Bức phác họa lật tẩy băng cướp tiệm vàng
Năm 2009, khu vực giáp ranh giữa tỉnh Kiên Giang và biên giới Campuchia xuất hiện một băng cướp được trang bị súng chuyên nhắm vào những tiệm vàng vùng biên để cướp bóc.
Manh động, liều lĩnh, thoắt ẩn thoắt hiện, bọn chúng đã gây không ít vụ trọng án khiến dư luận hoang mang. Nhờ nét cọ tài tình của họa sĩ Thành, chân dung từng tên cướp được dựng lên, giúp cơ quan điều tra nhanh chóng tóm gọn chúng.A
Những vụ “đột kích” tiệm vàng táo tợn
Trong hàng chục vụ trọng án mà mình từng tham gia, phối hợp với cơ quan CSĐT truy tìm tung tích thủ phạm, họa sĩ Võ Tấn Thành (63 tuổi, ấp Tân Bình, P. Bửu Hòa, TP.Biên Hòa, Đồng Nai) vẫn nhớ như in chuyện phá băng cướp gồm các đối tượng mang quốc tịch Campuchia vào năm 2009. Đây là băng cướp quy tụ nhiều tên “lục lâm thảo khấu”, hoạt động xuyên quốc gia với các chiêu “ăn hàng” rất ma mãnh, chuyên nhằm vào các tiệm vàng ở các xã gần biên giới của hai tỉnh An Giang và Kiên Giang.
Bức họa mô tả tên cầm đầu Sing Heng trước và đối tượng sau khi bị bắt không khác nhau là mấy. Ảnh: T.G.
Họa sĩ Thành kể, vào giữa tháng 2009, một số vùng đô thị của tỉnh Kiên Giang giáp với biên giới Campuchia xảy ra nhiều vụ cướp vô cùng táo tợn. Các nạn nhân khi đến trình báo cơ quan CSĐT đều rơi vào trạng thái hoảng loạn khi bị những tên cướp có vũ trang uy hiếp, khống chế sau đó “khoắng” hết vàng, bạc. Ban đầu một tiệm, sau đó có nhiều tiệm khác trở thành nạn nhân với kịch bản cướp tương tự.
Cụ thể, vào một ngày đầu tuần tháng 5/2009, tại tiệm vàng Lan Anh (T.X Hà Tiên, Kiên Giang) đột ngột xuất hiện bốn vị khách lạ mặt có dấu hiệu bất thường. Vừa vào trong tiệm, chúng nhìn ngó xung quanh, thấy vắng người, một tên rút súng khống chế toàn bộ nhân viên đang làm việc. Do bất ngờ không ai kịp phản ứng, cả chủ tiệm vàng lẫn nhân viên đều phải bỏ tay lên gáy và nằm rạp xuống nền nhà. Khống chế được mọi người, bọn chúng phân nhau đập phá tủ kính, vơ toàn bộ số vàng bạc, trang sức… Khi mọi người ngẩng mặt lên thì bọn cướp đã nhanh chóng vọt lên xe máy tẩu thoát về hướng cửa khẩu quốc tế Xà Xía. Nghe tiếng hô của nạn nhân, những người dân đuổi theo, khi vừa bám đuôi thì chúng quay lại bóp cò xả đạn, khiến một người trọng thương. Thấy băng cướp quá liều lĩnh, người dân đành bất lực nhìn số tài sản bạc tỷ của tiệm vàng bị chúng cướp đi.
Sự việc nhanh chóng được báo cáo với cơ quan công an. Lãnh đạo Bộ Công an và Công an tỉnh Kiên Giang đã họp bàn khẩn cấp. Những phân tích ban đầu cho thấy đây là băng cướp mới nổi nhưng rất manh động và nguy hiểm, đặc biệt có sử dụng súng. Bởi vậy, chúng còn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật thì sẽ có những những vụ cướp bóc xảy ra, khiến tình hình xã hội rối ren. Trước quan ngại đó, cơ quan công an nhanh chóng thành lập một ban chuyên án khẩn trương triệt phá băng cướp nguy hiểm này. Thế nhưng, do đặc điểm vùng ven biên giới nhiều thành phần dân cư phức tạp nên việc nhận diện đối tượng vô cùng khó khăn. Cuối cùng, để “gỡ nút thắt”, Ban chuyên án quyết định mời họa sĩ Thành và con trai ông là Võ Tấn Phát phác thảo chân dung các đối tượng.
