“Bữa tiệc với mây” trên đỉnh Lảo Thẩn
Nằm trên độ cao 2.826 m, Lảo Thẩn được mệnh danh là nóc nhà của Y Tý, địa điểm lý tưởng để trekking… và ngắm khung cảnh thần tiên trong những ngày đầu năm khi mây trời và nắng gió cùng hòa quyện một cách ngoạn mục.
Những lối mòn xuyên giữa trập trùng mây
Vượt gió mây chinh phục độ cao 2.826 m
Khi nhắc tới đỉnh núi vươn mình sừng sững ở Y Tý, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, người ta thường nhắc đến Lảo Thẩn – một địa danh mang bao bí ẩn nằm trên vùng cao mây trời lộng gió. Ngoài ra, Lảo Thẩn còn được gọi là Nhìu Cồ San bố (phân biệt với đỉnh Nhìu Cồ San mẹ ở hướng đối diện) hay người Mông gọi là Hâu Pông San.
Đây là địa điểm lý thú cho các bạn yêu thích trekking trong hai ngày – một đêm và “săn mây” trên cao. Điểm leo núi là trang trại rau rất lớn tại đường vào bản Phìn Hồ, nơi đây từng là sân bay quân sự thời Pháp thuộc.
Đỉnh Lảo Thẩn nhọn và thoáng với góc nhìn 3600. Địa hình leo núi không quá phức tạp, chỉ mất 5 – 6 tiếng là có thể lên tới điểm nghỉ. Từ đó mất khoảng một tiếng leo dốc sẽ lên tới đỉnh. Tuy nhiên, do đường lên đỉnh toàn cây bụi, cây gai, gió mạnh, các bạn nên cân nhắc việc trợ giúp từ dân bản địa để mang đồ.
Khu vực Y Tý mây mù bao phủ, nhưng từ bản Phìn Hồ với cao độ 1.820 m thì trời xanh và nắng gắt. Băng qua những khu đồi cháy, bạn sẽ đến điểm nghỉ, là một hang đá với lán trại nhỏ của người đi rừng cùng khoảng đất khá bằng phẳng trước mặt. Đây là nơi lý tưởng để các bạn săn ảnh và ngắm hoàng hôn, bất chấp độ dốc lớn và gió núi.
Đỉnh tưởng ngay trước mắt mà xa tít tắp, bạn sẽ phải mất một tiếng rưỡi để leo dốc. Đường leo dốc là lãnh địa của các loại cây bụi và trúc lùn, những loài chỉ cao dưới 1 m vốn tiến hóa để thích nghi với khí hậu lạnh, ít nước và đặc biệt là nhiều gió. Cây bụi không phải là trở ngại mà lẩn khuất trong đó là loại cây gai đáng sợ có tên là Già từ. Với thân thẳng đứng, không cành và to chỉ bằng cây ngô, nhưng chi chít gai sắc nhọn, già từ có thể đâm xuyên cả găng tay nếu như bạn lơ đễnh. Vượt qua gió cùng những thân cây gai sắc nhọn, từ trên đỉnh cao, ta dễ dàng nhìn thấy dãy Bạch Mộc Lương Tử đằng xa và gần hơn là cụm núi Nhìu Cồ San hùng vĩ.
Đây là một trong những ngọn núi cao hiếm hoi ở Việt Nam có đỉnh bằng phẳng, quang đãng với góc nhìn gần như toàn cảnh khu vực xung quanh. Theo dân bản địa, ở lưng chừng núi có rất nhiều loại cây quý và thú hoang (bao gồm cả khỉ, lợn…) có rất nhiều trong khu rừng cây đó.
Từ đỉnh quay trở về điểm nghỉ cũng là lúc mặt trời khuất hẳn, ánh chiều hoàng hôn rực rỡ nơi cuối chân trời. Hãy tranh thủ dựng lều và nhóm củi lửa để chuẩn bị bữa chiều. Đây cũng là lúc bạn trổ tài bếp núc bởi việc nhóm lửa trong điều kiện gió mạnh gào thét không ngừng cũng là một thử thách không nhỏ. Khác với những điểm nghỉ trên núi khác, ở đây khá xa nguồn nước nên bạn phải có nước dự trữ mang theo. Kết thúc ngày thứ nhất bên hang đá và ánh lửa, bạn hãy gắng dậy sớm vào sáng hôm sau để leo lên Lảo Thẩn ngắm bình minh đỉnh núi.
