‘Breathless’ – Sự khởi đầu của trào lưu Làn sóng mới
Về vai trò của Jean-Luc Godard trong lịch sử điện ảnh thế giới, Jason Kliot viết : “Từ Godard đến phim ảnh hiện đại chính là như từ Picasso đến nền nghệ thuật đương đại..”
“ Breathless (tên tiếng Pháp: À bout de souffle ) là một trong những tác phẩm đầu tiên ghi tên vị “Picasso” này vào lịch sử điện ảnh thế giới, đánh dấu sự ra đời của trào lưu Làn sóng mới (Pháp) những năm 50 của thế kỷ XX.
Poster phim Breathless
Truyện kể như là cuộc phiêu lưu của tự sự và nhân vật
Bộ phim gồm hai mạch tự sự xoắn quyện vào nhau: một là cuộc rượt đuổi của cảnh sát với anh chàng tội phạm liều lĩnh mang tên Michel; một là mối tình kỳ lạ của Michel với cô phóng viên (kiêm bán báo) giàu tham vọng Patricia. Người xem có thể chờ đợi một câu chuyện kiểu điều tra tội phạm ly kỳ, hấp dẫn hoặc một chuyện tình lãng mạn, éo le. Nhưng cả hai điều đó hầu như đều bị nhòe đi: Godard đã làm rạn vỡ những mong đợi thể loại thông thường bằng cách “cá biệt hóa nhân vật” và di chuyển tiêu điểm từ thế giới sự kiện sang thế giới cảm xúc nội tại của nhân vật đó. Điều đó khiến cho các sự kiện và đường dây kết nối chúng không còn nhiều sức nặng, cái trở nên quan trọng hơn cả là đời sống nội tâm nhân vật, là những suy tư và cảm giác của chúng… Breathless cho ta một hành trình trải nghiệm đầy ngẫu hứng và phá cách của những-người-trẻ trong một thế giới chật cứng những khuôn thước và luật lệ già cỗi.
Theo hành trình ấy, mọi thứ diễn ra đều có vẻ ngẫu nhiên, tình cờ. Lần đầu tiên Michel chủ động tìm Tomachov, Patricia hay Antonio đều không gặp được họ, nhưng anh lại thành công khi vô tình chạm mặt họ ở đâu đó giữa Paris đông đúc mênh mông… Các nhân vật luôn có sự xúc tiếp, tương tác lẫn nhau nhưng lại không có một mối kết nối thật rành mạch và chặt chẽ (kể cả tình bạn, tình yêu… ). Và không có bất cứ ai trong Braethless lên được kế hoạch trước hoặc chính xác cho cuộc sống của mình.
Về cấu trúc phim, Godard từng tuyên bố: “Một bộ phim cần phải có phần mở đầu, phần giữa và phần kết thúc- nhưng không nhất thiết phải đi theo trình tự ấy”. Theo đúng tinh thần ấy, Breathless quả thực có lối mở đầu khá “lửng lơ”: chúng ta không biết Michel “xuất xứ” từ đâu, quá khứ của anh ta thế nào, những mối quan hệ thân thuộc của anh ta ra sao. Cái kết phim cũng bị “bỏ lửng”: Patricia không hiểu gì về cử chỉ và câu nói của Michel trước khi chết. Nhân vật bị ném vào “quãng giữa” của dòng chảy sự kiện: những đường viền lịch sử quanh nó bị xóa mờ, nhường chỗ cho cuộc phiêu lưu bất định của tâm hồn qua những va đập với đời sống thực tại.
