Bùi ngùi với da heo trộn
Tôi nhớ ngày xưa, khi kinh tế gia đình chẳng mấy dư dả, tôi vẫn thường được ông bà nội đãi món da heo trộn. Món ăn đơn giản gồm da heo cùng đu đủ xắt sợi ấy, đã trở thành món ăn đong đầy kỷ niệm của những tháng ngày gian khó ngày xưa.
Còn nhớ cách đây hơn hai mươi năm về trước, cứ dăm bữa nửa tháng, nội tôi lại ra chợ mua về một mớ mỡ heo để thắng mỡ dùng dần, chứ nhà chẳng dư dả mà mua dầu thực vật. Từng khổ mỡ heo dày sấn, được nội cẩn thận lọc riêng da và mỡ, để khi thắng, mỡ heo không bị bắn. Phần da heo dư ra là phần mà tôi mong đợi nhất, bởi đấy là nguyên liệu chính làm nên món da heo trộn chua cay, thơm lựng mà nội vẫn thường tỉ mỉ chế biến dành riêng cho tôi.
Món ăn giản đơn từ da heo cùng dăm miếng đu đủ xắt sợi.
Sau khi luộc chín da heo, nội vớt ra để ráo rồi xắt mỏng, ướp cùng chút nước mắm ớt, tỏi. Trong khi chờ gia vị ngấm vào da heo, nội ra vườn hái đu đủ vào bào sợi, ngâm nước lã cho sạch mủ rồi vắt ráo. Ngoài ra, nội còn hái thêm mớ rau răm, rang ít đậu phụng và giã nước mắm chanh, ớt, tỏi. Rồi cứ thế, nội trộn lần lượt da heo, đu đủ bào sợi với vài muỗng nước mắm chanh, tỏi, ớt. Sau cùng, rắc đậu phụng và rau răm lên trên là xong.
Video đang HOT
Nhìn thì đơn giản vậy, nhưng “nghề ăn cũng lắm công phu”. Công phu ở đây là khâu luộc da heo. Phải luộc sao cho da vừa chín tới, nếu chín quá, da heo sẽ bị mềm. Đu đủ bào sợi cũng phải chọn quả đu đủ già vừa phải và khi trộn cũng không được trộn quá tay, để sợi đu đủ vẫn còn giữ được độ giòn, ngọt…
Nước mắm chanh, tỏi, ớt trộn gỏi phải pha sao cho vừa phải, không quá mặn cũng không quá ngọt, vừa có vị mặn mà vừa phải của nước mắm, vừa có vị chua nhẹ của chanh, vị nồng nàn, cay của tỏi ớt… Cứ thế, món da heo trộn nội làm là sự tổng hòa của đủ vị chua, cay, ngọt, mặn với cái bùi, dai của da heo; giòn sần sật của đu đủ, thanh cay của rau răm… khiến tôi cứ thòm thèm, muốn gắp hoài, gắp mãi.
Từng là món ăn giá rẻ của một thời khó nhọc, nhưng da heo trộn bây giờ đã trở thành đặc sản của nhiều nhà hàng, quán ăn. Thành ra, tôi không còn cần phải chờ mỗi lần nội thắng mỡ heo mới được thưởng thức món da heo trộn như ngày thơ ấu, mà có thể thưởng thức bất cứ khi nào mình muốn. Dẫu vậy, tôi vẫn thèm cảm giác háo hức, mong chờ của những ngày xưa. Tôi thèm được nhìn nội ngồi tỉ mỉ cắt miếng da heo thành từng sợi, thèm được nghe nội gọi tôi í ới, rồi bảo tôi là “Con à, lột vỏ đậu phụng cho nội làm da heo trộn nghen con!”.
Bò hít - món ăn vặt tuổi thơ
Có lần, người bạn từ Sài Gòn trên đường về quê ở tít vùng cao phía Bắc, đã tiện đường ghé ngang nhà tôi chơi. Bạn bảo: "Có món gì đặc sản ở đây, dẫn mình đi thưởng thức cho bằng hết nhé".