“Bữa tiệc với… mây”
- Đường leo núi cơ bản không quá phức tạp, chỉ mất 5 – 6 tiếng tới điểm nghỉ, từ điểm nghỉ thêm chừng 1 tiếng tới đỉnh sẽ vất vả hơn. Cố gắng lên đỉnh lúc sáng sớm, chiều tối ngắm bình minh và hoàng hôn.- Nên mua đồ và chuẩn bị các thứ từ Hà Nội hoặc Sa Pa, tránh để phát sinh vì đồ trên Y Tý khá đắt.- Đường đi có nhiều lối rẽ, nên thuê người dẫn đường và người mang vác hành lý để tránh bị lạc đường.- Để tới Lảo Thẩn từ Hà Nội, bạn có thể đi tàu hoặc xe khách tới Lào Cai, sau đó di chuyển theo tuyến đường Lào Cai – Bát Xát – Lũng Pô – Y Tý. Từ Y Tý di chuyển khoảng 5 km sẽ tới chân núi Lảo Thẩn.
Dọc đường lên đỉnh, xen lẫn giữa màn sương mờ, bạn sẽ bắt gặp những cây Sơn tra nở hoa trắng muốt, cây Chí cò hoa vàng rực rỡ và những bông Đỗ quyên rực rỡ… Khung cảnh tuyệt đẹp, nên thơ ấy được tô điểm thêm tiếng véo von của chim rừng.
Video đang HOT
Sau khoảng tiếng rưỡi, cả đoàn cán đỉnh khi mặt trời đã tỏ rõ trên cao. Tại đây, mọi người cũng ghi lại những khung hình hoành tráng và hùng vĩ của thiên nhiên tươi đẹp. Rời đỉnh núi khi tất cả đang ngập trong ánh nắng chói chang, đoàn trở về điểm nghỉ, nhanh chóng dọn đồ xuống núi. Và từ đây “bữa tiệc với mây” bắt đầu.
Nắng làm trời trong hơn và mây dâng lên khiến bạn có thể tiếp cận gần hơn với sóng mây. Giữa đại ngàn trập trùng sóng mây là những dãy núi nhấp nhô. Khung cảnh khiến người ta có cảm giác nơi đây tựa như một bờ biển hoang sơ tuyệt đẹp với sóng mây cùng bầu trời trong xanh, không khí mát lành. Những con đường trên sóng mây xuyên qua núi, qua khu rừng huyền bí và đồng cỏ bao la khiến những đôi chân lữ hành quên đi mỏi mệt…
Dù bàn chân đã đặt tới nhiều nơi, đã chinh phục nhiều ngọn núi, nhưng trải nghiệm với Lảo Thẩn sẽ là những ấn tượng khó quên đối với mỗi thành viên trong đoàn. Với thời tiết trên cao rét lạnh và gió, bạn nhớ đem theo lều trại, thảm cách nhiệt và túi ngủ cùng các vật dụng cá nhân cần thiết… Khi lên đến độ cao hơn 2.800m, bạn sẽ cảm nhận được điều quan trọng nhất không hẳn là chinh phục đỉnh cao mà là cảm giác vượt qua chính mình; Là những trải nghiệm trên hành trình, những cảnh vật trên đường đi, những tuyệt tác của thiên nhiên, sự hùng vĩ của núi rừng; Là niềm vui, tình bè bạn …
Theo 24h
Trên nóc nhà Y Tý - Kỳ 1: Lảo Thẩn kỳ ảo
Lảo Thẩn là một đỉnh núi nhọn hoắt, vươn mình sừng sững ở vùng đất nhiều mây trời là xã Y Tý, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Ngoài ra, có người còn gọi đỉnh núi này là Nhìu Cồ San bố (phân biệt với đỉnh Nhìu Cồ San mẹ ở hướng đối diện) hay người Mông gọi nó là Hâu Pông San.
Lảo Thẩn vươn mình khỏi biển mây Y Tý
Duyên với đỉnh núi Lảo Thẩn của chúng tôi bắt nguồn từ hành trình lên đỉnh "sừng trời" Nhìu Cồ San cuối năm 2014. Khi mà nhìn từ cao, đỉnh Lảo Thẩn với thế núi mạnh mẽ, hình dáng như kim tự tháp vươn mình lên trên tầng mây. Chúng tôi còn ví nó như đỉnh núi Phú Sĩ ở nước Nhật xa xôi và rất khao khát được chinh phục. Không hẳn vì độ cao mà với thế núi cùng địa hình khu vực, tôi dự đoán đường lên đỉnh sẽ có nhiều góc nhìn đẹp, thú vị.
