Bức họa “Bữa ăn cuối cùng” phiên bản Trung Quốc có giá 23 triệu USD
Một bức tranh sơn dầu của nghệ sĩ Trung Quốc Zeng Fanzhi đã được bán với giá 23,3 triệu USD tại một cuộc đấu giá ở Hồng Kông – một mức giá kỷ lục cho nghệ thuật đương đại châu Á.
Bức tranh có chiều dài 4 mét đã được bán cho một nhà sưu tập tư nhân giấu tên. Sau 15 phút đấu giá căng thẳng qua điện thoại do nhà đấu giá danh tiếng Sotheby tổ chức hôm thứ Bảy (5/10) vừa qua. Mức giá khởi điểm của bức tranh là 9 triệu USD.
Bức tranh ra đời vào năm 2001, “nhại” theo bức tranh “The Last Supper” của danh họa người Ý Leonardo Da Vinci, trong đó mô tả bữa ăn cuối cùng của Chúa Jesus và 12 tông đồ khi ông đã dự báo được sự phản bội của Judas.
Trong tác phẩm của Zeng, các nhân vật tôn giáo được thay thế bằng hình ảnh các nhân vật chính trị đeo cà vạt đỏ. Riêng nhân vật Judas trong bức họa “nhại” này đeo cà vạt màu vàng theo kiểu phương Tây – tượng trưng cho thái độ của Trung Quốc đối với chủ nghĩa tư bản.
Bà Evelyn Lin, người phụ trách nghệ thuật đương đại châu Á của Sotheby cho biết: “Bức tranh đại diện cho một giai đoạn biến đổi trong xã hội Trung Quốc”. Cũng theo bà Lin, việc bán được bức tranh cho thấy thị trường Trung Quốc đang sôi động trở lại sau khi bị đóng băng trong năm 2012.
Kỷ lục trước đây cho một tác phẩm của một nghệ sĩ châu Á đương đại là một tác phẩm điêu khắc của nghệ sĩ Nhật Bản Takashi Murakami được bán với giá 15 triệu USD ở New York vào năm 2008.
Bức tranh trước đây thuộc sở hữu của nhà sưu tập tranh người Thụy Sĩ Myriam Ullens de Schooten . Họ mua bức tranh từ một triển lãm tranh ở Bắc Kinh vào năm 2002.
Minh Anh
Theo infonet
Video đang HOT
Những câu trả lời phỏng vấn bất hủ của Tướng Giáp trên CNN
Kênh truyền hình CNN (Mỹ) vừa có một loạt bài đặc biệt về vị "Đại tướng huyền thoại" Võ Nguyên Giáp. Đặc biệt, CNN còn quyết định khai thác lại kho tư liệu của mình là những bài phỏng vấn ông kể từ năm 1996 đến nay.
Mở đầu bài tổng hợp đặc biệt chuyên trích dẫn những câu trả lời đặc sắc và bất hủ của Đại tướng qua các bài phỏng vấn, Ban biên tập của CNN viết: "Tướng Võ Nguyên Giáp là nhân vật quan trọng nhất trong lịch sử Việt Nam trong thế kỷ 20 sau Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vào cuối Thế chiến II (năm 1948), ông Giáp được thăng hàm Đại tướng ở tuổi 37 và được giao chức vụ Tổng Tư lệnh các lực lượng Việt Minh chống thực dân Pháp. Ông là vị chỉ huy chiến thắng Điện Biên Phủ và là Bộ trưởng Quốc phòng của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa độc lập. Ông tiếp tục là nhà chỉ đạo chiến lược của quân đội Việt Nam trong cuộc chiến tiếp theo chống lại Mỹ. Chính vì lẽ đó mà Bách khoa toàn thư quân sự Bộ Quốc phòng Mỹ (xuất bản năm 1993) viết: "Tài thao lược của tướng Giáp về chiến lược, chiến thuật và hậu cần được kết hợp nhuần nhuyễn với chính trị và ngoại giao... Sức mạnh hơn hẳn về kinh tế, tính ưu việt về công nghệ cùng với sức mạnh áp đảo về quân sự và hỏa lực khổng lồ của các quốc gia phương Tây đã phải khuất phục trước tài thao lược của một vị tướng từng một thời là thầy giáo dạy sử".
Dưới đây là những phần trả lời phỏng vấn của Đại tướng với đài CNN. Đặc biệt, những câu trả lời của ông đã khiến Ban biên tập CNN "vô cùng thích thú và ngạc nhiên bởi sự thẳng thắn, khôn khéo và uyên bác của vị tướng đã từng &'một tay đánh bại 2 đội quân mạnh nhất thế giới' trong thế kỷ 20".
