Bức cung, nhục hình – Khó xử lý vì “vướng” từ luật!
Theo quy định hiện hành, hành vi dùng nhục hình chỉ có thể diễn ra “trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án”.
Khó tìm chứng cứ!
Theo số liệu thống kê của Cục Thống kê tội phạm và công nghệ thông tin thuộc VKSND TC, trong 10 năm qua (từ năm 2003 đến nay) mặc dù có tin báo, tố giác về tội phạm liên quan đến hành vi bức cung, dùng nhục hình nhưng CQĐT, VKSND TC chỉ khởi tố một số vụ về tội Dùng nhục hình, chứ chưa khởi tố vụ án nào về tội Bức cung. Thực trạng này, theo TS. Phạm Mạnh Hùng, Hiệu trưởng trường ĐH Kiểm sát Hà Nội có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ những hạn chế, bất cập của Bộ luật Hình sự (BLHS) hiện hành.
Trong 5 năm, từ năm 2006 – 2010, căn cứ các tin báo, tố giác về tội phạm, CQĐT đã thụ lý 63 vụ việc có dấu hiệu bức cung, dùng nhục hình để xem xét, giải quyết. Trong đó, đã khởi tố điều tra 21 vụ/37 bị can về tội Dùng nhục hình (riêng 6 tháng đầu năm 2013, khởi tố 4 vụ/10 bị can). Số liệu thống kê cũng cho thấy, số lượng tin báo, tố giác về tội phạm bức cung, dùng nhục hình trong những năm gần đây đã giảm đáng kể.
Dùng nhục hình và bức cung là hai tội phạm có dấu hiệu chủ thể đặc biệt – người phạm tội là cán bộ thuộc cơ quan tư pháp (điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán). Hai tội phạm này đều có thể xảy ra trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử (riêng tội Dùng nhục hình còn có thể xảy ra cả ở hoạt động thi hành án), và chủ thể của tội phạm đều có hành vi trái pháp luật, xâm phạm quyền được tôn trọng và bảo vệ về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của công dân. Tuy nhiên, nếu tội Dùng nhục hình là tội có cấu thành hình thức, chỉ cần có hành vi dùng nhục hình trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đã bị coi là phạm tội, thì bức cung lại là tội có cấu thành vật chất – phải có hậu quả nghiêm trọng xảy ra, mới cấu thành tội phạm.
Chính qui định này của BLHS đã khiến cho việc chứng minh hành vi bức cung trên thực tế rất khó khăn. Bức cung là “buộc người bị thẩm vấn phải khai sai sự thật”, có nghĩa là ép buộc người khác phải khai sai sự thật theo ý muốn của người thẩm vấn, và phải “gây hậu quả nghiêm trọng”. LS Trương Văn Hải, Đoàn LS Hà Nội cho rằng, việc xác định ý thức chủ quan của người phạm tội “mong muốn người bị thẩm vấn khai sai sự thật”, và chứng minh được hậu quả nghiêm trọng đã xảy ra không hề đơn giản. Đây cũng là lý do chính mà trong 10 năm qua, không có vụ án nào bị khởi tố về tội Bức cung!
LS Hải cho rằng, quy định này là không phù hợp. Bởi trong phòng hỏi cung chỉ có điều tra viên và bị can, mà bị can lại ở “thế yếu” thì lấy đâu ra chứng cứ bị bức cung (như bản ghi âm phần hỏi đáp…)? Trong khi đó, luật qui định người bào chữa được dự các buổi hỏi cung, và được hỏi bị can khi điều tra viên thấy cần thiết, nhưng trên thực tế, việc được hỏi cung bị can với luật sư rất hiếm hoi. Theo LS Nguyên, để tránh việc bị can, người bị tạm giữ bị bức cung, cần “luật hóa” việc hỏi cung bắt buộc phải có mặt người bào chữa, và người bào chữa phải ký vào bản cung đó thì mới có giá trị. Sự có mặt của LS vừa giúp cho người bị thẩm vấn không lo bị bức cung, dùng nhục hình, mà CQĐT cũng tránh được việc bị tố cáo oan. Tuy nhiên, ông Hùng cho rằng, trên thực tế, không phải vụ án hình sự nào cũng có luật sư tham dự (vì bị can không mời luật sư, không thuộc dạng án có luật sư chỉ định) nên cần lắp camera tại phòng hỏi cung, tương tự như nhiều phòng xử án hiện nay đã làm.
