Bức họa miền quê Việt Nam
Dọc đất nước chữ S, mỗi vùng miền hiện lên với vẻ đẹp riêng, từ mùa nước đổ ở Mường Hum, Lào Cai đến cánh đồng cây năn bộp Cà Mau.
Mùa nước đổ đẹp như tranh tại Mường Hum, Bát Xát, Lào Cai. Những cơn mưa đầu mùa mang lại nguồn nước cho đồng ruộng cũng là lúc nông dân vào vụ cấy mới. Du khách đến Bát Xát trong tháng 5 – 6 có thể thấy từng nhóm nông dân xuống đồng be bờ, dẫn trâu ải đất, còn nhóm khác cấy lúa tạo nên bầu không khí nhộn nhịp trên đồng.
Thực hiện nhiều bộ ảnh phong cảnh miền quê, thành phố cho đến thiên nhiên là cách tác giả góp phần quảng bá du lịch Việt Nam, khuyến khích người Việt đi du lịch nội địa.
Người phụ nữ chăm sóc hoa, chụp tại làng hoa Tây Tựu, cách trung tâm TP Hà Nội khoảng 20 km về phía tây. Năm 2017, làng hoa Tây Tựu được công nhận và vinh danh làng nghề truyền thống tại Hà Nội. Làng hoa có diện tích hơn 200 ha, một trong những nơi cung cấp hoa chủ lực cho thành phố và các khu cực lân cận. Nơi đây trồng hoa quanh năm, nhưng nhiều nhất vào dịp Tết Nguyên đán, với các loại phổ biến như hồng, cúc, ly, thược dược hay đồng tiền.
Nhịp sống mưu sinh trên đầm Quảng Lợi, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên Huế giữa khung cảnh rực rỡ sắc màu lúc bình minh. Đầm này thuộc hệ thống đầm phá Tam Giang, cách TP Huế khoảng 30 km. Ngư dân nơi đây đa phần là dân vạn đò, xem thuyền là nhà và sống với con nước.
Cánh đồng cỏ năng xanh mướt được chụp tại vùng quê Quảng Nam.
Bức tranh quê hương yên ả với hình ảnh người chăn vịt trên cánh đồng ngập nước ở vùng ngoại ô Quảng Nam.
Video đang HOT
Rừng ngập mặn bàu Cá Cái, thuộc xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, cách trung tâm TP Quảng Ngãi khoảng 40 km về phía đông bắc trong mùa cóc trắng trổ lá non. Đây là loài cây gỗ nhỏ, được quy hoạch trồng thành rừng phòng hộ chắn sóng và cải thiện môi trường sinh thái.
Những thửa ruộng sau mùa gặt được dẫn nước vào, để người dân chăn vịt chạy đồng. Gần đó là những cây gòn, thường thấy ở vùng nông thôn Phan Rang, Ninh Thuận.
Người phụ nữ rửa hoa súng làm sạch bùn đất, sau khi hái trên cánh đồng ngập nước Kiến Tường, Long An. Mùa lũ miền Tây vào khoảng tháng 7 – 10, mang lại sức sống cho những cây sen, bông súng.
Nhịp sống mưu sinh trên mùa nước nổi trong ánh hoàng hôn ở Mộc Hóa, Long An.
Đàn trâu băng qua đồng lũ trong buổi chiều ở Tân An, Long An.
Cất vó trên cánh đồng ngập nước Tha La, xã Vĩnh Tế, TP Châu Đốc, An Giang. Đây là một trong những tỉnh đầu tiên đón lũ, rồi sau đó tới các tỉnh khác trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Mưu sinh trên cánh đồng năn bộp (gọi là năn) ở vùng quê Cà Mau. Năn phát triển tốt vào mùa mưa và người dân ăn năn như một loại rau sống chấm mắm kho, nhúng lẩu hoặc chế biến năn xào tép. Ngày nay loại năn này trồng nhiều ở các tỉnh như An Giang, Đồng Tháp, Long An, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau.
Du khách đến miền Tây được trải nghiệm cuộc sống cùng người dân như bắt cá đồng, hái rau muống, bông súng, bông điên điển hay hái năn, gợi nhớ hình bóng quê nhà khi xa quê.
