Bức xúc đi xe liên tỉnh: Bài 2: Những cú lạng lách kinh hoàng
Những chuyến xe khách đường dài luôn là nỗi ám ảnh với nhiều người khi phải sử dụng loại hình vận tải này. Những pha lạng lách nổi da gà tưởng chừng như 2 xe sẽ đâm trực diện vào nhau làm hành khách nhắm mắt, thót tim cả chuyến hành trình là những cảm giác mạnh nối tiếp nhau.
“Tay đua” đường trường
Hành khách bị bán sang xe 37H-3809 và phải ngồi bằng ghế nhựa suốt quãng đường
Chuyến xe khách đường dài về Nghệ An mang biển số 37H-3809 được xuất phát từ Hải Phòng. Chúng tôi bắt xe về Nghệ An từ TP Nam Định khi mọi ghế ngồi trên xe đã được xếp gần hết. Trả 100.000 đồng/người tiền xe, tôi mạnh dạn đề nghị, anh cho em xin cái vé để về thanh toán với cơ quan. Phụ xe lập tức lôi 1 tập vé và hỏi: “Em cần lấy mấy vé, vé vẫn trống nguyên giá tiền và quãng đường hành trình, em thích ghi bao nhiêu thì ghi nhé, về tha hồ thanh toán với cơ quan”. Cái tủ thuốc được chuyển mục đích thành nơi cất giữ vé xe cho hành khách có nhu cầu khi không mua vé ở bến. Xe chưa ra khỏi TP Nam Định thì phụ xe thông báo, có 12 khách đi Thanh Hóa từ xe Quảng Ninh – Nam Định bán lại. Chiếc xe dừng trước một đám đông người đang nhốn nháo. Hơn 10 hành khách chen nhau lên xe, chiếc xe bắt đầu quá tải, bởi, mọi ghế ngồi đã kín.
Đâu đó có người buông lời mắng chửi “làm gì có chỗ mà ngồi, bán khách thế này thì bằng ăn cướp của người ta à”. Những chiếc ghế nhựa được mang ra và 1 hàng dài hơn 10 người phải chấp nhận ngồi giữa lối đi. Anh Hải, quê ở Nông Cống, Thanh Hóa cho biết, anh bắt chuyến xe về Thanh Hóa ở Uông Bí (Quảng Ninh), chiếc xe khách treo tấm biển Quảng Ninh – Thanh Hóa nên mới đi. Ai ngờ, về đến đây thì nhà xe thông báo, xe chỉ chạy đến TP Nam Định và nhà xe sẽ gửi sang 1 xe khác. “Đây gọi là bán khách dọc đường, lừa đảo hành khách chứ gửi gắm gì”, anh Hải bức xúc.
Quốc lộ 1A, từ Ninh Bình đến Nghệ An nhỏ và xấu. Chiếc xe khách to chình ình cứ lạng lách vượt xe khác trong tình trạng lấn chiếm toàn bộ phần đường còn lại. Những pha vượt tưởng như chỉ có trong phim ảnh, vậy mà nó đang xảy ra trên chuyến xe tôi đang ngồi. Mỗi lần chiếc xe tăng tốc vượt xe khác, tim tôi lại đập loạn, rùng mình chạy dọc sống lưng, bởi cảm giác chiếc xe mình đang ngồi sẽ đâm thẳng vào chiếc xe ngược chiều kia.
Đem nỗi lo lắng bày tỏ với anh Trường, một hành khách trên cùng chuyến xe. Anh Trường cho biết, anh ở quận An Dương, lái tàu cho một công ty trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, nên thường xuyên anh phải đi xe khách liên tỉnh Thanh Hóa – Hải Phòng và ngược lại. Anh Trường khuyên tôi: “Đi xe khách tốt nhất em nên ngủ một giấc và nhắm mắt lại, đỡ sợ những phen lái xe vượt xe khác”. Cũng may, do không phải dịp lễ, tết, nên lượng khách đã dần ổn định. Bến xe Nghệ An đã ở trước mắt, lúc này hành khách trên xe mới thở phào nhẹ nhõm đã đến nơi an toàn.
