Bữa sáng công nhân với 2000 đồng
Chỉ với 2.000 đồng, công nhân Công ty Taekwang Vina (chuyên sản xuất giày da, Khu công nghiệp Biên Hòa 2, Đồng Nai) đã có được bữa ăn sáng ngon lành, thậm chí “sang trọng” do công ty bán hỗ trợ.
Cụ thể bữa sáng nơi đây có bánh canh, phở gà, hủ tiếu, bún chả giò, bánh bao nhân thịt…
6g30 sáng, nhà ăn Công ty Taekwang Vina nhộn nhịp công nhân ra vào đổi phiếu ăn. Gần 24.000 công nhân của Công ty Taekwang Vina làm việc tại bốn chi nhánh đều có thể vào ăn tại nhà ăn của chi nhánh công ty. Những tờ tiền 2.000 đồng được sử dụng phổ biến tại đây vì đó là giá của một suất ăn.
Suất ăn hỗ trợ
Chị Nguyễn Thị Thu Thảo (quê Đồng Nai, làm tại khâu chế tạo giày) bê tô phở gà nóng hổi đặt xuống bàn cho biết: “Ở đây tô phở gà chỉ 2.000 đồng, ở ngoài đường tô này phải 15.000 đồng”. Một nam công nhân ngồi bàn đối diện nói đặc giọng miền Trung: “2.000 đồng ở ngoài mua được cái chi? Một ổ bánh mì không hoặc nửa gói xôi. Trong đây 2.000 đồng vẫn được bữa ăn ngon lành”.
Một nữ công nhân khác nói: “Mì gói loại rẻ nhất bây giờ cũng hơn 2.000 đồng rồi, còn tô bún riêu, hủ tiếu ở các quán vỉa hè bên ngoài thấp nhất cũng 10.000 đồng. Tính ra ăn ở đây mỗi tháng tụi mình tiết kiệm được một khoản để đóng tiền phòng trọ”.
Anh Lê Văn Quang (quê Hải Dương, làm tại khâu ép đế) cho rằng không chỉ giá bán rẻ mà còn được ngồi bàn ghế sạch sẽ, có người phục vụ nên ai cũng thích không khí tại đây. Ai có nhu cầu ăn nhiều có thể mua hai suất vì công ty “bao no” để công nhân ấm bụng vào xưởng làm.
Video đang HOT
Công nhân Công ty Taekwang Vina mua bữa ăn sáng 2.000 đồng tại nhà ăn công ty – Ảnh: Trần Hưng
Còn chị Nguyễn Thị Trường Thanh (quê Đồng Nai), có thâm niên làm công nhân được 14 năm tại nhiều công ty khác nhau, chia sẻ: “Tôi làm qua nhiều nơi nhưng chỉ ở đây mới bán rẻ như vậy cho công nhân. Nếu các công ty khác cũng làm thế này sẽ được lòng công nhân lắm”.
Đến gần 8g, khoảng 4.500 phiếu ăn 2.000 đồng đã được bán ra cho công nhân. Những tờ tiền mệnh giá 2.000 đồng cứ tưởng chỉ được dùng chi trả ở những bãi giữ xe, nhưng tại đây có thể mua được một suất ăn tươm tất.
Chị Đào Lê Xuân, quản lý trưởng bộ phận nhà ăn Công ty Taekwang Vina, cho hay: “Mỗi ngày công ty thay đổi khẩu phần ăn sáng cho công nhân một lần, hôm nay ăn bánh canh, phở gà thì ngày mai ăn hủ tiếu, bún chả giò, ngày kia ăn bánh bao nhân thịt, bún riêu… Làm như vậy công nhân mới đỡ ngán và ăn được nhiều”.
Được nhiều hơn mất!
Đó là khẳng định của lãnh đạo công ty khi bắt đầu bán hỗ trợ bữa ăn sáng với giá 2.000 đồng cho công nhân của mình. Ông Đinh Sỹ Phúc, chủ tịch công đoàn công ty, cho hay cách làm trên được bắt đầu từ tháng 6/2012 và đem lại nhiều lợi ích cho công ty.
