“Bùa yêu” ở chốn thâm sơn cùng cốc
Ở đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ, vùng núi rừng phía Tây tỉnh Quảng Trị, trong các bộ tộc ít người hiện còn ẩn chứa nhiều bí ẩn, huyễn hoặc. Trong số đó, có bí ẩn về “ bùa yêu”. Những sự việc đan xen giữa hư và thực về “bùa yêu” cứ khiến những người miền xuôi đầu tiên đặt chân đến chốn thâm sơn cùng cốc, ở những miền rừng thâm u đều phải sợ hãi.
Câu chuyện chúng tôi sắp kể ra đây xảy ra ở xóm Phường, thôn Nhỉ Trung, xã Gio Thành, huyện Gio Linh, Quảng Trị. Tuy nhiên, trước khi bắt đầu câu chuyện, người viết xin được đổi tên nhân vật, vì lý do tế nhị, theo yêu cầu của gia đình những người trong cuộc…
Ở cái xóm bé nhỏ ấy, dường như ai cũng biết tên anh Trần Công Bình. Trong nhà, Bình được gọi theo tên cúng cơm là Sửu, năm nay đã bước sang tuổi 36. Bình là thợ cưa gỗ lành nghề nên cách đây khoảng 4 năm, đã từ giã gia đình, để lại người vợ trẻ và 2 đứa con thơ dại, cơm đùm gạo gói ngược lên xã miền núi Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị để tìm việc làm.
Trong ngôi nhà cấp bốn, cũ nát vì thiếu bàn tay đàn ông, chị Võ Thị Hương (34 tuổi), mắt đỏ hoe kể với chúng tôi rằng, qua gần một năm cặm cụi làm thuê đến ngày giáp Tết Nguyên đán năm đó thì anh Bình trở về, vui mừng báo tin cho chị biết là đã dành dụm được một khoản tiền kha khá. Cho nên, sau cái tết đầm ấm ấy, chị bàn với anh sẽ dùng số tiền đó dành để chỉ tiêu chút ít, còn lại đem mua sắm thêm dụng cụ nghề để anh lên lại Hướng Phùng làm mướn.
Nhưng rồi chữ ngờ không ai đoán được… Thời gian trôi đi, đến tết rồi tết nữa, anh Bình vẫn không trở về với gia đình ngoại trừ mỗi năm gọi vài cuộc điện thoại, gửi vài tin nhắn ngắn ngủn. Linh tính mách bảo có việc chẳng lành, chị thưa chuyện với bố mẹ chồng. Biết chuyện, cha mẹ anh Bình là ông Trần Công Biên và bà Trần Thị Ngôn liền bảo người nhà cùng đi với con dâu lên Hướng Phùng để lần hỏi tin tức con trai…
Chị Hương nghẹn nghào: “Em nhớ như in, hôm đó là một ngày cuối tháng 6/2011, trời mưa như trút nước. Em và các em chồng đến được bản Bụt, xã Hướng Phùng thì trời đã chạng vạng tối. Theo bà con chỉ dẫn, lần dò tìm tới một ngôi nhà vách nứa ở cuối bàn. Từ bên ngoài em đã nghe trong nhà vọng ra giọng nói the thé của một người đàn bà đang sai khiến ai đó làm việc. Bước vào, em tá hỏa vì đó chính là chồng mình. Anh Bình lúc này đang giặt giũ quần áo cho người đàn bà kia. Trước cảnh tượng đó, tự nhiên em thấy hoa mắt, người xây xẩm rồi đổ gục xuống không biết gì nữa. Lúc tỉnh lại, em cảm giác đau đớn đến tận cùng, bên em là các em của chồng. Các em động viên em trở về, vì ở đó sẽ không giải quyết được gì, lại gặp nguy hiểm…
Nhưng lúc em chưa gượng dậy được thì anh Bình đã lầm lũi bước đến trước mặt, gằn giọng bảo: “Về đi, không được ở lại đây”. Gạt nước mắt, chị Hương nói tiếp: “Khoảng 2 tháng sau, anh Bình trở về, nhưng hôm đó em làm đồng. Lúc về bố chồng em bảo anh Bình về, nhưng khi thấy ông liền bỏ chạy ra sau vườn, ngồi khóc. Và, cũng từ đó, người ở xóm Phường và cả bên làng em ở thôn Lâm Xuân (xã Gio Mai, huyện Gio Linh – NV) dậy ran tin đồn rằng anh Bình đã bị người phụ nữ dân tộc Vân Kiều ở bản Bụt, Hướng Phùng bỏ “bùa yêu”… (?).