Việc hỏi cung, lấy lời khai rất dễ bị tố có bức cung (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa).
Video đang HOT
Sửa luật để tránh bỏ lọt tội phạm
Bên cạnh đó, theo ông Hùng, cần bỏ qui định “gây hậu quả nghiêm trọng” trong tội Bức cung, mà chỉ cần bức cung người bị thẩm vấn là đã đủ cấu thành tội phạm. Bởi lẽ, hành vi bức cung, buộc người bị thẩm vấn phải khai sai sự thật là hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp. Đây là hành vi nguy hiểm cho xã hội, nên bị coi là tội phạm, ngay cả khi chưa có hậu quả nghiêm trọng xảy ra. Hơn nữa, hậu quả nghiêm trọng xảy ra hay không nhiều khi do những yếu tố khách quan, chứ không phụ thuộc ý muốn chủ quan của người thực hiện hành vi. Chưa kể, trong thực tiễn còn có tình trạng do trình độ, năng lực, ý thức trách nhiệm… mà người thẩm vấn cho rằng ép buộc người khác khai theo những chứng cứ, tài liệu khác có trong hồ sơ là phù hợp với tình tiết diễn biến của vụ án, và không biết lời khai của người bị thẩm vấn là sai sự thật. Do đó, ông Hùng cho rằng, Điều 299 BLHS cần sửa theo hướng quy định dấu hiệu pháp lý của tội phạm này là hành vi đe dọa, ép buộc người bị thẩm vấn khai khi tiến hành thẩm vấn.
Theo quy định hiện hành, hành vi dùng nhục hình chỉ có thể diễn ra “trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án”. Tuy nhiên, giới hạn các hành vi dùng nhục hình như vậy là “không ổn”, bởi lẽ việc giải quyết một vụ án diễn ra từ khi tiếp nhận tin báo, tố giác, rồi gặp hỏi, tạm giữ người bị tình nghi cho đến khi người bị kết án chấp hành xong bản án. Trong quá trình này, ngoài điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, còn có những người có trách nhiệm khác tham gia dẫn giải bị can, bị cáo, cán bộ quản lý trong các nhà tạm giữ, trại tạm giam… Và những người này, khi thực thi công vụ đều có thể có hành vi dùng nhục hình đối với người bị tình nghi, bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bị kết án. Việc qui định như hiện hành dễ dẫn đến bỏ lọt tội phạm, cần sửa theo hướng “mở rộng” là “Người nào dùng nhục hình trong hoạt động tư pháp thì bị phạt …”.
Bên cạnh đó, trong Bộ luật TTHS, thuật ngữ “hỏi cung” chỉ áp dụng khi hỏi (thẩm vấn) bị can, còn việc hỏi nhân chứng, người bị hại và những người tham gia tố tụng khác thì sử dụng thuật ngữ “lấy lời khai”. Như vậy, nếu hiểu “máy móc” thì bức cung là chỉ hành vi trái pháp luật diễn ra khi hỏi cung, khiến bị can phải khai sai sự thật. Tuy nhiên, Điều 299 quy định bức cung là việc “Buộc người bị thẩm vấn phải khai sai sự thật”, mà người bị thẩm vấn thì có thể là người làm chứng, người bị tình nghi, người bị tạm giữ, người bị hại, bị can, bị cáo… Do vậy, ông Hùng cho rằng, tên gọi “Bức cung” của Điều 299 là không chính xác, mà cần sửa thành “truy bức (hoặc ép buộc) người bị thẩm vấn trong khi lấy lời khai” cho phù hợp.