Về trận chiến Điện Biên Phủ:
Chiến dịch Điện Biên Phủ là một chiến thắng vĩ đại và đầu tiên của một quốc gia thuộc địa phong kiến, có nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, chống lại chủ nghĩa tư bản đế quốc lớn trong đó có một ngành công nghiệp hiện đại và một đội quân lớn. Vì vậy, nó rất có ý nghĩa đối với chúng tôi, với người dân trên khắp thế giới. Đây cũng chính là những gì mà Chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng tôi nhìn thấy từ trước đó.
Đại tướng đi thăm lại chiến trường Điện Biên Phủ nhân kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên
Chúng tôi cho rằng, chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng quân đội Pháp và cả sự can thiệp của người Mỹ - vì trong chiến dịch Điện Biên Phủ, 80% chi phí chiến tranh là do người Mỹ viện trợ. Người Mỹ đã có tay trong trận chiến đó. Vì vậy, thất bại ở Điện Biên Phủ là một thất bại cho cả người Pháp và người Mỹ. Nhưng tôi không nghĩ là người Mỹ đã rút ra những bài học từ đó. Đó là lý do tại sao người Mỹ tiếp tục ở Nam Việt Nam....
Khi chúng tôi nhận được tin tức về chiến thắng Điện Biên Phủ, tất cả mọi người đã nhảy lên reo hò vì hạnh phúc. Nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói với tôi rằng, đây chỉ là chiến thắng bước đầu tiên: Chúng tôi sẽ còn phải chiến đấu chống lại người Mỹ.
Về sự tham gia của Mỹ vào Việt Nam:
Trong năm 1945, một số người Mỹ nhảy dù xuống lãnh thổ của chúng tôi và họ đã gặp gỡ Chủ tịch Hồ Chí Minh.... Sau đó, thái độ của Tổng thống Roosevelt là Mỹ không muốn can thiệp vào cuộc chiến tranh của Pháp ở Đông Dương, nhưng thái độ này đã bị thay đổi. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ có thể đã tốt hơn và chúng tôi cũng đã từng mong muốn rằng nó phải tốt hơn.
Sau đó, chỉ có những người thông minh hoặc những người có tầm nhìn và trí tuệ, chẳng hạn như Eisenhower... mới nhìn thấy tính phi thực tế của "học thuyết domino". Người Mỹ nghĩ rằng nếu học thuyết này được thực hiện ở đây, nó sẽ trở thành vị trí then chốt ngăn chặn sự lây lan của chủ nghĩa cộng sản trên toàn bộ khu vực Đông Nam Á. Đây là điều mà Tổng thống Kennedy tin tưởng, và ông ta đã sai lầm....
Trước năm 1965, Mỹ chỉ gửi cố vấn cho quân đội miền Nam Việt Nam nhưng từ 1965, họ bắt đầu đưa quân ồ ạt. Chúng tôi thảo luận trong Bộ Chính trị là Mỹ sẽ mang một lực lượng khổng lồ để thực hiện một kiểu chiến tranh mới... Cuộc chiến sẽ rất khốc liệt nhưng chúng tôi đã kết luận rằng chúng tôi sẽ giành chiến thắng....
Về chiến thuật chống lại quân đội hiện đại của Hoa Kỳ:
Chúng tôi thừa nhận quân đội Mỹ khi đó rất mạnh bởi họ được hỗ trợ bởi những hệ thống vũ khí rất hiện đại.... Nhưng chúng tôi vẫn sống vì sự dũng cảm và quyết tâm cùng với sự khôn ngoan, chiến thuật và trí thông minh. Trong các cuộc tấn công của B-52, chúng tôi đã bắn hạ hàng loạt B-52 và bắt sống phi công. Khi không lực Mỹ được lệnh đánh bom các mục tiêu trong và xung quanh Hà Nội, vào các vị trí của đóng quân của chúng tôi, họ chỉ đánh trúng một số ít và đa số là sai vì bị chúng tôi đánh lừa (bằng mục tiêu giả). Tuy nhiên, kết luận của chúng tôi là B-52 là một mục tiêu rất khó bị bắn hạ...
Chúng tôi đã phải nhờ đến các biện pháp khác nhau, một số trong số đó là khá đơn giản. Và chúng tôi đã chiến đấu với tất cả các lực lượng và với tất cả các loại vũ khí. Một cô gái 18 tuổi đã từng nói rằng cô theo dõi tuyến đường bay mỗi ngày và nghiên cứu các mô hình tấn công của máy bay Mỹ. Sau đó, cô sử dụng súng trường để bắn hạ một chiếc máy bay từ một sườn núi. Đó là một ví dụ về lực lượng quân sự của những người dân thường.... Chúng tôi đã có sự khéo léo và quyết tâm chiến đấu đến cùng.
