Thị Bảy (con dâu của má Tư) đã lớn tuổi, dù tai không còn nghe rõ, nhớ trước quên sau nhưng khi chúng tôi hỏi chuyện về má Tư, bà Bảy cầm tấm ảnh bồi hồi xúc động kể cho chúng tôi nghe nhiều câu chuyện.
Bia kỷ niệm "Cây vú sữa miền Nam với Bác Hồ" được xây dựng trước nhà bà má Tư Lê Thị Sảnh.
Rồi bà Bảy dẫn chúng tôi ra mộ má Tư được chôn cất trên miếng đất trước nhà cạnh bên mộ chồng của má. Kề đó là bia kỷ niệm "Cây vú sữa miền Nam với Bác Hồ" với hình ảnh Bác đang tưới cây vú sữa nổi bật được tỉnh Cà Mau cho xây dựng nhân dịp 50 năm chuyến tàu tập kết ra Bắc. Cây vú sữa đã trở thành biểu tượng tình cảm của đồng bào miền Nam đối với Bác Hồ và tình cảm của Bác Hồ đối với miền Nam.
Huỳnh Hải - Tuấn Thanh
Theo Dantri
Kỷ vật của người phụ nữ Sóc Trăng về Bác Hồ Đã nhiều năm nay, bà Mai Thị Út (ngụ xã Mỹ Tú, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng) là người đang có một kỷ vật đã theo bà suốt mấy chục năm nay, đó là chiếc băng tang bà mang trong những ngày Bác Hồ mất đầu tháng 9/1969. Bà Mai Thị Út (con gái Mẹ VNAH Nguyễn Thị Thêm) kể, đầu tháng...