Các cảnh trong phim Breathless
Trong thế giới ấy, các quan niệm về giá trị dường như đều bị thay đổi. Tội lỗi và trừng phạt, trung thành và bội phản, quá khứ và tương lai, sự sống và cái chết,…. tất cả đều không còn giữ được cái “ý vị” hệ trọng và tính chất trang nghiêm mà chúng ta vẫn quy ước cho chúng. Michel cướp xe không phải để bán lấy tiền, mà để vi vu trên xa lộ và bỡn cợt những người đi đường; anh ta bắn cảnh sát cũng không hẳn vì giận dữ mà chỉ như một trò đùa ngẫu hứng; Michel có rất nhiều phụ nữ trợ giúp và “chào đón”, nhưng anh lại chỉ yêu Patricia – một người mới có với anh vài ngày ngắn ngủi và luôn trì hoãn đi cùng anh để tiếp tục đuổi theo những tham vọng của riêng mình; biết Patricia phản bội và cảnh sát sắp đến nơi, Michel không tẩu thoát mà chạy ra trước mũi súng cảnh sát rồi bị bắn gục trên đường phố Paris…. Dường như ở đây, mọi hành động của nhân vật và diễn biến câu chuyện đều không có những “động cơ” thật mạnh mẽ, những lý do thật rõ ràng – kiểu nhân vật Hollywood.
Nhân vật của Godard là một khối tính cách vừa sắc nhọn, quyết liệt lại vừa bí ẩn, khép kín. Đó là kiểu nhân vật dấn thân và thụ hưởng cuộc sống: họ lao vào cuộc đời bằng tất cả những trải nghiệm hiện sinh của mình, họ chống trả lại sự phi lí của cuộc đời đó bằng sự phản kháng lại mọi định kiến về giá trị (về tiền bạc, về tình yêu, về cái chết…), họ để cho xúc cảm tự do dẫn dắt mọi bước đi của mình chứ không để bất cứ tín điều “thiêng liêng” nào định hướng. Nhân vật nam chính từ phút đầu tiên đến phút cuối cùng luôn tỏ ra giống một tay chơi ngông ngênh, hào hoa hơn là một kẻ lấy mạng người bị săn đuổi. Anh ta thậm chí còn học theo những điệu bộ hay dáng vẻ của Bogey – một tài tử điện ảnh mà anh hâm mộ – như một sự giễu nhại với mẫu hình “anh hùng” vốn là trung tâm của các tự sự kinh điển. Nếu như Faulkner (nhà văn mà Patricia ngưỡng mộ) nói “giữa nỗi đau và không có gì cả, tôi chọn nỗi đau” thì Michel bật lại “nỗi đau là một sự ngốc nghếch, là sự thỏa hiệp, tôi chỉ muốn tất cả hoặc không gì cả”. Chính quan điểm sống và cá tính đặc biệt của Michel khiến cho Patricia mãi không hiểu nổi anh: “điều gì ẩn sau khuôn mặt anh, tôi nhìn cả mười phút rồi vẫn chẳng thấy gì”. Mỗi người theo đuổi một luồng suy nghĩ riêng, một quan điểm sống riêng, chính vì thế mỗi người mãi mãi là một cách cửa khép kín với người kia, là một ốc đảo riêng biệt bị cách chia với thế giới.
Giống như nhân vật của Godard, nhân vật trong tác phẩm của nhà văn Pháp F. Sagan (đặc biệt ở Buồn ơi, chào nhé) cũng cô đơn và thất bại trong các mối quan hệ riêng tư, cũng nỗ lực lấp đầy khoảng trống trong thời gian sống của mình bằng cách săn đuổi những niềm vui hiếm hoi và bất chấp sự trả giá. Cécile của Sagan và Michel của Godard đều là những nhân vật phóng khoáng, yêu tự do, thù ghét cuộc sống thanh bình và sẵn sàng làm những việc điên rồ để có được sự trải nghiệm thực sự.
