Bulgaria nới lỏng biện pháp phòng dịch COVID-19
Việc làn sóng thứ 3 của dịch COVID-19 diễn biến tích cực hơn được xem là cơ sở để các nhà chức trách Bulgaria nới lỏng một số biện pháp phòng dịch.
Nhân viên y tế kiểm tra thân nhiệt người dân tại một trạm kiểm soát ở Bansko, Bulgaria trong nỗ lực kiểm soát dịch COVID-19. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 8/4, Bộ trưởng Y tế Bulgaria Kostadin Angelov cho hay theo quy định mới, các trung tâm thương mại được phép hoạt động trở lại vào tuần tới, các quán bar, câu lạc bộ ban đêm, vốn buộc đóng cửa từ tháng 11 năm ngoái, sẽ mở cửa trở lại từ ngày 29/4 với 50% công suất. Hoạt động giảng dạy trên lớp cũng được nối lại song phải đảm bảo quy tắc phòng dịch.
Quốc gia vùng Balkan này cùng ngày đã ghi nhận 3.556 ca mắc mới, giảm nhẹ so với mức trung bình khoảng 4.000 ca/ngày của 3 tuần trước. Theo ông Angelov, Bulgaria đang chứng kiến những bước đầu tiên trong giai đoạn cuối của làn sóng dịch thứ 3. Đợt dịch này được xem là gây ảnh hưởng nặng nề tới Bulgaria khi nước này có tỷ lệ tử vong do COVID-19 cao thứ hai trong Liên minh châu Âu. Cho tới nay, quốc gia 7 triệu dân này đã ghi nhận 364.419 ca mắc, trong dó có 14.034 ca tử vong.
Tại châu Á, Thủ tướng Mông Cổ Luvsannamsrai Oyun-Erdene tuyên bố lệnh phong tỏa trên toàn quốc nhằm khống chế dịch COVID-19 diễn biến phức tạp hơn. Quyết định trên được đưa ra sau khi số ca mắc mới trong nhiều ngày qua ở mức hơn 500 ca/ngày, chủ yếu tại thủ đô Ulan Bator với 3,3 triệu dân. Biện pháp mới có hiệu lực từ ngày 10/4 đến ngày 25/4. Ông Oyun-Erdene cho biết thêm nhằm giảm thiểu tác động của đại dịch, mỗi người dân sẽ được nhận mức hỗ trợ 300.000 Tugriks (tương đương 105 USD) trong thời gian phong tỏa.
Cùng ngày, Thủ tướng Oyun-Erdene cho hay Mông Cổ sẽ mở cửa trở lại không phận kể từ ngày 1/5 nhằm nối lại các chuyến bay quốc tế, song chỉ những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19 mới được nhập cảnh. Mông Cổ đã đình chỉ các chuyến bay nước ngoài từ giữa tháng 2/2020 nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. Mông Cổ đã ghi nhận 12.7800 ca mắc COVID-19, chủ yếu là các ca lây nhiễm trong cộng đồng, và 22 ca tử vong.
Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Bỉ, gần 150 người đã tụ tập vào khoảng 18h tối 8/4 tại quảng trường trung tâm thành phố Liège để biểu tình phản đối các biện pháp phòng dịch hiện tại. Bỉ đang hứng chịu làn sóng thứ 3 của đại dịch COVID-19. Ngày 24/3, quốc gia châu Âu này thông báo đóng cửa trường học, các cửa hàng bán đồ không thiết yếu và tiệm cắt tóc trong 4 tuần, bắt đầu từ ngày 27/3.
Theo các chuyên gia, dường như Bỉ đã qua đỉnh dịch của làn sóng dịch thứ ba này. Số ca mắc mới giảm 12% nhưng tỷ lệ tử vong tăng 36%. Tính từ đầu dịch COVID-19 tới nay, Bỉ đã ghi nhận 908.212 ca mắc, trong đó 23.301 ca tử vong. Hiện đã có hơn 2,1 triệu người dân nước này được tiêm vaccine ngừa COVID-19.
EU thống nhất phương án phân bổ vaccine cho các nước thành viên
Sau nhiều ngày đàm phán, đại sứ các nước Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí điều chỉnh hệ thống phân bổ vaccine giữa các nước thành viên.
Vaccine phòng COVID-19 của Pfizer/BioNTech. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo đó, 5 nước đang gặp khó khăn nhất trong ứng phó dịch bệnh sẽ nhận được 2,85 triệu trong tổng số 10 triệu liều vaccine của Pfizer/BioNTech mà khối này dự kiến tiếp nhận trong quý II/2021. Năm nước này là Bulgaria, Croatia, Estonia, Latvia and Slovakia.
Bồ Đào Nha - nước hiện giữ chức Chủ tịch luân phiên EU cho biết quyết định này được khối đưa ra nhằm thể hiện tinh thần đoàn kết chia sẻ khó khăn với các nước thành viên đang đối mặt với nhiều thách thức trong phòng chống dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, Áo, CH Séc và Slovenia đã phản đối quyết định nói trên. Do vậy, 3 nước này vẫn sẽ được tiếp nhận đầy đủ số lượng vaccine theo hệ thống phân bổ hiện nay căn cứ theo quy mô dân số của các nước. 19 nước thành viên EU còn lại sẽ chia sẻ 6,66 triệu liều vaccine.
10 triệu liều vaccine nói trên nằm trong hợp đồng đặt hàng 100 triệu liều vaccine giữa EU và Pfizer/BioNTech, dự kiến bàn giao trong quý III/2021. Theo Ủy ban châu Âu, đến cuối tuần này, EU sẽ tiếp nhận tổng cộng 107 triệu liều vaccine. Dự kiến, lượng vaccine bàn giao cho EU sẽ tăng đáng kể với ít nhất là 300 triệu liều vaccine đến hết tháng 6/2021. Điều này được hi vọng sẽ tháo gỡ khó khăn trong chương trình tiêm chủng của các nước thành viên vốn chậm trễ so với Mỹ, Anh và Israel do thiếu hụt nguồn cung.
Chủ tịch EU Ursula von der Leyen khẳng định 27 nước thành viên vẫn trên đà đạt được mục tiêu tiêm chủng 70% số người trưởng thành vào cuối mùa Hè 2021.
Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại Philippines, Ấn Độ và Bulgaria Tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp tại Philippines, Ấn Độ và Bulgaria khi số ca mắc mới và số ca nhập viện tại những nước này tăng lên mức cao mới. Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Manila, Philippines. Ảnh: THX/TTXVN Bộ Y tế Philippines bố thêm 7.757 ca mắc COVID-19, là...