Bún bò Huế “lai” ở Hà Nội
Ngay cả ở các hàng bún bò Huế ngon có tiếng tại Hà Nội, khách ăn cũng chỉ được phục vụ “phiên bản lai”. Thôi kệ, ăn đỡ bún “lai” để đỡ thèm một chút, và nhớ Huế nhiều hơn.
Bún bò Huế xuất hiện ở Hà Nội từ rất lâu, ngay khi quán ăn Huế đầu tiên được mở trên phố Lý Thường Kiệt. Tuy nhiên, là quán có quá nhiều món ăn, lại phục vụ cả cơm, lẩu nhiều loại, cộng thêm quy mô không lớn nên bún bò Huế ở đây không thật sự xuất sắc. Phải chờ đến khi những quán bún bò Huế “chuyên” xuất hiện, người Hà Nội thương mến Huế mới có dịp nếm đều đặn những món này cho đã thèm.
Bún bò Tuyết ở Huế – Ảnh: Trinh Nguyễn
Nước dùng của bún bò Huế khá đậm và khỏe từ mùi đến vị. Vị ngọt của nước là tổng hợp của xương ninh lẫn mắm ruốc Huế lọc. Không tính đến mùi mắm đặc trưng, vị mặn ngọt của nước có phần gần với nước lẩu mắm. Gần thôi, chứ không giống vì lẩu mắm có vị ngọt đậm hơn theo khẩu vị miền Nam. Phiên bản gốc ở Huế còn nổi rõ vị cay. Cay đến mức nếu có dặn nhà hàng cho tôi bát không cay thì cũng đã cay chảy nước mắt với người không biết ăn ớt rồi. Tất nhiên, ở Hà Nội, nước dùng không thể cay như vậy. Bù lại, nhà hàng có món ớt chưng. Tuy nhiên, do làm hàng nên không mấy nhà có ớt chưng thơm dịu. Chỉ cần lưu lâu ngày một chút, ớt chưng đã có thể thoáng mùi “thời gian”.
Về chất lượng nước dùng, ổn nhất có thể kể đến bún bò O Xuân trên đường Quang Trung. Nước dùng ở đây đậm vị ruốc hơn cả so với những hàng khác. Nhưng cũng chính vì thế, những người không quá mê vị mắm sẽ xếp O Xuân sau quán ở đường Nguyễn Văn Cừ. Quán bún ở Gia Lâm này có vị nước thanh hơn. Bún bò Nguyễn Thượng Hiền chơi “tông” giữa của hai quán trên, tuy nhiên không quá đặc sắc. Một quán khác cũng có nước dùng khá ngon là quán 65 trên đường Láng. Cũng tại đoạn phố này có một loạt quán bún bò, nhưng quán 65 với phụ chú quán cũ có chất lượng tốt hơn cả. Chuyện vặt khi ăn bún cho thấy phụ chú này có nguồn gốc từ chỗ bà chủ quán cứ thuê đâu thì một thời gian sau lại phải trả nhà, đi thuê chỗ khác. Nhà cho thuê sau đó cũng mở hàng bán bún bò luôn.
Sau nước dùng, phải kể đến “nhân”. Chất lượng giò heo hầm ở các quán trên tương đối đồng đều. Bò luộc cũng vậy. Món gân ngon trứ danh Huế ở Hà Nội không có, mà có cũng không theo kịp. Huyết mềm tuy đều mềm, ngọt nhưng lại hơi thoáng dai và chưa có quán nào “luyện” được độ xốp nhẹ như huyết mềm ở Huế. Điều này cũng không lạ, bởi ngay tại Huế, chất lượng miếng huyết heo cũng là kim chỉ nam đẳng cấp của quán.
Ăn bún bò Huế ở Hà Nội sẽ rất nhớ món chả cua Huế – Ảnh: Trinh Nguyễn
Có một xu hướng đáng phàn nàn là nhiều quán lại dùng giò tai để ăn kèm với bún bò, thay cho viên chả cua như trong Huế. Điều này hơi lạc điệu bởi mùi nấm hương, nước mắm của giò tai hoàn toàn “chả liên quan” đến vị ruốc- linh hồn của bún bò.
