Bữa tiệc xanh ấm áp
Mỗi năm, ANTĐ đều làm được nhiều bất ngờ mà điểm nhấn “bùng nổ” của tình cảm, sáng tạo là Ngày hội “chữ A màu đỏ”.
Cuộc gặp mặt các cộng tác viên (CTV), thông tín viên, những người quan tâm đóng góp xây dựng ANTĐ bắt đầu từ 10 giờ sáng 23-1 (tới 13h30 chưa muốn hết). Làm sao không đến với ANTĐ, nơi sẵn nhiều ý tưởng độc đáo, mỗi lần gặp là một địa điểm, bữa tiệc thú vị. Thầm cảm ơn ANTĐ cho tôi trở lại Bách thảo. Đã 15 năm tôi chưa ghé vào, dù vẫn thường đi qua.
Lá phổi xanh của Thăng Long 1003 tuổi, tràn diệp lục một vùng huyền thoại. Đường Hoàng Hoa Thám là đường vành đai bao bọc kinh thành nối từ Kẻ Bưởi, lên Hoàng thành, thẳng tiếp là Phan Đình Phùng – một trong các đường lớn, cổ kính đẹp nhất Thủ đô, bên kia là đôi hồ Trúc Bạch, hồ Tây – của chốn lịch sử, văn hoá và chất thơ.
Xanh là màu của sức sống và hy vọng. Cuộc hội tụ 23-1-2013 tại Bách thảo 123 tuổi, cũng là ngày hội đầu năm. Đúng biểu tượng chữ A đứng đầu, ANTĐ là tờ báo tổ chức gặp mặt CTV đầu tiên quy mô và ấn tượng nhất của làng báo “đất thánh”. Đúng 12 Chạp, tháng chót năm nguyệt lịch, áp Tết rồi, nhờ ANTĐ mà nhiều bạn bè, đồng nghiệp giới nhà báo, nghệ sĩ Thủ đô có dịp quây quần.
Thời “ăn ngon mặc đẹp”, dù ăn chẳng phải lý do chính, thì tiệc của ANTĐ vẫn là yếu tố hấp dẫn. ANTĐ đã thực sự tạo bữa tiệc liên hoàn, không chỉ ẩm thực, mà chiêu đãi các giác quan. Thảm thực vật ngàn cây nhiệt đới vỗ về ta sau nhiều vất vả, nhọc mệt, âu lo. Vào cổng, công xoè đuôi rực rỡ chào! khổng tước – loài đẹp nhất của giới loài chim có ở công viên này, đâu chỉ toàn cây. Gương hồ xanh làm quên tuổi người. Vườn lan ươm giống quý phía sau đưa hương quyện mùi cây cỏ. ANTĐ hào hiệp mời 900 khách, ghế bàn kín nhà ăn, 5 bàn dài kê ở sân, mái che đâu chắn được tầm xuyên xanh của hàng xà cừ cổ thụ.
Video đang HOT
Thích tiệc đứng, lại là người ăn muộn nhất (dù biết thực đơn mà BBT báo ANTĐ chọn, luôn có bất ngờ) – tôi thích “ăn” không khí. Đi hội để xem mà. Đứng trên thềm nhà, thấy toàn cảnh trong phòng, ngoài sân. Tưng bừng trò chuyện, rộn rã nói cười, Festival anh tài là đây. Như mọi khi, báo luôn chu đáo, 8 nữ nhân viên ngồi 1 dãy bàn đánh số, với các danh sách khách mời để trao quà, kết hợp trả nhuận bút báo Tết. Tám phóng viên tươi xinh, niềm nở, tận tình, họ lại thường xuyên được các phó TBT, Tổng biên tập, các trưởng ban ghé qua nhắc nhở, khiến CTV thấy mình được trân trọng, chăm sóc. ANTĐ lịch thiệp, với dấu ấn của “thủ lĩnh” Đào Lê Bình hơn thập kỷ nay không thay đổi trong ứng xử phóng khoáng chiêu hiền đãi sĩ. Có người từ lâu không viết gì cho ANTĐ, có cây bút chưa từng đóng góp chút sức nào vẫn được mời vì với những ai đã đến với ANTĐ thì một ngày cũng là bạn. Tiếp đãi như thế không phải vì báo mạnh tài chính. Thời khủng hoảng kinh tế toàn cầu, mà vẫn giữ bản sắc, phong độ chịu chơi và chơi đẹp như ANTĐ, đâu được mấy nơi!