Video đang HOT
Đã được nghe nói nhiều về những chuyến xe đêm nhưng quả thật nếu ai thức thì sẽ được trải qua cảm giác “sống trong sợ hãi”. Quãng đường Vinh – Hà Nội nếu đi ban ngày mất 7 đến 8 tiếng nay đi đêm sẽ rút ngắn được 1 đến 2 tiếng. Đường vắng, tối om, những chuyến xe khách lao đi vun vút với tốc độ trung bình khoảng 80km/h và chỉ những lúc tránh nhau lái xe mới đạp phanh, không thì tốc độ vào cua cũng như đi đường thẳng. Có lẽ chỉ ở Việt Nam mới có những lái xe điều khiển xe khách như đua xe công thức 1.
“Máy bay đất”
Anh Nguyễn Quỳnh Anh (Quỳnh Lưu, Nghệ An), ngồi cạnh tôi trên chuyến xe Vinh – Hà Nội cho biết : “Tuyến Nghệ An, Hà Tĩnh lái xe được mệnh danh là “vua” liều đấy, xe khách thì gọi là máy bay đất”. Thấy tôi lạ lẫm với cách gọi kỳ lạ đấy, anh cười: Xe to, mà chạy nhanh như thế thì chả là máy bay dưới mặt đất là gì! Lái xe thường truyền nghề cho nhau bằng kinh nghiệm, chưa đủ tuổi thì đi phụ xe, đoạn nào vắng thì lên lái. Hỏi đến bằng lái thì ai cũng có nhưng chất lượng thì có trời mới biết. Nhiều nhà xe tuyển lái xe rất dễ, cứ có bằng lái, trông khỏe mạnh là được, còn kinh nghiệm thì cứ từ từ mà học. Sinh mạng bao nhiêu con người trên xe thì tùy thuộc vào… số phận. Nóng vội, phóng nhanh, vượt ẩu, tranh giành khách, là hiện tượng phổ biến mà từ đó đã gây ra không ít tai nạn thương tâm.
Giới lái xe khách còn có những “kỹ năng” đặc biệt mà khi chứng kiến không ít hành khách phải toát mồ hôi vì lo lắng. Khi vào đổ xăng, các lái xe, phụ xe thường thản nhiên đứng cạnh bình xăng, xem đổ xăng và bật lửa… hút thuốc lá, đặc biệt các nhân viên bán xăng cũng chả buồn nhắc nhở? Hành khách ngồi trên xe mà cảm giác như ngồi trên quả bom nổ chậm. “Ôi giời, bác cứ lo xa, còn lâu mới cháy được”, phụ xe trả lời thản nhiên khi có bác hành khách nhiều tuổi nhắc nhở.
Không ai phủ nhận được sự quan trọng của các phương tiện vận chuyển hành khách nhưng việc quản lý chất lượng lái xe từ lâu vẫn khó kiểm soát. Vấn đề quản lý, sát hạch, đào tạo cấp phép, tuyển chọn lái xe lỏng lẻo của các doanh nghiệp tư nhân hiện nay đáng báo động. Doanh nghiệp “giao khoán”, lái xe vì lợi nhuận nên đã không tuân thủ Luật Giao thông đường bộ, mặc sức chạy nhanh, lấn tuyến, giành đường, tranh khách và tranh thủ thời gian để bù lại các đoạn đường phải hạn chế tốc độ. Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần nghiêm túc kiểm tra quy trình đào tạo, cấp phép, phải đặt đạo đức lái xe lên hàng đầu để xóa bó ngay hình ảnh “hung thần” của các chuyến xe khách liên tỉnh, hạn chế tối đa tai nạn giao thông.
Hành khách không cần phải vào bến mới mua được vé. Bắt xe dọc đường, nhà xe có sẵn vé để đáp ứng yêu cầu của hành khách. Thậm chí, vé còn nguyên liên 2 và liên 3.
Để thông báo về tình hình làm việc, chốt chặn của lực lượng CSGT, cánh lái xe thường dùng ký hiệu thông báo cho nhau. Đơn cử như, nháy đèn pha với dụng ý, có gì phía trước không. Lái xe giơ tay lên và huơ huơ là không có gì, còn nếu có lực lượng công an phía trước, họ sẽ dùng tay vẫy vẫy cho nhau. Trong trường hợp có bắn tốc độ phía đoạn đường trước, lái xe sẽ làm hiệu kiểu khẩu súng.
