Bức tranh tường của Nhân ‘gù’
Cả một gia đình nó phải cõng trên cái lưng gù, trên chiếc Chaly cũ mèm, không đuối mới lạ…
1. Nhân bị gù bẩm sinh. Từ nhỏ tới giờ bạn bè vẫn gọi là Nhân “gù”. Gọi riết rồi thấy bình thường. Mẹ Nhân có bầu nó thì cha nó bỏ. Sinh xong ít lâu thì mẹ có chồng mới, Nhân sống với ông bà ngoại và cậu. Rồi cậu lấy vợ, căn nhà ở thị trấn thành chật, Nhân và ông bà ngoại ra chòi rẫy.
Tôi với Nhân học chung từ lớp 6, không thân nhau, đến khi Nhân ra chòi rẫy ở thì thân. Đơn giản tôi đi hái rau cho heo, hay ngang rẫy ông bà Nhân xin nước uống. Rẫy có nhiều thứ để ăn, một trái bắp lẻ trên cây, trái ổi ẩn sau cành chìa bên bờ ao, trái chuối chín cây… Hai thằng cứ nhẩn nha vừa chơi, vừa nói chuyện, vừa kiếm đồ ăn như vậy. Có bữa Nhân nói: “Mày phụ tao tưới rẫy, chút tao phụ mày hái rau”. Có bạn chơi, thành ra những buổi đi hái rau cũng thú vị.
Nhân vẽ đẹp, thích làm họa sĩ nhưng rồi chỉ thành thợ vẽ. Hồi đi học, mỗi cái Tết nó tìm giấy vỏ bao xi măng vẽ mấy bộ bầu cua tôm cá cho người ta đánh bạc mấy ngày xuân, kiếm tiền mua sách vở. Học hết cấp III, nó đi vẽ biển hiệu hoặc nhận lại mấy cái khẩu hiệu bờ tường từ xã tới huyện. Nhưng cũng chẳng mấy khi có việc.
Ông bà Nhân qua đời, đám rẫy cằn dĩ nhiên của cậu nó. Lần này thì Nhân vô gia cư thật. Tôi về, ra rẫy tìm không thấy, nghe lòng buồn thiu. Không biết tìm Nhân ở đâu. Bạn bè chỉ biết nó đi xa, xa cỡ nào thì không rõ.
Rồi lần đó, từ Hà Nội tôi vào Lâm Đồng viết bài. Tối đó tôi nghỉ nhờ nhà cô bạn ở thị trấn Liên Nghĩa, Đức Trọng. 9 giờ đêm, phố huyện vắng tanh, tôi từ một quán rượu lững thững ra về. Từ một cái lán hớt tóc ven đường nghe tiếng gọi: “Hiển, phải mày không Hiển?”. Nó ào ra nắm tay, lắc vai như kiểu mấy kiếp rồi mới gặp…
Nhân “gù” với chiếc Chaly để đi làm mướn và bức tranh mà Nhân vẽ tại trường mẫu giáo. Nhân đã xong bốn bức, còn hai bức vách đang dang dở. Ảnh: ĐỨC HIỂN
2. Hai tháng sau tôi vào lại Lâm Đồng, về Tùng Nghĩa thì Nhân đi đâu mất. Về quê cũng không thấy. Hóa ra nó về Sơn Hải, một làng chài heo hút bên Mũi Dinh và nhờ mái hiên của nhà người ta làm chỗ hớt tóc. Bìa núi gần đó có một gia đình còn nghèo hơn nó, làm nghề chăn dê thuê cho thiên hạ. Nhà có đứa con gái lớn tuổi, chưa chồng. Ở bìa núi, không có ai là hàng xóm nên cô gần như suốt ngày không nói, đi chăn dê thì cũng chỉ có cỏ cằn, đá núi và những cơn gió như muốn ném cả người lẫn dê vào vách đá. Chẳng biết sao Nhân quen rồi lấy làm vợ. Gọi là lấy cho oai, chứ cũng chẳng cưới hỏi gì. Nó không có tiền, mà người ta cũng biết phận nên không đòi.
