Bugatti phát triển siêu xe Centodieci giá 9 triệu USD chỉ trong 6 tháng
Sau La Voiture Noire giá 19 triệu đô, Bugatti vừa giới thiệu thêm một siêu xe giới hạn khác là Centodieci với giá gần 9 triệu USD và chỉ có 10 chiếc duy nhất.
Đáng chú ý, nhờ ứng dụng công nghệ mới mà các kỹ sư của Bugatti chỉ mất 6 tháng để tạo ra mẫu siêu xe mới này, rút ngắn đáng kể thời gian phát triển so với một mẫu xe truyền thống.
Bugatti vừa ra mắt siêu xe Centodieci cho công suất 1.600 mã lực cùng giá bán sau thuế lên đến 10 triệu USD tại triển lãm Pebble Beach. Centodieci trong tiếng Italy nghĩa là 110. Đây là mẫu xe ra đời để tôn vinh chiếc Bugatti EB110 đầu những năm 1990.
Chiếc Bugatti Centodieci ra mắt ở Pebble Beach Concours d’Elegance
Không giống như mẫu La Voatio Noire trị giá 19 triệu USD của Bugatti, được chế tạo để thể hiện sự hoành tráng, Centodieci được sản xuất cho tốc độ. Chỉ có 10 chiếc Centodiecis được sản xuất.
Điều đáng chú ý, các kỹ sư của Bugatti chỉ mất 6 tháng để tạo ra mẫu siêu xe mới này, rút ngắn đáng kể thời gian phát triển so với một mẫu xe truyền thống.
Theo chia sẻ của giám đốc thiết kế Achim Anscheidt, đội ngũ của ông đã chuyển qua kỹ thuật số hoàn toàn trong khâu thiết kế Centodieci để rút ngắn thời gian phát triển. Thông thường, để phát triển một mẫu xe mới, các nhà thiết kế sẽ ứng dụng cả kỹ thuật số và phương pháp truyền thống, trong đó có việc sử dụng mô hình xe tỉ lệ thật làm từ đất sét. Mô hình này không những giúp các nhà thiết kế hình dung ra chiếc xe mà còn có thể cảm nhận bằng tay từng đường nét chiếc xe mới.
Thay vì mô hình đất sét, đội ngũ của Achim dùng kính thực tế ảo (VR) để nhìn và cảm nhận chiếc xe đang trong giai đoạn thiết kế. Ông chia sẻ, với công nghệ VR ông có thể quan sát chiếc xe mà mô hình đất sét không thể làm và 80% khối lượng công việc thiết kế xe được hoàn thành với công nghệ này. Bugatti đã bắt đầu nghiên cứu thiết kế xe dùng kỹ thuật số hoàn toàn trong 2 năm trở lại đây.
Các kỹ sư chỉ mất 6 tháng để phát triển siêu xe Centodieci
Bỏ mô hình đất sét không những giúp Bugatti rút ngắn thời gian thiết kế (mất nhiều tuần) mà còn tiết kiệm chi phí và nhân lực để tạo ra mô hình này. Sau giai đoạn thiết kế trên máy tính, Bugatti vẫn phải làm một chiếc xe mẫu để cảm nhận lần cuối trước khi Centodieci đi vào sản xuất. Achim cũng chia sẻ việc dùng mô hình đất sét trong thiết kế đã quá quen thuộc và thuận lợi và rất khó để từ bỏ nó dù công ty ông đã làm được.
“Việc ra mắt chiếc Centodieci, thể hiện sự trân trọng của công ty với mẫu siêu xe thể thao EB110 được chế tạo vào những năm 1990 và là một phần trong lịch sử truyền thống của chúng tôi”, Chủ tịch của Bugatti Stephan Winkelmann chia sẻ. EB110 là chiếc Bugatti duy nhất được sản xuất dưới thời lãnh đạo cũ người Italia, Romano Artioli tại một nhà máy ở Campogalliano.