Theo ANTD
Bức xúc đi Xe liên tỉnh: Bài 1: Điệp khúc "xe đi ngay đây"
Xe không vào bến, dừng đỗ bắt và trả khách giữa đường, thậm chí, để đối phó với lực lượng chức năng, lái xe còn mở cửa sau, kéo khách lên... Đó chỉ là một số hành vi vi phạm Luật GTĐB trong vận tải hành khách liên tỉnh hiện nay.
"Xe quay" giữa lòng Hà Nội
Trên đường đi, phụ xe luôn sẵn sàng mở cửa để đón thêm khách
Như một số lời giới thiệu của bạn bè, cũng như kết luận của Thanh tra Sở GTVT Hà Nội về các chuyến xe khách tuyến Nam Định đều vi phạm về việc dừng, đỗ đón khách giữa đường, tôi đứng bắt xe ở phố Kim Đồng. Đúng như nhận định, tất cả các chuyến xe khách về TP cũng như các huyện trên địa bàn Nam Định đều bắt khách ở phố Kim Đồng. Ngoài ra, xe chạy các tuyến như Thanh Hóa, Thái Bình cũng vòng vo, bắt khách ở đây.
Xe đỗ xịch ngay giữa phố, tôi ngó đầu vào hỏi "xe chạy luôn chứ, em đang có việc gấp ở dưới Nam Định", lái xe khẳng định như đinh đóng cột rằng, xe chạy luôn đây, làm sao dám dừng đỗ đón khách ở đây, ngoài kia (đường Giải Phóng - PV), công an và Thanh tra GT đứng chốt, ai dám dừng. Yên lòng, chúng tôi leo lên xe. Trên xe lúc này cũng có 5 khách. Ai cũng hy vọng xe xuất phát đúng giờ. Ấy mà không, chiếc xe chầm chậm lăn bánh, đến ngã ba Kim Đồng - Giải Phóng, chiếc xe lợi dụng đèn đỏ để dừng lại bắt khách. Và rồi, từng đợt đèn đỏ, rồi lại đèn xanh qua đi, chiếc xe khách vẫn chình ình đứng đó, như thách thức hành khách và người đi đường. Lơ xe (phụ xe) hăm hở tiếp tục bắt khách. Qua 8h, chiếc xe vẫn không nhúc nhích, nhiều hành khách trên xe bắt đầu hết kiên nhẫn, giục lái xe xuất phát.
Như để trấn an, chiếc xe cũng chầm chậm lăn bánh, hành khách trên xe thở phào. Tuy nhiên, qua bến xe Giáp Bát, chiếc xe quay vòng trở lại, hành khách ngơ ngác trong sự bực tức cao độ. Trước lời cáu gắt, bất bình, nhà xe thanh minh, quay lại để trả đồ cho một người quen, rồi sẽ đi ngay. Và rồi, cái sự đi ngay ấy cũng mất thêm khoảng 30 phút nữa, chiếc xe khách mang BKS: 18N-2889 mới chịu rời bến, lái xe không quên khẳng định, 9h30 là có mặt ở TP Nam Định. Trong lúc đó, một "cò" cho tuyến xe về Thanh Hóa trong quá trình bắt khách đã va chạm với xe máy đi đường.
Bắt khách bằng mọi giá
Xe mở cửa và đón khách ngay trước mặt lực lượng chức năng
Phụ xe liên tiếp cảnh báo "không được dừng xe bắt khách ở ngoài đường Giải Phóng đâu đấy, lực lượng chức năng làm nghiêm lắm đấy, cẩn thận, họ đứng cả trên cầu để quan sát đấy". Tôi thắc mắc hỏi, sao lực lượng chức năng mật phục trên cầu mà anh biết, thì nhận được câu trả lời từ lái xe "lái xe khách mà không nắm được lực lượng chức năng thường chốt ở đâu thì có mà ăn phạt cả ngày à"?
