‘BS Phong phát ngôn cá nhân nhưng sẽ ảnh hưởng lớn đến người bệnh’
Theo các chuyên gia, BS Phong chia sẻ việc bệnh nhân khỏi bệnh sau khi đến chùa Ba Vàng là vô căn cứ, có thể khiến một số người lầm lạc, không còn tin vào y học hiện đại.
BS Nguyễn Hồng Phong xuất hiện trong buổi thuyết pháp ở chùa Ba Vàng Bác sĩ Nguyễn Hồng Phong, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), chia sẻ tại buổi thuyết pháp ở chùa Ba Vàng (Quảng Ninh), tối 21/3.
Tối 21/3, đại đức Thích Trúc Thái Minh, trụ trì chùa Ba Vàng (Quảng Ninh) đã tổ chức buổi pháp thoại được phát trực tiếp trên trang Facebook và website của chùa), có hàng trăm người tham dự.
Trong buổi pháp thoại này, Đại đức Thích Trúc Thái Minh đã mời một số phật tử lên chia sẻ. Một trong số đó là anh Nguyễn Hồng Phong. Người này nói mình là bác sĩ (không nói nơi công tác), tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội.
Zing.vn xin đăng tải bài viết thể hiện quan điểm của TS Trương Hồng Sơn Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, Phó tổng thư ký Tổng hội Y học Việt Nam, về vấn đề này.
Y học thế giới đã phát triển trong nhiều thế kỷ, khởi đầu từ giai đoạn y học tâm linh (Spiritism Medicine). Người châu Âu, người Hy Lạp cổ tin rằng bệnh tật là “sự trừng phạt của thánh thần” và chữa bệnh là một “món quà từ các vị thần”. Vào thời kỳ xa xưa đó, nền y học La-Hy mang nhiều tính chất thần thoại. Mỗi khi mắc bệnh, người La Mã đến đền thờ cầu khẩn các vị thần linh: Minerva, Diana, Hygiea,…
Tại vùng Lưỡng Hà và Ai Cập, vào thời kỳ cổ đại, trong khoảng thời gian 3.500-1.500 năm trước Công nguyên đã phát triển nền y học sơ khai. Trong nền y học sơ khai này, siêu nhiên có mặt trong tất cả các khía cạnh bệnh tật và chữa bệnh. Bệnh tật và tai họa đều được gán cho các tác nhân siêu nhiên: thần thánh, ma quỷ…
Trong thời kỳ này, việc chẩn đoán, phòng ngừa, điều trị bệnh đều cần đến ma thuật, cúng kiến, cầu khẩn. Các phù thủy, shaman (người lên đồng), thầy pháp,… là những người đứng ra phù phép, cúng kiến để “chữa bệnh” cho mọi người.
Ở phương Đông, Kinh Vệ Đà có ghi lại những tài liệu được soạn ra trong khoảng 1.500-1.000 trước Công nguyên cho thấy những thầy thuốc, được xem như thần thánh, chiến đấu chống lại ma quỷ, cử hành những nghi thức thần bí chống lại bệnh tật, dịch bệnh.
Y thuật tâm linh là hiện tượng chữa bệnh dựa vào các quyền lực thần bí. Trong thời kỳ này, người ta tin rằng bệnh là do sự quở phạt của thần linh. Khi có bệnh, họ nhờ cậy vào “thầy mo”, “thầy cúng”, cầu thần linh cho khỏi bệnh.
Y học trong giai đoạn này kém hiệu quả do dựa trên cơ sở mê tín. Vì vậy, trong thời gian dài không có tiến bộ đáng kể. Dần dần nó được thay thế bởi nền y học tiến bộ hơn, hiệu quả hơn, đó là giai đoạn y học kinh nghiệm (Empiric Medicine) rổi chuyển sang giai đoạn y học khoa học (Scientific Medicine) hay y học thực nghiệm (Experimental Medicine).
Ngày nay, y học thế giới đã bước vào giai đoạn y học hiện đại với các nền tảng là y học chứng cứ (Evidence Based Medicine) và y học cá thể hóa (Personalized Medicine). Hiểu về lịch sử của y học thế giới để thấy rằng đã có những bước tiến rất dài về kiến thức, thực hành và quan điểm sai lầm chỉ tồn tại ở cộng đồng kém phát triển, tồn tại nhiều hành vi mê tín, dị đoan.
Dù phát ngôn cá nhân nhưng sẽ ảnh hưởng đến người bệnh
Phát ngôn khuyên bệnh nhân đến chùa Ba Vàng chữa bệnh của bác sĩ Nguyễn Hồng Phong trong buổi pháp thoại tại chùa Ba Vàng (Quảng Ninh) tối 21/3 vừa qua, dù anh này đính chính chỉ mang tính cá nhân, nhưng sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều người, rất nhiều bệnh nhân.
