Breivik – từ cậu bé trầm lặng thành sát thủ máu lạnh
Cao ráo, tóc vàng và mắt sâu, Anders Behring Breivik có vẻ ngoài giống mọi chàng trai bình thường, nhưng đằng sau đó lại lẩn quất tâm hồn của một trong những kẻ giết người man rợ nhất lịch sử.
Sát thủ Anders Behring Breivik. Ảnh: AFP
Sát thủ 33 tuổi, một kẻ theo chủ nghĩa cựu hữu, đã thú nhận là thủ phạm giết chết 77 người hôm 22/7 năm ngoái. Y đóng giả cảnh sát và xả súng điên loạn vào một trại hè thanh niên làm 69 người thiệt mạng, sau khi đặt bom tại tòa nhà chính phủ ở thủ đô Oslo làm chết 8 người. Vụ thảm sát được y tuyên bố là một “cuộc tấn công ngăn chặn những kẻ phản bội”, xã hội đa văn hóa và Hồi giáo.
Sinh ngày 13/2/1979 ở đất nước Na Uy thanh bình và thịnh vượng, Breivik lớn lên như bao cậu bé khác và không ai quanh y có thể ngờ đến một ngày y trở thành sát thủ.
Breivik kể rằng y đã trải qua một thời thơ ấu bình thường, có cha là một nhà ngoại giao và mẹ là y tá. Họ ly dị lúc y chỉ mới tròn một tuổi.
“Tôi đã được nuôi nấng một cách đặc biệt bởi những người có trách nhiệm và khôn ngoan xung quanh mình”, y viết trong bản tuyên ngôn dài 1.500 trang công bố trước vụ thảm sát.
Sinh ra trong một gia đình thuộc tầng lớp trung lưu, Breivik cho hay y chưa bao giờ gặp khó khăn về tiền bạc và chỉ có một phàn nàn, đó là có quá nhiều tự do. Tuy nhiên, từ khi còn bé, một tổ chức phúc lợi trẻ em đã lo ngại rằng y có thể không nhận được sự chăm sóc đầy đủ từ gia đình.
“Anders trở thành một đứa trẻ thù địch, thụ động, với nụ cười giả tạo”, một nhà tâm lý học viết khi Breivik mới chỉ 4 tuổi. “Lẽ ra cậu ta nên được nuôi nấng trong một gia đình khá giả và ổn định”. Cha Breivik đã không giành được quyền nuôi con và cậu bé Breivik đã lớn lên cùng mẹ.
Video đang HOT
“Khi còn bé, Breivik là một cậu bé bình thường nhưng không thích giao tiếp. Khi đó, nó không quan tâm đến chính trị”, cha của Breivik kể với báo chí Na Uy. Nhà ngoại giao này đã không còn liên lạc với con trai kể từ khi y 15 tuổi. Trong thời kỳ này người ta bắt gặp y say sưa vẽ grafity.
Những người bạn cũ miêu tả y là một người kín đáo, đôi khi gặp khó khăn khi xác định vị trí của mình trong xã hội. Y bỏ trung học năm 18 tuổi, không bằng cấp gì, và bắt đầu thích thú chính trị.
Năm 1999, Breivik tham gia vào đảng Tiến bộ cánh hữu dân túy, chống nhập cư và hoạt động rất tích cực ở hội thanh niên địa phương của đảng. Năm 2006, y rời đảng và sau đó viết trên một diễn đàn Internet rằng y cảm thấy đảng này quá cởi mở với “các nhu cầu đa văn hóa” và “có những ý tưởng cực kỳ nguy hiểm về nhân loại”.
Trong khi những lời lẽ thể hiện sự thù ghét Hồi giáo, chủ nghĩa đa văn hóa và chủ nghĩa Mác của Breivik tràn lan trên mạng, Breivik lại tự đánh giá bản thân là “khá thoải mái và khoan dung trong hầu hết các vấn đề”.