Nhiều người cũng đề nghị trần giá và rau chuối ăn kèm với bún. Đã là khẩu vị thì không ai giống ai và vệ sinh thực phẩm cũng là điều đáng nghĩ, tuy nhiên cách ăn này cũng làm giảm độ thơm ngon của bún. Bởi vị giá giòn mát chính là sự “đối trọng” với cái nóng sực của vị ớt nơi đầu lưỡi. Cũng như món rau chuối sau khi trần tự dưng lại mất độ xốp và dai một cách vô duyên.
Chính vì thế, bún bò Huế ở Hà Nội dù ngon, cũng chỉ là một phiên bản “lai”. Ăn bún để đỡ thèm một chút, và nhớ Huế nhiều hơn. Để rồi ngay khi đặt chân tới Huế, dứt khoát người ta sẽ phải chọn lập tức một quán bún bò tiếng tăm mà thẳng tiến.
Video đang HOT
Trinh Nguyễn
Theo ihay
Ẩm thực Việt 2012 khiến thế giới xôn xao
Đưa cơm thịt ba chỉ, trứng ốp la đặc trưng hương vị Việt Nam đến vòng chung kết thi Vua Đầu bếp Mỹ, cô gái khiếm thị Christina Hà giành giải quán quân khiến người Việt tự hào. Ẩm thực Việt 2012 cũng xác lập nhiều kỷ lục.
Dưới đây là 5 sự kiện ẩm thực nổi bật trong năm 2012.
1. Christine Hà trở thành Vua đầu bếp Mỹ 2012
Tháng 9/2012, Christine Hà - cô gái khiếm thị 33 tuổi gốc Việt đến từ ĐH Houston giành vị trí quán quân cuộc thi Master Chef (Vua đầu bếp Mỹ) mùa thứ ba. Christine đã đánh bại nam đầu bếp 24 tuổi Josh Marks để giành giải thưởng chung cuộc bao gồm 250.000 USD tiền mặt, một hợp đồng xuất bản sách dạy nấu ăn cùng chiếc cúp Master Chef.
Christine Hà giành chiến thắng tại cuộc thi Vua đầu bếp ở Mỹ với món cơm Việt. Ảnh: Fox.
Ở phần thi trong đêm chung cuộc, Christine Hà và Josh Marks phải thực hiện 3 món ăn trong vòng hai tiếng để tham dự. Trong khi Josh Marks chọn làm các món tôm hùm rim bơ, thịt cừu non sốt cà ri rau quả và bánh pecan thịt xông khói thì Christine Hà lại trổ tài với các món salad cua papaya Thái, cơm thịt ba chỉ, trứng ốp la đặc trưng hương vị Việt Nam và kem dừa gừng. Bữa ăn được Christine Hà mô tả như "bản giao hưởng của hương vị" khá giản đơn nhưng lại gây bất ngờ cho Ban giám khảo. Nhiều món ăn quê hương khác cũng được cô gái mang một chứng bệnh khiến mất dần thị lực, giới thiệu tại Master Chef.
2. 10 món ăn Việt Nam xác lập kỷ lục châu Á
Ngày 30/8/2012, tại Faridabad, Indian, Tổ chức Kỷ Lục Châu Á đã xác lập 10 món ăn Việt Nam là kỷ lục châu Á theo tiêu chí Giá trị Ẩm thực Châu Á.
Phở là 1 trong 12 món ăn Việt Nam được xác lập kỷ lục châu Á. Ảnh: Khánh Hòa.