“Khách đến nhà” là quý, sự niềm nở, chân tình, chu đáo của báo như thế thì người được nhận sao có thể vô tình?! Tôi không tin có những cái tên 3 năm đều được mời tiệc nhận quà, không viết 1 chữ nào cho báo mà không áy náy và đấy là cách tạo sức hút, ấn tượng “đắt giá” của ANTĐ, báo có thế mạnh trên đất Hà thành. “Chủ tiệc” – chủ nhà tươi cười trong áo vest cỏ úa, cuộc trò chuyện của hai TBT- báo ANTĐ và Đài PT&TH Hà Nội cũng là lúc hai vị lãnh đạo, chủ tịch Trần Gia Thái và Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Hà Nội Đào Lê Bình phấn chấn “quần anh hội”. Chuyên gia bóng đá Phan Anh Tú – Tổng thư ký Liên đoàn bóng đá Hà Nội không có vẻ quan chức thể thao mà đầy chất nghệ sĩ. Quần bò Levis, áo len trắng Giordano khoác vest màu bordeaux, ông Phan Anh Tú đứng bên hai nhà báo “Thái – Bình” bắt tay thắm thiết.
Người lấy trước, người lấy sau, túi nilon trắng có chữ ANTĐ đỏ là quà của niềm vui, tình cảm. ANTĐ Tết là một trong các báo ra sớm và chất lượng nhất. Báo Tết là một món ăn tinh thần quan trọng bấy lâu của người Việt Nam. Đẳng cấp, sức mạnh của mỗi báo thể hiện qua những tên tuổi in trên báo. Có báo làm cỗ, có báo làm được yến tiệc, có báo chỉ là bữa ăn ngon hơn ngày thường. Báo Tết ANTĐ văn minh, là giai phẩm đáng đọc, trước hết về mỹ thuật. Trang bìa của họa sĩ Lê Anh Vân. PGS, NGND, Hiệu trưởng ĐH Mỹ thuật Việt Nam còn tham gia minh hoạ tuỳ bút Khai bút của Tô Hoài; cùng các họa sĩ nổi tiếng Thành Chương, Đỗ Minh Tâm góp sức. Tờ báo của công an Hà Nội mà tràn trang văn chương và có tác phẩm của nhà văn Ma Văn Kháng, Đỗ Chu, họa sĩ Nguyễn Thị Hiền, Đỗ Bích Thuý trên báo Tết, thật đáng giá!
Từ giai phẩm Xuân, họ cùng hội tụ tiệc – anh – tài. Giới văn chương có nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn, Vương Tâm, Phan Quế, Lương Ngọc An, Lê Anh Hoài, Hoàng Việt Hằng; nhà văn Đỗ Chu, Chu Lai, Phong Thu, Trần Nhương, Trần Thị Trường, nhà phê bình Nguyễn Thị Minh Thái… Bên các họa sĩ nổi tiếng Thành Chương, Lê Anh Vân, Lê Trí Dũng… là các tên tuổi từ giới khoa học: PGS.TS Nguyễn Lân Dũng, TS khảo cổ học Nguyễn Tiến Đông, nhà nghiên cứu âm nhạc Bùi Trọng Hiền. Nhà giáo có TS toán học Đinh Sĩ Đại (nguyên hiệu trưởng THPT Chu Văn An), NGƯT Đinh Văn Bình (nguyên hiệu trưởng THCS Chu Văn An). Thiếu tướng Phạm Chuyên (nguyên Giám đốc Công an TP Hà Nội) năm nào cũng đến và thuộc top về cuối cùng.