Khi bắt đầu tìm hiểu, tôi đã thấy sự khó khăn hiện rõ rệt khi mà không hề có bất cứ thông tin gì về ngọn núi này được chia sẻ. Chỉ biết rằng theo bản đồ địa hình của Google cho thấy đường đồng mức (đường nối liền các điểm có cùng độ cao trên mặt đất) thì Lảo Thẩn hiện ở cao độ trên 2.800m.
Để rõ hơn, chúng tôi đã đến tận nơi để tìm hiểu và khảo sát từ dân bản địa quanh khu vực núi. Lặn lội đường đất qua những bản làng người Dao tại Dền Sáng, người Hà Nhì tại bản Chung Chải, Phan Cán Sử, Phìn Hồ...nhưng cuối cùng chúng tôi lại liên hệ với những người Mông tại thôn Ngải Chồ, xã Y Tý. Vốn quen thuộc với những người Mông vốn thân thiện, thạo đi núi cùng mảnh đất Y Tý mây trời tuyệt đẹp này, nhưng những trải nghiệm trong chuyến hành trình này vẫn thật đáng nhớ với chúng tôi.
Đoàn chúng tôi ban đầu chỉ có ba anh em thân thiết, đã đi nhiều núi với nhau nhưng sau tuyển thêm ba thành viên mới và đặc biệt là có một anh chàng rất ngầu đi xe Minsk độc hành xuyên Việt tình cờ gặp trên đường. Chốt hạ đoàn có anh Kaile thích chạy bộ, Đức Lê nhóm trekking, Rei Hino thích đi xe đạp, Hương và Ngọc là hai cô nàng bé hạt tiêu, Trung Rơm là chàng trai miền Nam và tôi là người thích chụp hình.
Bỏ lại Hà Nội mưa gió, chúng tôi tới Sa Pa bằng chuyến xe khách giường nằm quen thuộc. Sa Pa đón đoàn trong sương sớm mờ ảo, bảng lảng trên mặt hồ khiến khung cảnh thanh bình và thơ mộng quá đỗi. Nhưng chỉ vừa rời Ô Quý Hồ tới cung đường bản Xèo - Tả Giàng Phình - Mường Hum - Dền Sáng là lại ngập trong mây.
Chúng tôi gặp hai anh chàng dẫn đường người Mông vui tính là A Hờ và Lử tại trung tâm xã Y Tý. Cả đoàn chuẩn bị đồ đạc đầy đủ với gạo, rau, thịt gà, thịt lợn cùng vô số thứ đồ lỉnh kỉnh khác sẵn sàng cho hành trình lên núi 2 ngày 1 đêm.
Dư giả thời gian hơn, chúng tôi còn xuống bản ngắm hoàng hôn và sáng sớm hôm sau lên Ngải Thầu săn biển mây. Dường như được ưu ái về thời tiết, mọi thứ trên đường đi đều rất thuận lợi. Khung cảnh Y Tý tuyệt đẹp với những cây sơn tra nở hoa trắng muốt, mây luồn bảng lảng qua bản làng bình yên và đâu đó trên Ngải Thầu là sóng mây chập chùng trong nắng gió.
Săn mây chán chê, phải hơn 9 giờ sáng chúng tôi mới khởi hành từ trung tâm Y Tý đến bản Trung Chải và theo dốc đất lên đường sân bay cũ. Khu vực sân bay quân sự thời Pháp hiện đã được chuyển đổi thành trang trại trồng rau sạch, có cửa cổng cùng hàng rào chắc chắn. Còn tuyến đường đất vào bản Phìn Hồ đang được cơi nới, nghe nói sẽ được đầu tư thành đường chính nối thẳng sang khu vực Trịnh Tường. Làm thủ tục gửi xe với bảo vệ trang trại, gửi lại những tư trang không cần thiết, chúng tôi bắt đầu hành trình leo núi từ đây.
Thời tiết toàn bộ khu vực Y Tý đều bị mây mù bao phủ nhưng từ chỗ chúng tôi leo với cao độ 1.820m thì trời xanh và nắng to. Kiểu thời tiết này khiến cho quãng đường đầu tiên của chúng tôi băng qua khu đồng cỏ khá là vất vả vì nắng nóng. Dạng địa hình này làm chúng tôi liên tưởng tới khu vực núi Tà Chì Nhù ở Yên Bái.
Điều đặc biệt nữa là những lối mòn nơi đây dù là tự nhiên nhưng như được lát bằng những phiến đá trắng to bản, đôi khi lại là lớp cát bụi trắng lạ mắt. A Hờ cho biết, vào mùa mưa thì dân bản cũng chăn thả bò tại khu vực này và sẽ khiến nơi đây trở thành một vùng thảo nguyên bát ngát.
