Bức tượng đại tướng châm ngòi cho cuối tuần bão tố ở thành phố Mỹ
Tranh cãi quanh tượng đại tướng Lee trở thành nguồn cơn bùng phát bạo lực trong cuộc tuần hành cuối tuần qua ở Charlottesville.
Bức tượng đại tướng Robert E. Lee ở Charlottesville, Virginia. Ảnh: US News.
Thành phố yên bình Charlottesville ở Virginia, Mỹ vừa chứng kiến một cơn bão tố kinh hoàng khi cuộc tuần hành bảo vệ một tượng đài ở trung tâm biến thành thảm kịch đâm xe và đụng độ khiến một phụ nữ thiệt mạng và hàng chục người bị thương.
Tâm điểm của cơn bão chính là bức tượng đại tướng Robert E. Lee, tư lệnh Liên minh miền Nam trong cuộc nội chiến Mỹ thế kỷ 19. Bức tượng khắc họa hình ảnh đại tướng Lee mặc quân phục, cưỡi trên một con chiến mã, tất cả đã ngả sang màu xanh đen theo thời gian, theo NYTimes.
Bức tượng cao gần 8 mét này được chế tác bởi Henry Merwin Shrady, một nhà điêu khắc ở New York, và được nghệ nhân người Italy Leo Lentelli hoàn thiện sau đó. Bức tượng được đặt ở trung tâm Charlottesville vào năm 1924, trong một hội nghị của các cựu chiến binh và con cái cựu binh Liên minh miền Nam với lễ khánh thành hoành tráng. Trong buổi lễ, những người tham dự ca ngợi “sự cống hiến bất tử” của các cựu binh đã chiến đấu cho “Chancellorsville và Gettysburg”, giờ đây vẫn đang nỗ lực để “bảo vệ chủ nghĩa anh hùng của Liên minh khỏi những lời vu khống”.
Bức tượng đã tồn tại ở Charlottesville gần 100 năm, nhưng vài năm gần đây, ngày càng có nhiều người dân và quan chức thành phố kêu gọi dỡ bỏ nó, cho rằng đây là một biểu tượng cho chủ nghĩa “da trắng thượng đẳng” cần phải bị xóa bỏ khỏi xã hội Mỹ.
Xóa bỏ những di sản của chủ nghĩa “da trắng thượng đẳng” là một xu thế ngày càng phổ biến ở Mỹ. Ngày càng nhiều bức tượng liên quan đến Liên minh miền Nam bị phá bỏ, những con đường mang tên đại tướng Lee bị đổi tên, các tượng đài bị di dời.
Ở New Orleans, Thị trưởng Mitch Landrieu vừa ra lệnh dỡ bỏ ba tượng đài liên quan đến Liên minh miền Nam và chủ nghĩa da trắng thượng đẳng. “Những tượng đài này là một phần của sự khủng bố tinh thần, giống như cây thập tự bốc cháy của hội kín KKK trước nhà nạn nhân. Chúng được dựng lên để gửi thông điệp mạnh tới mọi người đi qua về quyền lực vẫn thống trị thành phố”, Landrieu giải thích cho quyết định của mình.
Trong Ngày hội Sách Virginia năm 2012, bà Kristin Szakos, ủy viên Hội đồng Thành phố Charlottesville, đã châm ngòi cho một làn sóng tranh cãi dữ dội khi đưa ra gợi ý về việc phá bỏ tượng đại tướng Lee.
Video đang HOT
Phản ứng của dư luận Charlottesville ập tới nhanh chóng với bà Szakos, với những cuộc gọi và email tràn ngập lời đe dọa. “Tôi có cảm giác như mình vừa cắm một cây gậy xuống mặt đất, bên dưới là một bong bóng xấu xí đang sùng sục”, bà cho biết.
Bình luận của bà Szakos được đưa ra chỉ một tháng sau vụ thanh niên da màu 17 tuổi Trayvon Martin bị bắn chết ở Florida, thổi bùng làn sóng biểu tình Black Lives Matter, đòi quyền bình đẳng cho người da màu.