Chúng tôi tìm đến nhà ông Biên, bà Ngôn ở xóm Trằm Me, thôn Nhỉ Trung. Ông Biên năm nay đã 70 tuổi, vợ ông Ngôn kém ông một tuổi. Ngôi nhà xây rộng rãi, khang trang, nhưng vắng vẻ và đượm buồn. Ông Biên không muốn kể chuyện con mình, cho tới một lúc sau chúng tôi nói những lời chia sẻ, cảm thông sâu sắc với gia đình, ông mới bộc bạch:
“Hôm đó, tui và mụ nó (bà Ngôn – PV) đang cày ruộng thì thấy thằng cháu nội (con anh Bình) chạy nhanh như tên bắn ra đồng. Nó nói trong thở dốc, ba của nó đã về. Tui và thằng bé chạy ngay về nhà, nhưng tới nơi thì thấy thằng Bình vội chạy ra sau nhà ngồi khóc, sau đó nó trốn đi mất”.
Ông Biên kể tiếp rằng, sau lần ấy ông và con dâu đi coi bói khắp nơi, cúng khấn nhiều lần, nhưng anh Bình vẫn bặt vô âm tín. Cách đây 3 tháng, chuyện anh Bình bị bỏ “bùa yêu” đồn dậy khắp làng xóm, khiến ông hoài nghi. “Sau đận đó, thằng Bình có trở về nhà lần nữa. Hai hôm sau kể từ lúc nó về, nó có chở vợ đi khám bệnh, tưởng chuyện buồn đã chấm dứt, ai ngờ nó đi luôn…”.
Trong các bộ tộc ít người hiện còn ẩn chứa nhiều bí ẩn, huyễn hoặc (Ảnh minh họa)
Chuyện thứ 2 xảy ra ở thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa. Cách đây 22 năm, chị Hoàng Thúy Oanh quê xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong, Quảng Trị lên Lao Bảo buôn bán làm ăn. Tuổi 18 đẹp như trăng rằm, nhưng rồi không hiểu vì sao chỉ sau một năm sinh sống ở Lao Bảo, chị Oanh phải lòng một người đàn ông Vân Kiều đã có vợ, 4 mặt con. Điều kỳ lạ, mặc dù thường bị người đàn ông kia chửi mắng, đánh đập, chị Oanh vẫn không thể nào dứt ra được ông ta.
Video đang HOT
Dân nhà xe chạy tuyến Đông Hà – Lao Bảo kể, nhiều lần chị Oanh đón xe trốn về xuôi, nhưng khi xe chạy tới thị trấn Khe Sanh (Hướng Hóa) thì chị lại một mực xin xuống, rồi đón xe quay trở lại. Người ta cho rằng chị Oanh đã bị bỏ “bùa yêu”…
Chúng tôi đem những chuyện trên hỏi ông Nguyễn Quang Tám nguyên là cán bộ huyện Hướng Hóa. Sở dĩ chúng tôi tìm gặp ông Tám bởi vì ông là người từng có “nghề” và am hiểu về “ bùa ngải”. Năm 1963, ông Tám từ bộ đội tham gia đánh trận ở chiến trường miền Trung, được điều chuyển công tác sang chiến trường Nam Lào. 12 năm ở Lào và sau giải phóng ông có thêm 3 năm qua lại giúp nước bạn khắc phục hậu quả chiến tranh. Suốt thời gian này ông được một người thầy (người dân tộc Vân Kiều) dạy cho cách “thôi miên” và các loại bùa ngải.
Ông Tám cho biết, việc học các ngón nghề này là rất công phu. Thời gian khổ luyện ban đầu kéo dài tới 6 tháng. Trở lại “bùa yêu”, ông Tám nói rằng, đó là chuyện bình thường đối với những bộ tộc ít người ở đại ngàn Trường Sơn. Theo ông Tám, “bùa yêu” chỉ có 2 dạng. Dạng thứ nhất, sử dụng thuốc để bắt người khác phải yêu mình, quấn quýt với mình. Cách này chỉ có tác dụng tức thời, tối đa là vài tháng, sau đó thuốc không còn tác dụng. Thường thì người bỏ “bùa yêu” cho thuốc (thuốc là một thứ bột cực mịn được chế từ các rễ cây, chỉ có người trong nghề mới biết) vào áo sau đó rũ áo này trước mặt người cần bỏ bùa. Chỉ cần ngửi, hít phải loại bột này, người đó lập tức trở nên lú lẫn, làm việc một cách vô thức theo những gì người khác chỉ bảo.
