Bức tường cô lập Trung Quốc trên Biển Đông đã hình thành
Sau khi Mỹ-Nhật- Ấn tăng cường giám sát Trung Quốc, đến lượt châu Âu cũng nhập cuộc nhằm kìm hãm Bắc Kinh trên Biển Đông.
Phát biểu tại Đối thoại Shangri-la ở Singapore vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian kêu gọi lực lượng hải quân châu Âu có sự hiện diện “thường xuyên và rõ ràng” tại khu vực Biển Đông để duy trì luật biển và tự do hàng hải.
“Nếu chúng ta muốn kiềm chế nguy cơ xung đột, chúng ta phải bảo vệ các nguyên tắc và tự mình làm việc đó”, ông nói.
Tàu USS Lassen của Mỹ
Theo Foreign Policy, mặc dù bộ trưởng quốc phòng Pháp không nhắc rõ ràng tới Trung Quốc, bình luận của ông dễ được hiểu là lời chỉ trích Bắc Kinh, nước đang quyết liệt theo đuổi yêu sách chủ quyền phi lý tại Biển Đông với việc nạo vét ồ ạt và xây dựng các cơ sở quân sự trên các đảo nhân tạo.
“Nếu luật biển không được tôn trọng tại các vùng biển gần Trung Quốc, thì sau này nó sẽ bị đe dọa ở Bắc Cực, ở Địa Trung Hải, hay ở nơi khác”, ông Le Drian nói tại Đối thoại Shangri-La.
Lập trường của Pháp đánh dấu nỗ lực quốc tế mới nhất nhằm kìm hãm chiến thuật cứng rắn của Trung Quốc tại Biển Đông. Bình luận của Pháp cho thấy các quốc gia Âu đang vận động một phản ứng cứng rắn hơn trước các động thái quyết liệt của Trung Quốc. Ông Le Drian nói rằng đối với Pháp và châu Âu, việc này không chỉ là để bảo vệ lợi ích kinh tế và thương mại trong khu vực, mà còn để giữ gìn trật tự quốc tế và pháp trị.
Việc EU tham gia nhiều hơn ở Biển Đông là điều mà Mỹ đã hy vọng từ lâu, Mira Rapp-Hooper, một thành viên cao cấp tại Trung tâm An ninh mới của Mỹ, nhận xét.
Trong khi đó, Nhật Bản, Ấn Độ cũng đã đạt thỏa thuận thúc đẩy hợp tác an ninh với Mỹ. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani khẳng định, việc Nhật Bản, Ấn Độ và Mỹ “chia sẻ giá trị chung” là điều rất quan trọng. Việc tăng cường hợp tác giữa 3 nước nhằm đảm bảo an ninh tại các vùng biển rộng lớn ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Video đang HOT
Dự kiến vào giữa tháng 6 này, Nhật Bản, Mỹ và Ấn Độ sẽ tiến hành cuộc tập trận hải quân chung nhằm giám sát các hoạt động trên biển ngày càng bành trướng của Trung Quốc trên biển Đông và Hoa Đông.
Đáng lưu ý, lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản có kế hoạch mở rộng mức độ tham gia trong cuộc tập trận này, như tham gia các cuộc tập trận phòng không, chống ngầm, tìm kiếm và cứu hộ.
An Nhiên (Tổng hợp)
Theo_Báo Đất Việt
Biển Đông đang trở thành vấn đề toàn cầu
"Sau Shangri-La 15, tình hình Biển Đông sẽ diễn biến phức tạp hơn trong thời gian tới và có nguy cơ tuột khỏi tầm tay ASEAN". Tiến sĩ Trần Việt Thái - Viện phó Viện Nghiên cứu chiến lược (Học viện Ngoại giao) nhận định.
Tiến sĩ Trần Việt Thái - Viện phó Viện Nghiên cứu chiến lược (Học viện Ngoại giao).
Shangri-La 15 vừa kết thúc sau 3 ngày đối thoại, ông thấy hội nghị lần này có gì đáng lưu ý?
- Đối thoại Shangri-La 15 năm nay diễn ra trong bối cảnh phức tạp hơn, các thách thức trở nên gay gắt hơn xoay quanh 4 vấn đề chính: Tranh chấp Biển Đông; Vấn đề Triều Tiên phức tạp với những vụ thử tên lửa nguy hiểm hơn; Cuộc chiến chống khủng bố đi đến giai đoạn phức tạp; Các thách thức an ninh phi truyền thống như di cư, biến đổi khí hậu cũng phức tạp hơn.
Ông đánh giá thế nào về vấn đề Biển Đông trên bàn đối thoại lần này?
- Về vấn đề Biển Đông, trong bối cảnh hiện nay Trung Quốc đã tăng cường tuần tra trên biển và xây dựng một loạt các căn cứ quân sự trên các đảo nhỏ. Trung Quốc cũng đã nhiều lần tuyên bố sẽ không công nhận bản án của tòa án trọng tài Liên Hợp Quốc về tranh chấp với Philippines.
