Bùng nổ phong trào học tiếng Trung tại Nga
Chủ nhật hàng tuần, giáo viên tiếng Trung Kirill Burobin bắt đầu làm việc từ sáng sớm và bận rộn đến tận nửa đêm, với 16 giờ dạy.
Lớp học tiếng Trung của Burobin ở Moskva. Ảnh: AFP
Khi Nga tìm cách thắt chặt quan hệ với Trung Quốc trong bối cảnh Moskva tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine, số lượng học sinh của Burobin đã tăng gấp ba lần trong năm qua.
“Chủ nhật là ngày bận rộn nhất” – Burobin, 20 tuổi, đang kiếm thu nhập tốt bằng các bài dạy trực tuyến của mình, nói với AFP – “Tôi có 16 giờ dạy hầu như không nghỉ.”
Sự bùng nổ nhu cầu học tiếng Trung ở Nga là một minh họa rõ nét cho việc nước này đang xoay trục sang châu Á khi căng thẳng gia tăng với phương Tây.
Chuyến thăm Nga ba ngày của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu từ ngày 20/3 nhằm mục đích làm sâu sắc thêm mối quan hệ mà hai nước gọi là “không giới hạn”, điều ngày càng quan trọng đối với Nga khi nước này đang bị phương Tây cô lập.
Hứng chịu dồn dập nhiều đợt trừng phạt của Mỹ và các đồng minh phương Tây, sự phát triển kinh tế và công nghệ của Nga đang trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc.
Natalia Danina, quản lý của HeadHunter, công ty tuyển dụng trực tuyến hàng đầu của đất nước, cho biết năm ngoái có gần 11.000 vị trí tuyển dụng yêu cầu biết tiếng Trung Quốc, tăng 44% so với năm 2021.
Danina cho biết trong cùng thời gian, số lượng việc làm cho những người nói được tiếng Trung Quốc ở Nga đã tăng gấp đôi ở lĩnh vực bán hàng, vận chuyển và hậu cần, song sóng với “sự chuyển đổi nhanh chóng” sang các thiết bị và phụ tùng do Trung Quốc sản xuất.
Video đang HOT
Cô cho biết thêm, nhu cầu tuyển dụng ứng viên nói tiếng Trung trong các công việc ngành năng lượng đã tăng gấp ba lần.
Tổng thống Nga Putin trao đổi với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải ở Samarkand, Uzbekistan năm 2022. Ảnh: Sputnik/AP
Còn giáo viên tiếng Trung Burobin, người đang nghiên cứu về các nền văn minh phương Đông tại một trường đại học hàng đầu ở Moskva, nói rằng anh rất vui khi giúp học sinh của mình tìm hiểu thêm về “một thế giới hoàn toàn mới”.
“Người Nga đang sử dụng tiếng Hoa vì Bắc Kinh đã trở thành đối tác chính của chúng tôi trong nhiều thập kỷ tới. Và đây mới chỉ là khởi đầu”, Burobin nói.
Hồi tháng 8 năm ngoái, Avito, nền tảng quảng cáo trực tuyến hàng đầu của Nga, đã báo cáo rằng các yêu cầu học tiếng Trung ở Moskva đã tăng 138% trong một năm. Con số này lên tới 350% đối với thành phố vùng Viễn Đông Vladivostok.
Sự phổ biến của các lớp học tiếng Trung có thể bắt đầu sánh ngang với nhu cầu học tiếng Anh trong nước.
Alina Khamlova, 26 tuổi, dạy cả hai ngôn ngữ, cho biết năm nay cô chỉ có 3 học sinh học tiếng Anh, so với 12 học sinh tiếng Trung.
Một trong những học trò của Khamlova là Maria, một nhà thiết kế 22 tuổi, mơ ước được đến Trung Quốc để may quần áo vì ở đó “rẻ hơn ở Nga”. Một học sinh khác là huấn luyện viên thể dục 25 tuổi, Ivan, muốn làm việc ở Trung Quốc vì người châu Âu “được trả lương rất cao” ở đó.
Khamlova cũng nói rằng nhiều thanh niên Nga hy vọng được học tại các trường đại học Trung Quốc khi nhiều cơ sở ở châu Âu giờ đây đã trở nên “không thể tiếp cận được với họ”.
Các lớp học tiếng Trung “nở rộ” ở Nga do mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc mở rộng mạnh mẽ. Ảnh: AFP
Trong khi tiếng Anh vẫn giữ vị trí thống trị, số học sinh trung học chọn tiếng Trung làm môn thi ngoại ngữ trong kỳ thi cuối cấp đã tăng gấp đôi sau một năm, lên 17.000 em – theo cơ quan giám sát giáo dục nhà nước Rosobrnadzor.
