Bulgaria sẽ tiếp tục nhập khẩu dầu của Nga
Theo phóng viên TTXVN tại Đông Âu, ngày 22/11, chính phủ chuyển tiếp tại Bulgaria và công ty Lukoil Neftochim Bulgaria (LNB) có liên kết với Tập đoàn dầu mỏ Lukoil của Nga đã ký một thỏa thuận cho phép LNB tiếp tục hoạt động và xuất khẩu các sản phẩm dầu sang Liên minh châu Âu (EU).
Một cơ sở lọc dầu của Tập đoàn Gazprom, Nga. Ảnh: TASS/TTXVN
Phó Thủ tướng Bulgaria phụ trách kinh tế Christo Alexiyev cho biết việc LNB tiếp tục hoạt động sẽ đem về cho ngân sách nhà nước Bulgaria tới 450 triệu euro (hơn 463 triệu USD) tiền thuế. Ông Alexiyev nhấn mạnh: “Hôm nay chúng tôi đã đạt được một bước tiến quan trọng, theo đó kể từ ngày 1/1/2023, Lukoil sẽ chuyển lợi nhuận từ hoạt động sản xuất và thuế của mình sang Bulgaria”.
Trong khi đó, đại diện của Lukoil khẳng định “trong vòng một tuần sau khi Bulgaria thông qua các thủ tục pháp lý liên quan, ban giám sát của Lukoil sẽ thông qua quyết định chuyển lợi nhuận thực tế từ chế biến dầu sang Bulgaria”. Tập đoàn này cam kết thực hiện hợp đồng theo 4 điều kiện: bảo vệ môi trường kinh doanh vĩ mô, vận hành nhà máy của LNB ở mức toàn tải, sử dụng dầu Ural của Nga và dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu các sản phẩm dầu mỏ từ Bulgaria.
Với thỏa thuận trên, chính phủ hiện nay tại Bulgaria dự định hủy bỏ sắc lệnh của chính phủ tiền nhiệm của Thủ tướng Kiril Petkov cấm xuất khẩu nhiên liệu do nhà máy lọc dầu của Nga sản xuất tại Bulgaria sau ngày 5/12. Điều này sẽ cho phép Lukoil tiếp tục hoạt động tại Bulgaria theo chế độ hiện nay cho đến hết ngày 31/12/2024 khi quyền miễn trừ đặc biệt dành cho Bulgari hết hiệu lực.
Trước đó, Ủy ban châu Âu (EC) đã cảnh báo rằng Lukoil không được xuất khẩu các sản phẩm dầu liên quan dầu của Nga từ lãnh thổ Bulgaria. Tuy nhiên, Bulgaria cho rằng nước này “có thể thực hiện theo quyền miễn trừ đối với các sản phẩm dầu tinh chế được sản xuất ở nước thứ 3 dựa trên dầu mỏ của Nga và xuất khẩu sang nước khác”.
LNB gia nhập Tập đoàn Lukoil từ năm 1999, là nhà máy lọc dầu lớn nhất tại khu vực Balkan. Nằm ở cảng Burgas ven Biển Đen, nhà máy lọc dầu này được xây dựng để lọc dầu thô của Nga và các loại dầu thô khác có xuất xứ từ khu vực Trung Đông.
Bulgaria muốn đàm phán với Gazprom để nối lại vận chuyển khí đốt
Ngày 22/8, Chính phủ Bulgaria thông báo sẽ tìm cách đối thoại với hãng năng lượng Gazprom của Nga để nối lại hoạt động vận chuyển khí đốt tự nhiên trước khi mùa Đông tới.
Trạm bơm khí của Hệ thống đường ống Nord Stream 1 (Dòng chảy phương Bắc 1), dẫn khí đốt từ Nga sang Đức qua biển Baltic, tại Lubmin, miền Đông Bắc Đức. Ảnh (tư liệu): AFP/TTXVN
Bulgaria gần như phụ thuộc hoàn toàn vào Nga để đảm bảo mức tiêu thụ khí đốt hằng năm lên tới 3 tỷ tấn m3. Vào cuối tháng 4, Gazprom đã giảm lượng khí đốt vận chuyển sang Bulgaria, sau khi chính phủ tiền nhiệm của nước này từ chối thanh toán bằng đồng ruble cho các hợp đồng khí đốt. Kể từ thời điểm đó, Bulgaria đã phải chật vật tìm kiếm nguồn cung thay thế.
Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Năng lượng tạm quyền của Bulgaria, ông Rosen Hristov nhấn mạnh việc đàm phán với tập đoàn Gazprom là không tránh khỏi để nối lại nguồn cung khí đốt.
Trước đó, Chính phủ tiền nhiệm của Thủ tướng Bulgaria Kiril Petkov đã đẩy nhanh việc hoàn tất xây dựng đường ống mới nối với quốc gia láng giềng Hy Lạp để vận chuyển 1 tỷ tấn m3 khí đốt kể từ tháng 10. Bulgaria cũng đàm phán để vận chuyển một lần khí hóa lỏng từ Mỹ. Theo Bộ trưởng Hristov, cho đến nay, các đợt vận chuyển khí đốt mới chỉ đáp ứng đầy đủ cho mức tiêu thụ của tháng 9 và một phần của tháng 10.
Trong bối cảnh không đảm bảo được nguồn cung và giá cả leo thang, các nhóm công nghiệp đã hối thúc chính phủ lâm thời nối lại đàm phán với Gazprom. Tuần trước, Bộ trưởng Hristov khẳng định các cuộc thương lượng với Gazprom sẽ là phương án cuối cùng và sẽ chỉ tập trung vào việc nối lại vận chuyển khí đốt theo hợp đồng hiện nay của Bulgaria, vốn dự kiến kéo dài đến cuối năm 2022.
Dự kiến Bulgaria sẽ tổ chức tổng tuyển cử vào ngày 2/10 tới. Theo ông Hristov, nội các mới sẽ quyết định xem có muốn đàm phán hợp đồng mới với Gazprom hay không.
Lựa chọn cho Ba Lan và Bulgaria sau khi bị Nga ngừng bán khí đốt Sau khi bị tập đoàn Gazprom của Nga đã ngừng cung cấp khí đốt tự nhiên do không đồng ý trả tiền bằng đồng rúp, Ba Lan và Bulgaria phải tính tới một số lựa chọn. Cơ sở khai thác khí đốt Bovanenkovo của Nga trên bán đảo Yamal, Bắc Cực. Ảnh: AFP/TTXVN Theo hãng tin Reuters, Gazprom cung cấp gần một nửa...