Vợ có bầu rồi sinh con, cái mái lều ven núi với đàn dê không thể chứa nổi gia đình nhỏ với đứa con nay sài mai ghẻ. Nhân dặn vợ: “Em ở đây, mấy bữa anh về dưới đồng bằng tìm đất xây nhà”. Nhân về, bà dì thương tình cho một miếng đất ven bìa nghĩa địa, tứ bề cát và gió biển.
Video đang HOT
Chỗ đó ở phường Mỹ Bình, cuối đường 16-4, đối diện là những resort trải dài, sau lưng là TP Phan Rang nhưng cái đám mả thì nửa thế kỷ nay vẫn thế. Vợ chồng nó tính cất nhà lên đó với hàng xóm láng giềng là những ngôi mộ.
Nhân về, nói với tụi bạn: “Tao làm nhà, vợ con cần chỗ ở mà kẹt quá”. Bạn bè hỏi: “Mày có bao nhiêu?”. Nó nói có 500.000 đồng, cả bọn cười ngất. Nhưng rồi thấy nó nói bằng thái độ nghiêm túc quá thì cả đám xúm vô, đứa góp tiền, đứa hùn mấy chục mét tôn cũ và mấy cánh cửa. Hai tuần sau, nó kiếm được ba con gà làm tân gia. Ngôi nhà 30 m2 xây bằng gạch táp lô, nền láng xi măng với những cánh cửa không giống nhau đã ra đời.
Nhân đi hớt tóc dạo và vẽ khẩu hiệu thuê rồi để dành được hơn triệu, mua chiếc Chaly cũ đi làm mướn. Xe mua được nửa tháng thì bị tai nạn, BV tỉnh chuyển vào Chợ Rẫy, nhỏ bạn học đi nuôi và vận động bạn bè góp tiền bắt inox vô chân. Nửa tháng sau thì nó ra viện, về quê và tự hào chân cứng nhất tỉnh Ninh Thuận vì trong xương có inox. Rồi mấy tháng sau cô bạn lại gọi bạn bè hùn tiền cho nó mổ chân lấy inox ra, nó nói: “Chân tao giờ bình thường như mọi người”.
3. Tôi lại vào bệnh viện thăm Nhân “gù”. Nó số con rệp, đi Sài Gòn hai lần đều trên xe cấp cứu, còn cả năm nó cắm mặt trên những con đường cát, đi vẽ biển hiệu, trang trí lớp mẫu giáo thuê.
Người bình thường nuôi cả gia đình đã khó. Còn nó vô gia cư, tàn tật, vợ thì rửa ly chén thuê, hai đứa con đang học cấp II. Cả một gia đình nó phải cõng trên cái lưng gù, trên chiếc Chaly cũ mèm mua lại giá 1 triệu đồng từ mười mấy năm nay. Không đuối mới lạ! Hôm đi, nhà nó còn mấy triệu, vợ nó giữ lại 500.000 đồng để… sinh sống cho đến ngày Nhân hết bệnh trở về.
Nó lẽ ra không bệnh nặng vậy. Nó bị ho từ lâu nhưng chỉ mua thuốc uống. Nhân biết trong người có bệnh mà không dám đi chữa, không có tiền và sợ mất thu nhập thì con đói. Tới chừng thấy yếu quá, bạn bè bắt đi khám, lòi ra một đống bệnh. Bạn bè bắt nghỉ làm tới giờ.
Hôm Nhân lén đi làm, trang trí vách tường cho một trường mẫu giáo. Sáu bức tranh vẽ trong bảy ngày, được trả 3 triệu đồng gồm cả tiền công lẫn vật liệu. Nhân mới xong bốn bức, còn hai bức vách đang dang dở.
Thôi Nhân “gù” ráng chữa bệnh, cố khỏe để quay về với vợ con. Dù vô gia cư thì vẫn là một gia đình; và Nhân vẫn còn những bức tranh dở dang cho trường mẫu giáo.
Sao bạn vẽ toàn cảnh tươi sáng, hạnh phúc mà đời bạn khổ thế, Nhân “gù”?