“Do thực tế là tôi đã tiếp xúc nhiều thập kỷ với học thuyết đa văn hóa, tôi thấy rằng cần phải nhấn mạnh tôi không phải là một kẻ phân biệt chủng tộc và chưa bao giờ như thế”, y viết.
Y cho hay trở thành một “gã đầu trọc” bạo lực không phải là lựa chọn của y. Y thấy thời trang và âm nhạc của kiểu người này không hấp dẫn và y nghĩ họ quá cực đoan. Y thêm rằng mình có rất nhiều bạn bè không phải người Na Uy khi y còn bé.
Trên trang Facebook cá nhân, Breivik miêu tả bản thân y là “bảo thủ”, “theo Kito giáo”, rất thích bắn súng và những trò chơi điện tử về chiến tranh như “World of Warcraft” và “Modern Warfare 2″, những trò chơi mà sau này Breivik tiết lộ đã được y sử dụng để tập luyện cho vụ thảm sát. Y cho rằng hành vi giết người của mình là “tàn nhẫn nhưng cần thiết”, một âm mưu mà y đã mất nhiều năm lên kế hoạch và thực hiện một mình.
Theo bản tuyên ngôn cá nhân, Breivik bắt tay vào cuộc thánh chiến về ý thức hệ từ năm 2002, như một phần hoạt động của “Những hiệp sĩ Templar”, một tổ chức chưa được cảnh sát xác nhận tồn tại. Y đi đến hành động cuối năm 2009, chuẩn bị chi tiết đến từng phút cho một vụ tấn công đẫm máu nhất trên đất Na Uy kể từ Thế chiến II. Y không hề bị nghi ngờ trong suốt một thời gian dài chuẩn bị.
Breivik đã trở thành một ví dụ điển hình về “con sói cô độc”, sống ẩn dật với người mẹ trong một căn hộ chung cư, trước khi thuê một trang trại và thu thập phân bón chế tạo bom.
“Với tôi, cậu ta chỉ giống như một chàng trai bình thường. Cậu ta đi qua mà chẳng ai chú ý”, AFP dẫn lời một người hàng xóm nói. “Một chàng trai Na Uy trầm tính chẳng khiến ai nghi ngờ gì”.
Cuộc kiểm tra tâm thần được thực hiện năm ngoái sau khi bị bị bắt đã kết luận y bị mắc chứng “tâm thần phân liệt hoang tưởng” và phạm tội khi đang “mất trí”. Điều này đồng nghĩa với việc y sẽ được đưa vào chữa trị ở một trại tâm thần, thay vì bị tống giam. Tuy nhiên, một báo cáo khám nghiệm thứ hai vừa được công bố đầu tháng này đã kết luận rằng y không bị điên, mở ra viễn cảnh ngục tù cho sát thủ. Bản thân Breivik nói rằng việc bị đưa vào trại tâm thần “còn khủng khiếp hơn cả cái chết”, và muốn được tuyên bố không bị điên để không làm ảnh hưởng đến thông điệp chính trị mà y trình bày trong bản tuyên ngôn.
Hôm nay, phiên tòa xét xử y bắt đầu và sẽ kéo dài trong khoảng 10 tuần, với sự tham dự cũng hàng trăm người, hầu hết là những người sống sót và thân nhân các nạn nhân đã thiệt mạng trong vụ thảm sát. Nếu tòa án kết luận Breivik phạm tội trong tình trạng tỉnh táo, y sẽ bóc lịch 21 năm trong tù, số năm tối đa dành cho tội danh khủng bố theo luật của Na Uy.
Theo VNExpress
Những yêu cầu điên rồ của sát thủ Na Uy
Sau khi bị bắt, sát thủ Na Uy Anders Behring Breivik thể hiện một tư tưởng kỳ lạ kèm theo những yêu cầu "điên rồ", ví dụ như đòi được trao tặng huân chương.