Theo TS Trương Hồng Sơn, dù phát ngôn của bác sĩ Nguyễn Hồng Phong mang tính cá nhân nhưng vẫn có sự ảnh hưởng lớn đến người bệnh. Ảnh cắt từ clip.
Những phát ngôn này có thể khiến một số người bệnh lầm lạc, không còn tin vào y học hiện đại và các phương pháp chữa bệnh khoa học nữa. Họ có thể tìm đến các phương pháp chữa bệnh mang tính mê tín dị đoan, truyền miệng, vô căn cứ. Từ đó, có thể bệnh không được chữa khỏi, thậm chí gây ra nhiều biến chứng và nguy hiểm đến tính mạng.
Quy trình làm việc không hợp lý
Trong phần chia sẻ tại buổi pháp thoại ở chùa Ba Vàng, bác sĩ Nguyễn Hồng Phong, nói: “Bệnh nhân của tôi khi chẩn đoán, điều trị theo đúng phác đồ nhưng không thể ra được bệnh, hoặc diễn tiến bất thường. Tôi biết đến pháp hội và khuyên bệnh nhân đến chùa Ba Vàng xem thế nào. Người này đến chùa được thầy dạy về nhân quả, không mê tín gì đến bệnh nhân của tôi. Sau một thời gian biết sám hối, làm cơm chay, quỳ lạy tổ tiên, cha mẹ,… Bệnh nhân đến khám lại, điều thần kỳ đã xảy ra, tôi chỉ dùng 2 liều men tiêu hóa đã ổn định hoàn toàn”.
Theo tôi, quy trình làm việc này của bác sĩ Phong là chưa hợp lý.
Thông thường, việc không tìm ra nguyên nhân gây bệnh cho bệnh nhân trong một giai đoạn điều trị là tình trạng có thể xảy ra. Bởi, bệnh tật rất phức tạp, thay đổi khác nhau giữa các cơ thể người, mức độ và tình trạng bệnh phụ thuộc vào nhiều yếu tố bên ngoài cũng như trong cơ thể.
Trong trường hợp bác sĩ chưa đưa ra được chẩn đoán, ca bệnh này có thể sẽ được đưa ra trong cuộc họp giao ban bệnh viện hoặc các cuộc hội chẩn, để các thầy, đồng nghiệp cùng xem xét và thảo luận. Thông thường, sau cuộc hội chẩn, nguyên nhân gây bệnh sẽ được tìm ra.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp hiếm gặp, nếu sau khi hội chẩn các bác sĩ vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân gây bệnh và phác đồ điều trị, người bệnh sẽ được chuyển lên các bệnh viên tuyến trên hoặc các bệnh viện chuyên khoa – nơi có các bác sĩ với trình độ chuyên môn cao hơn và nhiều kinh nghiệm hơn để chẩn đoán và chữa trị.
Tiến sĩ Trương Hồng Sơn – Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam. Ảnh: BSCC
Khỏi bệnh sau khi lên chùa là vô căn cứ
Việc sau khi lên chùa “thỉnh vong”, sau đó khỏi bệnh, hợp thuốc là vô căn cứ. Từ trước đến nay, tại Việt nam đã có không ít các vụ việc chữa bệnh bằng cách mê tín, thổi, sờ, giẫm, đạp,… đã được báo chí đưa tin là lừa đảo, không có thật. Việc “thỉnh vong” theo tôi cũng là một hiện tượng tương tự như vậy.
Về mặt bệnh lý, để được xác định đúng và đưa ra hướng điều trị phù hợp, bệnh nhân phải được khám và chẩn đoán dựa trên các cơ sở khoa học. Tùy theo từng chuyên khoa sẽ có sự kết hợp giữa y học hiện đại với y học cổ truyền và tâm lý liệu pháp. Nhưng dù là phương pháp hay sự kết hợp nào, người bệnh cũng phải tuân thủ theo phác đồ bác sĩ điều trị.
Sự tồn tại của thế giới tâm linh được một bộ phận cộng đồng công nhận và điều đó giúp cân bằng cuộc sống, có nơi nương tựa về mặt tinh thần. Chúng giúp con người làm việc lành, việc thiện, tránh làm điều ác. Nhưng chúng ta cần tránh những việc mê tín, dị đoan, đặc biệt là trong y học vì nó liên quan trực tiếp đến sức khoẻ của con người.
“Không thể có chuyện bác sĩ “bí” thì khuyên bệnh nhân lên chùa”
BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, cho biết khi chuẩn đoán phải ra căn nguyên bệnh, hội chẩn, làm xét nghiệm. Đi chùa chỉ phục vụ mục đích cho bệnh nhân an lòng, không thể đưa người bệnh vào đó để chữa bệnh bằng một phương pháp “thần thánh” nào cả.