Đến năm 2015, những cuộc tranh luận về cờ và tượng đài Liên minh miền Nam bắt đầu nóng lên ở các bang phía nam nước Mỹ, trong đó có Nam Carolina, Texas và Louisiana. Những người muốn loại bỏ các tượng đài này cho rằng chúng là biểu tượng của chủ nghĩa da trắng thượng đẳng, trong khi những người phản đối tố cáo họ tìm cách xóa bỏ lịch sử.
Những người muốn bảo vệ tượng đài cho rằng đại tướng Lee là một anh hùng bởi ông đã quyết định đầu hàng để chấm dứt cảnh huynh đệ tương tàn, cũng như “thúc đẩy hòa hợp dân tộc khi nhận ra thất bại”. Họ khẳng định bức tượng không khắc họa hình ảnh Lee cưỡi chiến mã ra trận, mà chỉ là đang trên đường đến Lexington để nhậm chức chủ tịch một trường đại học sau chiến tranh.
Lập luận này bị nhiều người phản đối, cho rằng hình ảnh tướng Lee mặc quân phục, cưỡi chiến mã không hề mang tính biểu tượng cho hòa bình hay hòa hợp dân tộc, mà chỉ là dấu vết của một phong trào, tư tưởng coi những người da màu chỉ là nô lệ mà tướng Lee từng dẫn dắt.
“Những người theo chủ nghĩa dân tộc da trắng ở Charlottesville hiểu rất rõ điều này. Họ biết tướng Lee được tôn thờ không phải vì đã tạo dựng hòa bình, mà do ông đã bảo vệ một xã hội được xây dựng trên nền tảng da trắng thượng đẳng”, cây bút Yoni Appelbaum nhận định trên Atlantic.
Một thành viên phong trào chủ nghĩa dân tộc thượng đẳng tấn công người ủng hộ việc dỡ bỏ tượng tướng Lee. Ảnh: CNN.
Năm 2016, Wes Bellamy, ủy viên hội đồng Charlottesville và một phó thị trưởng thành phố phát động chiến dịch mới nhằm tìm cách tháo dỡ tượng đài đại tướng Lee. Trong một cuộc họp báo diễn ra trước tượng đài hồi tháng 3, Bellamy cho biết Hội đồng Thành phố sẽ chỉ định một ủy ban để thảo luận vấn đề này.
“Khi chứng kiến nhiều người ở đây muốn khắc phục điều mà họ cho là cần phải làm từ lâu, tôi thấy có động lực”, ông nói trước đám đông. Một vài người vỗ tay, số khác la ó, cáo buộc ông Bellamy đang tìm cách gây chia rẽ.
Cũng trong tháng 3, học sinh trung học Zyahna Bryant nộp đơn kiến nghị lên Hội đồng Thành phố, yêu cầu dỡ bỏ tượng đại tướng Lee. “Tôi và các bạn thấy rất cần phải bỏ bức tượng này vì nó khiến chúng tôi cảm thấy không thoải mái và nó rất phản cảm”, Bryant viết trong đơn kiến nghị được hàng trăm người ký vào.
Sau khi được Hội đồng Thành phố thành lập vào tháng 5/2016, ủy ban đặc biệt ra báo cáo đề xuất chính quyền di chuyển tượng tướng Lee tới nơi khác hoặc chỉnh sửa nó cùng với việc “bổ sung các thông tin lịch sử chính xác mới”. Phương án bổ sung các thông tin mới cùng những lời giải thích về lịch sử và bài học của bức tượng được một số người bảo vệ tượng tướng Lee nhất trí.
Nhưng đến tháng hai, Hội đồng Thành phố bỏ phiếu nhất trí di chuyển tượng tướng Lee ra khỏi công viên trung tâm. Những người phản đối nộp đơn kiện vào tháng ba, cho rằng hội đồng không có thẩm quyền làm như vậy theo luật của bang Virginia.