Sự cô lập ngày càng tăng của phương Tây với Nga đã khiến nhiều trường dạy ngoại ngữ sửa đổi chương trình giảng dạy và mời thêm giáo viên dạy tiếng Trung.
Được thành lập vào năm 2017, trung tâm ngoại ngữ ChineseFirst có số lượng đăng ký tăng gấp đôi trong năm nay – theo hai nhà đồng sáng lập, Wang Yinyu, 38 tuổi, và vợ anh, Natalia, 33 tuổi.
Công việc kinh doanh của gia đình Wang đang phát đạt và anh đang có kế hoạch mở hai chi nhánh mới và một trường mẫu giáo ở Moskva.
Tại Nga, “nhiều công ty đã đổ xô đến các nhà máy Trung Quốc để đặt hàng những mặt hàng không có sẵn ở Nga do lệnh trừng phạt”, Wang Yinyu nói với AFP bằng tiếng Nga.
Các doanh nhân Trung Quốc, những người quan tâm đến việc xuất khẩu sang Nga, cũng đang tìm kiếm nhân viên nói được cả hai thứ tiếng Trung – Nga.
Wang rất vui vì Trung Quốc và Nga đang trở nên thân thiết hơn. “Trung Quốc có ngành công nghiệp hùng mạnh và Nga giàu tài nguyên, điều đó có nghĩa là hai nước chúng ta có thể xây dựng nền kinh tế nội khối của riêng mình”, anh nói, “Nếu dựa vào nhau, không ai có thể đánh bại chúng ta”.
Cấp phép tổ chức thi chứng chỉ HSK trở lại
Theo thông báo mới của Bộ GD&ĐT chứng chỉ tiếng Trung (HSK) đã được cấp phép tổ chức duy nhất tại ĐH Thành Đông (Hải Dương).
Theo quyết định phê duyệt liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ tiếng Trung (HSK), Bộ GD&ĐT đã phê duyệt cho ĐH Thành Đông (tỉnh Hải Dương) phối hợp với Công ty TNHH Công nghệ Giáo dục Quốc tế khảo thí Hán ngữ (Bắc Kinh) tổ chức thi cấp chứng chỉ này sau 3 tháng hoãn thi.
Kỳ thi cấp các chứng chỉ này sẽ được tổ chức tại Tòa nhà A và B, ĐH Thành Đông, số 3, đường Vũ Công Đán, phường Tứ Minh, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương.
Chứng chỉ tiếng Trung HSK được cấp phép thi tại một địa điểm duy nhất ở Việt Nam. Ảnh minh họa: China Daily.
Như vậy, ĐH Thành Đông là đơn vị đầu tiên trong 7 đơn vị tổ chức thi chứng chỉ HSK tại Việt Nam được cấp phép tổ chức thi trở lại. Các đơn vị còn lại bao gồm ĐH Sư phạm TP HCM, ĐH Ngoại ngữ - ĐH Huế, Viện Khổng Tử (ĐH Hà Nội), trường Ngoại ngữ - ĐH Thái Nguyên, ĐH Duy Tân (Đà Nẵng) và ĐH Ngoại ngữ - ĐH Quốc gia Hà Nội.
Ngoài ra, lệ phí thi và các loại phí khác (nếu có) thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật về giá của Nhà nước Việt Nam.
Bên cạnh đó, định kỳ 6 tháng một lần, trước ngày 25/6 và 25/12 hàng năm, ĐH Thành Đông phải báo cáo về các hoạt động liên quan đến việc tổ chức thi cấp chứng chỉ tiếng Trung HSK cho Bộ GD&ĐT. Ngoài ra, trường cũng phải báo cáo lịch thi với Sở GD&ĐT tỉnh Hải Dương tối thiểu 5 ngày trước ngày thi.
Đơn vị này cũng phải chịu sự thanh tra, kiểm tra, giám sát của Bộ GD&ĐT cũng như và cơ quan chuyên môn về giáo dục địa phương tại nơi có địa điểm thi.
Trước đó, kỳ thi cấp chứng chỉ HSK cùng nhiều chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế như Nat-test, IELTS, Cambridge, DELF-DALF... bị tạm hoãn thi tại Việt Nam từ giữa tháng 9. Tính đến hiện tại, một số kỳ thi nói trên đã được cấp phép trở lại.
Bình Dương bổ nhiệm nữ giám đốc sở 8X thành thạo 2 ngoại ngữ Nhiều giám đốc sở ở Bình Dương đã được trao trọng trách khi tuổi còn trẻ và được đào tạo bài bản, từng đi du học, sử dụng thành thạo nhiều ngoại ngữ. Bà Hà Thanh (ngoài cùng bên phải) - tân giám đốc 38 tuổi của Sở Ngoại vụ - cùng các lãnh đạo sở, ngành nhận hoa chúc mừng từ lãnh...