Dạng “bùa yêu” thứ 2 ít người gặp hơn, người bỏ bùa đòi hỏi phải có “phép thuật” cao. “Phép thuật” là một quá trình dày công tu luyện, vận động, điều hòa khí ở trong cơ thể của mình đến lúc khí này khi được vận ra nó có sức mạnh như một dòng điện ở dạng vô hình… (?). Người bỏ bùa chỉ cần nhìn vào mắt của người mà họ cần bỏ, ngay lập tức người này không còn làm chủ được bản thân, đi theo sự lôi kéo, đề nghị của người kia (?).
Tuy nhiên, theo ông Tám, người có “phép thuật” bỏ “bùa yêu” dạng này hiện nay ở các vùng cao Quảng Trị còn lại rất ít, chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong điều kiện của cuộc sống hiện tại, họ thường phải sống ẩn mình bằng không dễ vướng vào những điều cấm kị (trong đó có một số thức ăn cá, thịt và gia vị) sẽ bị phản như vậy họ sẽ mắc phải chứng đau đầu suốt đời (?!).
Lại nói về chuyện anh Bình, chị Oanh bị bỏ “Bùa yêu”, ông Tám đặt ra nhiều giả thuyết, lý giải theo nhiều cách. Trong đó, đáng chú ý ông nói chị Oanh rất có thể đã bị bỏ “bùa yêu” dạng 2. Còn với anh Bình bị vướng vào loại “ăn xuổi ở thì”, bởi vì người đàn bà trên ở bản Bụt, xã Hướng Phùng đã có 3 đời chồng, người nào cũng làm nô lệ thể xác cho bà ta. Nhưng sau vài năm, khi “bùa yêu” không còn tác dụng, họ trở nên căm ghét đến tận cùng người này. Đó cũng là tâm lý chung của nhưng người bị bỏ “bùa yêu” ở dạng thứ nhất. Ông Tám lưu ý, cũng không loại trừ những trường hợp chồng theo “gái”, vợ theo “trai” rồi đánh lừa nhau bằng sự huyễn hoặc của “bùa yêu”.
Bằng sự hiểu biết của mình, ông đã không ít lần giúp đỡ những người “bị hại”, vạch mặt đối tượng lừa phỉnh bản thân, hướng dẫn họ nhờ vào pháp luật, chính quyền, ngành chức năng mà xử lý sự việc.
Chúng tôi nhờ ông Tám giúp đỡ, dẫn đi gặp, tìm hiểu một số người có khả năng bỏ “bùa yêu” ở dạng thứ 2. Ông Tám đồng ý. Chúng tôi đã cùng ông tới một số bản làng của xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa. Ông Hồ Nợt (người dân tộc Vân Kiều) hồ hởi đón khách, nhưng khi hỏi về “bùa yêu”, ông liền lảng tránh sang chuyện khác. Nhờ có ông Tám “bảo lãnh” việc tìm hiểu của chúng tôi, ông Nợt mới chịu tiết lộ một ít bí mật về “bùa yêu”.
Ông Nợt cho biết, người có khả năng bỏ bùa dạng 2, bên cạnh khả năng điều khiển người khác theo ý mình, còn có một khả năng đặc biệt khác là làm cho người này luôn coi họ (người bỏ bùa) như thần tượng. Để có được khả năng này, người học “phép thuật” phải thực sự kiên trì, trải qua thời gian tu luyện kéo dài từ 5 đến 10 năm. Mỗi khi bỏ bùa, cùng với các luồng chân khí trong cơ thể được vận ra, họ còn điều khiển, khoanh vùng, vận khí từ vùng trái tim phát ra phía người này (người bị bỏ bùa) với khao khát, ước muốn mãnh liệt người này là một nửa của họ (?).
Theo ông Hồ Nợt, việc làm này có thể chấp nhận được. Còn việc dùng thủ đoạn “phép thuật” để thỏa mãn thân xác với người khác là điều hoàn toàn không nên làm. Bên cạnh khả năng bỏ “bùa yêu”, ông Nợt còn có những hiểu biết sâu sắc về việc bỏ bùa ngải, hại người khác bằng nhiều loại thuốc độc được chế từ rễ, lá cây rừng và râu con hổ nuôi trong cây măng rừng, nhưng cách đây hơn 10 năm, khi được ông Tám vận động đồng bào vùng cao Hướng Hóa, Đakrông từ bỏ việc bùa ngải, thư thuốc độc, ông Nợt và nhiều người khác ở bản đã từ bỏ hoàn toàn việc làm xấu này.
