Bún chả Hà Nội
Bún chả có lẽ là món ăn duy nhất ở Hà Nội tồn tại vượt qua cả những ngày đói khổ. Những năm chiến tranh bao cấp, hàng phở hàng bánh cuốn hàng cháo hầu như đóng cửa vì vi phạm đến chính sách lương thực.
Riêng bún chả vẫn còn. Dĩ nhiên bún là do Nhà nước sản xuất. Có thể mang gạo đi đổi ở các tổ phục vụ trong phố.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet).
Hàng bún chả thường gọn nhẹ cắp nách. Đồ nghề chỉ có dăm chiếc mẹt tre, vài chiếc bát nhỏ đựng nước chấm dưa góp. Một hộp than hoa, mấy cái xiên thịt và vỉ nướng lưới mắt cáo. Chiếc quạt nan chẳng bao giờ lành lặn. Vài chiếc ghế con giắt vào quang gánh. Đuổi đâu chạy đấy. Mất đồ nghề mai lại sắm dễ dàng.
Video đang HOT
Người Hà Nội bấy giờ ăn bún chả ở khu vực chợ Đồng Xuân, dốc Hàng Khoai, dốc Hàng Than. Chỉ vào lúc gần trưa mới có. Bún lá nhỏ và mỏng như lưỡi mèo sắp ra mẹt lót lá chuối xanh. Rau sống rau thơm bày vào một góc mẹt. Xiên chả miếng nướng thơm lừng tuốt vào bát nước chấm dưa góp su hào cà rốt. Chả băm nướng vỉ thả thêm vào vài viên. Ngồi lom khom trên những chiếc ghế con bằng gỗ. Vỉa hè là bàn. Mẹt bún đặt ngay xuống đất. Xuýt xoa ớt tỏi cay xè. Nhấm nháp từng lá bún với chả và rau sống. Không mấy người đủ tiền ăn đến no. Chỉ là quà lỡ bữa. Và đó là món ăn để mời người yêu thì tuyệt đối an toàn tránh lãng phí. Các cô ấy ăn uống rất nhỏ nhẻ nhưng cũng chẳng bao giờ để thừa một miếng dưa góp nào. Vừa ăn vừa nghe chương trình ca nhạc trên đài truyền thanh Hà Nội. Những bài hát náo nức trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Cuộc sống tươi đẹp đến thế là cùng.
Nhà đông con không bao giờ có đủ tiền cho bọn trẻ đi ăn bún ngoài đường. Nhà nào cũng phải có cái vỉ quạt chả. Dồn tem phiếu thịt vào một ngày Chủ nhật đẹp trời. Mua thịt dọi làm chả. Sang hơn nữa thì lên chợ Hàng Bè, Đồng Xuân mua thêm con cua gạch làm mấy cái nem rán. Sai trẻ con vác rá gạo đi đổi bún. Thế là có một bữa ăn no bún chả cả nhà. Cũng vài tháng mới ăn một lần cho đỡ vã. Bún chả là món ăn hơi ầm ĩ khó giấu bởi mùi thơm. Thứ mùi không hợp với tình hình tem phiếu của dân thường.
Sau chiến tranh, đã có thời bún chả lên ngôi. Đó là món ăn vừa với túi tiền công chức. Khắp trên những con phố cổ Hàng Mành, Hàng Bồ, Hàng Buồm, Đồng Xuân, Hàng Lược, Phố Huế, Nguyễn Khuyến, Mai Hắc Đế đều có hàng bún chả. Dễ nhận biết từ xa bằng nghi ngút khói. Ăn trong nhà. Bàn ghế bát đũa quy mô hơn trước. Có thêm món nem cua bể rán. Lúc nào cũng ngùn ngụt khách từ gần trưa cho đến tận tối. Người Hà Nội chẳng hiểu sao không dùng bún chả cho bữa sáng. Chẳng bao giờ có hàng ăn sáng bán bún chả. Ở nhà cũng không. Đó có lẽ chính là nét đặc sắc ẩm thực kinh kỳ. Không phải ở món ăn mà là ở lúc ăn.
Giờ thì cũng không còn nhiều hàng bún chả như trước nữa. Những hàng còn tồn tại được phải có những kỹ thuật bí truyền đặc sắc. Cũng chỉ bán một chốc buổi trưa là vừa đủ. Mở hàng đến tối cũng không có ai vào. Một điều vô cùng khó hiểu về ẩm thực Hà Nội. Người ta ăn uống hình như theo một phong trào bí mật nào đó. Bùng phát lên một dạo rồi tắt ngấm. Bây giờ tìm được hàng bán nước sen dừa và chè đỗ đen đá còn khó hơn tìm mua nấm linh chi và sừng tê giác. Thịt chó Nhật Tân đã tan tác từ lâu. Bò tùng xẻo, lẩu dê và ốc Hồ Tây cũng ít ai ngó ngàng tới dù mới chỉ vài năm trước thôi còn là những món ăn được quan tâm nhiều nhất. May mà bún chả…
Bún chả 3 miền
Có thể nói, bún chả (thịt nướng) là món bún hiện diện ở 3 miền Nam, Trung, Bắc, có cùng cách chế biến và nguyên liệu giống nhau nhưng đặc trưng vùng miền thể hiện lại khác nhau!
