Bức thư đáng suy ngẫm: “Thầy cô hãy tìm hiểu vấn đề các con đang gặp thay vì chỉ trích”
Câu trả lời cực kỳ thẳng thắn mới đây của một học sinh lớp 7 đã khiến không ít người phải giật mình suy nghĩ về cách giáo dục, quan tâm tới học sinh hiện nay.
Việc giáo dục học sinh từ lâu đã là một công việc không hề đơn giản, chính vì thế, mặc dù nhận được sự quan tâm không nhỏ từ phía gia đình, thầy cô, bạn bè, nhiều bạn teen vẫn thường vướng phải những vấn đề khó nói. Điều này bắt nguồn từ chính các phương pháp giáo dục con trẻ.
Mới đây, thầy giáo đến từ một trường liên cấp tại Hà Nội đã chia sẻ một bức thư giấu tên của một bạn học sinh lớp 7, bức thư này sau đó đã nhận được sự chú ý rất lớn từ phía cộng đồng mạng nhờ những câu trả lời cực kỳ thẳng thắn. Cụ thể, thầy giáo đã đặt ra 3 câu hỏi:
“1. Trong thời gian gần đây em nhận thấy trường mình có gì thay đổi không? Điều thay đổi nào ấn tượng nhất đối với em?
2. Trong thời gian qua bản thân em có gì thay đổi không? Điều thay đổi nào làm em ấn tượng nhất? Thay đổi đó có nguyên nhân từ đâu và có ảnh hưởng gì tới bản thân em?
3. Em có mong muốn nhà trường và thầy cô, bạn bè thay đổi gì không? Nêu rõ mong muốn của em”.
Bức thư của một học sinh lớp 7 khiến nhiều người bất ngờ bởi suy nghĩ cũng như sự thẳng thắn.
Và với những câu hỏi nêu trên, trong vô vàn những bức hồi âm từ phía các bạn học sinh, có một bức thư khiến không chỉ các thầy cô mà nhiều cha mẹ học sinh cũng cần phải đọc rồi suy ngẫm thật nhiều. Nguyên văn câu trả lời trong bức thư đặc biệt này như sau:
Video đang HOT
“1. Em thấy trường mình có gỡ đi tấm lưới màu xanh và xây thêm nhà ăn, thay đổi lớp học và xây thêm lớp học. Điều em ấn tượng nhất là nhà ăn ngoài trời cho cấp 2 vì ở đây rất mát.
2. Em thấy em bắt đầu học được cách thuyết phục người khác và kiềm chế bản thân nhiều hơn. Nguyên nhân là vì có những người cảm thấy không thích cách nói chuyện của em làm em ban đầu cảm thấy khá phiền nhưng em vẫn lựa chọn thay đổi bản thân. Em có thêm những động lực để nâng cao và thay đổi từ học tập đến ngoại hình vì em muốn người khác nhìn em của phiên bản tốt nhất. Em thấy hầu hết nó ảnh hưởng tích cực tới em, giúp em cải thiện từ tâm, học thức đến vẻ bề ngoài.
3. Em mong muốn thầy cô mỗi khi hỏi tại sao học sinh lại ứng xử với thầy cô như vậy thì hãy hỏi về nguyên nhân khiến học sinh phải làm điều đó. Ví dụ khi học sinh ứng xử không đúng chừng mực với giáo viên, em mong thầy cô thay vì hỏi: “Tại sao con lại nói chuyện như thế với thầy/ cô?” thì hãy hỏi: Vấn đề con đang gặp là gì?”.
Ngay sau khi được chia sẻ trên mạng xã hội, bức thư nói thẳng, nói thật này đã nhanh chóng nhận được sự ngưỡng mộ từ phía cộng đồng mạng. Không chỉ ngưỡng mộ cậu học trò nhỏ, nhiều cư dân mạng còn bày tỏ sự thán phục trước cách giáo dục đơn giản nhưng lại vô cùng hiệu quả từ người thầy giáo.
- “Đúng là cách giáo dục hiện đại nhưng vô cùng hiệu quả”.
- “Những suy nghĩ, tiếng nói như vậy của các cô cậu học trò cần được tôn trọng”.
- “Cần lắm những bài học, cách dạy như thế, có như vậy thì mới đào tạo ra những nhân tài vừa giỏi về kiến thức, kỹ năng, vừa có thái độ chuẩn mực”.
Khen thưởng, kỉ luật HS: Nghệ thuật của nhà giáo
Dù đã nỗ lực, cố gắng nhưng không ít thầy cô vẫn gặp khó khăn trong việc giáo dục, kỉ luật HS. Trước cơn bão của mạng xã hội, nhiều thầy cô hoang mang không biết phương pháp giáo dục, kỉ luật của mình ở nhà trường đã đúng chưa, làm thế nào để giúp HS trưởng thành, kính trọng thầy cô.
PGS.TS Trần Thị Lệ Thu trình bày quan điểm về kỉ luật tích cực tại một hội thảo. Ảnh:NVCC
Điểm đen trên tờ giấy trắng
Trong nghiên cứu giáo dục, người ta thấy đang xuất hiện hiện tượng "chấm đen trên tờ giấy trắng". Do không ít thầy cô còn lúng túng, hoang mang thậm chí bế tắc trong việc làm thế nào để GD HS hiệu quả khi các em đang chịu tác động mạnh từ môi trường sống, nguồn thông tin tiêu cực, gia đình... dẫn đến thái độ không đúng mực, hành vi lệch chuẩn.