Nhà báo Đào Lê Bình sinh tại Hải Phòng, nhưng ở ông đậm chất Hà Nội, thảo nào ông toàn chọn ra những thứ độc đáo, tinh tế. Buffet của ANTĐ lúc nào cũng hấp dẫn: bê thui (tại chỗ) rắc thính, cơm rang thập cẩm, cải xanh xào nấm, cải chíp xào thịt bò, súp lơ xanh xào (thật đúng “tiêu chuẩn châu Âu”- coi trọng rau xanh), thịt gà quay, bánh bao, sườn rang, nem cuốn, nem hải sản. Lại có thịt nướng xiên que, salat Nga, sốt vang bò khoai tây cà rốt. Và tuyệt làm sao: xôi xéo và hành phi thơm lừng, kế bên là sắn luộc nghi ngút khói bày trên lá chuối xanh, đều đặt trên mẹt nhỏ. Màu sắc của thức ăn rất hấp dẫn, hài hoà. Vodka Men’s 29,5% cồn có thể thấy ở nhiều nơi, nhưng tiệc đứng với loại bia đặc trưng đất này: Bia hơi Hà Nội, quả là độc đáo. Tiệc ngon, vui bạn hay vì lòng thơm thảo của chủ nhà mà mọi người đều thưởng thức nhiệt tình, không khách khí.
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán chuyên “săn”, chụp ảnh cho văn nghệ sĩ, lần đầu tôi thấy ông nhờ bạn chụp ảnh cho mình. Nguyên Giám đốc CATP Phạm Chuyên lại giơ máy, nheo mắt như một nhiếp ảnh gia để chụp ảnh cho Nguyễn Đình Toán tạo dáng dưới gốc cây cổ thụ, tóc đã muối nhiều mà hoạt náo tựa thanh niên, chắc khung cảnh nên thơ xanh mát làm ai cũng trẻ hơn và ông Toán mới quyết ghi lại hình ảnh mình ở bối cảnh Bách thảo. Quả thế, tôi ở Việt Nam hơn 33 năm và nhiều người còn sống tại đây lâu hơn tôi, mà mới lần đầu dùng bữa ở không gian lãng mạn này.
Giữa miên man xanh, nhà báo Nguyễn Trọng Nghĩa – phó TBT ANTĐ hát Thời hoa đỏ. Biết ông làm thơ, nay lại thấy giọng hát thật truyền cảm. Máu nghệ sĩ trong các nhà báo ANTĐ thật dồi dào.
Năm ngoái, tôi đã được nghe nhà báo Đào Lê Bình hát Tôi là người thợ mỏ bằng chất giọng bariton bass. Ông yêu âm nhạc, hát hay vì từng là cựu đội viên của CLB Thiếu nhi Ba Đình (180 Quán Thánh) từ gần 50 năm trước. Phần Dessert (tráng miệng) nhớ đời của chúng tôi chính là âm nhạc. Phó TBT ANTĐ Nguyễn Thanh Bình có gương mặt điển trai nhất mà tôi thấy trong hệ của phó TBT các báo ở Hà Nội. Tôi đùa gọi anh là “nam vương” đội hình các “sếp phó”. Anh cười tươi hiền lành bên “sếp trưởng” trổ giọng nam trong trầm. Đào Lê Bình trẻ trung, tinh nghịch, hóm hỉnh cùng TS Nguyễn Tiến Đông (cựu thành viên đội Ca Cung Thiếu nhi Hà Nội từ 1972-1976, song ca liên khúc thiếu nhi. Họ hát đuổi, hát bè điêu luyện. Chưa khi nào tôi thấy ngỡ ngàng, cảm động thế. Họ đưa chúng tôi về thời niên thiếu, hay tất cả đồng hành về thơ ấu qua nhiều bài hát: Mùa hoa phượng nở, Em yêu trường em (Hoàng Vân), Đưa cơm cho mẹ đi cày (Hàn Ngọc Bích), Hạt gạo làng ta (Trần Viết Bính – Trần Đăng Khoa), Em đi giữa biển vàng (Bùi Đình Thảo)…
Tôi về, còn vẳng tiếng hát Đào Lê Bình tha thiết Bài ca trên núi (ca khúc Nguyễn Văn Thương viết cho phim Vợ chồng A Phủ, mà Tô Hoài viết kịch bản và ca từ. Ông tạm lắng những nỗi buồn đau riêng, để âm nhạc nâng đỡ, như ông vẫn sống quảng giao, hào sảng thành phong cách đặc thù.