Vùng cao mùa nước đổ
Tháng 5, các thửa ruộng bậc thang ở Bát Xát, Sa Pa, tỉnh Lào Cai và Mù Cang Chải, Yên Bái tựa như bức họa nhiều màu sắc.
Trường Tiểu học Sàng Ma Sáo và khu dân cư điểm xuyết trên những thửa ruộng bậc thang khi nhìn từ trên cao.
Khu vực miền núi phía Bắc là điểm đến yêu thích của du khách và nhiếp ảnh gia, đặc biệt trong mùa nước đổ. Anh Nghiêm Đình Chính, sống và làm việc tại Hà Nội, tác giả bộ ảnh cho biết, anh mê mẩn trước vẻ đẹp ruộng bậc thang trên cung đường Mường Hum - Sàng Ma Sáo - Y Tý - Thiên Sinh (Bát Xát, Lào Cai), Tả Van (Sa Pa, Lào Cai) và Mù Cang Chải (Yên Bái).
Mặt trời phản chiếu trên ruộng bậc thang Sàng Ma Sáo loang loáng nước. Khi mưa đầu hè trút xuống, nước chảy từ khe núi qua những ống nứa và tràn xâm xấp mặt ruộng là lúc người vùng cao bắt đầu làm đất, cấy lúa.
Con trâu và những nếp nhà yên bình bên "nếp nhăn" uốn lượn của đất. Ruộng bậc thang Sàng Ma Sáo có độ dốc, địa hình quanh co trên độ cao khoảng 2.000 m.
Những thửa đất làm xong chuẩn bị cho vụ cấy tại Mường Hum, trung tâm của cụm các xã ở phía tây bắc huyện Bát Xát.
Ruộng bậc thang mùa nước đổ tại Mường Hum nhìn từ trên cao. Mùa nước đổ Tây Bắc thường kéo dài trong hai tháng 5, 6. Những thửa ruộng có thể cấy sớm hoặc muộn tùy theo lượng mưa từng khu vực.
Các thửa ruộng được đổ ải, cày bừa tăng dần theo lượng mưa đổ xuống và sau đó tiến hành cấy mạ.
Khung cảnh người dân tộc Mông đi trên triền ruộng và soi bóng trên mặt nước.
Ngoài việc ngắm cảnh đẹp, du khách còn được trải nghiệm làm ruộng bậc thang. Mỗi dân tộc Mông, Tày hay Giáy có nét sinh hoạt riêng nhưng thường sử dụng phương pháp truyền thống là dẫn trâu bừa đất. Đất được bừa thật nhuyễn và san phẳng trước khi mạ non được cấy xuống.
Nhộn nhịp mùa cấy trên ruộng bậc thang Tả Van, cách trung tâm thị trấn Sa Pa khoảng 8 km, nơi có người Mông, Giáy sinh sống.
Những ngôi nhà trình tường thấp thoáng trên ruộng bậc thang tại thung lũng Thiên Sinh. Nhà làm bằng đất nện, mát mùa hè và ấm mùa đông - nét đặc trưng văn hóa của người dân tộc nơi đây.
Thiên Sinh mùa nước đổ lúc hoàng hôn, hòa cùng màu xanh của mạ non mới cấy.
Ngoài Lào Cai, ruộng bậc thang mùa nước đổ Mù Cang Chải, Yên Bái là địa điểm không thể bỏ lỡ. Những thửa ruộng ở đây thường vào vụ cấy muộn hơn so với các nơi khác ở Lào Cai.
Người dân dẫn trâu làm đất trên khu vực ruộng bậc thang hình dạng móng ngựa tại Sán Nhù, Mù Cang Chải. Đây là góc ảnh quen thuộc của người yêu nhiếp ảnh. Ruộng bậc thang vào mùa nước đổ mang gam màu trầm của đất, tươi sáng của mạ và đậm chất miền núi phía Bắc.
Niềm vui trên những cung đường... Gắn bó với việc viết báo phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), tôi đã có dịp đi đến nhiều vùng miền của đất nước, kể cả những bản làng xa xôi, hẻo lánh khó khăn nhất. Theo những bước chân, nỗi mệt mỏi trong tôi dường như ngày một vơi đi khi được chứng kiến sự đổi thay mạnh mẽ...