Mục đích cuối cùng của những trải nghiệm ấy là để chống lại nỗi cô đơn lạc lõng, chống lại sự buồn chán bất lực cũng như những khung khổ và chế ước xơ cứng của xã hội. Câu nói của Tolmachov với Michel trong Breathless (“Tớ đang như thỏi sắt bị rỉ đây”) hay câu khẩu hiệu mà Michel vô tình bắt gặp trên tường (“Hãy sống mạo hiểm cho đến cuối đời”) đều gián tiếp hay trực tiếp thể hiện điều đó. Để chống lại việc bị “han rỉ” trong một cõi đời quẩn quanh, đơn điệu và vô nghĩa lý, Michel của Godard cũng đã “sống qua” hết những gì “oanh liệt” nhất, dữ dội nhất ở cuộc sống và tự ý chọn cái chết để dừng chân khi bắt đầu thấy mệt mỏi (“tớ lãnh đủ rồi, tớ muốn nghỉ, tớ mệt rồi”).
Dòng chảy “hiện sinh” trong góc máy, dàn cảnh và ánh sáng
Đạo diễn Jean-Luc Godard
Là một nhà lý luận điện ảnh sắc sảo, Jean-Luc Godard quan niệm về cách tiếp cận một bộ phim “có hai cấp độ đọc: cái thấy được và cái không thấy được. Cái mà bạn đặt trước máy quay là cái thấy được. Điện ảnh thật sự là những phim trong đó có cái vô hình mà ta chỉ thấy được thông qua cái hữu hình.” Với Breathless, điều cần hướng đến chính là những cái mà Godard gọi là “vô hình” này. Bằng việc sử dụng đậm đặc các cách tân về kỹ thuật trên “bề mặt” khuôn hình, đạo diễn cũng đồng thời mang đến một cách nhìn mới mẻ về thế giới hiện thực ẩn chìm phía sau những cách tân kỹ thuật đó.
Trước hết, về cách dựng phim, các mối dựng thể hiện rõ rệt một thế giới rã rời, bị chia cắt đến mức trống rỗng; sự kết nối giữa các nhân vật và trong mỗi nhân vật là rất đỗi mong manh; và thế giới được vận hành không phải theo những chế ước định sẵn mà do sự tồn tại cá biệt, trực tiếp, hiện tồn của mỗi người tạo nên. Nhiều cú dựng nhảy (jump cut) được sử dụng trong phim đã tác động mạnh đến cảm giác của người xem. Chẳng hạn, ở trường đoạn “trong phòng Patricia”: ngay sau cảnh Patricia nhìn Michel qua ống nhòm (quấn bằng poster) là cảnh hai người hôn nhau – phút ấm áp hiếm hoi trong suốt cuộc chuyện trò lan man rời rạc. Cú cắt dựng đột ngột khiến cho ấn tượng về cái hôn, về cuộc phiêu lưu tình cảm mà hai người trẻ đang trải qua được ngưng đọng lại trong một khoảnh khắc thực sự lãng mạn và êm đềm. Một pha “jump cut” khó quên khác: Patricia đứng trên đường phố, giữa Michel và Antonio – máy quay liên tục dựng nhảy khuôn mặt của Michel và khuôn mặt của Antonio, nhằm thể hiện cái nhìn dò xét và khám phá của Patricia (về cảm xúc của hai người đàn ông qua sự tò mò của một người phụ nữ).
