Bụi tục chốn thiền
Cách đây 2/3 thế kỷ, bài thơ “Ông đồ” đầy lá vàng và bụi chợ của Vũ Đình Liên, tưởng là lời trăng trối của người bán chữ mong chia sẻ những mảnh vong hồn xưa cũ của dân tộc cùng thiên hạ. Nhưng hôm nay, khi “hoa đào nở”, giữa chốn phồn hoa lại có rất nhiều người “bày mực tàu giấy đỏ” bán chữ cho đời. Song những con chữ đã trở thành thứ hàng hoá để người bán kiếm ăn, người mua mặc cả với thánh thần… Nghề viết sớ ở các đình, đền, miếu, phủ đang gặp thời hưng thịnh.
Chợ chữ
Tháng giêng, mưa xuân rơi rắc như bụi phấn trên tóc người đi hội phơi trần. Ánh thiều quang thanh sáng và tươi mát. Đường vào phủ Tây Hồ (Hà Nội) “ngựa xe như nước, áo quần như nêm”. Nam thanh nữ tú lẫn ông già bà cả, kẻ sang người nghèo đều hoan hỉ với hương nhang, vàng mã, hoa quả và ăm ắp ước vọng trần thế đem đến cửa thánh thần. Đoạn đường vào Phủ dài hàng km những hàng quán chất ngất hàng mã, tiền vàng, hương nhang, hoa quả, chuông khánh, tràng hạt, sách bói toán, áo quần, cơm phở, cốm, xôi, bánh kẹo…
Những bãi xe khổng lồ đeo biển số từ khắp các tỉnh trong Nam ngoài Bắc chen chúc đậu. Lẫn trong cái chợ phục vụ cả âm dương thiên địa ấy là những dãy cửa hiệu đủ cả sang hèn với những ông già tóc bạc đeo kính và thường có dáng mảnh gày. Họ treo trên đầu, đặt trước mặt, buộc trên cột những tấm biển cũng đủ loại chất liệu: gỗ, tôn, giấy cát-tông hoặc kính mêca, quét nhũ vàng lóng lánh, ghi: Chuyên sớ- trạng chữ nho; Sớ chữ nho cầu phúc giải hạn bình an tài lộc hoặc Chuyên viết sớ câu đối hoành phi, hay Quán sớ phú quý chữ nho… Trước mặt những chủ quán là hàng xấp dầy những tờ giấy đỏ, vàng, hồng, xanh, trắng gấp phẳng và những hộp vàng lá (hàng mã). Xung quanh họ là kẻ đứng người ngồi đủ bộ dạng giàu nghèo, quê phố, già trẻ… đang đọc tên, tuổi, quê quán và những điều cầu xin rất… không giới hạn cho người viết sớ ghi.
Tôi vào một quán sớ có ông chủ nhìn như nhà giáo. Liếc qua khách, ông hỏi nhanh: tên, tuổi, quê và xin gì? Chiếc bút bi nhãn hiệu Thiên Long múa nhoay nhoáy trên tờ giấy hồng, điền vào những khoảng trống mà nhiều dòng chữ nho viết mực tàu chừa lại. Xong thân chủ, đến họ hàng, cha mẹ, vợ con… xin gì cũng điền vào hết. Tất cả những điều cầu xin đều được quy vào mấy nội dung: tài, danh, duyên, thọ, an (sức khoẻ, tai qua nạn khỏi…). Tổng số khoảng 15 chữ. “Thư pháp” quả là không thể định thuộc trường lối gì. Viết xong ông chậm rãi đọc: Ninh Bình tỉnh, Hoa Lư huyện… Những dòng chữ Nho in sẵn được ông giải thích là những lời khấn theo thủ tục chung của kinh Lễ (!) ai cũng giống ai nên thân chủ… không cần phải biết (!). Sớ được nhét vào một chiếc phong bì dài cũng đủ màu xanh, đỏ, hồng, vàng kèm một mảnh vàng lá hàng mã. Sớ này được đưa vào mâm lễ đem dâng trước điện, coi như với thánh thần thì người ấy đã đủ cả quà cáp và “đơn trình bày nguyện vọng”. Cái đơn ấy người ta không tự viết được nên phải mua của người viết sớ với giá chung ngày tết là 20.000 đồng/sớ.