Trong số đó, Hà Nội đóng góp nhiều nhất với ba món ăn nổi tiếng là phở, bún thang và bún chả. TP HCM xếp thứ hai với cơm tấm và gỏi cuốn. Những món ăn còn lại là đặc sản của từng địa phương như: bánh đa cua Hải Phòng; cơm cháy Ninh Bình; miến lươn Nghệ An; bún bò Huế; mì Quảng; phở khô Gia Lai; bánh khọt Vũng Tàu.
3. 50 đặc sản nổi tiếng Việt Nam
Tháng 9/2012, trong "Hành trình tìm kiếm đặc sản Việt Nam lần thứ nhất năm 2012 do Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam thực hiện, 50 món ăn thuộc nhiều vùng miền trong cả nước được đưa vào danh sách đặc sản nổi tiếng.
Lợn cắp nách Lai Châu là một trong 50 món ăn đặc sản Việt Nam. Ảnh: V.K.
Những địa phương đóng góp nhiều nhất trong danh sách này là Hà Nội (6 món), Thừa Thiên - Huế (5 món), TP HCM (3 món), Quảng Nam (2 món), Quảng Ngãi (2 món), Cà Mau (2 món)... Trong danh sách này, ngoài những món ăn quen thuộc như: cơm tấm, bún chả, bún bò Huế, gỏi cuốn... còn có một số món ăn rất lạ như: lẩu thả Bình Thuận, súp lươn Nghệ An, lợn cắp nách 6 món Lai Châu...
4. Món ăn đường phố TP HCM đứng thứ 6 trong top 10
Trong top 10 thành phố có món ăn đường phố hấp dẫn nhất thế giới do tờ Vancouversun (Canada) bình chọn vào tháng 8/2012, TP HCM xếp thứ 6. Châu Á còn đóng góp 3 đại diện khác là Penang (Malaysia), Bangkok (Thái Lan) và Singapore.
Bánh tráng trộn là món ăn đường phố rất nổi tiếng ở Sài Gòn. Ảnh: A.N.
Theo báo này, nghệ thuật nấu ăn của người Việt đã đi vào ký ức của nhiều du khách phương Tây, đặc biệt là ẩm thực đường phố. Chỉ cần một tour ngắn vòng quanh từ chợ Bến Thành đến chợ Bình Tây thôi là có thể tìm ra câu trả lời tại sao người ta mê mẩn món ăn đường phố ở đây đến thế. Món ăn đường phố ở Sài Gòn là sự pha trộn nhiều nét văn hóa ẩm thực khác nhau, đặc biệt là khẩu vị Pháp từ thời thuộc địa trên nền hương vị và nguyên liệu truyền thống của người Việt.
5. 10 trái cây có giá trị nhất Việt Nam
Trong cuộc "Tìm kiếm đặc sản Việt Nam" lần thứ nhất vào tháng 8/2012, Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam lập danh sách 10 loại trái cây thơm ngon, đặc trưng của đất nước. Các loại trái này đều được Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học công nghệ) cấp giấy "Chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa".
Vú sữa Lò Rèn - Tiền Giang là một trong 10 trái cây có giá trị kinh tế cao nhất Việt Nam. Ảnh: V.K.
Đây là những loại trái cây rất quen thuộc và nổi tiếng như: vú sữa Lò Rèn, Tiền Giang; vải thiều Thanh Hà, Hải Dương; nhãn xuồng cơm vàng Vũng Tàu; bưởi da xanh Bến Tre; thanh long Bình Thuận; nhãn lồng Hưng Yên... Tiêu chí chọn trái cây không chỉ thơm ngon, gần gũi mà còn đáp ứng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Khánh Hòa
Theo VNE
Bánh xèo trong nhà cổ phố Đội Cấn Phải chui vào quán sâu trong ngõ, bước lên cầu thang cũ kỹ, nhưng thực khách sẽ được 'đền bù' bằng món ăn đặc sản phương Nam thơm ngon. Hà Nội lâu nay nổi tiếng với những hàng quán nằm khuất nẻo nơi con phố cũ. Với người sành ăn thì việc chui rúc, luồn lách trong các căn nhà chật hẹp hay...