Tôi đánh giá cao thực tế là người Mỹ có những hệ thống vũ khí tinh vi nhưng tôi phải nói rằng con người mới là nhân tố là nên sự khác biệt chứ không phải là vũ khí... Trong chiến tranh, chúng tôi cũng nhận thức được khả năng Mỹ sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân và chúng tôi đã chuẩn bị cho nó. Nhưng chúng tôi biết rằng người Mỹ khó có thể sử dụng vũ khí hạt nhân bởi đó là một vấn đề chính trị quốc tế và nó cũng phụ thuộc vào các đồng minh của Mỹ. Nếu vũ khí hạt nhân được sử dụng trên những nơi mà quân đội Việt Nam tập trung, nó cũng sẽ ảnh hưởng đến quân đội Mỹ.
Về cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Mậu Thân 1968:
Tết Mậu Thân là một câu chuyện dài.... Đó là chiến lược của chúng tôi, được soạn thảo bởi Chủ tịch Hồ Chí Minh với mục tiêu là để người Mỹ phải từ bỏ chiến tranh. Chúng tôi không nhắm đến việc tiêu diệt người Mỹ ở Việt Nam mà là để đánh bại họ.
Có thể nói Mậu Thân là một cuộc chiến dịch bất ngờ và chúng tôi đã thắng lớn. Với một trận đánh lớn chúng tôi luôn luôn tìm ra các mục tiêu, chỉ tiêu và mục tiêu chính của chiến dịch này là để phá hủy những điều kiện mở rộng chiến tranh Việt Nam của người Mỹ hay nói cách khác, điều quan trọng hơn là để người Mỹ không thể leo thang chiến tranh. Vì vậy, đó là mục tiêu chính của chiến dịch đó. Nhưng tất nhiên, nếu chúng tôi đã đạt được nhiều hơn thế sẽ tốt hơn.
Sau chiến dịch Mậu Thân, người Mỹ đã phải lùi bước và trở lại bàn đàm phán, bởi vì chiến tranh đã không chỉ lan vào thành phố, với hàng chục thành phố và thị trấn ở miền Nam Việt Nam, mà còn xâm nhập vào phòng khách của người Mỹ. Và đó là lý do tại sao chúng tôi có thể khẳng định rằng chúng tôi đã đạt được các mục tiêu của chiến dịch.
Về người Mỹ trong chiến tranh:
Nói chung, tôi phải nói rằng họ là những người thông minh, với một số tài năng như kỹ năng chính trị và ngoại giao quân sự. Đó là điểm đầu tiên mà tôi muốn nói. Điểm thứ hai tôi muốn nói là họ biết rất ít về đất nước và con người Việt Nam. Họ không hiểu nguyện vọng của chúng tôi là duy trì độc lập và bình đẳng giữa các quốc gia, mặc dù những điều đó đã thể hiện trong diễn văn của Tổng thống Jefferson. Và vì vậy họ đã sai lầm. Họ không biết giới hạn của quyền lực.... Bất cứ một quyền lực nào dù mạnh mẽ đến đâu cũng sẽ có những giới hạn nhất định, và đó là cái mà họ không hiểu....
Những người trong Nhà Trắng tin rằng người Mỹ chắc chắn sẽ giành chiến thắng và không thể thất bại. Có một câu nói: " Biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng". Tuy nhiên, người Mỹ đã chiến đấu với Việt Nam, nhưng họ không biết nhiều về Việt Nam hay bất cứ điều gì về người Việt Nam. Người Mỹ không biết gì về đất nước và con người chúng tôi. Tướng lãnh Hoa Kỳ biết rất ít về lý thuyết chiến tranh của chúng tôi, về chiến thuật và mô hình hoạt động....
Trong chiến tranh, mọi người dân Việt Nam sẽ đứng lên cầm súng chiến đấu và đó là triết lý chiến tranh của Việt Nam. Triết lý của chúng tôi khác với người Nga và người Mỹ. Người Mỹ không hiểu điều đó. Họ không thể giành chiến thắng. Làm sao mà họ thắng được? Chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng tôi đã nói không có gì quý hơn độc lập và tự do. Chúng tôi đã có tinh thần đó, chúng tôi sẽ phải là người làm chủ đất nước của mình và chúng tôi thà hy sinh chứ nhất định không làm nô lệ.
Bây giờ, khi 2 nước đã bình thường hóa quan hệ, chúng tôi hy vọng quan hệ tốt hơn, nhưng nó phải được dựa trên sự bình đẳng. Ngược lại, nếu người Mỹ cho rằng họ lợi thế hơn Việt Nam đơn giản chỉ vì họ giàu có hơn, đó sẽ là điều chúng tôi không thể chấp nhận. Bây giờ chúng tôi hy vọng rằng các nhà lãnh đạo Mỹ có thể hiểu được Việt Nam và nhân dân Việt Nam tốt hơn.
Lê Trí
Theo infonet
Thế giới nghiêng mình Hàng loạt hãng thông tấn và báo chí trên thế giới đồng loạt đăng tin về sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tất cả đều viết về cuộc đời và sự nghiệp của vị tướng huyền thoại của Việt Nam. Đại tướng Võ Nguyên Giáp trao đổi với nữ nhà báo Mỹ Catherine Larnow - người có cha là một...