“Là một bác sĩ phải có trách nhiệm phải tìm cho ra bệnh. Bác sĩ Nguyễn Hồng Phong nói nhiều bệnh nhân đã được chữa khỏi bênh nhờ vào chùa, vậy con số là bao nhiêu? Tại sao không chẩn đoán ra bệnh lại khuyên họ đến chùa?”, bác sĩ Khanh bức xúc nói.
Theo BSCKII Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), về mặt chuyên môn, vị bác sĩ này chưa đủ “tầm”.
“Y học hiện nay đang phát triển rất nhiều, nếu chẩn đoán không ra bệnh thì bác sĩ phải hội chẩn với đồng nghiệp, đâu thể nào “bí” thì khuyên bệnh nhân của mình đi chùa chữa. Bên cạnh đó, khi mắc bệnh, bản thân mình là thực thể thì phải can thiệp y học hiện đại, không thể nào cầu nguyện, giải “nghiệp” mà hết được bệnh”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.
Đang có một ‘bệnh viện’ ở chùa Ba Vàng? Rất nhiều video trên kênh Youtube Phạm Thị Yến (Tâm Chiếu Hoàn Quán) xuất hiện người chia sẻ bản thân chữa khỏi bệnh nhờ “biết đến chùa Ba Vàng”.
Theo Zing
Chữa bệnh ung thư bằng con đường ăn uống có đúng không?
Theo các bác sĩ Bệnh viện K, chế độ ăn chưa bao giờ được thiết kế nghiên cứu như một phương pháp điều trị đặc hiệu ung thư.
Trong thời gian gần đây, mạng xã hội Việt Nam và một số nước trên thế giới đều xôn xao về cách phòng tránh và chữa trị ung thư bằng phương pháp vô cùng đơn giản, đó chính là qua con đường ăn uống.
Nội dung của phương pháp này là "tế bào ung thư có tính axit, ăn thực phẩm có tính kiềm sẽ cô lập tế bào ung thư", và cho rằng nếu không ăn thịt, đường bột mà chỉ uống bổ sung các loại nước có tính kiềm như nước xay bằng rau, các loại củ như: carrot, củ cải, củ dền, cam, táo... thì tế bào ung thư sẽ tự chết mà không cần sự can thiệp của y học hiện đại.
Những nội dung trên được trích ra từ cuốn sách bán chạy "The pH Miracle: Balance Your Diet, Reclaim Your Health" của tác giả Robert O Young.
Cuốn sách tạm dịnh là "Phép màu pH: Cân bằng chế độ ăn, lấy lại sức khỏe" xuất bản năm 2002, được dịch ra nhiều thứ tiếng.
Liên quan đến vấn đề này, GS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K cho biết, những người theo phong trào kiềm hóa cơ thể cho rằng chỉ cần thay đổi những hoạt động hàng ngày, tư tưởng, ăn 100% thực phẩm tạo kiềm, nếu PH = 8,5, tế bào ung thư sẽ chết.
Điều này hoàn toàn không có cơ sở khoa học. Đến nay chưa có bất kỳ nghiên cứu hay khuyến cáo nào cho thấy sử dụng các phương pháp nêu trên có tác dụng điều trị ung thư.
GS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K
Cũng theo ông Thuần, vấn đề dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng giúp người bệnh có đủ sức khoẻ để chống chọi với bệnh tật, đáp ứng được các phương thức điều trị ung thư đặc hiệu như: phẫu thuật, hóa trị, xạ trị...
Người bệnh có thể lựa chọn chế độ ăn chay: ăn nhiều rau xanh, trái cây và ngũ cốc song phải đảm bảo đó là chế độ ăn chay lành mạnh, đa dạng, phong phú và cung cấp đầy đủ năng lượng. Vì nếu người bệnh không được cung cấp đủ năng lượng sẽ dẫn đến gầy sút, suy kiệt.
Với bệnh nhân ung thư, các bác sĩ thường khuyên ăn chế độ đầy đủ chất dinh dưỡng gồm vitamin, nước, khoáng chất, đường, đạm, chất béo. Ngoài ra cần giữ cân năng hợp lý, hạn chế uống rượu, không hút thuốc lá và tập thể dục đều đặn.
