Bún mắm cua Gia Lai
Chị bạn tôi đang làm việc tại TP.HCM, mỗi khi được ai đó nhờ giới thiệu về mảnh đất Gia Lai chị đều kể với một trạng thái khá hào hứng, liệt kê từ văn hóa, con người đến các danh lam thắng cảnh.
Đặc biệt đến cuối câu chuyện lúc nào chị cũng kèm lời “ghi chú” cùng một nụ cười khá bí hiểm: Đã đến quê mình nhất định phải ăn món bún mắm cua thối mới gọi là đến Gia Lai.
Tên món ăn này khiến tôi rất tò mò. Nó có… thối thật không, cách chế biến ra sao, vị của nó như thế nào? Những câu hỏi ấy chỉ được trả lời khi tôi đặt chân đến TP. Pleiku (Gia Lai), thưởng thức một trong những đặc sản phố núi này và quả thật nó khó ăn cực kỳ.
Video đang HOT
Ảnh: Minh Úc
Sau này chị bạn và một số người bản địa thừa nhận khi ăn đũa bún đầu tiên ai cũng có cảm giác là lạ như thế. Mùi nồng gắt và vị mặn có phần hơi chát là “chướng ngại vật” lớn nhất cho thực khách lần đầu tiếp xúc món này. Cũng có nhiều người không quen nổi, đành “cao chạy xa bay”. “Nhưng ai đã ăn đến lần thứ ba thứ tư hay quen rồi là thích ngay, sau đó mê, ghiền đến mức ngày nào cũng phải ăn vì nó đậm đà, thơm ngon”, chị bạn chia sẻ.
Nhiều người lớn tuổi ở Pleiku cho biết, món ăn này được du nhập từ những người Bình Định di cư lên đây. Các cụ bảo vị đặc trưng của nó một phần do dân biển vốn ăn cay, mặn, một phần để chống lại cái lạnh khi lên phố núi. Còn cua phải ủ cho đến khi lên mùi hơi khó ngửi, nên nhiều người gọi vui là thối để phân biệt với bún riêu cua hay các món cua khác chứ thật ra đó là mùi lên men chua.
Trình tự nấu món bún mắm cua như sau: cua đồng sau khi rửa sạch, bóc bỏ mai, lấy phần thịt giã nhuyễn rồi lọc lấy nước. Ủ nước này khoảng một ngày một đêm, cho đến khi ngồi ở đâu trong nhà cũng ngửi thấy mùi thì đem chế biến. Thịt ba chỉ đã xào săn lại từ trước cho vào nước cua, gia vị đầy đủ đến khi nước sôi thì cho thêm măng đã thái mỏng. Để lửa vừa, đun càng lâu thì măng càng thấm, mắm càng ngon.
Khi cho ra tô, rưới lên lớp bún là nước mắm cua, măng và cả thịt ba chỉ. Trên tô bún còn kèm bánh phồng tôm, hoặc da heo chiên giòn, rau xanh. Sau mùi rất đặc trưng sẽ là vị tê tê ở đầu lưỡi vì vị mặn của mắm và măng, cay của ớt, giòn của bánh. Một ít chanh sẽ làm vị nhã đi, nhưng phải quen thì mới cảm nhận được cái “chất”, vị đậm đà của món ăn. Chị bạn còn mách tôi, ăn xong bún mắm thối uống một ly sinh tố cà rốt thì quá đã!
Theo ihay
Bánh tro Đa Mai
Đa Mai là vùng đất có nhiều món ăn dân tộc, dân dã nhưng khó quên trong lòng du khách, nổi tiếng nhất phải kể đến bún Đa Mai. Nhiều người sành ẩm thực không thể không biết đến làng bún nổi tiếng của xứ Kinh Bắc xưa. Và nói đến các loại bánh thì chẳng bỏ qua được món bánh tro (còn gọi bánh gio) giản dị, mang đậm hương vị quê hương.
Bánh tro được làm từ những nguyên liệu đơn giản, bằng gạo nếp và tro của một số cây sẵn có ở vùng đất này như rơm nếp, củ chuối phơi khô, cây tạp nhạp...
Nguyên liệu đơn giản nhưng để hoàn thành một mẻ bánh lại cần sự công phu và khéo léo của người làm bánh.
Gạo nếp cái hoa vàng được đãi sạch, nhặt bỏ sạn, gạo tẻ lẫn trong đó rồi để ráo. Những cây tạp nhạp, rơm khô... được phơi khô đốt lấy tro. Dùng tro đó pha với vôi để lắng lại rồi lấy nước trong.
Khi cho vôi người làm bánh phải hết sức để ý, nếu cho nhiều vôi quá bánh sẽ bị nồng, mất ngon.
Nước tro phải có màu vàng hổ phách bánh trông mới ngon và bắt mắt. Sau đó cho gạo đã đãi sạch vào ngâm qua một đêm, vớt ra, để ráo. Lá gói bánh thường được dùng lá dong hoặc lá ỏng. Lá mang về rửa sạch, để ráo. Sau đó người làm bánh phải thận cẩn thận, khéo léo cho gạo vào lòng chiếc lá sao cho gọn, đều rồi quấn lá và bẻ mép lá ở hai đầu bánh cho thật khít, thật đều và cân đối.
Dây cuốn bánh thường dùng dây lạt, buộc bánh không chặt quá, để khi luộc hạt gạo nở đều. Trong quá trình chuẩn bị nguyên liệu và gói bánh người làm bánh luôn tránh để mỡ dây vào, nếu không khi luộc bánh sẽ không rền, hỏng mẻ bánh. Bánh gói xong xếp vào nồi luộc 5-6 giờ là được.
Bánh tro luộc chín, bóc từng lớp vỏ ngoài thấy hiện lên một màu vàng nâu, trong như hổ phách, chưa cần thưởng thức cũng đã quyến rũ người ăn. Bánh tro thường được chấm với nước mật hoặc với đường. Cắn một miếng thấy được vị thanh mát, dẻo thơm của hạt gạo quyện lẫn với vị ngọt của đường, cảm nhận được sự tài hoa, khéo léo của những người thợ làm bánh.
Đơn sơ, giản dị nhưng bánh tro Đa Mai nồng ấm tình người như chính con người nơi đây.
Theo Danviet
Cơm nghèo với nhút mít Để có được một hũ nhút mít ngon, người chế biến phải hết sức nhẫn nại. Mít non hái trên cây xuống, được gọt sạch vỏ, đặt lên một cái mẹt đã lót lá chuối. Rồi người làm bắt đầu băm quả mít, tỉ mẩn từ ngoài vào trong, sao cho cả xơ lẫn hạt đều phải nhỏ và đều. Người Thanh Hóa...