Sát thủ Na Uy trong bộ quân phục do hắn tự sáng chế. Ảnh: Telegraph
Theo AFP, trong giờ đầu tiên sau khi bị bắt, Breivik xưng mình là "chỉ huy của các hiệp sĩ thánh chiến", yêu cầu chính phủ, hoàng gia và quân đội, tất cả phải được hạ bệ và hắn sẽ đứng đầu quân đội Na Uy.
Trong phiên xử đầu tiên ngày 25/7 năm ngoái, tên sát thủ yêu cầu được dùng tiếng Anh trong quá trình bị xét hỏi và đòi được mặc bộ quân phục do hắn tự sáng chế giống như trong bức ảnh hắn công bố trước vụ thảm sát. Những yêu cầu này bị tòa án Na Uy từ chối.
Khi được yêu cầu tham gia quá trình đánh giá tâm thần, Breivik lại đòi hỏi việc này phải được chuyên gia tâm thần của Nhật đánh giá. Lý do là vì hắn cho rằng chuyên gia Nhật Bản sẽ hiểu hơn về "tinh thần tự tôn" của hắn. Yêu cầu vô lý này cũng không được chấp nhận.
Trong quá trình khám xét, Breivik cũng nói với các chuyên gia về tâm thần của Na Uy rằng khi sống với mẹ, hắn từng đeo mặt nạ để tránh lây nhiễm bệnh viêm xoang của mẹ mình.
Ngoài ra hắn cũng nói với các chuyên gia về sự cần thiết tạo ra 5 "lãnh địa" riêng để phục vụ công cuộc tái sinh cho dân tộc Na Uy và hắn đang tìm giải pháp để bảo vệ nguồn gen của người Na Uy, diệt trừ dịch bệnh và giảm tỷ lệ ly hôn.
Còn tại phiên tòa ngày 6/2, tên sát thủ máu lạnh đòi hỏi phải thả tự do cho hắn ngay lập tức và hắn phải được trao huân chương War Cross, phần thưởng cao quý nhất của quân đội Na Uy.
Breivik là tác giả của vụ xả súng điên cuồng vào một trại hè ở đảo Utoya và đánh bom tòa nhà chính phủ ngày 22/7/2011 làm tổng cộng 77 người thiệt mạng. Đây được coi là cuộc thảm sát sát tồi tệ nhất trong lịch sử Na Uy hiện đại.
Breivik thừa nhận hành vi của mình nhưng tuyên bố đó là việc làm "cần thiết" để cảnh báo người dân Na Uy về điều mà hắn cho là "sự xâm lăng của người Hồi giáo".
Kết quả cuộc đánh giá tâm thần lần thứ nhất cho thấy tên sát nhân bị điên và phạm tội hình sự trong trạng thái loạn trí. Tuy nhiên, một số chuyên gia khác và những người nhà nạn nhân phản đối vì cho rằng kế hoạch thảm sát của Breivik đã được trù tính chi tiết trong một thời gian dài chứ không phải là hành vi bộc phát trong lúc mất trí.
Cuộc kiểm tra thứ hai đang được tiến hành và kết quả sẽ có trong vài ngày tới. Kết quả này sẽ quyết định kết quả cuối cùng của tòa án là sát thủ Breivik sẽ bị trừng phạt hay phải đến bệnh viện tâm thần. Phiên tòa với sự tham gia của hàng trăm người, dự kiến kéo dài trong vòng 10 tuần, sẽ bắt đầu từ ngày 16/4 tới.
Theo VNExpress
Sát thủ Na Uy thà chết còn hơn vào trại điên Anders Behring Breivik, kẻ giết 77 người ở Na Uy, vừa gửi một bức thư đến các nhà chức trách bày tỏ rằng việc gửi y vào trại tâm thần là một sự sỉ nhục và tồi tệ hơn cả cái chết. Sát thủ Anders Behring Breivik. Ảnh:JEFF GILBERT "Tôi phải công nhận rằng đây là điều tồi tệ nhất có thể xảy...