Ông Phúc lý giải công nhân thường tiết kiệm để đủ tiền chi trả nhiều khoản sinh hoạt hằng ngày nên hay ăn những món giá rẻ, do đó dễ bị ngộ độc thực phẩm và thiếu chất dinh dưỡng ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe. Khi công ty bán với giá rẻ như vậy, công nhân vừa được ăn ngon, vừa cảm thấy được sự quan tâm chăm sóc từ nơi họ làm việc nên tâm trạng vui vẻ thoải mái và họ làm việc hiệu quả hơn.
“Từ ngày bán thức ăn sáng giá 2.000 đồng, tự nhiên chúng tôi dẹp được tình trạng hàng rong lộn xộn trước khu vực cổng công ty. Anh em công nhân cũng không phải vội vã tấp vào quán bên đường vừa ăn vừa canh giờ đi làm. Tại nhà ăn có bàn ghế sạch sẽ, đến thẳng nhà ăn rồi vào làm việc luôn rất tiện. Chúng tôi thấy tình trạng đi làm trễ giờ đã giảm rất nhiều” – ông Phúc nói.
Để làm được bữa ăn sáng 2.000 đồng trên, lãnh đạo công ty đã cất công đi tìm hiểu giá cả thị trường thực phẩm cũng như các hàng quán bán đồ ăn cho công nhân. Sau khi khảo sát nhiều nơi, công ty này đưa ra phân tích giá trị thật của các món ăn sáng bên ngoài thì thấy rằng mặc dù bán với giá 10.000-15.000 đồng nhưng thực tế sau khi trừ các chi phí (công nấu, lợi nhuận, hao hụt…) giá trị thật của bữa ăn chỉ còn 5.000 đồng.
Ông Chung Sinh Tai, giám đốc nhân sự Công ty Taekwang Vina, cho biết những suất ăn bán 2.000 đồng cho công nhân hiện nay giá trị thật là 5.000 đồng. Phần thiếu hụt công ty lấy từ quỹ phúc lợi, lợi nhuận của công ty để bù đắp vào.
Một thực trạng nữa mà công ty nắm được là các nhà thầu được nhận vào nấu ăn cho công ty thường “xà xẻo” bữa ăn của công nhân để kiếm lời thêm, chi hoa hồng cho nhiều phía nên Taekwang Vina không làm theo kiểu này. Vì vậy bộ phận nấu ăn được công ty trực tiếp tuyển vào, được trả lương nên tránh được tình trạng nhà thầu cắt xén bữa ăn của công nhân.
“Công ty luôn có đội bảo vệ túc trực 24/24 giờ trước cổng, kết hợp với bộ phận quản lý kiểm tra hàng ra vào công ty. Khi đó bộ phận làm bếp có dư thực phẩm cũng không thể nào đưa hàng ra được” – ông Chung Sinh Tai khẳng định. Ông Tai cho biết thêm cách làm này tuy khiến công ty phải lo thêm nhiều việc, nhưng nếu biết thông cảm với đời sống của công nhân thì bất cứ công ty nào cũng có thể thực hiện được.
Siêu thị bán nợ
Công nhân Đặng Thị Ánh (bìa phải – làm ở khâu may giày) mua nợ 246.000 đồng thực phẩm tại siêu thị của công ty – Ảnh: Trần Hưng
Ngoài bữa ăn 2.000 đồng, Công ty Taekwang Vina còn mở một siêu thị nhỏ phục vụ công nhân của mình. Tại đây chủ yếu bán các mặt hàng nhu yếu phẩm như gạo, bột giặt, dầu gội, nước mắm, dầu ăn; được công ty lấy trực tiếp từ các đơn vị sản xuất nên giá rẻ hơn ngoài thị trường 500-2.000 đồng/sản phẩm. Mỗi tháng siêu thị cho mỗi công nhân được mua nợ 500.000 đồng. Số tiền này sẽ được công ty trừ vào tiền lương.