Bức cung, dùng nhục hình là những hành vi gây nhiều “tai tiếng” cho cơ quan tố tụng, và cũng là hành vi dễ gây mất niềm tin của người dân. Chính vì vậy, BLHS hiện hành cần sửa đổi những bất cập trên để đủ “hành lang pháp lý” xử lý nghiêm những hành vi này.
Khoản 1 Điều 299 BLHS về tội bức cung quy định: “Người nào tiến hành điều tra, truy tố, xét xử mà bằng các thủ đoạn trái pháp luật buộc người bị thẩm vấn phải khai sai sự thật gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”.
Theo Pháp luật xã hội
Gắn camera tại nơi lấy lời khai để chống bức cung?
Nếu lắp camera theo dõi ở những nơi lấy lời khai của bị can thì khi có tố giác về hành vi dùng nhục hình, bức cung thì người có thẩm quyền có thể kiểm tra băng ghi hình để xác định rõ sự thật.
Từ thực tế có những bị cáo ra tòa tố bị điều tra viên dùng nhục hình, bức cung, TS Phạm Mạnh Hùng (Hiệu trưởng ĐH Kiểm sát Hà Nội) đề xuất nên lắp camera ghi hình toàn bộ quá trình hỏi cung để phòng ngừa, phát hiện vi phạm kịp thời.
Tố giác nhiều, khởi tố ít
- Thưa ông, nhiều bị cáo ra tòa phản cung, tố giác mình bị dùng nhục hình, bức cung trong quá trình điều tra. Ông nghĩ như thế nào về vấn đề này?
- Trong năm năm (2006-2010), căn cứ các tin báo, tố giác tội phạm, cơ quan điều tra VKSND Tối cao đã thụ lý 63 vụ có dấu hiệu bức cung, dùng nhục hình nhưng chỉ có căn cứ khởi tố, điều tra bảy vụ (10 bị can) về tội dùng nhục hình.
Thực tế này cho thấy có những hạn chế, bất cập trong các quy định của BLHS hiện hành về tội dùng nhục hình (Điều 298 BLHS) và tội bức cung (Điều 299 BLHS). Cái khó nhất là chứng cứ chứng minh hành vi sai phạm của người tiến hành tố tụng, dẫn đến tin báo tố giác nhiều nhưng có căn cứ khởi tố, điều tra thì rất ít.
Tuy nhiên, trong hai năm 2011, 2012 và 6 tháng đầu năm 2013, cơ quan điều tra VKSND Tối cao đã thụ lý 21 vụ, khởi tố, điều tra 13 vụ (26 bị can) về tội dùng nhục hình. Như vậy, gần đây số tin báo tố giác bức cung, dùng nhục hình giảm xuống đáng kể nhưng số vụ được khởi tố, điều tra lại tăng lên cho thấy có những tiến bộ đáng kể trong nhận thức và phương pháp xem xét, giải quyết loại tội phạm này của các cơ quan chức năng.
Một điều rất đáng chú ý là trong 10 năm qua, mặc dù có những tin báo, tố giác về hành vi dùng nhục hình, bức cung nhưng cơ quan điều tra VKSND Tối cao chỉ khởi tố một số vụ về tội dùng nhục hình chứ chưa khởi tố vụ nào về tội bức cung cả.
- Vì sao, thưa ông?
- Tội bức cung và tội dùng nhục hình rất gần nhau, phần lớn trong các vụ án thì cán bộ tư pháp dùng vũ lực (đánh đập) nhằm mục đích bức cung nên đã bị khởi tố, xét xử về tội dùng nhục hình. Còn việc chỉ dùng lời nói đe dọa, dụ dỗ, tác động về mặt tinh thần, hạn chế gặp người thân thăm nuôi... để ép buộc khai sai sự thật thì lại càng khó chứng minh về chứng cứ nên khó khởi tố về tội bức cung.
Theo TS Phạm Mạnh Hùng, BLTTHS nên quy định việc lắp camera theo dõi ở những nơi lấy lời khai của bị can để tránh việc nhục hình, bức cung - Ảnh minh họa.