Cách tân nổi bật khác của Godard trong phim là việc sử dụng nhiều cảnh quay dài: máy quay bám theo những bước đi bất định hoặc những cuộc đối thoại miên man của các nhân vật. Đoạn Michel bước vào nơi làm việc của Tolmachov và nói chuyện với anh ta dọc hành lang, đoạn Michel và Patricia trò chuyện trong phòng cô, đoạn phỏng vấn nhà văn Parvulesco… là những ví dụ tiêu biểu. Xét trên phương diện cấu trúc phim, các cảnh quay dài này đôi khi không phục vụ cho sự phát triển của cốt truyện mà thậm chí còn đẩy câu chuyện trượt ra ngoài mạch tự sự, đi theo những luồng suy tư và cảm xúc ngẫu nhiên của nhân vật. Chính vì lẽ đó, chúng giúp người xem như hòa làm một với nhịp sống, nhịp đi, nhịp thở của nhân vật, cùng với diễn viên phiêu lưu và ngẫu hứng trong từng nét diễn… Bộ phim cũng có khá nhiều đoạn “độc thoại nội tâm” của nhân vật, thực chất là những đoạn diễn viên đóng Michel (Balmondo) trực tiếp đối diện với camera như thể đang nói với khán giả. Một điều dễ nhận thấy khác trong Breathless là tác giả thường xuyên sử dụng máy quay cầm tay khiến khuôn hình bị rung và gây cảm giác bất ổn về mặt hình ảnh. Bản thân lối quay đặc biệt này đã cho thấy tính không thể đoán định của hiện thực – một hiện thực mà không ai và không phương tiện kỹ thật nào (kể cả camera) có thể nắm bắt trọn vẹn. Đây cũng là một lối quay mang đậm màu sắc “hiện sinh” trong phim Godard.
Các cảnh trong phim Breathless
Về dàn cảnh và ánh sáng, Breathless cũng có nhiều điểm đột phá thú vị. Godard áp dụng khá triệt để lối chiếu sáng tự nhiên và cách dàn cảnh giàu tính biểu tượng. Trong hành lang nơi Michel và Tolmachov cùng bước đi, có lúc gương mặt Michel lẫn vào bóng tối khiến người xem hoàn toàn không thể nhìn thấy anh. Bối cảnh căn phòng Patricia nơi “đôi tình nhân” trò chuyện cũng được bố trí khá đặc biệt. Trong một không gian vừa nhỏ hẹp chật chội, vừa nhập nhoạng sáng – tối, người xem không thể nhìn rõ những biến động về sắc thái trên khuôn mặt hai nhân vật, nhưng bên ngoài cửa sổ ánh nắng lại chan hòa, rực rỡ. Cô gái đứng quay lưng tựa vào cửa sổ như một sự ngăn cách chàng trai với cuộc đời sống động rõ ràng ngoài kia, trong khi khói thuốc bay khắp nơi như những điều mông lung vẫn mãi mờ tỏ trong mối quan hệ của hai người. Ở một đôi cảnh, tác giả còn sử dụng lối “đối thoại trong bóng tối”: có tiếng nhân vật nói nhưng lại không có hình ảnh nhân vật. Dường như đó là những cuộc “đối thoại ngầm”, hay đối thoại bên trong, thể hiện những giao tiếp mang tính cá nhân và thầm kín giữa con người với con người. Chỉ qua cách chiếu sáng đặc biệt đó, Godard đã lật phải, lật trái, soi vào đến tận cùng, để rốt cục đẩy người xem đến nhận định: không thể có thứ ánh sáng nào phán quyết được bóng tối trong con người. Phong cách dàn dựng ánh sáng độc đáo của Godard đã giúp bộ phim có thêm sức mạnh đa dạng hóa, phức điệu hóa thế giới tinh thần của nhân vật và thế giới hiện thực trong tác phẩm.
Chủ nghĩa hiện sinh suy tư về Tồn Tại xuất phát từ nghiệm sinh của con người, và cho rằng Tồn Tại có trước Bản Chất. Trong Breathless, xuất phát điểm của cá nhân được đặc tả bởi cái từng được gọi là “thái độ hiện sinh”, hay tình trạng mất định hướng khi đứng trước một thế giới có vẻ như vô nghĩa và phi lý. Bộ phim ra đời sau khi Thế chiến II kết thúc, sự đổ vỡ niềm tin vào con người, cảm giác thất vọng cùng nỗi hoang mang về một thế giới khủng hoảng về giá trị dường như đã lan thấm sâu xa vào tâm hồn của thế hệ trẻ trong phim Godard. Cái mà tác phẩm điện ảnh này nắm bắt trước tiên là những khoảnh khắc tồn tại mang tính hiện hữu, là cái cụ thể, trực tiếp, đầy biến ảo đang diễn ra trước mắt chứ không phải một dòng chảy lớp lang của các sự kiện hiện thực. Và đó chính là điều mà đạo diễn gọi là “cái vô hình chỉ thấy được thông qua cái hữu hình” trong mỗi tác phẩm điện ảnh – điều làm nên chiều sâu và sức sống lâu bền của phong cách nghệ thuật Godard .