Một cán bộ Ban quản lý Phủ Tây Hồ cho biết: khu vực này có khoảng 40 người chuyên viết sớ thuê. Ngày cao điểm có lúc lên đến 80 người. Hà Nội mùa lễ hội cũng như ngày thường hầu hết ở những khu vực đông người cầu cúng (khoảng 50 điểm) đều có hàng chục quán sớ thường trực ngày đêm phục vụ. Đông nhất là Phủ Tây Hồ và Miếu Bia Bà (Hà Đông). Và hình ảnh những “ông đồ già- bày mực Tàu giấy đỏ- bên phố đông người qua” không còn hẩm hiu với “lá vàng bay trên giấy” nữa mà rất nhiều tiền rơi đến nên các ông cũng “ra đời” ào ạt và sinh hoạt khá rôm rả.
Bụi tục chốn thiền
Sớ trước đây chỉ của riêng nhà Phật dùng để độ âm, tức là cầu siêu cho người đã chết được giải oan, thoát khổ nạn, về Trúc quốc (nước trời); và để độ dương, tức là cầu cho con cháu họ hàng, gia tộc hưng long (phát triển), mọi sự chu viên (vẹn toàn). Sau này dân gian chuyển sang cả sớ Phúc thọ, tức là cầu trong các buổi cúng tế. Và cho đến nay thì có quá nhiều loại sớ. Sớ Thổ công (làm nhà, động thổ), sớ Giao thừa (cúng lễ giao thừa), sớ Gia tiên (cúng tổ tiên), sớ Giải sao, sớ Thiên quan (giải hạn), sớ Trình đồng (khi một con nhang chính thức tham gia thế giới đồng cốt), sớ Phát tấu (đại lễ cầu cúng), sớ Khoán (trẻ con khó nuôi phải làm lễ bán, khoán cho đền, chùa)… Tóm lại ai muốn xin gì của thần thánh cũng thuê người viết sớ và cũng chẳng người viết thuê nào từ chối họ bao giờ.
Tuy nhiên đó là những sớ có “hợp đồng”, còn tại cửa đền, chùa, miếu, phủ thì có cả một thị trường sớ sôi động chứa dựng đầy đủ những buồn vui của công cuộc thương mại đặc biệt này.
Một cụ già dòng Nho gia cho biết: Quy định căn bản nhất trong viết sớ là-phía trên để cách 8 phân, phía dưới chữ phải viết sát chân giấy mà một con kiến cũng không lọt. Ngôn từ trong sớ nhìn chung theo khuôn mẫu: xin Phật, xin thánh thần chung và xin vị “trực tiếp phụ trách” công việc thân chủ cần. Tuy nhiên nay sớ ở cửa đền chùa thì đã in sẵn bằng chữ Tàu do chính người chủ hiệu viết hoặc có thể họ thuê lại người khác viết.
(Cách đây vài năm đã xuất hiện sớ viết bằng chữ quốc ngữ nhưng nay không được chuộng). Khoảng cách chữ thì tuỳ. Hỏi người viết những dòng chữ nho in sẵn thì có người đọc được có người từ chối khéo. Nhiều “thày” viết tên thân chủ và gia quyến giống hệt nhau. Khách thắc mắc: dù chữ Tàu, chữ Tây hay chữ Zim Ba Buê thì tên Tiến nhất định phải viết khác tên Hải chứ sao lại giống nhau như… một chữ thế? Có ông giả nghễnh ngãng, có ông nói: cõi âm người ta gọi chung một tên(!). Có trường hợp khách đọc tên tuổi, quê quán cho “thày”, viết xong hỏi lại, “thày” không đọc được mà cứ ề ề trong miệng, rê bút khắp trang giấy… Tóm lại số người viết sớ biết được 1.000 con chữ không nhiều. Đó là chưa kể nhiều người không biết chữ nào nhưng vẫn… vừa học vừa làm.
Video đang HOT
Về sự tôn kính thì còn bát nháo nữa. Khi tôi mua hai lá sớ, “thày” ghi tên ngoài phong bì bị sai, gạch xoá lem nhem, tôi đòi đổi, “thày” bảo: “Tôi kiếm cả ngày được vài đồng, thông cảm dùng tạm vậy rồi cũng hoá vàng hết ấy mà!”