Tuy vậy, tại Shangri-La này, mâu thuẫn Mỹ - Trung quanh vấn đề Biển Đông không gay gắt như năm ngoái do Trung Quốc chuẩn bị tốt hơn, khôn khéo và chủ động hơn. Đoàn đại biểu Trung Quốc dự Đối thoại Shangri-La năm nay bỗng nhiên nhũn nhặn và thân thiện bất thường. Đặc biệt là Đô đốc Tôn Kiến Quốc, ông này có kinh nghiệm và biết rút kinh nghiệm từ những lần trước nên cố giữ thái độ lịch sự, mềm mỏng trước những chỉ trích. Bề ngoài, những đấu tranh, mâu thuẫn về pháp lý xung quanh vấn đề Biển Đông vẫn diễn ra nhưng không gay gắt bằng năm ngoái.
Tại Đối thoại Shangri-La 15, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cảnh báo Trung Quốc đang tự "cô lập mình". Ảnh: IISS.
Theo ông, thành công nhất của Shangri-La 15 là gì?
- Tôi cho rằng, thành công nhất của hội nghị lần này là tập hợp được những tiếng nói quan trọng, tất cả những vấn đề quan trọng đều đã được đưa ra bàn thảo, không né tránh.
"Nhìn chung, tôi cho rằng Shangri-La 15 đã kết thúc thành công và những vấn đề cần đưa ra thì đều được đưa ra và bàn luận tích cực".
Tiến sĩ Trần Việt Thái
Đặc biệt, trong đó, đoàn đại biểu Việt Nam do Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu đã đưa ra thông điệp rõ ràng, mạnh mẽ về vấn đề Biển Đông.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh tất cả các quốc gia phải hợp tác và đấu tranh, để giải quyết bất đồng, ngăn ngừa xung đột. Thông điệp của chúng ta đưa ra phù hợp với chuẩn mực của luật pháp quốc tế, trong khi Trung Quốc lại muốn lẩn tránh luật pháp.
Ông đánh giá như thế nào về thông điệp mà Mỹ đưa ra tại đối thoại?
- Thông điệp của Mỹ cũng rất đáng chú ý, khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter nói rằng, Trung Quốc, bằng chính những hành động phi pháp của mình đã tự xây dựng nên một bức tường cô lập, và điều cốt lõi là Bắc Kinh phải dừng ngay những hành động phi pháp như xây dựng trái phép, chấm dứt quân sự hóa trên Biển Đông...
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đề cập đến 2 từ "nguyên tắc" 24 lần trong bài phát biểu tại Shangri- La, liệu đấy có phải là dấu hiệu cho thấy Mỹ sẽ mạnh tay đối đầu với Trung Quốc?
- Tôi cho rằng đó không phải là thông điệp chính. Mục đích của Mỹ là xây dựng mạng lưới an ninh dựa trên những nguyên tắc chung, thực chất là an ninh tập thể.
Ông Carter kêu gọi các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương tập trung lại để xây dựng một "mạng lưới an ninh có nguyên tắc" dựa trên nền tảng của quan hệ đối tác song phương, đa phương nhằm nâng cao giá trị được chia sẻ và tạo điều kiện chia sẻ tài nguyên - như ông đã cảnh báo Trung Quốc đã dựng một "Vạn Lý Trường Thành tự cô lập" trong tranh chấp Biển Đông.
Sau Shangri-La 15, ông dự đoán diễn biến trên Biển Đông sẽ như thế nào?
- Tình hình Biển Đông sẽ diễn biến phức tạp hơn trong thời gian tới. Trước khi diễn ra Shangri-La 15, Hội nghị G-7 đã ra tuyên bố chung về Biển Đông, điều này cho thấy, vấn đề Biển Đông đã trở thành vấn đề toàn cầu. Tại Shangri-La, Pháp cũng đã vận động các nước cùng tuần tra chung, nêu cao vấn đề tôn trọng phán quyết của tòa. Bộ trưởng Quốc phòng các nước Mỹ, Anh, Pháp, Canada, Ấn Độ cũng đã kêu gọi Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế.
Như vậy, Biển Đông không chỉ là vấn đề an toàn, an ninh hàng hải, mà còn là các vấn đề liên quan đến luật pháp quốc tế, vì thế ASEAN cần phải nhanh nhạy nắm bắt và kiểm soát tình hình.
Xin cảm ơn ông!
Theo Danviet
G7 quan ngại tình hình Biển Đông, kêu gọi giải quyết tranh chấp hòa bình Lãnh đạo nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) hôm nay bày tỏ ngại trước căng thẳng trên biển tăng cao ở châu Á, kêu gọi không sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp. Lãnh đạo các nước G7 cùng Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Chủ tịch Hội đồng châu Âu chụp ảnh chung tại hội nghị thượng đỉnh...