Video đang HOT
Bugatti Centodieci lắp động cơ xăng W16 tăng áp, dung tích 8 lít, sản sinh công suất 1.600 mã lực, cao hơn 100 mã lực so với Chiron. Bên cạnh đó, xe nhẹ hơn Chiron khoảng 20 kg. Với tỷ lệ trọng lượng/sức mạnh khoảng 1,3 kg/mã lực. Nhờ đó, xe tăng tốc từ 0-100km/h chỉ trong 2,4 giây và đạt tốc độ tối đa 420 km/h. Với hơn 90 kg lực ép xuống mặt đường, Centodieci có khả năng vào cua ổn định không kém Bugatti Divo – chiếc xe sinh ra để vào cua.
Theo Haidao
Centodieci: Số 110 đầy ý nghĩa và huy hoàng của Bugatti
Với Bugatti Centodieci, hãng hypercar tới từ Pháp không chỉ tự tạo ra một món quà ý nghĩa kỷ niệm sinh nhật 110 năm cho chính mình, mà còn vinh danh chiếc EB110 đột phá.
Mặc dù chiếc Chiron hiện tại vẫn đang là một trong những cỗ máy với hiệu năng vận hành ấn tượng nhất Thế giới siêu xe nhưng xung quanh Bugatti, các hãng đối thủ trong phân khúc hypercar cũng không ngừng sáng tạo và đưa ra các sản phẩm đột phá. Chính vì vậy để có thể thu hút được những khách hàng lắm tiền nhiều của, Stephan Winkelmann - Chủ tịch Bugatti hiện tại đã áp dụng đường lối kinh doanh từng được ông áp dụng với Lamborghini và đạt được nhiều thành công trước đây: tạo ra những chiếc xe độc bản hoặc có số lượng sản xuất chỉ đếm trên những đầu ngón tay.
Nhưng với một thương hiệu tính tới nay đã đạt 110 tuổi, Bugatti không thể chỉ đơn thuần tạo ra những chiếc xe "hàng thửa" với số lượng giới hạn, đặt mức giá siêu đắt và chỉ mong đợi khách hàng "xuống tiền. Đó là lý do khiến hãng đã phải nhìn lại lịch sử của chính mình để lấy cảm hứng tạo ra những siêu phẩm đặc biệt. Sau chiếc Chiron Divo hồi sinh nghệ thuật Coachbuild và La Voiture Noire cùng tên với một huyền thoại Bugatti thất lạc, series xe giới hạn mới nhất Bugatti Centodieci cũng là một lời tri ân tới quá khứ.
Trong tiếng Ý, "Centodieci" có nghĩa là 110, và chiếc hypercar mới nhất của Bugatti không chỉ là một món quà ý nghĩa mà hãng tự tặng chính mình vào dịp sinh nhật 110 năm của mình. Nó cũng đồng thời là một sự vinh danh người tiền nhiệm tinh thần EB110 - được chế tạo dưới thời kỳ thương hiệu Bugatti còn thuộc sở hữu của nhà tài phiệt người Ý Romano Artioli. Những người yêu xe trẻ tuổi có lẽ không biết đến cái tên này nhưng vào thời điểm năm 1991 (và ngay cả hiện tại), EB110 vẫn là một mẫu siêu xe thuần chất và tiệm cận với sự hoàn hảo.
Dù có cách tiếp cận khác, nhưng nhiều người vẫn cho rằng EB110 là 1 trong 2 siêu xe ấn tượng nhất thập niên 90 của Thế kỷ XX, bên cạnh tượng đài McLaren F1. Nó được thiết kế bằng máy tính, trang bị động cơ 3.5l V12 4 tăng áp nằm trong chassis nguyên khối bằng sợi carbon và có các hệ thống khí động học chủ động như những siêu xe hiện đại sau này. Để sản xuất EB110, Artioli đã phải đầu tư riêng một nhà máy siêu hiện đại ở Campogalliano - gần "thánh địa siêu xe" Modena, Italia.
Bugatti khi thuộc quyền sở hữu của người Ý giống như một câu chuyện buồn nhưng cũng đầy mộng mơ và hoài bão: xedoisong cũng đã có dịp kể lại cho bạn đọc về thời kỳ này trước đây. Tuy nhiên có một điều không thể phủ nhận rằng vai trò của Romano Artioli trong lịch sử kéo dài 1 Thế kỷ có lẻ của Bugatti đã bị lãng quên. Kể từ khi Volkswagen mua lại Bugatti vào năm 1998 tới nay, cái tên của ông cũng như chiếc EB110 có thể nói là đã bị chính hãng hypercar này quên lãng. Phải mất tới 20 năm, những đóng góp của Artioli mới được thực sự vinh danh và tri ân qua Centodieci.