Chuyện chúng tôi ghi được thực hư thế nào còn chưa rõ. Câu trả lời xin dành cho các nhà nghiên cứu.
Ông Trần Văn Thành, Giám đốc Sở Y tế Quảng Trị cho biết:
“Chuyện bị bỏ bùa ngải (trong đó có “bùa yêu”) của đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng cao Quảng Trị chỉ nghe nói ở ngoài dân gian. Thực tế từ trước đến nay, ngành Y tế địa phương chỉ tiếp nhận, điều trị các căn bệnh, bệnh trạng phổ biến chứ chưa có trường hợp nào người nhà bệnh nhân cho rằng thân nhân của họ đã bị bỏ bùa ngải, thư thuốc độc cả. Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân tôi đối với vấn đề trên, các nhà khoa học cần thiết vào cuộc, nghiên cứu, làm rõ thực hư của nó”.
Ông Nguyễn Bình, Tiến sĩ Sử học, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Trị nói:
“Cá nhân tôi cũng có nghe nói về chuyện bùa ngải, thư thuốc độc của đồng bào các dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, ngành Văn hóa các dân tộc thiểu số ở địa phương chưa từng nghiên cứu về vấn đề này”.
Ông Trần Văn Chạy, Trưởng phòng Văn hóa, Thể thao và Du lịch huyện miền núi Đarkông, Quảng Trị xác nhận:
“Bản thân tôi từng nghe về các giải pháp dân gian trừ khử, chữa bệnh cho người bị bỏ “bùa yêu”. Nhưng suốt nhiều năm đảm nhận, nghiên cứu nền văn hóa của địa phương, tôi chưa từng gặp người nào được cho là đã bị bỏ bùa ngải. Vấn đề này, phải có nghiên cứu thực sự của các nhà khoa học mới làm rõ được”.
Theo 24h
Vua 'bùa ngải' xứ Mường
Gia đình nào mâu thuẫn, gối chăn không hòa thuận đều tìm đến cụ Hà Xuân Nhã, (78 tuổi ở xóm Cá, thị trấn Tân Sơn, Phú Thọ).
Gần 60 năm nay cụ Hà Xuân Nhã, (78 tuổi ở xóm Cá, thị trấn Tân Sơn, Phú Thọ) đã trở thành thầy "phù thủy" chuyên làm nèm (bùa ngải) để giúp cho mọi người yêu thương, gắn bó với nhau. Cụ Nhã bảo, đó là việc làm phúc, làm đức cho mọi người, khả năng đến đâu làm đến đó...
Cụ Nhã hà hơi vào áo làm nèm
Hà hơi vào quần áo
Biết chúng tôi muốn đến để tìm hiểu về bùa ngải, cụ Nhã bảo: "Tôi làm nèm giúp cho nhiều người dưới Hà Nội, Hà Tây, Hưng Yên lên đây. Từ bùa yêu, vợ chồng bỏ nhau, bùa giải quyết mâu thuẫn giữa các gia đình... tôi đều làm được hết. Con gái, con trai yêu nhau, định lấy nhau nhưng bị gia đình một bên không ưng thuận đến tôi làm cho cả hai gia đình đều gật đầu".
Cụ Nhã vẫn còn nhớ đôi vợ chồng Thảo và Ly ở Sơn Tây (Hà Nội). Hai người đã tâm đầu ý hợp nhưng bên gia đình nhà cô bé Ly cương quyết không đồng ý với lý do hai người không hợp tuổi nhau. Hai người tìm đến nhà cụ Nhã vừa mếu vừa khóc. Cụ bảo với Thảo đưa cho cụ chiếc áo của Ly, đồng thời đốt 3 nén nhang, 1 đĩa trầu 3 lá xé thành 6 miếng và 2 quả cau được đặt lên bàn thờ để khấn tổ tiên.
Cụ Nhã cho biết, lễ khấn tổ tiên cần trầu cau, xin phép 2 người vợ lẽ của bố cụ (2 bà là sư phụ của cụ Nhã - PV). Nếu sư phụ đồng ý mới cho làm. Đồng thời cụ gieo quẻ âm dương lên cái đĩa, nếu âm dương mà được làm nèm mới hiệu nghiệm.