Theo 24h
Công nhân: Ăn mất vệ sinh, lương chưa đủ sống
Kết quả khảo sát thực tế tiền lương và thực trạng bữa ăn ca của người lao động (NLĐ) trong các doanh nghiệp, do Viện Công nhân công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) công bố ngày 9/11 cho thấy, bữa ăn của công nhân mất vệ sinh, nguy cơ ngộ độc cao và mức lương thì chưa đủ sống.
14,5% người lao động chi tiêu dưới mức sống tối thiểu
Ông Đặng Quang Hợp, chuyên viên cao cấp của Viện Công nhân công đoàn cho biết, cuộc khảo sát được thực hiện vào cuối tháng 6/2012, tại 60 doanh nghiệp thuộc nhiều thành phần kinh tế, đại diện cho bốn vùng lương trong cả nước.
Cuộc khảo sát với 2.000 phiếu hỏi đối với NLĐ, chủ yếu là đối tượng trực tiếp lao động sản xuất trên nhiều lĩnh vực (dệt may, da giày, xây dựng, giao thông vận tải, cơ khí, điện tử...) để tìm hiểu về tiền lương, thu nhập thực tế của NLĐ và chi phí cho nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của họ.
Kết quả khảo sát cho thấy, tiền lương cơ bản của NLĐ cao hơn mức lương tối thiểu theo vùng từ 39-53%.
Trong đó, tiền lương thực nhận trung bình của NLĐ thường cao hơn so với lương cơ bản từ 10-20%, đạt mức trung bình 2,860 triệu đồng/tháng.
Cụ thể, tiền lương trung bình của vùng I là 3,312 triệu đồng; vùng II là 2,940 triệu đồng; vùng III là 2,753 triệu đồng; vùng IV là 2,450 triệu đồng.
Theo loại hình doanh nghiệp, lao động trong doanh nghiệp nhà nước (DNNN) có tiền lương trung bình là 3,562 triệu đồng; doanh nghiệp FDI hơn 2,673 triệu đồng; doanh nghiệp dân doanh 2,832 triệu đồng.
Tính về nhóm ngành nghề, lương cao nhất thuộc doanh nghiệp trong lĩnh vực giao thông, xây dựng với 3,530 triệu đồng/tháng; thấp nhất là da giày chỉ 2,580 triệu đồng/tháng.
Tính về tổng thu nhập/tháng, cao nhất là DNNN đạt gần 4,5 triệu đồng; FDI hơn 3,7 triệu đồng; doanh nghiệp dân doanh gần 3,5 triệu đồng.
Khi được hỏi, liệu NLĐ có hài lòng với công việc và thu nhập của mình không? Chỉ có 0,8% trả lời rất hài lòng, trong khi có tới 28,5% nói không hài lòng và hơn 57% nói tạm hài lòng.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy, chi tiêu của một gia đình NLĐ (gồm 3 người) khoảng 4,6 triệu đồng/tháng. Với mức chi tiêu này, tiền lương tối thiểu theo vùng mới chỉ đáp ứng từ 40-46% chi tiêu của NLĐ.
Cụ thể, mức sống tối thiểu để đảm bảo NLĐ có thể tái sản xuất và tái sản xuất mở rộng sức lao động tính theo vùng: vùng I là 3,765 triệu đồng; vùng II là 3,510 triệu đồng; vùng III là 3,169 triệu đồng; vùng IV là 2,485 triệu đồng.
"Nếu so sánh với mức chi tiêu thực tế, vẫn còn khoảng 14,5% NLĐ có mức chi tiêu ở dưới mức sống tối thiểu. Mức lương tối thiểu hiện tại mới chỉ đáp ứng được 49-56,3% mức sống tối thiểu của NLĐ. Nếu so với các mức lương tối thiểu do Bộ LĐ-TB&XH đề xuất cũng chỉ đạt được 67,2%-74,7% (theo phương án một) hoặc 61,5-72,4% (phương án hai) mức sống tối thiểu" - ông Hợp cho biết.