Anh bạn tôi đi cùng xin ba lá sớ: cầu tài, cầu duyên và cầu danh cho ba người có ba hoàn cảnh khác nhau. Tất nhiên sớ phải có nội dung (in sẵn) khác nhau. Mua xong đi một đoạn, xem lại hoá ra có hai lá trùng nội dung. Quay lại trách thày, “thày” nói: “Ôi nói bé thôi, vì sớ cầu duyên của tôi hết rồi. Thôi không còn duyên thì cầu tài vậy. Có tiền là có tất, sợ gì.”
Có lẽ ai mà muốn lại gần nhất cái thế giới thật của nhân gian thì hãy đến bên bàn viết sớ. Có tới 99% xin cùng một lúc tất cả những phúc lộc mà trong sớ ghi: tài, danh, an, thọ và duyên (trừ quá già).
Sớ có thể xin cho cả người nhà lẫn thân chủ nên có người xin tới người nhà thứ 12 thì bị “thày” gắt: nhiều quá, phải mua thêm sớ khác… Sớ chỉ ghi vắn tắt lĩnh vực xin là tiền bạc, công danh hay tình duyên… nhưng phần lớn các thân chủ vẫn trình bày tỉ mỷ, đầy đủ nhất về nguyện vọng của mình. Ví dụ: xin cho năm nay chồng con nhận được công trình cải tạo đoạn đường từ km số 2 đến số 8 của huyện này, hay xin Người giúp cho bộ hồ sơ giấy tờ đất thổ cư (từ đất Nông nghiệp chuyển sang). Có chị xin Người bắt “anh ấy” giải quyết “dứt điểm, rõ ràng” với mụ vợ nhà quê… Nhiều người nói nguyện vọng thì lấm lét nhìn người lạ không muốn cho nghe trộm, hoặc nói rất nhỏ vào tai “thày”.
Ừ thôi thì cõi nhân sinh vốn chỉ tồn tại được bởi những ham muốn và hy vọng dù tốt hay xấu như vậy. Nhưng có những điều ước lại hết sức kỳ cục làm những người viết sớ lâu năm cũng phải lúng túng không liệt được vào lĩnh vực gì như: xin cho con Lu (chó) khỏi ốm, xem được bản quy hoạch đền bù đất đai của nhà chồng, xin cho con trai tỉnh táo “lìa mặt” được con “quỷ dữ” (bỏ vợ)… xin cho chồng con năm nay đắc cử khoá hội đồng ND cấp cao… xin cho nhà con năm nay không bị nhiều đơn kiện…
Những câu chuyện đầy phàm tục ấy ra đời cũng bởi những niềm tin mù quáng đến nực cười. Người ta cho rằng những “lá đơn” gửi thần, Phật ấy chắc chắn đến được “tay” họ, nên ngoài sớ ra thì các “văn bản hành chính” của thế giới cầu cúng còn vô cùng phong phú cũng do những vị “thư lại” này soạn thảo gọi là Hịch, Điệp, Trạng. Cao (thiêng liêng, trọng đại) nhất là Hịch. Văn bản này trình bày, quy mô cũng gần như Sớ, tuy nhiên lời lẽ khác. Tác dụng là gọi một người nào đó ở xa (dù bất cứ đâu) phải lập tức về với mình. Ví như vợ chồng, con cái lạc nhau, người mình yêu bỏ đi hay con nợ của mình chạy trốn. Thân chủ phải chọn ngày giờ, đặt đại lễ, thuê thày cao tay viết Hịch và tổ chức hành lễ.
Hịch lập tức được chuyển đến thần linh triệu hồi đối tượng kia về. Tuy nhiên trên thực tế thì kết quả rất thấp. Các thày cho rằng vì chưa thành tâm, hoặc thiếu lễ.
Điệp có nghĩa là thư. Hình thức, quy mô cũng không khác nhiều các văn bản trên, tác dụng là xin ông tơ bà nguyệt cắt nợ tiền duyên, se cho duyên mới chốn gian trần. Còn ai bị ngờ oan điều gì đó mà không thể làm cách nào cho người đời hiểu mình được thì dùng trạng, kêu với bề trên minh oan giúp. Nói chung “nhuận bút” của sớ thì thấp: 10.000đ (ngày thường) – 20.000đ (ngày hội, tết)/sớ. Tuy nhiên sớ nhiều khách và dễ làm. Ngược lại, Hịch, Điệp, Trạng ít khách nhưng thường giá cao và được tính chung vào tiền công tổ chức cả buổi tế lễ. Thu nhập của những người chuyên “soạn công văn” này phụ thuộc vào “thương hiệu”, nghiệp vụ và nhất là “địa thế” gần miếu, phủ, chùa, đền. Bình quân một ngày một “thày” ở Phủ Tây Hồ cũng có khoảng 20- 30 khách, ngày hội, tết thì tầm 40- 50 khách.