Thay vì không dừng để bắt khách, phụ xe đứng trên xe và vẫy khách dọc đường. Chiếc xe chạy chầm chậm và hành khách lên xe ở giữa đường. Thấy bóng dáng lực lượng chức năng trước mặt, không muốn bỏ qua một khách, rất nhanh chóng, phụ xe mở toang cửa sau, kéo hành khách chui tọt lên xe rất thành thục. Giờ thì mối ngờ vực về lời khẳng định về bến xe Nam Định đúng giờ của lái xe đã được giải đáp. Đang bon bon chạy, chiếc xe bỗng phanh gấp, hành khách trên xe nháo nhào xô về phía trước, chưa kịp định thần thì thấy cửa xe bật mở, 4 hành khách bước lên xe, tiếng phụ xe văng vẳng "khách về Nam Định xịn đây này". Một chiếc xe Ford Transit 16 chỗ tuy vẫn còn khá tốt nhưng những trang bị cứu hộ thiết yếu cần phải có trên xe khách thì tuyệt nhiên không thấy. Không búa thoát hiểm, không bình cứu hỏa cũng như không tủ thuốc cứu thương. Điều đó cũng đồng nghĩa, nhỡ may gặp bất trắc, hành khách chỉ còn biết dùng guốc dép để phá cửa kính chui ra. Lái xe 18N-2889 cho biết, mỗi ngày anh chạy 4 lượt Hà Nội - Hải Phòng. Song, nếu những dịp lễ, tết thì sẽ tăng cường, do lượng khách đi lại đông hơn.
Hành khách tên Tuấn, người được đưa lên từ cửa sau cho biết, đang học Cao đẳng Tài chính kế toán ở Nam Định, thường xuyên đi lại giữa Hà Nội-Nam Định, nên đã quá quen với tuyến xe này. "Tôi bắt xe dọc đường như vậy cũng quen rồi", Tuấn nói.
Thống kê từ Phòng Quản lý vận tải, phương tiện người lái - Sở GTVT Nam Định cho thấy, trên toàn địa bàn tỉnh Nam Định hiện có 33 đơn vị kinh doanh vận tải hành khách liên tỉnh với 650 đầu xe, lượng khách vận chuyển vào khoảng 14 triệu lượt/năm. Anh Bùi Huy Thông, chuyên viên Phòng QLVT và PTNL cho biết, riêng tuyến xe khách Nam Định - Hà Nội vào khoảng 90 chuyến/ngày, trung bình 10 phút một chuyến. "Qua kiểm tra đã phát hiện có tình trạng khoán trắng cho lái xe và bán khách.
Nhận thấy cơ chế khoán gây nhiều bất cập, Sở GTVT Nam Định đã có công văn nhắc nhở, cảnh báo các doanh nghiệp, song họ vẫn lờ đi, điển hình như Công ty Vận tải ô tô Nam Định", anh Thông phản ánh. Khi đề cập đến việc khoán trắng cho lái xe, anh Thông cho rằng, cơ quan quản lý chỉ có thể quản lý về mặt Nhà nước, còn doanh nghiệp hoạt động theo hình thức, mô hình như thế nào lại không thể can thiệp. Ngoài ra, cơ quan quản lý cũng chỉ kiểm soát được hoạt động của doanh nghiệp, hoạt động đón trả khách diễn ra trên địa bàn huyện, còn trên đường đi qua, đến các tỉnh, thành khác, thì không thể biết được họ chạy xe ra sao, như thế nào.
Thống kê của Thanh tra GTVT Hà Nội cho thấy, các xe ô tô khách của các đơn vị chạy tuyến Hà Nội - Nam Định với các DN, HTX như HTX Vận tải Hòa Bình 40 trường hợp vi phạm; Công ty CP Vận tải ô tô Nam Định 36 TH; Công ty CP Khánh Tám 28 TH; HTX Vận tải Giao Thủy 25 TH; HTX VT Xuân Trường 12 TH; Công ty CP 27/7 Hải Hậu 12 TH.
Theo ANTD
30 phút, 2 vụ TNGT trên 1 tuyến đường Do chạy nhanh và lạng lách, người thanh niên điều khiển xe máy không làm chủ tốc độ đã đâm đầu vào xe máy khác lưu thông hướng ngược lại. Lúc 22 giờ ngày 23-7, một vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra trên đường Tô Ký, phường Tân Chánh Hiệp, quận 12 - TPHCM. Anh Lê Ngọc Tân, người chứng kiến vụ tai...