Bức xúc bài thơ “Lượm” của Tố Hữu bị chế thành nhạc rác trên TikTok
Bài thơ “Lượm” của nhà thơ Tố Hữu bị biến tấu với ca từ vô nghĩa, thu hút hàng triệu lượt sử dụng, chia sẻ trên TikTok khiến dư luận phẫn nộ.
Lời thơ “Lượm” bị chế thành nhạc phản cảm trên TikTok
Hình ảnh chú bé Lượm trong tác phẩm của nhà thơ Tố Hữu nhận được sự yêu mến từ bạn đọc – Ảnh: Khafa
Những ngày gần đây, đoạn rap được chế lời từ bài thơ “Lượm” của nhà thơ Tố Hữu bất ngờ lan truyền “chóng mặt” trên nền tảng TikTok.
Đoạn âm thanh chế từ bài thơ “Lượm” thu hút hàng triệu lượt sử dụng
Bài rap do 2see thực hiện và được remix bởi DJ FWIN có nội dung: “Chú bé loắt choắt, cái xắc xinh xinh, cái chân thoăn thoắt, cái đầu cắt moi/ Gió đưa cành trúc thật Prada/ Trên mạng đang hot trend gì vậy ta/ Họa hổ họa bì gian nan họa cốt/ Tiên nhân tri diện đường Nguyễn Tri Phương/ Cười người hôm trước hôm sau người cười/ Trăm nghe không bằng mắt sáng 10/10/ Muốn sang đây được phải bắc cầu kiều/ Muốn con hay chữ phải tốn tiền nhiều”.
Hiện, hastag “Chubeloatchoat” (tạm dịch: Chú bé loắt choắt) có đến hơn 18,3 triệu lượt nhắc đến trên nền tảng này. Các video được chèn đoạn nhạc này thu hút hàng chục, hàng trăm nghìn lượt xem, tương tác.
Trong đó, phổ biến nhất là video ghi cảnh các học sinh đứng lên bàn ghế, thậm chí bàn giáo viên để tạo dáng. Có video quay lại cảnh các cô gái mặc áo dài trong tư thế khá nhạy cảm. Người khác lại ghép bài nhạc với video mặc áo tắm.
Ngay khi trend (xu hướng) này được chia sẻ rầm rộ, đoạn nhạc này nhanh chóng bị chỉ trích vì nội dung không phù hợp với tinh thần gốc của bài thơ.
“Không hiểu sao trend này lại đủ hot và các bạn có thể “đu trend” như vậy. Nhìn nhận theo mọi khía cạnh, nó là một lời chế vô nghĩa, tiêm sâu vào giới trẻ những nhận thức lệch lạc về những kiến thức lịch sử hào hùng. Âm nhạc không có ý nghĩa không phải âm nhạc, đừng có gắng nói rằng đây là nhạc nghe để giải trí”.
“Đây là sự xuống cấp đạo đức của 1 số bộ phận giới trẻ. Quá tệ”; “Rác phẩm nhưng được tung hô, thành trend, quá ghê sợ”… là một số bình luận của khán giả trên mạng xã hội.
Nhức nhối vấn nạn nhạc rác, nhạc chế phản cảm
Đây không phải lần đầu tiên, vấn đề nhạc rác, nhạc chế phản cảm được lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội, khiến dư luận ngán ngẩm.
Lê Dương Bảo Lâm gây tranh cãi khi hát nhạc chế “Doraemon” trên sóng truyền hình
Còn nhớ, năm 2018, ca khúc “Thương quá Việt Nam” từng bị chế thành đoạn lời phản cảm: “Chim trong lồng chim bay ra, chim tung cánh xé tan quần què. Chim bay về một nơi xa” trong video “Giấc mộng ca sĩ” của Vanh Leg, đăng trên YouTube.
Năm 2022, đoạn nhạc chế từ các nhân vật trong truyện tranh nổi tiếng Doraemon do Lê Dương Bảo Lâm thể hiện ở chương trình Sàn đấu ca từ cũng lan truyền trên mạng xã hội, đặc biệt trên nền tảng TikTok.
Cụ thể, đoạn nhạc chế có nội dung: “Má Xeko thì nghèo, má Chaien thì giàu còn Nobita luôn ăn hiếp bạn bè. Nobita thầm yêu Xuka, hái hoa hồng tặng cho Chaien. Nếu Chaien bằng lòng lấy Nobita làm chồng, thì Nobito chào đời”.