Trong lúc chờ tòa án xử lý đơn kiện, bức tượng vẫn nằm nguyên vị trí, nhưng chính quyền thành phố đã đổi tên Công viên Lee, nơi bức tượng tọa lạc, thành Công viên Giải phóng. Công viên này thành điểm tập hợp cho những người biểu tình theo chủ nghĩa dân tộc da trắng hồi tháng 5.
Cảnh sát chống bạo động canh gác quanh tượng đài tướng Lee. Ảnh: Reuters.
Cuộc biểu tình nhằm phản đối quyết định tháo dỡ tượng tướng Lee hôm 12/8 được tổ chức bởi Jason Kessler, một thành viên mới gia nhập phong trào chủ nghĩa dân tộc da trắng nhưng đã khá nổi tiếng ở Charlottesville. Kessler là người thường xuyên phản đối chính quyền Charlottesville, cáo buộc họ cung cấp nơi ẩn náu cho người nhập cư.
Số phận bức tượng đại tướng Lee ở Charlottesville tùy thuộc vào phán quyết của tòa án, nhưng thảm kịch diễn ra ở thị trấn này hồi cuối tuần là một trong những biến cố đẫm máu nhất trong cuộc đấu tranh xóa bỏ và bảo vệ di sản của Liên minh miền Nam cũng như cuộc chiến cho bình đẳng sắc tộc ở Mỹ.
Trí Dũng
Theo VNE
Nhà Trắng bảo vệ Trump sau bình luận về hỗn loạn ở Virginia
Văn phòng Tổng thống Mỹ nỗ lực xoa dịu chỉ trích gia tăng đối với ông về bạo lực ở bang Virginia.
Tổng thống Mỹ sẽ tổ chức họp báo về tình hình bạo lực vào 14/8. Ảnh: CNN.
"Tổng thống đã lên tiếng rất mạnh mẽ trong tuyên bố, rằng ông lên án tất cả các hình thức bạo lực, sự cố chấp và lòng căm thù. Tất nhiên, điều đó bao gồm những người theo chủ nghĩa người da trắng thượng đẳng, những nhóm phân biệt chủng tộc và tất cả các nhóm cực đoan", AFP ngày 13/8 dẫn lời một người phát ngôn Nhà Trắng nói.
Tuyên bố này được đưa ra sau khi ông Trump phải hứng chỉ trích vì không nêu đích danh những nhóm này trong cuộc hỗn loạn và bạo lực ở thành phố Charlottesville, bang Virginia hôm 12/8, khiến một người chết và 33 người bị thương. Tổng thống đã đổ lỗi cho "nhiều bên".
Những người theo chủ nghĩa dân tộc ở Mỹ đã lên kế hoạch tổ chức tuần hành để phản đối việc chính quyền thành phố Charlottesville muốn tháo dỡ tượng tướng Robert E. Lee, người lãnh đạo Liên minh miền Nam, nhóm thất bại trong cuộc nội chiến Mỹ giai đoạn 1861-1865. Tuy nhiên, cuộc tuần hành bùng phát thành bạo lực khi những người ủng hộ và phản đối biểu tình xô xát với nhau.
Ông Michael Signer, Thị trưởng Charlottesville, đã lên án Tổng thống, cho rằng ông đã tạo nên một bầu không khí "thô tục, hoài nghi và bắt nạt". Nhiều thành viên đảng Cộng hoà khác cũng chỉ trích ông Trump, trong đó có hai cựu đối thủ trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm ngoái là Marco Rubio và Ted Cruz.
Khánh Lynh
Theo VNE
Đại tướng quân đội Hàn Quốc bị tố đối xử với binh sĩ như 'nô lệ' Các binh sĩ dưới quyền một đại tướng Hàn Quốc phải đeo vòng tay điện tử để gia đình của chỉ huy dễ dàng gọi khi cần sai khiến. Hai lính Hàn Quốc đứng xem một tấm bản đồ miêu tả cuộc chiến tranh Triều Tiên tại Bảo tàng Tưởng niệm Chiến tranh tại Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Reuters. Park Chan-ju, một tướng...