“Bùa lưỡi” vây trường học: Bộ Công an vào cuộc
Các trường hợp quảng bá, mua bán, lôi kéo học sinh sử dụng ma túy “tem giấy” hay “ bùa lưỡi” sẽ bị xử lý.
“Tem giấy” hay còn gọi là “bùa lưỡi” chứa chất gây ảo giác mạnh (ảnh minh họa)
Thời gian gần đây, báo chí và mạng xã hội có nhiều tin, bài về “tem giấy” hay “bùa lưỡi” chứa chất LSD, một loại ma túy gây ảo giác, đang bủa vây trường học, đầu độc giới trẻ.
Chiều 22.9, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc phòng ngừa, đấu tranh với ma túy dưới hình thức “tem giấy”.
Theo đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan, địa phương liên quan kịp thời triển khai các biện pháp phòng ngừa và đấu tranh hiệu quả đối với hiện tượng này, báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31.10.2016.
Video đang HOT
Bộ Công an chỉ đạo công an các địa phương tăng cường quản lý địa bàn, đặc biệt khu vực xung quanh trường học, xử lý nghiêm các trường hợp quảng bá, mua bán, dụ dỗ, lôi kéo học sinh, sinh viên sử dụng ma túy.
Phó Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng cường giáo dục, tuyên truyền cho học sinh, sinh viên và phụ huynh về tác hại và cách nhận biết các loại ma túy, đặc biệt là chất LSD; phát hiện và ngăn chặn kịp thời việc sử dụng chất gây nghiện, chất hướng thần trong trường học; kiểm tra, đánh giá và hướng dẫn công tác phòng ngừa ma túy trong trường học ở một số địa bàn trọng điểm.
Theo Tất Định (Dân Việt)
"Bùa lưỡi" chứa ma túy bủa vây trường học, đầu độc giới trẻ
Dùng "tem giấy"hay "bùa lưỡi" sẽ gây ảo giác, khiến người chơi tưởng tượng mình đang nhìn thấy quỷ dữ hay siêu nhân.
Tem giấy chứa ma túy gây ảo giác rất mạnh.
Mấy ngày qua trên mạng xã hội chia sẻ hình ảnh những con "tem giấy" đang được giới trẻ sử dụng. Đây là loại tem giấy" hay "bùa lưỡi" được sử dụng bằng cách le lưỡi liếm như dán tem. Loại tem giấy này chứa ma túy đang bủa vây trường học tại TP.Hồ Chí Minh.
Theo mô tả, tem giấy được sản xuất với hình mẫu như con tem với 20 miếng tem nhỏ dính lại. Người dùng chỉ cần tách từng miếng nhỏ, lè lưỡi, ngậm lại và chờ những ảo giác mạnh nhất xuất hiện. Tem giấy có giá khá rẻ. Mỗi miếng nhỏ "tem giấy" chỉ khoảng 20.000 đồng. Vì thế giới trẻ rất dễ tiếp cận. Khi test nhanh không phát hiện loại ma túy này.
Tại TP.HCM, mới đây Bệnh viện Tâm thần TP.HCM cũng tiếp nhận một trẻ 13 tuổi được mẹ dẫn đến khám khi thấy con có những triệu chứng bất thường như vẻ mặt bé ngây dại, nhìn mẹ sợ hãi. Khi mẹ đến gần thì la hét, bỏ trốn. Sau khi được khám riêng, nói chuyện với bác sĩ, cậu bé khai đã ngậm 5-10 miếng "tem giấy" mỗi ngày.
Bác sĩ kết luận, cậu bé này bị hoang tưởng, loạn thần do dùng tem giấy hay "bùa lưỡi" có chất gây nghiện. Dưới tác dụng của chất kích thích này, cậu bé thấy mẹ mọc hai răng nanh, giống ác quỷ nên luôn sợ hãi, la hét và bỏ trốn khi nhìn thấy mẹ.
Trước thông tin này, chia sẻ với phóng viên, BS La Đức Cương, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương cho biết, hiện tại bệnh viện chưa tiếp nhận trường hợp nào sử dụng tem giấy phải nhập viện. Tuy nhiên, bác sĩ Cương cũng rất lo ngại, loại tem giấy" hay "bùa lưỡi" sẽ được giới trẻ sử dụng nhiều và đầu độc giới trẻ.
"Do mức độ nguy hiểm nên chúng tôi sẽ phối hợp với Bộ Công An để cảnh báo về loại ma túy này", ông Cương cho hay.
Theo bác sĩ Cương, "tem giấy" chứa chất LSD là một loại ma túy không mới. Đây là miếng giấy được tẩm chất gây ảo giác LSD (Lysergic Axit Diethylamide), là chất bán tổng hợp được chiết xuất từ nấm cựa gà. Chất gây nghiện này tái xuất hiện trong thời gian gần đây sau một thời gian dài (từ cuối thập niên 1970) thế giới ngầm đã ngưng sản xuất.
"Đây là chất gây ảo giác mạnh nhất cho đến nay, chỉ vài chục microgam đã có thể gây ảo giác nên được xem chất ma túy nguy hiểm nhất", bác sĩ Cương cho hay.
Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương cảnh báo, tem giấy nhắm vào đối tượng học sinh, lứa tuổi này các em chưa ý thức được trong tem giấy chứa chất nguy hiểm gì mà chỉ đơn giản nghĩ là một trò đùa của trẻ em. Khi dùng lại có những ảo giác, cuốn hút, dẫn đến dùng như một thói quen, nghiện ngập, hoang tưởng.
"Đập đá" và "tem giấy" có mức độ nguy hiểm như nhau. Với "tem giấy", người chơi sẽ bị ảo thị, thấy những hình ảnh kỳ lạ như mẹ là quỷ dữ mà thấy mình đứng dưới đất hay thấy mình là siêu nhân bay lượn trên trời...", bác sĩ Cương cảnh báo.
Trước tình trạng này, bác sĩ La Đức Cương khuyến cáo, phụ huynh cần quan tâm con trẻ thật kỹ, tìm hiểu những thay đổi tâm sinh lý của con cái.
"Phụ huynh phải cảnh báo con trẻ trước mức độ nguy hiểm của loại ma túy này" , bác sĩ Cương nói.
Ngoài ra, khi thấy con có triệu chứng bất thường như mất ngủ hoặc ngủ bất thường (ngủ ngày, đêm thức), hốt hoảng, sợ sệt, hành vi kỳ dị thì nên đưa con đến khám bác sĩ chuyên khoa".
Theo Diệu Thu (Dân Việt)
Vì sao trẻ Phần Lan học nhàn vẫn giỏi nhất châu Âu? Ở đây trẻ em chỉ bắt đầu đi học khi 7 tuổi, nhưng những gì xảy ra trước đó mới thực sự quan trọng. Các em nhỏ vui chơi tại nhà trẻ Franzenia tại thủ đô của Phần Lan Đó là một buổi chiều tháng 9 ấm áp ở huyện Kallio, thủ đô Helsinki, Phần Lan. Một nhóm các em nhỏ 4-5 tuổi...