Chia sẻ với Báo Giao thông về vấn đề này, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung nói rằng, anh vẫn tôn trọng những bài nhạc chế có nội dung mang tính giáo dục, sáng tạo, truyền tải thông điệp tích cực, thiết thực…
Nhạc sĩ lấy ví dụ đó là những bài nhạc chế của thầy giáo trẻ Nguyễn Thái Dương nhằm cung cấp nhiều kiến thức bổ ích cho học sinh, giúp các em dễ ghi nhớ. Anh cũng hoan nghênh những bài mang tính hài hước, châm biếm nhẹ nhàng và trân trọng những sáng tạo hữu ích.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung
“Cũng giống như nhạc rap. Tôi rất tôn trọng các góc nhìn của những bạn sáng tạo nhạc rap, họ có ngôn từ gai góc, thẳng thắn, mạnh mẽ nhưng tôi vẫn lên án những bài hát có ca từ thô tục, phản cảm, gợi dục. Có nghĩa là mình phải có được lằn ranh, quy chuẩn rõ ràng.
Sự hài hước và sự nhố nhăng phản cảm là hoàn toàn khác nhau. Sự sáng tạo không thể đi ngược với thuần phong mỹ tục, chuẩn mực đạo đức.
Sau cùng, nghệ thuật vẫn phải hướng người nghe đến một điều tốt đẹp, cái thiện lành hơn chứ không hướng người ta có những suy nghĩ tiêu cực và hành động tiêu cực, gây ảnh hưởng cho bản thân và cả xã hội. Việc sáng tạo vì thế mà không thể và không nên vượt qua lằn ranh về văn hóa”, tác giả ca khúc “Nhật ký của mẹ” bày tỏ.
Theo nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, nếu không có sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan quản lý, không chỉ “Lượm” mà rất nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật của Việt Nam sẽ bị chế thành những sản phẩm “rác” và được lan truyền trên mạng xã hội.
“Tôi nghĩ, khán giả nên mạnh mẽ tẩy chay những sản phẩm nhạc chế “rác”. Đồng thời, cơ quan quản lý cũng cần có những biện pháp xử lý mạnh tay để “rác” âm nhạc thế này không còn tràn lan trên không gian mạng”, vị nhạc sĩ đề xuất.
Thiếu vắng ca khúc dành cho thiếu nhi
Ca khúc thiếu nhi mới khan hiếm, khán giả thiếu nhi buộc lòng phải nghe, phải hát những giai điệu yêu đương nồng cháy, thậm chí là não tình của người lớn
Người trong giới trăn trở kho tàng âm nhạc thiếu nhi ngày càng thiếu hụt những giai điệu tươi vui, trong sáng, song dường như sân chơi âm nhạc dành cho trẻ em hiện vẫn bỏ ngỏ.
Trẻ em hát nhạc người lớn
Không khó để bắt gặp một giọng ca nhí, song ca, tam ca hay tốp ca biểu diễn ở các sự kiện với một ca khúc của người lớn. Từ "Đất nước trọn niềm vui" đến "Quê hương tình yêu và tuổi trẻ" hay "Quả phụ tướng", thậm chí là "Ai chung tình được mãi"... Nhạc sĩ Phạm Tuyên đã từng phát biểu: "Đừng bắt thiếu nhi phải hát nhạc của người lớn!", song theo những người trong cuộc, hiện nay số lượng nhạc sĩ quan tâm sáng tác ca khúc dành cho thiếu nhi không nhiều, dẫn đến hiện tượng thiếu nhi luôn phải "gồng gánh" những ca khúc người lớn một cách mệt nhọc.
Trong guồng phát triển của thế giới phẳng, cũng không có nhiều sản phẩm nhạc thiếu nhi trên mạng xã hội hoặc biểu diễn thu hút khán giả, giải thưởng cho nhạc thiếu nhi cũng hiếm hoi. Hiện nay chỉ có TP Đà Nẵng tổ chức giải 5 năm/lần, Hội Nhạc sĩ Việt Nam trao giải định kỳ hằng năm, còn lại thỉnh thoảng mới có một vài nơi tổ chức trao giải cho nhạc thiếu nhi.