Cụ Nhã cầm cả hai cái áo của cả hai người trên tay, miệng vừa lẩm bẩm vừa hà hơi lên toàn bộ chiếc áo, vừa đọc "thần chú". Hơn một tháng sau, vợ chồng Thảo lên cảm ơn cụ Nhã ríu rít, vì gia đình cô dâu đã đồng ý ngày tổ chức hôn lễ.
Hòa giải đánh nhau là khó nhất
Cụ Nhã khăng khăng khẳng định, nèm hòa giải là khó nhất, bởi mình không biết nguyên nhân vì đâu mà họ lại mâu thuẫn như thế. Làm được nhưng để hiệu nghiệm thì chưa cao bằng các loại nèm khác. Và thời gian để đảm bảo hiệu nghiệm cho loại nèm này thường ngắn.
Ở xóm Cá có gia đình anh Hà Văn Năm và anh Hà Văn Bình hay mâu thuẫn với nhau. Hai nhà sống sát vách nhau, nhưng rất hay cạnh khóe. Nếu gia đình bên nào có chó sổng xích sang đi vệ sinh, nhà bên kia sẵn sàng vác gậy đuổi đánh.
Vợ chồng cụ Nhã
Thấy thế cụ Nhã liền ra tay để giúp cho 2 gia đình được hòa thuận. Cụ nhờ người đến giếng nước nhà anh Năm múc một chén nước lã, mang về nhà mình đặt lên bàn thờ làm lễ. Sau đó, cụ nhờ người đó đổ chén nước đó vào giếng nước nhà anh Bình, vào thời điểm nào cũng được miễn là không được gia đình nào biết.
Cụ Nhã đặt tên cho chén nước đó là "chén nước thương nhau" để cho hai gia đình giải hòa với nhau. Cụ Nhã bảo, tính khí con người ta cũng xuất phát từ nguồn nước sinh sống mà ra cả. Nếu một bên sống có tình có lý, hòa hợp với bên kia rồi thì tự ắt hai bên sẽ tự hòa giải với nhau. Thế rồi "chén nước nghĩa tình" của cụ Nhã cũng bắt đầu có hiệu nghiệm khi hai gia đình anh Năm và anh Bình từ chỗ không nhìn mặt nhau, chỉ 2 tuần sau đã hỏi han nhau.
Không bao giờ làm điều xấu
Cụ Nhã bảo: "Tôi đã học nèm từ năm hơn 20 tuổi. Nay gần 80 tuổi rồi nhưng chưa bao giờ tôi làm điều xấu cả. Trước khi tôi học làm nèm, hai sự phụ của tôi đồng thời là hai người mẹ kế có dặn dò: Tối kỵ làm điều xấu, nếu phạm vào các điều đó dần sẽ tự mất hiệu nghiệm. Khi làm cho mọi người cụ không đỏi hỏi về mặt vật chất, chủ yếu là tấm lòng thành của họ. Người cân cam, gói kẹo đến làm lễ cũng xong. Làm nèm cho rất nhiều người nhưng cụ nhớ mãi một người phụ nữ ở Hà Nội biếu cụ 4 hộp sữa, 2 cân đường và 200.000đ. Cụ Nhã bảo cụ đã chữa cho chồng cô gái khỏi "bệnh" ngoại tình. Đó là lần cụ được "lại quả" nhiều nhất.
Hiện chưa có khảo cứu khoa học nào về bùa ngải. Các nhà nghiên cứu cho rằng, những người đi xin bùa thường có ý thức giải quyết những vướng mắc của mình. Bùa chỉ giúp họ củng cố niềm tin để hòa giải với vợ (chồng) hay hàng xóm, hoặc quyết tâm hơn trong công việc mà thôi. Do vậy, nên nhìn nhận bùa ngải dưới góc độ văn hóa dân gian với tư cách là một hiện tượng tồn tại từ rất lâu trong đời sống của bà con dân tộc và loại trừ các quan điểm mê tín, dị đoan.
Theo Bee
Diện kiến 'cao thủ bùa yêu xứ Mường' Ông Quách Văn Tản được coi là một trong những "cao thủ" tài ba nhất ở xứ Mường ở Hòa Bình. Theo lời ông, gần 20 năm qua ông đã giúp hàn gắn hàng trăm gia đình quanh bản, những người ở nơi khác tìm về thì không kể siết... Nhìn theo tay của chú Hải, người dẫn đường của chúng tôi, ngôi...