ANTĐ là một trong các báo có vị trí đẹp nhất Hà Nội, ở trung tâm mà vẫn có vườn cây. Sân toà soạn từ đầu tháng Chạp đã rực đỏ hoa hải đường. Giờ thì có cây bưởi trĩu quả vàng. Cây đa cổ thụ ríu rít tiếng chim gù. Đất lành chim đậu. Đến thiên nhiên, chim chóc còn thích đến với ANTĐ nữa là những con người dành cho nhau ấm áp. Chưa hết cuộc gặp này đã mong lần gặp tới.
Theo ANTD
"Dế mèn phiêu lưu ký" kỷ niệm tuổi 70
Sáng qua, 20-11, tại Hội trường Hội Nhà văn Hà Nội đã diễn ra lễ kỷ niệm 70 năm xuất bản tác phẩm "Dế mèn phiêu lưu ký" - một trong những tác phẩm văn học thiếu nhi được yêu thích nhất của nhà văn Tô Hoài.
Đây cũng là tác phẩm được dịch ra nhiều thứ tiếng và phát hành tại nhiều nước trên thế giới, được chuyển thể thành truyện tranh, truyện có minh họa... với hàng chục lần tái bản, hàng triệu bản in, luôn luôn được bạn đọc yêu mến và đón nhận. Năm 1941, nhà văn Tô Hoài viết truyện "Con dế mèn" cho tủ sách Truyền Bá của Nhà xuất bản Tân Dân. Năm 1942, ông viết tiếp 2 tập "Dế mèn phiêu lưu ký" - từ đó tập truyện có diện mạo như ngày hôm nay.
"Dế mèn phiêu lưu ký" là tác phẩm đầu tay viết cho thiếu nhi của Tô Hoài và cũng là tác phẩm có giá trị rất quan trọng trong toàn bộ sự nghiệp sáng tác đồ sộ của ông. 70 năm nay kể từ lúc ra đời, cuốn sách này đã trở thành người bạn của nhiều thế hệ. Cuốn sách thấm đẫm tình yêu thương, ca ngợi lý tưởng hòa bình và tình bạn cao đẹp. Nhân dịp này, NXB Kim Đồng cũng cho ra mắt hai tác phẩm mới của nhà văn Tô Hoài: "Nói về cái đầu tôi" và "Chú bồ nông ở Sa Mác Can". Tuyển tập truyện ngắn "Nói về cái đầu tôi" bao gồm các truyện ngắn viết cho thiếu nhi trước cách mạng tháng Tám, cùng thời điểm với "Dế mèn phiêu lưu ký".
Theo ANTD
Phong tục ngày Tết Nguyên Đán Khai bút, hái lộc, chúc Tết, mừng thọ, du Xuân... tất cả những thuần phong ấy đã tạo nên nét đẹp riêng ở Tết người Việt. Anh:tgphanoi.org 1. Tống cựu nghênh tân Tục lệ này đơn giản và không cần nghi thức gì. Đó chỉ là thời điểm mọi người quét dọn sạch sẽ nhà cửa, sân ngõ, vứt bỏ những thứ rác...