Họa sĩ Thành đồng ý hợp tác, nhưng khi bắt tay vào việc thì không hề đơn giản. Ngay cả nạn nhân cũng chỉ kể lại những đặc điểm rất mơ hồ về các đối tượng nên họa sĩ Thành không tìm ra điểm đặc trưng nào để có thể phác thảo các đường nét. Ông nhớ lại: “Do những tên trong nhóm tội phạm thoắt ẩn thoắt hiện, thời gian gây án và tẩu thoát lại quá ngắn ngủi. Hơn nữa, các nạn nhân có tâm lý sợ hãi nên việc nhận diện dung mạo của đối tượng rất khó khăn”. Các trinh sát và bản thân họa sĩ Thành cùng cộng sự là con trai mình đã vất vả tìm gặp những nhân chứng khác, tỉ mẩn động viên họ vượt qua nỗi sợ hãi, tích cực hợp tác. Nhờ sự kiên trì này, những đặc điểm nhận dạng ban đầu của băng cướp cũng dần hình thành, tuy còn rất sơ sài.
Video đang HOT
Trong khi cơ quan CSĐT đang ráo riết tìm kiếm thông tin về đối tượng thì bất ngờ vào đầu tháng 7/2009, băng cướp táo tợn lại tiếp tục ra tay. Theo hồ sơ lưu lại, thì vẫn bằng phương thức hành động cũ, băng cướp đã ra tay vơ vét hơn 300 cây vàng cùng nhiều trang sức quý giá khác của tiệm kim hoàn tại thị trấn Nhà Bàng (huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang). Qua những gì các nhân chứng kể lại sau vụ cướp này, họa sĩ Thành đã phác thảo được một số đường nét chân dung của tên cướp đầu tiên. Đem so sánh với hình họa từ chuyên án trước đó tại Kiên Giang, ông phát hiện có nhiều yếu tố trùng nhau đến không ngờ.
Băng cướp ngoại bang lộ diện
Qua hai vụ án tại thị xã Hà Tiên và huyện Tịnh Biên (tỉnh An Giang), họa sĩ Thành kể: “Theo những gì nhân chứng mô tả lại thì bọn cướp mặc quần áo dày và kín, đầu đội mũ bảo hiểm, mặt che khẩu trang, chỉ để lộ ra cặp mắt. Cửa hàng lại không lắp máy quay ghi hình, ngay chính người bị hại cũng không cung cấp được nhiều chi tiết làm chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn”. Theo nhận định, nếu hai vụ cướp là một thì các đối tượng cùng chung một băng, nên ông dùng phương pháp loại trừ và xác định bốn đối tượng trong băng cướp để phác thảo chân dung. Với kinh nghiệm nhiều năm trong nghề, họa sĩ Thành vẽ khuôn mặt nghi phạm trước, sau đó chèn lên là mô hình nón bảo hiểm, khẩu trang, quần áo sau thì y như những gì mà nhân chứng mô tả về bọn cướp.
Họa sỹ Thành – người “giải toán” cho những chuyên án lớn
Nhận định sơ bộ về băng cướp được rồi nhưng chuyện chúng đang ẩn mình ở đâu mới là vấn đề nan giải. Trước đó, ban chuyên án đã liên hệ với công an các tỉnh lân cận, “xới” hết những hồ sơ “đen” nhưng không có đối tượng nào khả nghi, một lần nữa ban chuyên án lại đi vào bế tắc. “Khi các cán bộ trong Ban chuyên án đang thở dài sốt ruột thì một đồng chí đã đặt vấn đề liệu băng cướp này có thể không phải là người Việt (?) Một ý nghĩ chợt lóe lên, tôi cũng đề xuất các đồng chí rằng đây là vùng cận biên, nơi đặt nhiều casino tầm cỡ khu vực nên các đối tượng giang hồ tứ xứ từ các nước tập hợp cũng không phải điều gì khó hiểu”, họa sĩ Thành kể.
Trên cơ sở đó, Ban chuyên án lập tức chuyển hướng điều tra vụ án có yếu tố người nước ngoài. Hàng chục cán bộ trinh sát cắm dọc vùng biên giới, một bộ phận lên đường liên hệ với cảnh sát Hoàng gia Campuchia để mở rộng hướng điều tra. Thật bất ngờ, tại một số thị trấn vùng cận biên của Campuchia lúc này cũng xảy ra những vụ cướp tiệm vàng với thủ đoạn giống hệt hai vụ điển hình như ở Việt Nam. Sau một thời gian nắm thông tin chắc chắn, cơ quan công an hai nước đã phối hợp nhịp nhàng và tóm gọn từng tên một, đều hoạt động trong một băng nhóm, có quốc tịch Campuchia.