Dù dựa trên cơ sở Chiron, nhưng thiết kế của Centodieci rõ ràng chịu ảnh hưởng sâu đậm từ người tiền nhiệm thập niên 90. Và theo ông Achim Anschheidt - Thiết kế trưởng của Bugatti, việc tạo dáng lại Chiron theo EB110 không hề đơn giản:
"Chúng tôi đã gặp phải một số vấn đề kỹ thuật trong việc phát triển và thiết kế Centodieci. EB110 là một chiếc siêu xe kiểu dáng hình nêm rất phẳng và gần như 2D đặc trưng của cuối thập niên 80. Việc đem kiểu dáng đó vào Thiên niên kỷ mới mà không 'copy' trực tiếp rất phức tạp về mặt kỹ thuật - đó là nói khiêm tốn. Chúng tôi cần phải tạo ra những cách mới để kết hợp những yêu cầu phức tạp về công nghệ khí động học và giải nhiệt của Chiron với ngoại hình hoàn toàn khác biệt".
Dù không phải là một chiếc EB110 của Thế kỷ 21, nhưng Centodieci đã gợi nhớ về người tiền nhiệm nhờ vào đèn pha LED siêu mỏng mới cùng lưới tản nhiệt hình móng ngựa thu gọn. Đường gân hình chữ C đặc trưng của Chiron ở hai bên thân xe được thay bằng 5 khe hút gió hình tròn tương tự như phiên bản EB110 Supersport hiệu năng cao. Đặc biệt, phần đuôi của chiếc xe mới cực kỳ ấn tượng - xét cả trên khái niệm thiết kế lẫn tối ưu việc tản nhiệt và các đặc tính khí động học.
Nổi bật nhất ở phần đuôi xe là cụm "đèn hậu bay" theo cách gọi của Bugatti. Được cấu thành từ các dải đèn LED đứt đoạn, đèn hậu trên Centodieci không chỉ tái tạo lại hình ảnh các khe thoát nhiệt của EB110 mà còn tạo đủ khoảng trống để động cơ W16 có thể tản nhiệt được. Nằm ở bên dưới đèn hậu là cặp ống xả kép được nhuộm màu đen mờ, trong khi chiếc cánh đuôi lớn điều chỉnh được ở phía sau lại là một chi tiết thiết kế tương đồng với EB110 Supersport.
Và cũng giống như EB110 Supersport khi so với EB110 thường, Centodieci là một bước đột phá so với Chiron về hiệu năng vận hành. Theo Bugatti, các thông số về mặt khí động học của chiếc xe tương tự như Divo. Điều này có nghĩa là lực nén không khí xuống mặt đường đo được của Centodieci tăng thêm 90kg, trong khi lực gia tốc G cũng tăng 1,6g so với Chiron thường. Ngoài ra Centodieci còn nhẹ hơn Chiron 20kg và có công suất lớn hơn 99 mã lực.
Đây là dịp hiếm hoi Bugatti nâng công suất của một mẫu hypercar "hàng thửa" so với bản gốc. Cỗ máy W16 8.0l 4 tăng áp trên Centodieci có công suất lên tới 1578 mã lực, giúp chiếc xe chỉ mất 2,4 giây để tăng tốc từ 0-100km/h. Nếu người lái tiếp tục đạp "lút cán" chân ga, chiếc xe sẽ nhanh chóng đạt 200km/h chỉ sau 6,1 giây và mất thêm 7 giây để tiếp tục chạm ngưỡng 300km/h. Khi con đường ở phía trước đủ dài và đẹp, Centodieci sẽ tiếp tục tăng tốc một cách dũng mãnh cho tới khi đạt tốc độ tối đa giới hạn điện tử 380km/h.