Tôi chở bạn lòng vòng thành phố, rồi tạt vào quán don, quán ốc hút, bánh rập... Bữa cuối trước khi tiễn bạn lên xe để tiếp tục về lại quê, tôi chợt nhớ ra còn một món ăn gắn liền với nhiều thế hệ học sinh ở quê mình.
Món tôi dẫn bạn đi ăn, là món ăn vặt hầu như không đứa học trò nào là không biết, đó là bò hít. Thật sự, món bò hít có ở nhiều nơi, với các tên gọi khác nhau như: Gỏi đu đủ, nộm đu đủ chua ngọt... Nhưng ở Quảng Ngãi, món này có cách gọi và hương vị đặc biệt hơn khi ăn kèm với bánh tráng nướng và có vị cay đặc trưng.
Nguyên liệu để chế biến món này rất đơn giản, gồm đu đủ, củ cà rốt, khô bò, đậu phụng, rau răm và các loại gia vị như mắm, đường, tương ớt... Đặc biệt, rau răm và tương ớt không thể thiếu, nếu thiếu hai nguyên liệu này sẽ mất đi mùi thơm và vị cay đặc trưng của món bò hít. Công đoạn chế biến rất đơn giản. Chọn loại đu đủ xanh, không được non quá và cũng không được chín để có độ giòn, gọt bỏ vỏ rồi đem bào thành sợi. Củ cà rốt cũng được bào tương tự đu đủ. Sau đó rửa sạch rồi ngâm nước muối độ 30 phút, vớt ra vắt cho ráo nước.
Nước trộn được pha rất nhanh gọn, pha nước mắm và nước ấm với một tỉ lệ vừa miệng, tùy theo từng người, sau đó thêm ớt, tỏi băm, đường, bột ngọt rồi vắt chanh vào. Tiếp theo cho sợi đu đủ và cà rốt đã bào sẵn vào đĩa, thêm nước trộn. Bò khô xé sợi cho lên trên mặt đĩa. Thêm đậu phộng rang bóc sạch vỏ và rau răm thái nhỏ là bạn đã hoàn thành xong món ăn.
Khi thưởng thức món này, bạn cho thêm ít tương ớt vào, trộn lên cho đều. Dùng miếng bánh tráng xúc một ít đu đủ đã thấm đủ gia vị cho vào miệng. Miếng bánh tráng giòn tan, mùi thơm của rau răm lẫn vào mùi thơm nước mắm, độ giòn dai của đu đủ và cà rốt, vị ngọt của bò khô và đặc biệt là vị cay xè của ớt kích thích vị giác... Các quán bán bò hít thường dùng thêm vụn bò khô, phần vụn này phần lớn là ớt khô cay nồng, vì thế khi ăn món này, vị cay sẽ khiến bạn không thôi hít hà, cũng chính vì điều này nên mới có cái tên "bò hít" rất lạ lẫm so với các tỉnh khác.
Ở Quảng Ngãi, các quán bán món bò hít có rải rác khắp nơi, nhưng nhiều nhất vẫn là gần các trường học. Như đã thành thói quen, cứ tan học là học trò lại kéo vào quán. Giá cả cũng rất mềm, tầm 15.000 - 20.000 đồng/phần là đã có một đĩa để thưởng thức. Ngoài món bò hít trộn bò khô "truyền thống", giờ các hàng quán cũng biến tấu thêm các món bò hít gân bò, bò hít trộn xoài... để phục vụ khẩu vị đa dạng của đám "nhất quỷ, nhì ma", nhưng điều không thể thay đổi đó là cái vị cay nồng hít hà của nó vẫn nguyên vẹn như xưa!
Hột vịt lộn chiên me và loạt món ăn vặt hút giới trẻ ở TP.HCM Cuối tuần là thời điểm thích hợp để hội họp bạn bè. Tín đồ ẩm thực Sài thành có thể nhâm nhi bánh mì bò nướng bơ, chân gà sả tắc hay hột vịt lộn trong cuộc vui ở các địa chỉ sau. Chân gà ngâm sả tắc, sốt Thái là những gợi ý lý tưởng để giới trẻ thưởng thức sau một...