Doanh thu khoảng 800.000- 1.000.000 đồng/(ngày hội, tết), trừ chi phí giấy mực, phí chỗ ngồi… cũng còn vài trăm nghìn/ngày, cộng thêm vài mặt hàng kinh doanh khác thì cũng là nghề tươm tất. Ai cao tay viết thêm Hịch, Điệp trạng, mở điện, cầu cúng, bói toán… thì không kém phú hộ tiền tỷ.
Xét về mặt xã hội thì nghề viết sớ được gọi là nghề tự do, mang tính tự quản trong “chuyên ngành”. Một thủ tự (người coi đền) xin giấu tên cho hay đền ông coi giữ cũng đã được công nhận là di tích cấp quốc gia có một Ban quản lý khá đồ sộ. Họ quy định rằng: Ai muốn viết sớ phục vụ tín khách ở đây phải đăng ký. Tiêu chuẩn là biết chữ nho (không giới hạn đến đâu), thành tâm (?) và đóng lệ phí. Hình thức đóng phí mỗi nơi mỗi khác. Nộp có “biên lai” sổ sách hoặc đóng dưới hình thức tiền công đức.
Tuy nhiên ở đây rất nhiều “cài cắm”, cơ cấu thân quen, cửa sau, “lại quả”, phong bì… không khác những thứ nghề phàm tục giữa đời.
Đứng trước cửa Phủ chật kín người. Tôi không có lễ vật hương nhang hay sớ, trạng nhưng vẫn muốn dâng tấc lòng thành lên trời Phật, thánh thần xin cho cái hồn “muôn năm cũ” của dân tộc nếu có phục sinh thì hãy là linh hồn tao nhã, cao đẹp chứ không phải tà ma, quỷ dữ.
Theo ANTD
Hà Nội Tết này vắng 'phố ông Đồ'
Không như mong đợi, kế hoạch lập "phố ông đồ" đã gần như phá sản khi 20 nhà thư pháp bỏ gian hàng nhà bạt mà ra vỉa hè tự trải chiếu ngồi như cách họ vẫn làm hàng chục năm trước đây.
Con phố Văn Miếu (quận Ba Đình, Hà Nội) từng được người dân gọi tên "phố ông đồ" mỗi khi Tết đến, Xuân về vì đây là nơi tập trung những cụ già viết thư pháp, cho chữ. Từng được trang hoàng lộng lẫy, đầu tư nhiều tiền của với mong muốn mang lại "sân chơi" cho các ông Đồ dịp Tết Nguyên Đán nhưng sau lần 20 nhà viết thư pháp bỏ gian hàng ra ngồi vỉa hè để phản đối phương thức ăn chia của nhà tổ chức hồi Tết năm trước, năm nay đơn vị tổ chức đã quyết định dừng cuộc chơi.
Kỷ niệm buồn
Năm ngoái, công ty Cổ phần Bảo tồn Di sản Văn hóa Việt đã lần đầu tiên phối hợp với Câu lạc bộ Thư pháp UNESCO tổ chức "phố ông đồ". Dự tính ban đầu là xin tài trợ nhưng sau đó do không xin được nên kêu gọi các nhà thư pháp cùng góp sức. Gần 50 ông đồ đến từ các CLB thư pháp như UNESCO thư pháp, "Nhị thập bát tú", nhóm thư pháp ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn... cùng tề tựu về phố Văn Miếu.
Ông Phạm Đức Hân, Giám đốc Công ty Cổ phần Bảo tồn Di sản Văn hóa Việt, đơn vị trực tiếp tổ chức cho biết: "Việc tổ chức "phố ông đồ" không phải là mới vì trước đó TP Hồ Chí Minh đã làm cách đây nhiều năm và mô hình khá thành công. Việc tổ chức này sẽ góp phần tạo sân chơi cho các ông đồ ngày đầu năm, đưa hoạt động xin - cho chữ đi vào quy củ, tránh tình trạng lộn xộn, tự phát diễn ra như những năm trước đây".
