Bún mắm cua Gia Lai – Đặc sản phố núi
Chị bạn bảo: Đã đến Gia Lai nhất định phải ăn món bún mắm cua thối mới được.
Chị bạn tôi đang làm việc tại TP.HCM, mỗi khi được ai đó nhờ giới thiệu về mảnh đất Gia Lai chị đều kể với một trạng thái khá hào hứng, liệt kê từ văn hóa, con người đến các danh lam thắng cảnh.
Đặc biệt đến cuối câu chuyện lúc nào chị cũng kèm lời “ghi chú” cùng một nụ cười khá bí hiểm: Đã đến quê mình nhất định phải ăn món bún mắm cua thối mới gọi là đến Gia Lai.
Tên món ăn này khiến tôi rất tò mò. Nó có… thối thật không, cách chế biến ra sao, vị của nó như thế nào? Những câu hỏi ấy chỉ được trả lời khi tôi đặt chân đến TP.Pleiku (Gia Lai), thưởng thức một trong những đặc sản phố núi này và quả thật nó khó ăn cực kỳ.
Sau này chị bạn và một số người bản địa thừa nhận khi ăn đũa bún đầu tiên ai cũng có cảm giác là lạ như thế. Mùi nồng gắt và vị mặn có phần hơi chát là “chướng ngại vật” lớn nhất cho thực khách lần đầu tiếp xúc món này. Cũng có nhiều người không quen nổi, đành “cao chạy xa bay”. “Nhưng ai đã ăn đến lần thứ ba thứ tư hay quen rồi là thích ngay, sau đó mê, ghiền đến mức ngày nào cũng phải ăn vì nó đậm đà, thơm ngon”, chị bạn chia sẻ.
Video đang HOT
Trên tô bún còn kèm bánh phồng tôm, hoặc da heo chiên giòn, rau xanh. Ảnh: Minh Úc
Nhiều người lớn tuổi ở Pleiku cho biết, món ăn này được du nhập từ những người Bình Định di cư lên đây. Các cụ bảo vị đặc trưng của nó một phần do dân biển vốn ăn cay, mặn, một phần để chống lại cái lạnh khi lên phố núi. Còn cua phải ủ cho đến khi lên mùi hơi khó ngửi, nên nhiều người gọi vui là thối để phân biệt với bún riêu cua hay các món cua khác chứ thật ra đó là mùi lên men chua.
Trình tự nấu món bún mắm cua như sau: cua đồng sau khi rửa sạch, bóc bỏ mai, lấy phần thịt giã nhuyễn rồi lọc lấy nước. Ủ nước này khoảng một ngày một đêm, cho đến khi ngồi ở đâu trong nhà cũng ngửi thấy mùi thì đem chế biến. Thịt ba chỉ đã xào săn lại từ trước cho vào nước cua, gia vị đầy đủ đến khi nước sôi thì cho thêm măng đã thái mỏng. Để lửa vừa, đun càng lâu thì măng càng thấm, mắm càng ngon.
Khi cho ra tô, rưới lên lớp bún là nước mắm cua, măng và cả thịt ba chỉ. Trên tô bún còn kèm bánh phồng tôm, hoặc da heo chiên giòn, rau xanh. Sau mùi rất đặc trưng sẽ là vị tê tê ở đầu lưỡi vì vị mặn của mắm và măng, cay của ớt, giòn của bánh. Một ít chanh sẽ làm vị nhã đi, nhưng phải quen thì mới cảm nhận được cái “chất”, vị đậm đà của món ăn. Chị bạn còn mách tôi, ăn xong bún mắm thối uống một ly sinh tố cà rốt thì quá đã!
Theo Minh Úc (ihay)
Về Sa Đéc ăn chả cua đồng
Món chả cua đồng Sa Đéc lạ miệng nhưng thơm ngon và cực kỳ hấp dẫn!
Anh bạn thân quê ở Sa Đéc (Đồng Tháp) điện thoại lên thành phố mời cuối tuần rảnh về quê anh chơi. Nghe anh nói sẽ đãi một món ăn nhớ đời, đảm bảo không đụng hàng, món chả cua đồng, tôi thích thú nhận lời ngay.
Nhắc đến cua đồng, cả ký ức tuổi thơ trong tôi như sống dậy. Nhớ như in mỗi năm cứ mùa mưa đến, bọn trẻ chúng tôi lại rủ nhau ra đồng bắt cua, ốc... đem về nhà hấp, luộc chấm muối ớt ăn rất ngon lành. Chỉ đơn giản thế thôi!