Khoảng 15 năm trở lại, bún chả Hà Nội "Nam tiến" tại các tỉnh, thành phố miền Nam, với cách ăn hơi cầu kỳ thể hiện đúng đặc tính của người Bắc. Bún chả Hà Nội có hai loại thịt nướng: vê viên và ba chỉ. Cũng nghi ngút khói là đặc điểm từ nhà bếp của món bún chả, nhưng bún chả Hà Nội chủ lực từ thịt nạc vai bằm nhỏ, vê viên ép dẹp thành hình dạng tròn và nướng với gia vị chỉ có muối, tiêu, bột ngọt, thêm chút nước mắm. Để miếng thịt không bị khô phải ướp với ít dầu hay mỡ. Ngoài ra còn có thịt ba chỉ thái mỏng, ướp gia vị, nướng vàng. Cái tài của người chế biến là làm sao cho thịt không dai, mềm lại có chút xíu độ giòn, trông "mỡ màng", không khô. Thịt đặt trên vỉ hay que xiên và nướng trên than hồng vừa phải mới tạo được độ chín, giòn mềm...
Nước chấm của món bún chả Hà Nội chế biến đơn giản chỉ là nước mắm pha loãng có đường vừa đủ. Đặc biệt đồ chua phải có su hào mới làm nên hương vị. Su hào, đu đủ, cà rốt cắt miếng nhỏ mỏng vừa phải, tất cả nằm trong chén mắm (luôn nóng) và bỏ thịt nướng vào. Cái đặc biệt nữa là rau phải để nguyên lá. Mỗi khay bún chả là một phần ăn gồm: chén nước mắm đã có đồ chua, thịt nướng viên và miếng, đĩa rau sống với các thứ như: xà lách, rau muống chẻ, húng quế, đặc biệt phải có tía tô và kinh giới mới thành mùi vị đặc trưng. Phần ăn đảm bảo no, nên ít người chuộng làm món điểm tâm hay ăn chơi mà chủ yếu ăn trưa hay ăn chiều.
Từ Huế vào Nam xuống tận miền Tây, món bún chả hay còn gọi là bún thịt nướng có chung một kiểu chế biến, mỗi vùng, miền tùy theo yêu cầu người ăn mà tăng thêm nguyên liệu.
Đặc biệt ở Huế, thịt được ướp khá công phu và cầu kỳ, có thêm sả (ớt) và mè trắng. Nước chấm có thể là nước mắm (ớt, tỏi) nhưng cũng có thể được chế biến còn gọi là nước tương. Thịt nướng có thể là thịt heo hay thịt bò. Thịt nạc vai hay thịt ba chỉ thái miếng vừa phải ướp gia vị và nướng. Mùi thơm của sả là đặc trưng riêng của món bún thịt nướng Huế. Đồ chua là củ cải và cà rốt thái sợi ngâm với giấm đường chua chua, ngọt ngọt. Xà lách, rau thơm cắt nhỏ nhưng không phải là rau ghém thái sợi mỏng có thêm dưa leo. Một nhúm rau bên dưới, rồi đến bún và bề mặt gồm có: mỡ hành, thịt nướng, đồ chua, bỏ thêm ít đậu phộng giã dập, tạo cảm giác chưa ăn đã thèm!
Vào đến Nha Trang, tô bún chả có có thêm sự hiện diện của những miếng chả ram. Miếng thịt nướng lúc này không có sả hay mè nhưng vị đậm đà hơn chút xíu và có mùi thơm của hành, tỏi. Cái ngon của tô bún chả ở đây còn quyết định bởi nước chấm hay còn gọi là nước tương. Đây là loại nước chấm đặc biệt của món nem nướng truyền thống vùng Ninh Hòa, Diên Khánh, Nha Trang. Thịt nạc vai và gan heo bằm nhuyễn, tất cả cho vào nồi xào chín, cốm nếp giã nhỏ, trộn đều với ớt, tỏi, đường giã nhuyễn. Trộn tất cả vào nồi thịt đã xào chín, nêm nếm cho vừa mặn mặn, ngót ngót. Nồi nước tương phải sệt sệt bởi hỗn hợp các thứ thịt, gan heo và cốm nếp. Tô bún chả Nha Trang ngoài thịt nướng, chả ram còn có thêm chả lụa, nem chua, ngoài nước tương còn có thêm ít nước mắm ớt tỏi.
Từ Nha Trang vào miền Nam, bún chả phổ biến một kiểu chế biến. Tô bún chả Sài Gòn chỉ có nước mắm ớt, tỏi và cũng các thứ như: thịt nướng, chả ram. Phần đồ chua cũng là củ cải, cà rốt thái sợi, trên mặt tô bún cũng có mỡ hành, đậu phộng.
Lần xuống Kiên Giang, một điểm khá thú vị là món bún chả không ăn bằng tô mà bằng đĩa! Miếng thịt ở đây thường là thịt "cốt lếch" không mỡ, được cắt nhỏ, đặc trưng kiểu thịt nướng dành cho món cơm tấm. Đĩa bún cũng có đậu phộng, đồ chua và ít rau thơm. Tuy nhiên, cái ngon ở đây quyết định bởi miếng thịt mềm, gia vị vừa ăn.
Những món ăn chuẩn Hà Nội giữa lòng Đà Lạt Nền ẩm thực của Đà Lạt vô cùng phong phú với những món ăn của tất cả các vùng miền trên khắp đất nước, góp phần làm nên sự hấp dẫn đó là những món ăn thơm ngon của Thủ đô Hà Nội. Dưới đây là những món ăn chuẩn Hà Nội nhất định phải thử khi đến Đà Lạt. 1. Bún chả...