Khi bế tắc, một số GV dùng biện pháp trừng phạt thân thể làm tổn thương thể xác và tinh thần của HS. Giải thích vấn đề này, TS Nguyễn Ngọc Ân - Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho rằng: Điểm đen thường thu hút thị giác nhiều hơn tờ giấy trắng. Khi xuất hiện điểm đen cả xã hội sẽ quan tâm, nhìn nhận và đánh giá nó ở nhiều chiều khác nhau.
Còn theo PGS.TS Trần Thị Lệ Thu - giảng viên Khoa Tâm lí giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, bên cạnh những GV giáo dục học sinh bằng biện pháp tích cực, hiệu quả, vẫn còn một số thầy cô có cách xử lí tình huống không phù hợp khi các con vi phạm kỉ luật hay có những hành vi không mong đợi.
Cần những hình thức khen thưởng kỉ luật tích cực để khích lệ học sinh. Ảnh: ITN
Theo quan điểm của không ít thầy cô, khi đã dùng biện pháp nhắc nhở nhưng HS không thay đổi, bắt buộc chuyển sang hình thức kỉ luật như: Dọa, nhốt vào đâu đó, phê bình trước lớp, gọi điện cho bố mẹ, chép phạt, bắt ra khỏi lớp... Đây là những biện pháp kỉ luật được gọi là tiêu cực bởi nó xuất phát từ việc không quản lí được cảm xúc. Điều này không những làm HS buồn, bị tổn thương, gây bức xúc, phản ứng ngược mà có thể tạo thành thói quen với chính GV khi gặp tình huống trên.
Kỉ luật phải có nguyên tắc
Đóng góp cho đề xuất một số hình thức/biện pháp kỷ luật tích cực đối với HS, cô Dương Thu Hà - GV Trường THPT Lê Lợi (Hà Đông, Hà Nội), người 2 năm liên tiếp nhận giải thưởng Nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo - bày tỏ: Kỉ luật HS phải có nguyên tắc cụ thể, nhằm giúp các con nhận ra những sai lầm để thay đổi. Do vậy, phải trang bị cho GV hiểu về cách GD HS, kĩ năng để GV hiểu biết các vấn đề, cách giao tiếp với phụ huynh là cực kì quan trọng.
Cô Vũ Thị Thu Huyền - Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Quốc Việt (Quảng Ninh) cho biết: Nhà trường có hội đồng kỉ luật nhưng 3 năm nay chưa HS nào bị kỉ luật. Để có được điều đó, từ đầu năm học, nhà trường đã tuyên truyền đến HS những quy định của pháp luật, nội quy của nhà trường, HS thậm chí đã học thuộc lòng. Cha mẹ HS cũng được phổ biến nội quy chung trong trường.
Nhà trường còn yêu cầu HS phải cam kết, nếu vi phạm một trong những quy định này các con phải chấp nhận một số "hình phạt". Theo đó, khi HS mắc lỗi sẽ không tiến hành kỉ luật ngay mà được trao đổi để các con tự nhận hình thức kỉ luật. Nhà trường không đưa ra hình thức kỉ luật cho cá nhân 1 HS mà cho 1 tập thể. Cô giáo chủ nhiệm phải chấp nhận hạ thi đua nếu có HS vi phạm.
Cô Nguyễn Thị Thanh Thủy - GV Trường quốc tế Nhật Bản (Hà Nội) chia sẻ: HS của nhà trường được khen là chính. Phần thưởng chỉ là giấy khen và lời khích lệ động viên chứ không chú trọng khen bằng vật chất, dù chỉ là chiếc bút chì. Hình thức Giấy chứng nhận, giấy khen được làm công phu, trao rất trân trọng để tôn cao giá trị của HS, khích lệ thành tích con đã đạt được. Điều này giúp các con cảm nhận được giá trị của bản thân, ảnh hưởng của mình đối với tập thể, cộng đồng như thế nào.
Với hình thức kỉ luật, theo cô Thủy, nhà trường luôn tôn trọng sự công bằng. Khi HS mắc lỗi, các thầy cô không bao giờ phê bình các con trước tập thể mà gặp gỡ riêng để phân tích sự việc, giúp các con nhận thức được vấn đề. "Không một lời mạt sát, mắng mỏ, chì chiết hay bất cứ hình phạt được được phép sử dụng khi HS phạm lỗi", cô Thủy trao đổi.
Chia sẻ về hình thức kỉ luật HS, PGS Trần Thành Nam - Trưởng khoa các Khoa học giáo dục, Trường Đại học Giáo dục (ĐHQG HN) nêu quan điểm: "Nhà trường phải tạo ra môi trường kỉ luật tích cực, trong bầu không khí tích cực. Nếu chỉ có khen thưởng mà không có hình thức kỉ luật là không phù hợp.
Làm thế nào để có môi trường có tính kỉ luật? Đó là cần tạo ra môi trường kỉ luật tập trung, làm thế nào để tăng điều tốt lên. Nguyên tắc để giảm những hành vi xấu là tăng các hành vi tốt. Vì một ngày đến trường chỉ có từng đấy thời gian, nếu cả thầy trò chỉ chú ý vào hành vi tốt sẽ không còn hành vi xấu".
Lan Anh
Theo giaoducthoidai
Để cây xanh trường học không còn là nguy cơ với học sinh Vụ việc cây phượng bật gốc trong sân trường khiến học sinh tử vong rất đau lòng, nhưng không phải vì thế mà nói 'không' với cây xanh. Học sinh một trường THPT ở Q.1 (TP.HCM) học thể dục dưới bóng cây - ẢNH: THÚY HẰNG Ngược lại, phải xem đây là dịp để có cách kiểm soát tốt hơn việc trồng cây...