Ngoài ra, theo BLHS hiện hành, tội bức cung có cấu thành vật chất, đòi hỏi dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm là gây hậu quả nghiêm trọng nên càng khó khởi tố. Thậm chí nếu chứng minh được có hành vi bức cung (hứa hẹn, dụ dỗ, mớm cung, dẫn cung) mà không chứng minh được có gây hậu quả nghiêm trọng thì cũng đành chịu.
Vì vậy, theo tôi, cần sửa đổi tội này theo hướng cấu thành tội phạm hình thức (chỉ cần có hành vi trái pháp luật, ép buộc người bị thẩm vấn khai trái với ý muốn của họ mà không bắt buộc có hậu quả nghiêm trọng).
Giải pháp hạn chế
- Thưa ông, trong phòng hỏi cung chỉ có điều tra viên và bị can. Vì vậy, việc các tòa yêu cầu bị can cung cấp chứng cứ mình bị đánh đập, bức cung có phải là "nhiệm vụ bất khả thi"? Nên chăng quy định việc hỏi cung bắt buộc phải có mặt người bào chữa, nếu bản cung nào không có chữ ký của người bào chữa sẽ không được chấp nhận là chứng cứ hợp pháp trong vụ án, thưa ông?
- Theo tôi, hiện nay chưa thể quy định "cứng" là bắt buộc việc lấy lời khai phải có mặt người bào chữa bởi lẽ số lượng luật sư nước ta còn ít, không đủ đáp ứng điều kiện này. Thực tế, không phải vụ án hình sự nào bị can cũng mời luật sư, còn luật sư chỉ định chỉ có trong một số trường hợp bắt buộc. Ngay cả khi bị can có mời luật sư thì cũng gặp nhiều "phát sinh" trở ngại từ chính các luật sư.
Chẳng hạn luật sư hôm ấy không khỏe hay bận đi cãi cho thân chủ khác... Không lẽ các hoạt động điều tra vụ án cứ phải dừng toàn bộ để "chạy" theo lịch làm việc của luật sư? Thế thì án dồn, tồn đọng, vi phạm thời hạn tố tụng... cũng ảnh hưởng đến quyền lợi của chính bị can. Chưa kể, thực tế vẫn có những tình huống câu kéo "làm khó" nhau vì mục đích riêng.
- Nếu không có "người thứ ba" chứng kiến buổi hỏi cung, vậy có cách nào khác để phòng ngừa, phát hiện, thu thập chứng cứ về hành vi dùng nhục hình, bức cung?
- Tôi nghĩ BLTTHS nên quy định việc lắp camera theo dõi ở những nơi lấy lời khai của bị can. Khi có tố giác về hành vi dùng nhục hình, bức cung thì người có thẩm quyền có thể kiểm tra băng ghi hình để xác định rõ sự thật. Điều này tốt cho cả hai phía: Bị can không phải lo bị dùng nhục hình, bức cung mà điều tra viên cũng tránh được rủi ro là bị tố giác oan, mang tiếng oan. Tất nhiên, cũng cần có một cơ chế kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo bí mật điều tra.
Ngoài ra, luật cũng nên ghi nhận "quyền không đưa ra những lời khai chống lại mình" hay "quyền im lặng" của người bị tình nghi, bị can, bị cáo. Trên cơ sở đó, Điều 308 BLHS về tội từ chối khai báo nên được sửa đổi theo hướng loại trừ trách nhiệm hình sự của người bị tình nghi, bị can, bị cáo.
Theo Pháp Luật TP.HCM
Thượng sĩ dâm ô và chiếc điện thoại tại tòa Suốt phiên tòa, Quỳnh luôn cúi gằm mặt và lí nhí trả lời các câu xét hỏi của HĐXX. Luôn miệng nói không nhớ gì, nhưng bị cáo Quỳnh lại nhận tội như đã truy tố. Bị cáo Quỳnh tại phiên tòa. Bất ngờ hoãn xử Sau cả ngày xét xử, cuối giờ chiều 4/7, thẩm phán Vũ Thị Nguyệt, chủ tọa phiên...