Bứa Ngọc Vừng
Không chỉ ăn trực tiếp, có vị ngọt và thơm dễ chịu như măng cụt, bứa mọc tự nhiên trên rừng ở đảo Ngọc Vừng (Vân Đồn) còn là loại gia vị chế biến các món canh chua, lẩu ngon khó quên.
Bứa tươi chín và bứa khô Ngọc Vừng.
Bứa (tên khoa học là Garcinia obiongifolia Champ) là loài cây thân gỗ lớn, chiều cao trung bình từ 6-7m, có nhiều cây lâu năm cao 10-15m, tán xoè rộng, thường mọc hoang ở trên rừng đồi núi, phân bố nhiều ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Lá bứa hình thuôn dài, đuôi lá nhọn, mép nguyên và nhẵn bóng có nhiều điểm mờ, ăn có vị chua nhôn nhốt.
Quả bứa là loại quả cùng họ với măng cụt, tuy nhiên quả bứa nhỏ hơn, vỏ dày, có khía múi, thoạt nhìn qua giống quả ổi găng. Điểm khác biệt so với măng cụt là quả bứa nhỏ hơn có mùi hương dễ chịu, có vị chua, vỏ màu xanh, khi chín vỏ chuyển màu vàng bắt mắt. Mọi người vẫn thường sử dụng quả bứa làm gia vị cho các món canh chua hoặc món cá kho.
Ở Quảng Ninh, loại cây chủ yếu mọc trên rừng đặc biệt có nhiều ở các tuyến đảo của huyện Vân Đồn như ở Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng… Riêng ở Ngọc Vừng, bứa có rất nhiều tại Cảng Đào, Bà Vi hoặc ở các đảo đá ngoài biển như: Đồng Miếu, Đất Nứt, Phượng Hoàng… Vào mùa, người dân ở đây đi bộ lên rừng hoặc dùng thuyền đi sang những đảo nhỏ để “săn” bứa.
Video đang HOT
Người dân Ngọc Vừng bổ bứa mang phơi.
Theo cư dân đảo Ngọc Vừng thì bứa chỉ cho quả một lần trong năm, thường chín rộ vào tháng 7 – 8 dương lịch. Cứ đến độ này dân đảo đi hái bứa dọc các cánh rừng trên đảo. Bứa cũng có hai loại chính, đó là những quả bứa chín rất to, mọng, vỏ vàng ngon mắt, có thể tách vỏ dễ dàng, ruột ngọt như quả măng cụt gọi là bứa tháp. Loại khác quả nhỏ hơn, khá chua gọi là bứa găng dùng để nấu canh chua, hoặc ngâm rượu.
Bứa ngon nhất là chế biến khi quả đã già, chín toả mùi thơm nức kích thích. Bứa có vị chua thanh nhẹ, không đậm nhưng càng đun kỹ lại càng chua. Đặc biệt có lẽ được hưởng khí hậu, nắng gió biển đảo mà bứa đảo rất hợp để nấu các loại canh chua hải sản. Mỗi nồi canh cá chua chỉ cần 1 hoặc đôi quả bứa thì sức hấp dẫn sẽ tăng gấp bội. Ngoài bứa tươi, người dân còn chế biến theo những cách thức đơn giản nhằm mục đích bảo quản bứa để có loài quả đặc sắc này dùng quanh năm.
“Sau khi được thu hái ở rừng về người dân tách vỏ, bỏ ruột, thái làm đôi làm ba theo chiều ngang rồi đem phơi dưới nắng hè tháng 7 chừng 1 – 2 nắng đến khi khô, bứa chuyển màu nâu đen là có thể cất đi để dùng cả năm. Bứa khô có màu nâu đen, trông không bắt mắt, nhưng lại có vị chua thanh tuyệt ngon, rất phù hợp nấu chua hoặc nấu lẩu các loại hải sản.
Mỗi nồi canh hoặc lẩu cá chỉ cần vài lát bứa khô là đủ chua, càng đun kỹ càng ngon vị chua thanh, không gắt khiến cho thực khách càng thưởng thức càng nhớ. Đi rừng hái bứa trở thành nghề cho thu nhập khá ở Ngọc Vừng” – ông Nguyễn Văn Hùng, thôn Bình Minh, xã Ngọc Vừng chia sẻ.
Bứa phơi vàng ruộm trên các phên ở Ngọc Vừng.
Ngày nay, người dân Ngọc Vừng còn chia sẻ cách bảo quản bứa tươi bằng cách rửa sạch rồi cất vào ngăn đá, đến khi cần sử dụng chỉ cần giã đông. Rượu bứa cũng là thứ đồ uống khá có tiếng trên xã đảo này.
Đây là loại quả chứa nhiều vitamin C, tốt cho sức khỏe. Từ xưa, bứa đã được coi là một cây thuốc quý trong điều trị các bệnh mẩn ngứa, dị ứng, viêm loét dạ dày, tá tràng, tiêu hoá kém…
Đến Ngọc Vừng tháng 7- 8, du khách sẽ bắt gặp cảnh người dân đi rừng đưa về hàng túi bứa to, các chị các mẹ ngồi tách vỏ bứa, phơi đầy trên phên ven đường, đừng quên chọn cho mình vài quá bứa chín vàng thưởng thức hoặc vài kí khô bứa tươi hoặc khô để chế biến các món canh hải sản tuyệt ngon.