Phổi, gan và thận của Nhân đều viêm nặng, bội nhiễm. Thể trạng yếu do viêm phổi lâu ngày. Nói chuyện khó khăn, bụng to, người rất mệt. Em trai (khác cha) của Nhân đi làm công nhân, bỏ việc vào chăm anh. Vợ Nhân bị hạn chế khả năng giao tiếp nên không thể vào chăm, ở nhà lo hai con.
ĐỨC HIỂN
Theo PLO
"Bắt tay" doanh nghiệp làm rau bài bản, bán được giá mơ ước
Những năm gần đây, nhiều hộ nông dân tại Lâm Đồng đã "bắt tay" liên kết sản xuất rau sạch với doanh nghiệp... Nhờ chăm sóc đúng quy trình, rau của bà con đều đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và được doanh nghiệp thu mua ổn định.
Trồng theo tiêu chuẩn, bán giá cao
Có mặt tại vườn su su thu ngọn của gia đình ông Mào Văn Quân (55 tuổi, thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng), phóng viên chứng kiến mọi khâu sản xuất đều được người dân thực hiện khắt khe.
Tay trái cầm dao, tay phải ôm bó ngọn su su, ông Mào Văn Quân chia sẻ: "Gia đình tôi thực hiện liên kết với Công ty VinEco sản xuất rau theo quy trình VietGAP từ năm 2016 thông qua cơ sở rau an toàn Nguyễn Văn Thanh. Sau khi tham gia liên kết, tôi thấy giá rau được thu mua rất ổn định, đặc biệt là sản xuất được rau sạch cho chính bản thân mình và người dân cả nước sử dụng".
Công nhân sơ chế rau tại cơ sở của chị Lại Thị Hạnh. Ảnh: V.L
Xếp những bó ngọn su tươi non mỡ màng bỏ vào chiếc sọt nhựa, ông Quân chỉ ra tấm bảng phân khu của gia đình, trong đó có tên hộ liên kết sản xuất, với loại sản phẩm ngọn su su, tên số lô thửa, ngày trồng, ngày phun thuốc, ngày cách ly...
Ông Quân nói: "Để trồng rau cung cấp cho VinEco, chúng tôi phải làm rất cẩn thận, đúng quy trình. Tuy nhiên với kinh nghiệm trồng rau su su lấy ngọn từ năm 2014, chúng tôi có đủ kinh nghiệm để sản phẩm của mình đáp ứng những yêu cầu của công ty".
Với diện tích đất 8.000m2, ông Quân thực hiện cách trồng gối đầu trong vườn của mình nhằm đảm bảo số lượng rau công ty yêu cầu. Cụ thể hàng tuần, VinEco sẽ cho biết số lượng rau, cụ thể đối với các chủ cơ sở (coi như một đại lý), sau đó đại lý sẽ chia số lượng này ra từng ngày cho các hộ dân liên kết nhằm đảm bảo tính công bằng. Chính vì vậy, số lượng rau cắt hàng ngày sẽ tăng giảm tùy vào yêu cầu của công ty cũng như nhu cầu của thị trường.
"Số lượng su su mỗi ngày từ vài chục kg đến 1 tạ, tôi cắt ngọn rồi chở đến đại lý trước 12 giờ để họ giao cho công ty vận chuyển đến nơi tiêu thụ. Khi cắt phải đảm bảo ngọn chỉ dài từ 30 - 35cm theo yêu cầu" - ông Quân cho biết.
Su su là loại cây ưa nắng, thích hợp trồng ngoài trời vì vậy người dân sẽ tiết kiệm được chi phí khi đầu tư sản xuất. Với 1.000m2, người trồng chỉ mất khoảng 3 triệu đồng tiền giống là trồng được khoảng 8.000 gốc. Bên cạnh đó, với 4 triệu đồng/1.000m2 tiền lắp đặt hệ thống ống tưới tự động thì ông Quân đã có thể trồng su su lấy ngọn quanh năm.
Đảm bảo quy trình chặt chẽ
Chị Lại Thị Hạnh (chủ cơ sở rau an toàn Nguyễn Văn Thanh) cho biết, để đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của công ty, cơ sở đã thuê một kỹ sư nông nghiệp để hướng dẫn bà con quy trình gieo trồng, bón phân và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả nhất.