Đối tượng cầm đầu băng cướp táo tợn này là Sing Heng, sau hắn có 5 tên đàn em gian manh khác, chúng đều là “ma” trong các casino chuyên bài bạc, bắt cóc, tống tiền. Tại cơ quan CSĐT, bọn chúng thừa nhận do thấy vùng biên an ninh mỏng, dân chúng ít cảnh giác nên bọn chúng chọn làm địa bàn hoạt động. Ban đầu, thành viên có tất cả 4 tên thường tổ chức những vụ vướp trong nước. Thế nhưng sau một số phi vụ thấy “dễ nuốt”, chúng tuyển thêm thành viên lên 6 đối tượng và sang Việt Nam hành động. Tổng tài sản bất chính chúng “gom” được từ các tiệm vàng ở hai nước lên đến hàng tỷ đồng, tất cả đều được trả lại cho nạn nhân sau đó. Vụ án phức tạp được phá, đối tượng từ mù mờ đến lộ diện, ít ai biết góp phần không nhỏ vào việc vạch mặt những tên tội phạm ấy lại chính là bút vẽ của một họa sĩ tài ba.
Nhận diện hung thủ qua ngón tay cầm súng Theo họa sĩ Thành thì ở hai vụ án mà cơ quan điều tra đưa ra để phân tích, quan trọng là phải vẽ được tên cầm đầu qua đó mới vẽ được những tên còn lại. Qua nghiên cứu, ông chú ý đến chi tiết đối tượng có dùng súng K54 bằng hai ngón trỏ, điều này theo mô tả của nhân chứng trong hai vụ án cướp tiệm vàng trong nước không khác nhau là mấy. Từ cơ sở đó, ông đã phác họa ra tên đầu sỏ gần như đúng nguyên bản ngoài đời.
Theo Hữu Huấn
Hành trình xác định nhân dạng tướng cướp Dũng "chim xanh"
Suốt một thời gian dài, tên cướp với biệt danh Dũng "chim xanh", thống lĩnh một nhóm giang hồ chuyên dùng súng, hàng đêm chặn cướp đã trở thành nỗi kinh hoàng của cánh lái xe trên xa lộ. Dù cố ẩn mình chạy trốn, liên tục che giấu thân phận nhưng dưới bàn tay của người họa sĩ, nhóm cướp giật liều lĩnh, tàn bạo này cuối cùng cũng bị lộ diện trước trước pháp luật.
Băng cướp chạy Dream xài... K54
Trải qua hàng chục chuyên án lớn nhỏ, nhưng khi ngồi kể lại những câu chuyện vụ án cho chúng tôi nghe, họa sĩ Võ Tấn Thành (63 tuổi, ấp Tân Bình, P. Bửu Hòa, TP.Biên Hòa, Đồng Nai) luôn nhắc về câu chuyện băng cướp Dũng "chim xanh", đối tượng tầm nã hàng đầu của lực lượng cảnh sát lúc bấy giờ. Vào những năm 2000-2001, trên địa phận các tỉnh, thành phố phía Nam, đặc biệt là khu vực TP.HCM và các tuyến đường cao tốc xung quanh liên tiếp xảy ra các vụ cướp nghiêm trọng. Đối tượng gây án không chỉ liều lĩnh mà còn có trong tay súng quân dụng K54, cứ gặp những chiếc xe tải đơn độc chạy trong đêm tối hay những tiệm vàng ít người là chúng sà vào "hỏi thăm". Trong lúc tháo chạy nếu có ai truy đuổi, bọn cướp sẵn sàng bắn trả, mở "đường máu" thoát thân. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, băng cướp gồm hai thanh niên chạy Dream xài K54 ấy đã trở nỗi kinh hoàng của cánh tài xế và những cư dân hai ven đường
Những vụ cướp liên tiếp gây chấn động thời điểm đó đến giờ vẫn được nhiều người dân kể. Một đêm cuối tháng 4/2001, tài xế Nguyễn Văn Tân (ngụ Phú Yên), chạy tuyến Đồng Nai- Vũng Tàu khi đến đèo Con Rắn thì bất ngờ gặp hai thanh niên chạy Dream chặn đầu, yêu cầu dừng lại. Sau đó, chúng dùng súng khống chế, cướp túi xách một nạn nhân nữ trên xe cùng toàn bộ tiền bạc vật dụng của tài xế. Ngày 27/5/2001, tại Bình Phước, bọn cướp táo tợn tiếp tục gây ra vụ cướp 103 triệu đồng trên xe ô tô do tài xế Châu Ngọc Phương (ngụ Vũng Tàu) điều khiển khi đang trên đường về TPHCM. Ngoài vụ này, cơ quan chức năng còn xác định có thể băng cướp nói trên cũng chính là "tác giả" của hai vụ cướp tiệm vàng tại đây ngày 17/3 và 28/3/2001, làm hai người bị thương, bởi cách thức ra tay và phương tiện gây án cùng là chiếc xe Dream và súng K54.