Nhiều cuộc đình công xảy ra vì chất lượng bữa ăn không đảm bảo. (Trong ảnh: Một vụ đình công tại khu công nghiệp Quang Minh, Mê Linh, Hà Nội)
1.500 người bị ngộ độc/năm
Ông Trần Ngọc Ánh - chuyên viên cáo cấp Viện Công nhân công đoàn cho biết, khảo sát thực trạng bữa ăn ca của tại 12 tỉnh, thành phố cho thấy, đa số các doanh nghiệp khảo sát hỗ trợ tiền ăn ca cho NLĐ với mức bình quân mỗi suất ăn là 13.900 đồng và khoảng 368 ngàn đồng/tháng.
Trong đó, có 25% số NLĐ cho biết mức ăn giữa ca là 9 ngàn đồng; 46,5% hỗ trợ mức 13 ngàn đồng và 28,5% mức 20 ngàn đồng.
Về lượng bữa ăn giữa ca của NLĐ, NLĐ trong doanh nghiệp FDI và Cty cổ phần phải ăn uống kham khổ so với NLĐ làm việc trong các DNNN.
Cụ thể, có tới 24,3% số NLĐ ở Cty cổ phần và 37,5% NLĐ ở doanh nghiệp FDI cho biết bữa ăn của họ thường thiếu thức ăn. Còn về bữa ăn giữa ca, có tới gần 15% NLĐ cho rằng thức ăn không đảm bảo dinh dưỡng.
Xét về hình thức tổ chức bữa ăn, tại các doanh nghiệp thuê dịch vụ ngoài cung cấp bữa ăn, có 22,1% NLĐ cho rằng thức ăn không đảm bảo.
Về lượng gạo, tỷ lệ NLĐ tại doanh nghiệp thuê ngoài cung cấp cho rằng không đảm bảo cũng cao gấp hai lần tại doanh nghiệp tự tổ chức nấu ăn.
Khi được hỏi, đa phần NLĐ cho rằng, nếu nấu ăn tại chỗ sẽ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cao hơn hẳn so với hình thức thuê dịch vụ bên ngoài.
Đặc biệt, doanh nghiệp FDI bị phàn nàn về bữa ăn mất vệ sinh cao nhất, chiếm tới hơn 41%; Cty cổ phần hơn 31%.
Do đó, tuy số lượng NLĐ khảo sát bị nhiễm độc chỉ chiếm khoảng 2,5% song hầu hết họ đều lo sợ nguy cơ ngộ độc thực phẩm xảy ra trong thời gian tới.
Trong khi đó, theo đánh giá của Viện dinh dưỡng, khẩu phần ăn của NLĐ tại một số khu công nghiệp mới chỉ đáp ứng được 89,7% nhu cầu về năng lượng.
Bữa ăn của NLĐ không chỉ thấp về chất lượng mà còn nghèo về giá trị dinh dưỡng. Trong thành phần bữa ăn chỉ có 12% lượng protein, 16% chất béo, còn lại là chất bột (gạo, ngô, khoai).
Trong khi đó, theo số liệu của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế), tại các khu công nghiệp - khu chế xuất, những năm gần đây, có từ 11-20 vụ ngộ độc/năm với trung bình 1.500 người mắc ngộ độc. Trong đó, các bếp ăn tập thể ở miền Nam chiếm 1/3 số vụ.
Theo 24h
Đời sống công nhân thời "thất nghiệp, bão giá": Những ngày bĩ cực Với đồng lương ít ỏi, đời sống CN vốn đã khốn khó, khi mất việc hoặc bị DN nợ lương, cho nghỉ không lương thì càng thêm túng quẫn. Không tìm được việc, Thời xin đi bán quần áo thuê ở chợ đêm CN. Trong 9 tháng qua, kinh tế khó khăn đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của các doanh...