Trong quá trình điều trị cho các bệnh nhân của mình, GS Nguyễn Bá Đức - nguyên GĐ bệnh viện K Trung ương cho biết: có nhiều người bệnh suy nghĩ rằng phải nhịn ăn để cho tế bào ung thư không phát triển, việc bỏ đói tế bào ung thư thậm chí còn làm cơ thể chúng ta suy kiệt, không đủ thể trạng đáp ứng trong quá trình điều trị. Một số người bệnh ung thư được khuyên không nên ăn đạm, chỉ được ăn gạo lứt, muối vừng. Căn bệnh dày vò chúng ta về tinh thần, nếu bây giờ chúng ta nhịn ăn nữa thì sụp đổ cả về mặt sức khoẻ. Người bệnh sẽ chết vì bị suy nhược trước khi chết vì bệnh.
GS Nguyễn Bá Đức - nguyên GĐ bệnh viện K
"Trước tiên phải nói là chế độ ăn cho người người bệnh, có một số bệnh người ta quy định phải có chế độ ăn riêng để tránh làm cho bệnh nặng thêm hoặc ảnh hưởng đến việc điều trị. Ví dụ bệnh thận, viêm cầu thận thì phải kiêng ăn mặn vì ăn mặn giữ nước, làm thận bị phù. Tuy nhiên, không có chế độ kiêng đối với người ung thư. Có một số người bị ung thư đồng thời cũng bị một số bệnh khác thì nếu có phải kiêng thì là kiêng cho bệnh đó. Vì vậy, tôi khẳng định quan niệm nhịn ăn để cho tế bào ung thư không phát triển hoàn toàn sai lầm, không có căn cứ khoa học" - GS Đức nói.
Bản thân bệnh ung thư không phải kiêng bất cứ thực phẩm nào, ngược lại người bệnh phải ăn đầy đủ chất dinh dưỡng để có sức khoẻ để điều trị theo các phương pháp như phẫu thuật, xạ trị, hay hoá trị.
Còn đối với bác sĩ Nguyễn Thị Việt Hương - Bệnh viện K Trung ương nói rằng, nhiều bệnh nhân đã kiêng quá nhiều, quá mức làm cho chế độ ăn của bệnh nhân thiếu chất, căng thẳng, mất nhiều công sức chuẩn bị và lo lắng về bữa ăn.
bác sĩ Nguyễn Thị Việt Hương - Bệnh viện K Trung ương
Nên tuân theo nguyên tắc: Tùy người, tùy bệnh, tùy lúc, thực hiện biện chứng để áp dụng cách ăn uống thì mới có lợi cho việc phục hồi sức khỏe và kéo dài thời gian sống của người bệnh.
Cần phải hiểu về những món, những lúc kiêng tuyệt đối và những món nên giảm nên kiêng nhưng nếu thèm thì cũng có thể ăn chút chút. Đừng biến chuyện ăn của người bệnh ung thư trở thành áp lực.
Bác sĩ Hương cũng chia sẻ thêm về chế độ ăn cho bệnh nhân ung thư:
1. Ung thư không phải là một bệnh mà là tập hợp hơn 200 loại ung thư, mỗi loại lại có hàng chục phân nhóm, liên quan đến nhiều yếu tố nguy cơ mắc bệnh khác nhau. Vì thế, không có một món ăn nào, một kiểu ăn nào được cho là thủ phạm gây ung thư. Vì thế cũng không nhất thiết sợ ăn, động ăn là sợ bị ung thư. Hãy ăn những món ăn tươi, sạch, phù hợp sở thích, phù hợp kinh tế của gia đình.
2. Không có một chế độ ăn hoàn hảo nào thiết kế cho tất cả bệnh nhân ung thư. Cơ bản bệnh nhân ung thư ăn uống càng gần với mọi người trong gia đình càng tốt. Không phải nhất thiết có chế độ ăn quá riêng biệt.
3. Dinh dưỡng hợp lý là yếu tố hết sức quan trọng góp phần vào thành công của điều trị.
4. Không cần thiết phải ăn uống quá cầu kỳ, đặc biệt - gây tốn kém, mệt mỏi, căng thẳng cho mỗi bữa ăn.
5. Không nhất thiết bữa nào cũng phải bổ dưỡng, nhiều, ngon. Thỉnh thoảng chấp nhận cơ thể đói, ăn những món tưởng như không có giá trị nhưng ngon miệng cũng được.
6. Dinh dưỡng chưa bao giờ được coi là một phương pháp điều trị ung thư. Vì vậy, người bệnh cần tham gia điều trị bài bản bởi những phương pháp hiệu quả đã được khoa học thừa nhận./.
Huyền Trang (tổng hợp)
Theo baophapluat
6 sự thật bi thảm về thảm họa béo phì toàn cầu Béo phì trở thành căn bệnh thảm họa đã và đang phổ biến trong đời sống hiện nay, đi kèm với những hệ lụy, sự thật kinh hoàng ít ai ngờ tới. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh, những người ăn bên ngoài vào bữa tối hoặc bữa sáng thay vì bữa ăn nấu tại nhà có xu hướng béo phì hơn nhiều...