Tết này sẽ vắng cảnh ông đồ cho chữ
Tuy nhiên, không như mong đợi, kế hoạch lập "phố ông đồ" đã gần như phá sản khi 20 nhà thư pháp bỏ gian hàng nhà, bạt mà ra vỉa hè tự trải chiếu ngồi như cách họ vẫn làm hàng chục năm trước đây. Lý do mà những ông đồ này đưa ra là không chấp nhận cách tổ chức, cũng như phương thức chia 50 - 50 mà ban tổ chức đặt ra.
Sự việc trở nên căng thẳng đến đỉnh điểm khi chiều 20/1/2010, công an phường Quốc Tử Giám đã yêu cầu các ông đồ ngồi bên vỉa hè giải tán, đồng thời tịch thu một số bức thư pháp treo trên tường mang đi. Trước ý kiến cho rằng công an phường đã "nhẫn tâm" trước nét văn hóa truyền thống của dân tộc, công an phường lý giải họ chấp hành đúng quy định của thành phố là cấm mọi hoạt động kinh doanh tại vỉa hè Văn Miếu.
Tết này không có "phố ông đồ"
PGS.TS Nguyễn Văn Thịnh - Chủ nhiệm CLB Thư pháp UNESCO, đơn vị phối hợp tổ chức "phố ông đồ" giải thích: "Việc đáng buồn này đã diễn ra do sự tổ chức không chặt chẽ của các đơn vị tham gia. Một số người tham gia cũng chưa ý thức được việc làm của mình. Nhiều khi mục đích kinh tế bị đặt lên trên làm mai một đi nét đẹp văn hóa".
PGS.TS Nguyễn Văn Thịnh - Chủ nhiệm CLB Thư pháp UNESCO: "Nếu tổ chức phố ông đồ, đặt ở đâu thì phải được sự quản lý của phường, phố, chính quyền địa phương chủ quản để đảm bảo an ninh trật tự, tránh tình trạng lộn xộn xảy ra như năm 2009. BTC nên xây dựng một quy chế tổ chức bằng văn bản, có sự xây dựng đóng góp của các cơ quan liên quan. Ngoài ra người dân thường quan niệm chữ xin ngày Tết bao giờ cũng thiêng liêng nên phải minh bạch giữa việc cho chữ và bán chữ. Mua chữ để lấy cái lộc, nên dựa trên tinh thần tự nguyện của người dân. Sự thúc ép về giá cả nhiều khi làm mất đi giá trị thiêng liêng của nét văn hóa này".
Ông Phạm Đức Hân cho biết: Tết Tân Mão năm nay công ty sẽ không đứng ra tổ chức "phố ông đồ" nữa. "Vẫn biết rằng đây là một nét văn hóa độc đáo của người Việt, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên Đán, nhưng để tổ chức được "phố ông đồ" không phải là chuyện đơn giản như nhiều người nghĩ, phải được cấp phép của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Sở Giao thông Vận tải, UBND Quận Đống Đa... Năm nay, một phần do công ty cũng nhiều việc, phần vì năm trước xảy ra một số vấn đề lộn xộn, nằm ngoài tầm kiểm soát của Ban tổ chức nên công ty quyết định thôi tổ chức "phố ông đồ", ông Hân nói.
Cũng theo ông Hân, ngoài lý do nêu trên, năm nay công ty ông quyết định không tổ chức hoạt động văn hóa này nữa vì để tổ chức được hoạt động này cần sự hợp tác của nhiều bên liên quan, không chỉ riêng những nhà thư pháp mà cần phải có đơn vị đứng ra tài trợ, tổ chức... Khi tổ chức, lộ trình cũng có nhiều khó khăn, từ khâu xin cấp phép đến hoạt động, quản lý. "Năm trước, công ty tôi vừa là đơn vị bỏ tiền tài trợ, vừa là đơn vị trực tiếp tổ chức, rất vất vả mà không được sự hỗ trợ của cơ quan tổ chức nào", ông Hân lý giải.