Ông Mào Văn Quân (55 tuổi, thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) bên vườn su su liên kết sản xuất với VinEco. Ảnh: V.L
"Để gieo trồng su su, người dân cần chuẩn bị trước giống mua ở các vườn trồng su lấy quả khác rồi mang về để trong khu vực râm mát, tưới thường xuyên cho đến khi ra mầm. Trong lúc đó, bà con làm đất bằng cách dùng máy xới tung đất, bón phân lân, vi sinh và vôi lên để khử đất. Cuối cùng là lên luống rộng 80cm rồi xuống giống" - chị Hạnh giới thiệu quy trình trồng su su.
Riêng ông Quân, lại có cách làm riêng của mình để có những ngọn su su mập, dài. Nước để tưới cho su su, ông dùng nước giếng khoan và sử dụng các loại thuốc sinh học, đảm bảo thời gian cách ly 7 ngày trở lên để ngọn rau đạt tiêu chuẩn an toàn.
Mỗi đợt rau của người dân được vận chuyển đến công ty, đội ngũ kỹ thuật của VinEco đều phải test dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm. Nếu còn dư lượng sẽ truy xuất nguồn gốc về đến từng thửa, lô, hộ sản xuất, và chủ hộ liên kết đó phải chịu trách nhiệm.
Ông Quân cho hay, khi thực hiện liên kết sản xuất với doanh nghiệp, cứ 15 ngày sẽ có nhân viên của công ty đến kiểm tra vườn, sổ nhật ký... Chính vì vậy, quy trình đối tác đưa ra thế nào, người dân phải thực hiện nghiêm túc.
Cũng theo ông Quân, nếu chăm sóc tốt, thường xuyên thì su su sẽ cho thu hoạch từ 8 tháng đến 1 năm. Với khu vườn của mình, ông sẽ tưới nước đậm vào mùa khô và giảm vào mùa mưa. Hàng ngày, ông tưới 2 lần vào mỗi sáng và chiều tối khoảng 2 tiếng, bón NPK giúp bổ sung dưỡng chất cho cây phát triển, ra ngọn nhiều.
Hiện nay, với 8.000m2 của mình, ông Quân thu trên 2 tấn rau mỗi tháng với giá trung bình 15.000 đồng/kg. Ngoài ra, nếu công ty thu mua không hết, ông vẫn có thể bán rau ra chợ bình thường.
Chị Lại Thị Hạnh cho biết, cơ sở của chị liên kết với Công ty VinEco từ năm 2014. Giá thu mua sản phẩm của doanh nghiệp tùy vào thị trường, nhưng rất ổn định và có lợi cho người dân. Khi người dân giao rau từ vườn đến cơ sở, chị Hạnh vẫn phải thuê công nhân sửa sang lại bó rau, cắt ngắn, vặt bớt lá theo đúng yêu cầu của doanh nghiệp.
Được biết, ngoài ông Mào Văn Quân thì còn có các cá nhân, cơ sở khác tại Lâm Đồng được VinEco khen thưởng hộ sản xuất ưu tú như: Cơ sở rau sạch Phạm Ngọc Bảo Trâm (xã Hiệp An, Đức Trọng), Cơ sở rau an toàn Nguyễn Văn Thanh (xã Liên Hiệp, Đức Trọng), Công ty VN Farm Food (xã Lạc Lâm, Đơn Dương) và ông Mào Văn Cương (xã Liên Hiệp, Đức Trọng).
Theo Danviet
Trâu có cặp sừng "chỉ địa" kỳ lạ, bao tiền chủ cũng không bán Chú trâu có cặp sừng mọc ngược đâm hướng xuống đất với cái tên dễ thương Gu được ông chủ rất mực yêu thương và chẳng bao giờ bán dù có nhiều người hỏi mua. Đó là chú trâu của ông K'Brẻo (58 tuổi, xã Tà Hine, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) với cái tên gọi thường ngày là Gu. Ôm cổ...