Theo thegioidienanh.vn
Tiếc thay một Nhà thờ Đức Bà Paris từng đẹp cổ kính và huy hoàng thế này trên màn ảnh
Nhà thờ Đức Bà Paris với vẻ đẹp cổ kính và diễm lệ đã trở thành bối cảnh của không ít những bộ phim nổi tiếng.
Nhắc đến Paris - thủ đô xinh đẹp của nước Pháp, không thể không kể đến tháp Eiffel, sông Seine và cả Nhà thờ Đức Bà Paris (Notre Dame de Paris). Từ hơn 800 năm qua, Nhà thờ Đức Bà Paris đã trở thành biểu tượng văn hóa, lịch sử và là niềm tự hào của nước Pháp. Với vẻ đẹp cổ kính và diễm lệ, Nhà thờ Đức Bà đã đi vào điện ảnh và để lại những thước phim tuyệt đẹp.
Nhà thờ Đức Bà Paris với vẻ đẹp cổ kính...
Không chỉ xuất hiện trong những bộ phim Pháp, Nhà thờ Đức Bà không ít lần trở thành bối cảnh phim Hollywood. Nhưng có lẽ những hình ảnh tuyệt đẹp đó chỉ còn trên phim, trong ký ức vì Nhà thờ Đức Bà phiên bản đời thực đã bốc cháy dữ dội chỉ sau một đêm khiến cả thế giới không khỏi bàng hoàng. Trước khi hóa thành đống tro tàn, Nhà thờ Đức Bà đã từng huy hoàng diễm lệ với những bộ phim dưới đây.
... đã bị thiêu trong biển lửa.
The Hunchback of Notre Dame ( Thằng Gù Nhà thờ Đức Bà , 1939)
Nhắc đến phim lấy bối cảnh Nhà thờ Đức Bà thì không thể không kể đến bộ phim kinh điển Thằng Gù Nhà thờ Đức Bà, được chuyển tiể từ tiểu thuyết cùng tên của đại văn hào Victor Hugo. Có nhiều phiên bản chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết này, tuy nhiên bộ phim ra mắt năm 1939 được xem là kinh điển nhất.
Câu chuyện tình đẹp nhưng buồn của chàng gù Quasimodo và nàng Esmeralda từng làm nức lòng người hâm mộ.
Một số vị trí của nhà thờ như gian giữa, tháp chuông, máng xối trên đỉnh tháp đã được phục dựng lại tại các phim trường gần Los Angeles để làm bối cảnh cho bộ phim. Qua những thước phim đen trắng, hầu như không có chút kỹ xảo nào, khán giả được chiêm ngưỡng Nhà thờ Đức Bà với vẻ đẹp nguyên bản nhất.
Thông qua bộ phim này, chúng ta đã được thấy hình ảnh của Nhà thờ Đức Bà gần 100 năm trước. Nhà thờ Đức Bà Paris đã hiên ngang tồn tại qua hai cuộc Chiến tranh thế giới. Bộ phim The Hunchback of Notre Dame đã góp phần thúc đẩy các cuộc kêu gọi khôi phục Nhà thờ Đức Bà vào giữa thế kỷ 19, sau khi nó bị phá hủy trong cuộc Cách mạng Pháp.
Bộ phim đã trở thành kinh điển với hình ảnh Nhà thờ Đức Bà.