Sau này được đi nhiều nơi và thưởng thức các món ngon vật lạ của các vùng miền, được biết thêm những món ăn khác từ con cua đồng được các nghệ nhân ẩm thực "nâng lên tầm cao mới" như cua đồng rang muối, rang me, hấp bia, nấu canh chua bắp chuối, lẩu cua đồng... nhưng món ăn bạn giới thiệu lần này thì lạ thật, tôi chưa từng được thưởng thức bao giờ.
Hàn huyên tâm sự xong, bạn kéo ra "quán ruột". Chờ không lâu, chủ quán đã dọn món ăn lên bàn. Nhìn đĩa sứ trắng tinh bên dưới là màu trắng pha lẫn màu xanh của dưa leo, màu đỏ cà chua, chính giữa là một khối chả cua đồng màu nâu sẫm có rắc đậu phộng rang giã giập cùng vài cọng ngò rí điểm xuyết phía trên trông thật bắt mắt. Cạnh đó là một đĩa bánh phồng tôm chiên vàng nóng hổi, thơm lựng.
Không cưỡng được cơn thèm, tôi lấy miếng bánh phồng xúc một ít chả cua đồng bỏ lên miếng bánh đưa vào miệng. Vị ngọt, mềm, thơm của riêu cua, vị chua chua, giòn giòn của cà, dưa leo kết hợp vị béo của bánh phồng tôm giòn tan trong miệng, thấm đẫm mọi giác quan, thật tuyệt vời!
Cua đồng, nguyên liệu tươi ngon
Chủ quán nói làm món này dễ nhưng phải tốn công một chút. Cua đồng bắt được (hay mua ở chợ) về chọn những con còn sống cho vào xô nhựa, đổ nước ngập cua và dùng que tre (hoặc đũa) đảo nhiều vòng, xả vài lần với nước lạnh cho sạch đất. Đập nước đá cho vào cua để cua chìm vào "giấc ngủ đông", quên kẹp. Kế đến, tách bỏ mai, yếm, chỉ giữ phần thân, ngoe, càng, rửa nước lạnh cho sạch để ráo.
Sau đó cho cua vào cối đá (hay máy quay sinh tố) với nửa muỗng muối bọt cùng một ít nước đăm (hay xay) nhuyễn. Đổ thịt cua đã xay nhuyễn vào thau khuấy đều với nước, cho vào vợt lược (khoảng ba lần nước) bỏ xác đến khi thấy nước cua hơi trong thì thôi.
Sau cùng cho nước cua vào nồi, bắc lên bếp nấu sôi. Chừng vài phút sau dùng vá nhẹ tay sơ đều hớt bọt để riêu không bị dính dưới đáy nồi. Điều chỉnh lửa liu riu (tránh bị trào) cho đến khi từng mảng riêu cua nổi lên, dùng vợt lược hớt riêu cua để ra tô cho ráo. Đập một trứng vịt cho vào tô đánh cho hòa tan. Bắc chảo lên bếp phi mỡ (dầu) tỏi, đầu hành lá xắt nhuyễn cho riêu cua, trứng vịt cùng gia vị (bột nêm bột ngọt) vừa khẩu vị xào chín, nhắc xuống, múc ra đĩa là xong.
Để món ăn đậm đà hương vị, thêm vào đậu phộng rang giã giập, rau sống (dưa leo, cà chua) xắt miếng. Và, cũng theo chủ quán, món này phải ăn kèm với bánh phồng tôm chiên (hay bánh tráng mè nướng), nếu thích thêm một cốc bia lạnh vào nữa cho "đúng bài"!
Những ngày nghỉ cuối tuần, khách qua lại Sa Đéc tham quan danh thắng nơi đây, có thể dừng chân thưởng thức món chả cua đồng lạ miệng nhưng thơm ngon và cực kỳ hấp dẫn. Và khi ra về có lẽ nhiều người sẽ thêm vào thực đơn món ăn dân dã của quê hương miền Tây yên ả, thanh bình, mến khách này.
Theo Thanh Tâm (tuoitreonline)
[Chế biến] - Lưỡi heo bóp thấu Lưỡi heo là một món rất dễ chế biến và rất ngon, hôm nay cùng làm món bóp thấu cho cả nhà thưởng thức nhé. Nguyên liệu: - 1 lưỡi heo khoảng 400 gr - Khế chua 3 trái - Chuối chát 2 trái - Ớt sừng 1 trái, ớt hiểm, 1 củ hành trắng, chanh, gừng - Rau răm, tỏi, mè trắng...