Ca sĩ Hồng Nhung gần như là ca sĩ tiên phong phát hành album nhạc thiếu nhi. (Ảnh do nghệ sĩ cung cấp)
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung được Cục Bản quyền tác giả cấp giấy chứng nhận quyền tác giả 300 ca khúc thiếu nhi. Với văn bản pháp lý này, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung đã trở thành người giữ kỷ lục mới về sáng tác âm nhạc cho tuổi thơ hiện nay. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho biết cách đây 7 năm, anh quyết định thử thách mình trong những ca khúc về gia đình với album "Thương con thương cả cuộc đời", đồng thời chuyên tâm viết nhạc thiếu nhi với album "Gia đình nhỏ hạnh phúc to", trong đó có các bài: "Nhật ký của mẹ", "Thư của mẹ", "Bé mừng sinh nhật", "Mẹ ơi có biết", "Cảm ơn thiên thần"... Những ca khúc này hiện là những bài hát quen thuộc với thiếu nhi.
"Nhạc thiếu nhi không mang lại lợi nhuận, danh tiếng nhưng tôi viết vì muốn được cống hiến, muốn được làm điều ý nghĩa, thiết thực cho cuộc sống" - nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung tâm huyết.
Sự chung tay của nhiều người
Trước những bức xúc về hiện tượng thiếu vắng ca khúc tốt cho thiếu nhi, nhân dịp kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh (2021), Hội đồng Đội Trung ương phát động cuộc thi sáng tác ca khúc thiếu nhi, với trên 500 bài hát của gần 400 tác giả tham dự.
Trại sáng tác ca khúc thiếu nhi do Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học - nghệ thuật (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) tổ chức năm 2021 đã trình làng 77 tác phẩm. Kết quả này cho thấy số người viết không ít, bài hát không thiếu mà cái thiếu hiện nay là nơi tổ chức dàn dựng và phát sóng các bài hát thiếu nhi.
Không chỉ là mối bận tâm của các sở, ban ngành, nhạc thiếu nhi giờ đây có sự chung tay của nhiều người trẻ tâm huyết. Ca sĩ Phan Đinh Tùng thực hiện MV (video ca nhạc) "Nào mình cùng đánh răng", khởi đầu cho dự án âm nhạc thiếu nhi dài hạn. Các ca khúc đều hướng đến việc dạy con trẻ những kỹ năng sống cơ bản, cách ứng xử lễ phép qua ca từ dễ hiểu, giai điệu vui tươi, nhẹ nhàng.
"Khi có con, làm cha, tôi có những cảm xúc rất mãnh liệt. Từ những câu hát đơn giản ban đầu, tôi phát triển thêm thành bài hát. Thị trường âm nhạc đang thiếu sản phẩm dành cho thiếu nhi. Vì thế, tôi rất lưu tâm vấn đề này" - Phan Đinh Tùng bộc bạch.
Hồng Nhung gần như là ca sĩ tiên phong trong việc phát hành album nhạc thiếu nhi. Album nhạc thiếu nhi "Cháu vẽ ông mặt trời" của chị đã tạo nên những hiệu ứng tích cực từ khán giả yêu nhạc. Sau "Cháu vẽ ông mặt trời", ca sĩ Hồng Nhung làm thêm album "Tuổi thơ tôi" gồm 10 bài hát thiếu nhi quen thuộc với bao thế hệ như: "Ngày đầu tiên đi học", "Chú ếch con", "Đếm sao"...
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp Các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, cho biết: "Nghị quyết Đại hội lần thứ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra nhiệm vụ quan trọng là phát triển âm nhạc thiếu nhi. Bên cạnh khuyến khích và vận động hội viên sáng tác, cổ vũ các lực lượng trong xã hội tham gia phát triển mảng âm nhạc này, sắp tới hội sẽ khôi phục Ban Âm nhạc thiếu nhi, tổ chức giải thưởng âm nhạc thiếu nhi, tổ chức các liên hoan, festival âm nhạc thiếu nhi, tạo sân chơi cho các nhạc sĩ đưa sáng tác mới đến với công chúng, đồng thời phát hiện và bồi dưỡng tài năng âm nhạc nhỏ tuổi...".
Huyền thoại nhạc chế Vanh Leg giờ ra sao sau nhiều năm im ắng? Vanh Leg tên thật là Nguyễn Việt Anh là một trong những YouTuber Việt Nam từng rất nổi tiếng với các clip theo hướng parody, hát nhạc chế bên cạnh nhiều cái tên đình đám khác như Nhật Anh Trắng, Hậu Hoàng. Những bài hát nhạc chế được anh chỉnh sửa theo ý tưởng và thể hiện theo góc độ góc độ hài...