Theo ông Hân, ý tưởng tổ chức phố ông đồ là một ý tưởng hay vì nó vừa phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, lại là một điểm văn hóa - du lịch để nhân dân đến vừa vui chơi giải trí, vừa thưởng thức văn hóa. "Hiện nay, có một thực tế là Hà Nội dịp Tết rất ít các hoạt động vui chơi giải trí, các chương trình liên quan đến văn hóa, tôn vinh truyền thống dân tộc. Đơn vị nào muốn làm chương trình gì cũng phải xin phép, thủ tục rườm rà. Nếu có thể, thành phố nên đứng ra tổ chức sẽ hợp lý hơn. Nó cũng giống như tổ chức một ngày lễ hội, thành phố cho chủ trương, các câu lạc bộ thư pháp sẽ tổ chức thành những gian hàng đứng ra tự tổ chức, tự quản lý".
PGS.TS Nguyễn Văn Thịnh cũng cùng chung nỗi buồn: "Bản thân tôi hoàn toàn ủng hộ ý tưởng tổ chức, bởi "phố ông đồ" thực sự là sân chơi cho các nhà thư pháp từ thanh niên cho đến lão thành. Bên cạnh đó, hình ảnh những ông đồ cho chữ ngày đầu xuân từ xưa đến nay đã trở thành một biểu tượng văn hóa đẹp của người Việt, cũng như thủ đô ngàn năm văn hiến. Nếu đơn vị nào tiếp tục đứng ra tổ chức trong năm nay, các thành viên của CLB Thư pháp UNESCO sẽ tiếp tục tham gia hết mình".
Hiến kế cho những "phố ông đồ" tương lai
Anh Nguyễn Đức Dũng, chuyên viên Phòng Quản lý Di tích, Cục Di sản Văn hóa, một trong những "cây" thư pháp trẻ của Hà Nội nhận định: "Tôi rất ủng hộ ý tưởng lập "phố ông đồ". Tôi được biết năm 2009 "phố ông đồ" tổ chức cũng gây được tiếng vang, sự ủng hộ của dư luận xã hội, nhiều người quan tâm tìm đến thưởng thức và xin chữ đầu xuân". Theo anh Dũng, tuy có xảy ra lộn xộn liên quan đến quyền lợi, ăn chia của các bên liên quan nhưng sự việc cũng đã dàn xếp được nên không có vấn đề gì lớn.
Với tư cách một người từng nhiều năm nay làm "ông đồ vỉa hè" mỗi khi Tết đến, anh Dũng nói: "Nếu tổ chức được "phố ông đồ", các nhà thư pháp sẽ rất vui, bởi quan trọng họ cần một sân chơi, nhiều khi tham gia chỉ vì đam mê chứ hoàn toàn không đòi hỏi lợi ích kinh tế".
Có phần trái chiều với những ý kiến trên, anh Nguyễn Văn Nguyên, cán bộ nghiên cứu tại Viện Văn học - một trong những người đầu tiên viết thư pháp tại vỉa hè Văn Miếu bày tỏ: "Tổ chức "phố ông đồ" hay bất kỳ một chương trình nào cũng vậy, chẳng công ty nào chịu bỏ tiền ra không, họ phải có lợi nhuận thu về. Mà đã dính đến kinh tế thì chuyện cạnh tranh xảy ra là lẽ đương nhiên. Việc một số nhà thư pháp không chấp nhận với tỷ lệ chia 50 - 50 (nghĩa là Ban tổ chức thu 50% số tiền ông đồ thu về) cũng là lẽ thường. "Phố ông đồ" tuy nói là quảng bá văn hóa nhưng thực chất là kinh doanh". Theo anh Nguyên, với một chương trình tổ chức mang màu sắc văn hóa như vậy thì không nên để một công ty đứng ra tổ chức mà nên để tự các ông đồ lập thành các nhóm trên tinh thần tự nguyện dưới sự quản lý của chính quyền. Số tiền thu được sẽ trả một phần phí cho đơn vị đảm bảo trật tự, đơn vị quản lý.
Theo Đời sống & Pháp luật
Độc chiêu mở rộng "lãnh địa" của giang hồ "nhà quê" Trong giới giang hồ có một luật bất thành văn là "việc ai người đó làm, cơm ai người đó ăn", tức là không được "thò mũi" vào chuyện của người khác, địa bàn của ai, người đó quản lý, hoạt động. Nếu xâm chiếm địa bàn của người khác có nghĩa là đã khiêu chiến với người đó. Mà đã "chiến" thì...