Nguyễn Chí Dũng, tức Dũng "chim xanh" qua hình vẽ của họa sĩ Võ Tấn Thành (trái) và hình thật (phải)
Không chỉ ở những tỉnh xa xôi, băng cướp này còn thường xuyên tung hoành tại các cung đường thuộc khu vực Bình Dương, Long An, TP.HCM... Ngày 31/5, một vụ cướp đã xảy ra trên tỉnh lộ 745 với xe ô tô do tài xế Trần Văn Dự (ngụ Long An) điều khiển. Không dừng lại ở đó, hàng loạt những tin báo và rất nhiều nạn nhân đã tới cơ quan cảnh sát khai bị cướp mà hung thủ cũng được mô tả nhân dạng giống nhau. Thời điểm gây án của băng cướp này thường là vào ban đêm nên rất khó cho các nạn nhân kêu cứu và cho công tác điều tra, truy đuổi của lực lượng cảnh sát.
Lật mặt tên cướp khét tiếng
Trước sự manh động, táo tợn của băng cướp nguy hiểm, Bộ Công an đã sáp nhập chuyên án 410C của Công an tỉnh ồng Nai cùng với những chuyên án mà công an các tỉnh thành khác đang triển khai để thành chuyên án mang bí số CS 501, do Thiếu tướng Nguyễn Việt Thanh (bấy giờ là Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm Bộ công an phía Nam) làm Trưởng ban chuyên án. Họa sĩ Võ Tấn Thành cũng được mời tham gia công tác điều tra.
Dũng "chim xanh" và hàng nóng.
Theo lời kể của họa sĩ Thành thì khi ấy, việc lần tìm dấu vết của nhóm cướp rất khó khăn, bởi sự việc xảy ra ở khu vực rộng lớn nhưng toàn vào ban đêm nên không ai nhận diện chính xác được tướng mạo của tên cướp hung hãn. Địa bàn hoạt động của chúng lại ở nhiều tỉnh và di chuyển liên tục, nên rất khó khoanh vùng. Cả Ban chuyên án và họa sĩ Thành hàng ngày phải rong ruổi trên những tuyến Quốc lộ rồi đi từ tỉnh thành này qua tỉnh khác để lần tìm manh mối.
Khoảng thời gian này, các trinh sát ban chuyên án đã lần lượt bố trí cho ông tiếp xúc với khoảng trên dưới 20 người, là nạn nhân của các vụ cướp. Cả 20 người là ở những địa phương khác nhau nên họa sĩ hầu như phải đi liên tục, dài ngày để tìm gặp. Những người này mô tả từng đặc điểm của tên cướp đã tấn công họ cho họa sĩ Thành, như dáng người người cao lớn, tóc dài, có giọng nói vang cao, má hóp.... "Trong chuyên án này có rất nhiều nạn nhân bị cướp một cách bất ngờ nên ban đầu những lời khai có sự mâu thuẫn, chồng chéo gây khó khăn cho việc nhận diện. Vì thế, chúng tôi nhiều lần tới tìm gặp, phải động viên để họ trấn tĩnh cung cấp thông tin. Sau khi có những lời khai ấy, tôi tập hợp lại và theo đó để phác thảo bức hình chân dung nghi phạm", họa sĩ kể.
Cứ mỗi lần tiếp xúc nạn nhân là họa sĩ Thành lại nhanh chóng ghi nhớ những đặc điểm mà các bị hại cung cấp và tranh thủ phác họa trên nền giấy trắng với cây bút chì nhỏ. Qua những lời kể của từng người, họa sĩ Thành lại kiểm tra và bổ sung thêm cho bức hình của mình. Ông cho biết: "Ban đầu, tôi dùng bút chì vẽ đen trắng trên nền giấy thô sơ cho các nạn nhân dễ nhận diện, sau đó dùng bút màu vẽ đậm dần lên và cuối cùng đi tới hoàn thiện bức chân dung". Từng chi tiết, từng nét vẽ dù chỉ là nhỏ nhất cũng được ông đặc biệt chú ý và khắc họa sao cho thật giống với lời các nhân chứng. Qua một thời gian với rất nhiều công sức, bức hình vẽ khuôn mặt tên cướp của họa sĩ cũng hoàn thành.