Với những gì đã thể hiện cả về mặt thiết kế và hiệu năng, Centodieci thực sự là món quà tri ân ý nghĩa tới cả người tiền nhiệm EB110 lẫn Romano Artoli và lịch sử của Bugatti trong thời kỳ ông nắm quyền. Và chính Artioli cũng công nhận điều này khi được Winkelmann mời tới nhà máy mới của Bugatti tại Molsheim để chứng kiến Centodieci. Sau gần 30 năm, người đàn ông 86 tuổi vẫn tỏ ra đầy tự hào khi nói về đứa con tinh thần của mình:
"EB110 là một chiếc xe đi trước thời đại, 110% xứng đáng được mang tên gọi Bugatti. Tôi không phải là người công bằng nhất để nhận xét về điều này, nhưng không có một mẫu xe nào khác xứng đáng được vinh danh nhiều hơn EB110". 20 năm để những đóng góp của Artioli được Bugatti công nhận là một khoảng thời gian dài, khiến nhiều người đặt câu hỏi rằng liệu Winkelmann có nhận được ý kiến trái chiều nào khi lập kế hoạch tạo ra Centodieci và tri ân người đàn ông Ý này? Và đây là câu trả lời của Winkelmann:
"Đối với tôi, không có lý do nào để nghe theo lời của những người bảo rằng chúng tôi không thể làm ra nó (chiếc Centodieci). Đó là một phần lịch sử, và bạn không thể lựa chọn lịch sử. Theo tôi lịch sử của Bugatti có thể chia làm 3 thời đại, và giai đoạn khi hãng nằm ở Campogalliano là ngắn nhất. Lễ kỷ niệm 110 tuổi của thương hiệu là dịp tốt để nói về thời đại này, với Centodieci đóng vai trò kết nối. Tôi tin rằng chúng tôi phải đưa một thương hiệu như Bugatti chuyển từ cách tập trung vào sản phẩm sang một hướng tiếp cận mới 'thần thánh' hơn - tới trải nghiệm nói chung".
"Đó là khi lịch sử được nhắc lại, vì bất kỳ ai cũng có thể tạo ra một chiếc xe đẹp với động cơ khoẻ. Chúng tôi có lịch sử thực sự lâu đời, và bạn không thể đơn thuần tạo ra nó trong thời gian ngắn từ con số 0. Khi nói về một chiếc xe, nó phải là đứa con của công ty". Đây là lý do khiến ông Winkelmann đều luôn muốn tích hợp một phần câu chuyện và lịch sử Bugatti vào mỗi siêu phẩm độc bản trong thời gian qua: "Làm vấy bẩn một thương hiệu với DNA khoẻ như vậy chỉ để kiếm tiền, theo tôi đó là cách tiếp cận sai lầm".
Và giống như những siêu xe "hàng thửa" trước đây của Bugatti, hiện tại Centodieci đã "cháy hàng". Với số lượng sản xuất chỉ 10 chiếc và là một tác phẩm mang nhiều ý nghĩa, không khó hiểu khi các đại gia đã nhanh chóng "xuống tiền" để tên của mình có một vị trí trong sổ đặt hàng của Bugatti, dù giá mỗi chiếc Centodieci lên tới 8,9 triệu USD/7,3 triệu Bảng Anh/8 triệu Euro.
Tuy nhiên hi vọng rằng với tiềm lực tài chính mạnh, một (hoặc nhiều) trong số 10 người may mắn này có thể tìm mua thêm một chiếc EB110 năm nào, sau đó đem cả 2 chiếc xe đến dạo quanh nhà máy bỏ hoang của Bugatti tại vùng Campogalliano để có thể thực sự có những trải nghiệm được một phần lịch sử ngắn ngủi nhưng bi tráng mà hãng đã trải qua trong những năm 90 của Thế kỷ XX!
Theo Nghe nhìn Việt Nam
Siêu xe Bugatti giá hơn 200 tỷ đồng có gì đặc biệt? Bugatti vừa trình làng siêu xe Centodieci với giá bán 8 triệu euro (tương đương 205,750 tỷ đồng). Mẫu xe này được sản xuất giới hạn chỉ 10 chiếc. Nhân dịp kỷ niệm 110 năm thành lập, Bugatti đã lần lượt giới thiệu Chiron Sport, Divo và La Voiture Noire. Trong khuôn khổ sự kiện Pebble Beach 2019 đang diễn ra ở Mỹ,...