The Hunchback of Notre Dame ( Thằng Gù Nhà Thờ Đức Bà, 1996)
Walt Disney đã làm mới lại Thằng Gù Nhà thờ Đức Bà bằng một phiên bản phim hoạt hình tươi mới, vui nhộn hơn và phù hợp với cả độ tuổi thiếu nhi. Trong bộ phim này, Nhà thờ Đức Bà được tái hiện lại bằng những thước phim hoạt hình vẽ tay truyền thống, vô cùng tỉ mỉ và sinh động. Phim đã được đề của hai giải Oscar và Quả Cầu Vàng.
Thằng Gù phiên bản hoạt hình bớt bi thương hơn.
An American in Paris ( Một người Mỹ ở Paris, 1951)
Bộ phim với những phân cảnh lãng mạn của cặp đôi Gene Kelly và Leslie trên bờ sống Seine, nhìn về Nhà thờ Đức Bà. Phim đã giành một giải Oscar năm 1951.
Xem trích đoạn Một người Mỹ ở Paris
Breathless (1960)
Tất nhiên các nhà làm phim Pháp cũng không thể bỏ qua di tích văn hóa, lịch sử được coi là trái tim của đất nước họ. Nhà thờ Đức Bà đã xuất hiện một cách chân thực trong Breathless, một trong những phim tiêu biểu của trào lưu điện ảnh Làn sóng mới ở Pháp. Phim kể về một tên tội phạm lang thang cũng với bạn gái người Mỹ của hắn ta.
Trong bộ phim, nhà thờ thường xuất hiện thấp thoáng xa xa khi đôi nhân tình đi thuyền trên sông Sein hoặc đi dạo dọc bờ sông. Tòa tháp phía Nam của nhà thờ được lên sóng nhiều nhất vì nó đối diện với dòng sông và có ô cửa nổi tiếng South Rose, được thiết kế từ năm 1260. Đáng tiếc thay, tòa tháp này cũng bị ảnh hưởng bởi vụ hỏa hoạn.
Hình ảnh Nhà thờ Đức Bà thấp thoáng xa xa trong Breathless.
Before Sunset ( Trước hoàng hôn, 2004)
Trong Before Sunset, hình ảnh Nhà thờ Đức Bà xuất hiện lãng mạn trong ánh hoàng hôn. Cặp đôi Jesse (Ethan Hawke) và Céline (Julie Deply) cùng thả thuyền trên sông Sein, ngắm cảnh Nhà thờ Đức Bà. Jesse đã kể cho Céline nghe một câu chuyện xảy ra thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ 2, phe Đức đã ra lệnh cho một người lính phá hủy nhà thờ để áp đảo tinh thần người Pháp.
Nhưng sau khi đến nơi, tận mắt chứng kiến vẻ đẹp diễm lệ của Nhà thờ, người lính ấy không nỡ xuống tay. Nhưng Céline lại nói một câu: 'Sẽ có một ngày nào đó, Nhà thờ Đức Bà sẽ không còn hiện hữu nữa vì ngày trước chính chỗ đó cũng đã từng có một nhà thờ khác.'
Cặp đôi cùng nhau ngắm Nhà thờ Đức Bà.
Tưởng như đó chỉ là câu buột miệng vu vơ nhưng tiếc rằng điều đó đã trở thành sự thật, không phải trên phim nữa mà trong chính hiện thực.
Ai ngờ đâu một câu nói vu vơ của Céline lại thành sự thật
Amélie (2001)
Không chỉ xuất hiện trong những bộ phim kinh điển, lãng mạn, Nhà thờ Đức bà còn góp mặt trong bộ phim kinh dị, trinh thám Amélie. Trong phim, Nhà thờ Đức Bà có vai trò quan trọng, gắn bó mật thiết với cốt truyện khi nữ chính Amélie Poulain (Audrey Tautau) thường ghé thăm nhà thờ mỗi năm khi còn nhỏ để cầu nguyện cho em trai.