Sau khi phác thảo bức chân dung nhiều nạn nhân đều khẳng định rất giống hung thủ. Qua một vài lần hoàn thiện các chi tiết cuối cùng, chân dung kẻ thủ ác đã lộ mặt. Nhờ bức ảnh các trinh sát đã rà soát, trích lục hàng loạt hồ sơ tội phạm, khoanh vùng và tìm kiếm thông tin trong các tỉnh thành nơi xảy ra những vụ cướp thì phát hiện kẻ nghi vấn có khuôn mặt giống hệt chân dung là Nguyễn Chí Dũng (còn có tên gọi khác là Nguyễn Chí Thành, biệt danh Dũng "chim xanh", SN 1966, ngụ xã Tân Khai, huyện Bình Long (huyện Hớn Quản ngày nay - PV), tỉnh Bình Phước). Dũng "chim xanh" là võ sư huyền đai tam đẳng taekwondo, từng là vận động viên của Quân khu 7, diễn viên đóng thế trong một số bộ phim võ thuật. Dũng từng có hàng loạt các tiền án, tiền sự như: "trộm cắp tài sản", "cướp tài sản", "cố ý gây thương tích"... Với hàng loạt "chiến tích" bất hảo như thế, hắn phải trả giá bằng 4 năm trong trại giam. Đến cuối năm 1997, Dũng "chim xanh" ra tù và lang bạt giang hồ mà không ai biết đi đâu. Do có võ nghệ hơn người, lại từng đóng nhiều vai trong những bộ phim bạo lực nên Dũng có khả năng dùng dao, kiếm, côn thuần thục, có thể bắn súng bằng cả hai tay. Cái biệt danh Dũng "chim xanh" mà giới giang hồ đặt cho gã cũng là vì vậy, bởi hắn ra tay nhanh và chuẩn xác như chim cắt, liều lĩnh vô cùng.
Nhanh chóng tìm lại hồ sơ liên quan về Dũng "chim xanh", Ban chuyên án cũng lần ra được dấu vết của tên đồng phạm của Dũng là Phạm Văn Đỉnh. Kẻ tòng phạm này chính là người luôn đi cùng Dũng chạy trên chiếc Dream để gây án. Sáng 15/10/2001, hàng chục trinh sát và đặc nhiệm đã cải trang xung quanh nhà Dũng và bắt được gã. Tên tướng cướp khét tiếng ban đầu còn chối cãi, kêu oan nhưng sau khi được các nạn nhân nhận diện và nhất là khi tay "đồng nghiệp" Phạm Văn Đỉnh bị bắt thì Dũng đành cúi đầu nhận tội. Qua lời khai của hai tên cướp, hàng loạt những tay đàn em và những tên đầu mối cung cấp súng, đạn cho Dũng cũng lần lượt sa lưới. Trong chuyên án này, cơ quan cảnh sát cũng thu giữ nhiều vũ khí quân dụng và đạn được tàng trữ trái phép từ băng cướp.
Năm 2004, TAND TP.HCM tuyên phạt Dũng và Định mức án tử hình về các tội cướp tài sản và hiếp dâm trẻ em, tàng trữ vũ khí quân dụng. Có 13 bị cáo khác cũng là đồng bọn của Dũng nhận mức án từ 18 tháng đến 12 năm tù về các tội cướp; mua bán, tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng; tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có; che giấu, không tố giác tội phạm. Dũng "chim xanh" đã phải trả giá cho cơn mộng mị "xanh" lạc lối của hắn bằng chính sinh mạng của mình.
Theo VTC
Viet Bao.vn ( Theo Gia đình xã hội
CSGT đuổi bắt 2 tên cướp giật trong đêm Đang đi tuần tra, tổ công tác Đội CSGT số 2, Hà Nội bất ngờ gặp một cô gái bị giật điện thoại nên tổ chức truy đuổi, bắt được 2 tên cướp. Vụ việc xảy ra lúc gần 10h đêm qua (25/8) trên đường Lạc Long Quân (quận Tây Hồ, Hà Nội). Vào thời điểm trên, Trung uý Lương Anh Hiếu, Thiếu...