Về Tân Phú ăn canh chua hoa lục bình
Tân Phú là một huyện miền núi thuộc tỉnh Đồng Nai, cách trung tâm Tp. Biên Hòa khoảng 110km về phía Bắc. Tân Phú nổi tiếng là điểm đến hấp dẫn với VQG Cát Tiên, Khu du lịch Suối Mơ, hồ Đa Tôn.
Ngoài ra, đến với Tân Phú du khách còn được thưởng thức nhiều món ăn ngon của người dân địa phương, trong đó phải kể đến là món canh chua nấu với hoa lục bình. Món ăn này tuy dân dã nhưng mang đậm nét văn hóa rất riêng của vùng đất Đồng Nai này.
Du khách đến với Tân Phú vào khoảng từ tháng 6 đến tháng 9 dương lịch thì chắc chắn sẽ được thưởng thức món ăn này một cách trọn vẹn.
Canh chua nấu với hoa lục bình ( hoa bèo tây) có vị ngọt mát, tốt cho sức khỏe (giúp tiêu hóa tốt, an thần, cải thiện tình trạng trí nhớ giảm sút ở người lớn tuổi...) nên được người dân tại vùng đất Tân Phú rất ưa chuộng, đặc biệt là ở miệt Cát Tiên và xem như một món đặc sản để chiêu đãi mỗi khi có khách ghé thăm.
Nguyên liệu để nấu món ăn này ngoài hoa lục bình còn phải kết hợp với nhiều thành phần khác như bạc hà, ngò gai, ngò om, hành phi, ớt xắt... tùy theo từng vùng mà người ta dùng cá lóc, lươn, tôm tươi... để nấu cùng. Lục bình sau khi hái về, đem nhặt lấy phần phần hoa non được ngắt từ chóp hoa đến phần cuống khoảng gần 1 gang tay, rửa nhẹ để hoa không bị nát. Sau đó, ngâm hoa với nước pha với chút muối trong khoảng thời gian nhất định rồi vớt ra để cho ráo.
Để món canh chua hoa lục bình được thơm ngon, ngoài việc có một mẻ cá tươi thì người chế biến cũng phải có kỹ năng khi chế biến. Cá sau khi làm sạch, chiên sơ cho thịt cá săn lại, gắp ra dĩa. Sau đó, bắc nồi nước nấu với một lượng vừa đủ. Để tạo cho món ăn có vị chua có thể dùng me, cơm mẻ hay dùng tắc (quả quất) tùy theo sở thích. Nếu sử dụng me thì nước có vị chua gắt nhưng nếu dùng nước cốt tắc để nêm thì nước canh sẽ có vị chua thanh, nước trong và thơm hơn. Khi nước sôi, bỏ cá vừa chiên vào, nêm nếm với một chút muối, bột ngọt, đường, nước mắm để canh thêm đậm vị. Khi cá vừa chín tới bỏ bạc hà, hoa lục bình vào rồi mới tắt bếp. Cuối cùng là múc canh ra tô, bỏ ngò gai, ngò om đã thái nhỏ, rắc hành phi và trang trí thêm vài lát ớt là dùng được.
Lục bình là loại cây thủy sinh sống nổi theo dòng nước tại các con sông, dòng suối, kênh, rạch, ao, hồ... có nguồn gốc từ Nam Mỹ.
Canh chua hoa lục bình có thể dùng kèm với bún lá hoặc với cơm trắng. Điều đặc biệt của món ăn này là nước canh có màu tím rất đẹp đi kèm với vị ngọt của cá, độ giòn mát của hoa lục bình...
Nếu du khách đến với Tân Phú vào khoảng từ tháng 6 đến tháng 9 dương lịch thì chắc chắn sẽ được thưởng thức món ăn này vì đây là mùa sinh trưởng của lục bình, cây ra hoa rất nhiều, cuống hoa sẽ non và giòn hơn.
Có thể nói mỗi vùng đất đều có những nét văn hóa riêng biệt được thể hiện rất rõ qua nếp sống thường nhật của người dân địa phương hay những món ăn được chế biến lấy cảm hứng từ thiên nhiên như cọng rau, cánh hoa, con cá... Tất cả hòa quyện vào nhau tạo nên một hương vị vừa lạ lại vừa quen. Du khách hãy đến với Tân Phú để khám phá một vùng bình nguyên xanh ẩn chứa nhiều điều kỳ diệu và để có dịp thưởng thức món canh chua hoa lục bình mang đậm hương vị dân dã này nhé.
Clip: Chế biến món canh chua từ cá mặt quỷ độc nhất thế giới Nọc độc của cá mặt quỷ có thể giết chết nạn nhân trong chưa đầy một giờ. Nhưng với sự hiểu biết và khéo léo, đầu bếp có thể chế biến con vật vô cùng nguy hiểm này thành món ngon phục vụ thượng khách.