Qua đồng cỏ là tới khu rừng tre trúc thân nhỏ, loại cây vốn vẫn được phân bố ở độ cao chừng 2.000m. Khi đó chúng tôi mới thoát được cảnh đi dưới trời nắng nóng. Hết trúc rồi đến thảo quả được dân bản địa trồng thu hoạch với những lán trại ngay trong rừng. Thảo quả vốn ưa độ ẩm cao nên thường mọc ở những khu rừng rậm, còn rừng ở đây thì không mọc nhiều.
A Hờ cho biết vuợt con suối cuối cùng là đến khu rừng cây có cái tên khá lạ Tung Cua Sỉn. Loài cây này mọc tự nhiên nhưng phân bổ khá đều, mọc như cây cảnh và được dân bản chặt tỉa lấy gỗ.
Ngoài ra chúng tôi còn bắt gặp những cây sơn tra nở hoa trắng muốt, cây chí cò nở hoa vàng rực rỡ. Cũng cùng khu rừng này, khi đi là trời nắng khi về thì chúng tôi ngập trong màn sương mây mờ đặc. Dù trong điều kiện nào thì khu rừng vẫn tuyệt đẹp, nên thơ trong tiếng chim rừng hót véo von.
Chọn một góc mát dưới tán cây hoa đỗ quyên đang đơm nụ chờ nở, chúng tôi có bữa trưa với cháo hộp và lương khô. Mới leo chưa quen nhịp di chuyển, lại nắng nóng nên ai cũng muốn ăn bớt thức ăn để giảm gánh nặng balo trên hành trình tiếp theo.
Tại một điểm nghỉ giữa lưng núi, chúng tôi vô cùng thích thú ghi gặp những bà lão người Hà Nhì đang ăn trưa khi đi hái cây rừng. Dù đi rừng, mang ủng và đeo bao tải nặng nề nhưng họ vẫn mặc bộ đồ cùng những chiếc khăn xanh quấn đầu truyền thống.
Tôi ấn tượng hơn cả với chú chó đen lanh lợi, có phần hung dữ như sói, luôn nhăm nhe hàm răng sắc nhọn, và dù muốn tôi cũng không thể tiếp cận. Những bà lão này thì dù không biết được tiếng Kinh vẫn hết sức thân thiện, họ còn vui vẻ khi tôi chụp hình cùng. Thông qua A Hờ trao đổi bằng thứ thổ ngữ mà chúng tôi được biết họ đang đi mót loài cây có tên là sinh khung.
Nghỉ ngơi, trao đổi một chút rồi chúng tôi tiếp tục di chuyển. Nhìn theo bóng những bà lão khuất dần sau lưng đồi khô cháy, theo sau là chú chó đen lenh lợi còn phía xa xa là biển mây trập trùng thật khiến tôi bật lên nhiều xúc cảm.
Thấp thoáng đỉnh núi Nhìu Cồ San trong nắng chiều
Từ cao độ này, chúng tôi tới nơi mà A Hờ gọi là "sóng đá" với những vách, phiến đá cheo leo bên bờ vực nhìn về phía thung lũng Dền Sáng và núi Nhìu Cồ San
A Hờ và Lử cũng rất thích thú với khung cảnh nơi đây. Họ thay phiên nhau tạo dáng và chụp hình bằng điện thoại. Riêng tôi thì rất tiếc vì trời dù nắng nhưng bị mù, không trong và tầm nhìn xa khá hạn chế. Tôi nhớ chỉ tuần trước thôi, ở ngã ba Dền Sáng thì nhìn lên rất rõ đỉnh và anh chủ quán cũng nói từ trên đỉnh Lảo Thẩn cũng có thể nhìn rõ khu vực dưới này.
Quan trọng nữa là tôi buồn vì không thấy dấu hiệu của biển mây, cho dù hướng đối diện phía Trịnh Tường vẫn dập dềnh mây. Định bụng phải đợi đến sáng sớm mai quay lại khi mây lắng đọng mới có khung cảnh huyền diệu được...
(còn tiếp)
Theo iHay
Đường chinh phục núi cao mây trời Y Tý Nằm trên độ cao 2.826m, đỉnh Lảo Thẩn được coi như nóc nhà của Y Tý với khung cảnh thần tiên khi mây trời và nắng gió cùng hòa quyện một cách ngoạn mục. Lảo Thẩn là cái tên phổ biến nhất mà người dân địa phương ở đây khi nhắc tới đỉnh núi vươn mình sừng sững ở vùng đất nhiều mây...