Nhưng trong một lần đến nhà thờ, một khách du lịch đã nhảy ra khỏi mái nhà và lấy mạng mẹ của Amélie gây cho cô bé một cú sốc ám ảnh đến tận khi trưởng thành.
Nhà thờ Đức Bà mãi mãi trở thành ký ức ám ảnh Amélie.
Van Helsing (2004)
Trong bộ phim này, chúng ta được chúng kiến một trận chiến gay cấn giữa Van Helsing với bác sĩ Jekyll ngay trên đỉnh Nhà thờ Đức Bà Paris. Van Helsing được biết đến với vai trò người hùng tiêu diệt quái vật và được tòa thánh Vatican thuê đến Transylvania để xử lý Bá tước Dracula. Trong phim, hình ảnh Nhà thờ Đức Bà hiện ra vô cùng cổ kính, ma mị.
Đánh nhau cũng nhất định phải lên nóc nhà thờ mới chịu.
Ratatouille ( Chú chuột đầu bếp, 2007)
Lấy bối cảnh thủ đô Paris nên đương nhiên Nhà thờ Đức Bà là một phần không thể thiếu trong Ratatouille. Không ít lần chú chuột đầu bếp vi vu trên đường phố Paris, ngang qua Nhà thờ. Hình ảnh Nhà thờ Đức Bà được tái hiện lại một cách tươi sáng và tuyệt đẹp nhờ công nghệ CGI.
Nhà thờ Đức Bà trong phim hoạt hình của Pixar đẹp chẳng kém phiên bản thật.
The Three Musketeers ( Ba Chàng Lính Ngự Lâm, 2011)
Nóc Nhà thờ Đức Bà có lẽ là địa điểm lý tưởng cho các cuộc chiến đấu. Trong phim, chàng lính ngự lâm trẻ tuổi sắp trở thành D'Artagnan (Logan Lerman) đã có cuộc đấu kiếm đáng nhớ với gã người Anh sắp trở thành D'Artagnan (Logan Lerman) ngay trên mái nhà thờ.
Một cuộc chiến sắp sửa diễn ra trên nóc nhà thờ.
Midnight in Paris ( Paris lúc nửa đêm, 2011)
Woody Allen đã mang hình ảnh Nhà thờ Đức Bà vào bộ phim hài của mình. Trong phim, Gil (Owen Wilson) đã yêu cầu hướng dẫn viên của mình dịch một đoạn trong nhật lý của người yêu Pablo Picasso ngay phía trước thánh đường của Nhà Thờ Đức Bà Paris.
Cứ phải đọc nhật ký cho nhau nghe ngay trước Nhà thờ mới cảm thấy thiêng liêng và nhiều cảm xúc.
Kết
Nhà thờ Đức Bà Paris, trái tim của nước Pháp và là niềm ngưỡng mộ của biết bao người trên khắp thế giới đã chìm trong biển lửa. Có lẽ sau này Nhà thờ sẽ được phục dựng nhưng đó không phải là Nhà thờ Đức Bà đã tồn tại hơn 800 năm qua như chúng ta vẫn biết. Ký ức về một Nhà thờ Đức Bà cổ kính, tuyệt đẹp chỉ còn lại trong trí nhớ, trong những khung hình, những thước phim mà thôi.
Theo tiin.vn
Trước vụ cháy kinh hoàng, mọi người tưởng nhớ hình ảnh Nhà Thờ Đức Bà Paris trong những phim Hollywood Nhà Thờ Đức Bà Paris đa từng xuất hiện trong rất nhiều bộ phim của Hollywood phải kể đến là The Hunchback of Notre Dame - Thằng Gù ở Nhà Thờ Đức Bà Paris, Before Sunset - Trước Hoàng Hôn, Breathless - Khó Thở Cùng với "Kinh đô ánh sáng" Paris, cái nôi của vẻ đẹp, văn hóa và lịch sử thế giới,...