Brazil sẽ phạt người từ chối tiêm vaccine Covid-19
Tòa án Tối cao Brazil ra phán quyết rằng người dân có thể “được yêu cầu” tiêm vaccine Covid-19, mở đường cho chính quyền phạt những ai từ chối.
Theo phán quyết được nhất trí với tỷ lệ 10/1 của Tòa án Tối cao Brazil hôm 17/12, chính quyền các cấp đều có thể đưa ra hình phạt đối với bất cứ ai từ chối tiêm vaccine Covid-19, đồng thời cho phép cấm người dân đến những địa điểm công cộng nhất định, trong nỗ lực kiềm chế Covid-19 tại vùng dịch lớn thứ ba thế giới.
Thẩm phán Ricardo Lewandowski, người bỏ phiếu thuận cho phán quyết, lưu ý rằng việc bắt buộc người dân tiêm phòng là vi hiến, nhưng giới chức liên bang, các bang và địa phương có thể áp các biện pháp hạn chế đối với những người chưa tiêm chủng.
Video đang HOT
Một liều vaccine Covid-19 CoronaVac của công ty Trung Quốc Sinovac trước khi tiêm cho tình nguyện viên ở Sao Paulo, Brazil, hôm 30/7. Ảnh: Reuters .
“Mỗi người dân Brazil sẽ có nghĩa vụ tiêm phòng. Nhưng điều này không đồng nghĩa với việc họ có thể bị ép tiêm vaccine. Phán quyết có nghĩa là bất kỳ hành vi không tuân thủ nào cũng sẽ bị xử phạt”, thẩm phán Alexandre de Moraes giải thích thêm.
Trong một trường hợp riêng biệt hôm 17/12, Tòa án Tối cao Brazil cũng ra phán quyết rằng cha mẹ được yêu cầu tiêm chủng cho con của họ, bác bỏ kháng cáo nhằm đòi quyền miễn trừ cho trường hợp này, dựa trên những lý lẽ về tôn giáo, triết học hoặc đạo đức.
Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro kịch liệt phản đối phán quyết này. Dù cam kết cung cấp vaccine Covid-19 cho công chúng ngay khi các nhà quản lý “bật đèn xanh”, ông không đồng ý với việc bắt buộc tiêm chủng, đồng thời cho biết người dân có thể bị “quản thúc tại gia” nếu từ chối tiêm vaccine, cùng nhiều biện pháp hạn chế khác.
“Không ai có thể buộc bất kỳ người nào khác tiêm vaccine. Tự do ở đâu? Tòa án đã ra phán quyết gì vậy? Nếu các bạn không tiêm, tôi, với tư cách tổng thống, cùng các thống đốc và thị trưởng có thể áp lệnh hạn chế với mọi người”, Bolsonaro phát biểu sau tuyên bố của tòa.
Tổng thống Brazil một lần nữa nhấn mạnh ông sẽ không tự đi tiêm vaccine, bởi từng nhiễm nCoV và đã có khả năng miễn dịch, đồng thời chỉ ra những tác dụng phụ tiềm ẩn và sự thiếu trách nhiệm pháp lý của các nhà sản xuất vaccine. “Hợp đồng với Pfizer cho thấy họ rõ ràng không chịu trách nhiệm cho bất cứ tác dụng phụ nào”, ông nói.
Brazil chưa phê duyệt loại vaccine Covid-19 nào, cũng chưa ấn định thời điểm triển khai tiêm chủng đại trà. Theo kế hoạch gần đây nhất của chính phủ được công bố tuần trước, chưa đến 1/4 dân số của đất nước 210 triệu dân dự kiến được tiêm chủng trong đợt tiêm đầu tiên. Tuy nhiên, khảo sát gần đây cho thấy khoảng 22% người dân Brazil phản đối tiêm vaccine.
Brazil nói Trung Quốc không minh bạch về vaccine Covid-19
Cơ quan quản lý y tế Brazil cho rằng Trung Quốc không minh bạch trong quá trình phê duyệt sử dụng khẩn cấp vaccine Covid-19 tiềm năng CoronaVac.
"Brazil là quốc gia dẫn đầu trong quá trình đánh giá CoronaVac", Anvisa, cơ quan quản lý y tế Brazil, đề cập đến vaccine Covid-19 của hãng công nghệ sinh học Trung Quốc Sinovac trong thông báo hôm 14/12. "Vaccine này được phê duyệt sử dụng khẩn cấp tại Trung Quốc từ hồi tháng 6. Tuy nhiên, các tiêu chuẩn để Trung Quốc cấp phép không minh bạch. Hiện không có thông tin về tiêu chuẩn mà chính quyền Trung Quốc dùng để đưa ra các quyết định".
Một liều vaccine Covid-19 CoronaVac của công ty Trung Quốc Sinovac trước khi tiêm cho tình nguyện viên ở Sao Paulo, Brazil hôm 30/7. Ảnh: Reuters .
Đáp lại, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết nước này luôn tâm niệm về "tầm quan trọng lớn lao" của tính an toàn và hiệu quả của các vaccine. Tuy nhiên, trên thực tế, Trung Quốc chưa công khai chi tiết cách họ xác định một loại vaccine Covid-19 đủ tiêu chuẩn để được sử dụng khẩn cấp. Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc chưa phản hồi yêu cầu bình luận.
Một đại diện của Sinovac từ chối bình luận, nhưng gợi nhắc về cuộc họp báo hồi tháng 10, khi một quan chức y tế cho biết quyết định tiêm chủng khẩn cấp được đưa ra sau quá trình xem xét nghiêm ngặt, phù hợp với các quy định của Trung Quốc và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thêm rằng các vaccine đạt được "những chỉ số rất tốt về khả năng tạo miễn dịch và tính an toàn trong thử nghiệm lâm sàng Giai đoạn một và hai".
CoronaVac đang trong quá trình thử nghiệm Giai đoạn ba ở Sao Paulo, Brazil. Đánh giá của Anvisa về vaccine Trung Quốc có nguy cơ khiến căng thẳng chính trị tại nước này gia tăng, khi Thống đốc Sao Paulo Joao Doria, người thường chỉ trích Tổng thống Jair Bolsonaro, vẫn dự kiến sử dụng CoronaVac tiêm chủng cho cư dân của bang từ tháng 1 năm sau. Trong khi đó, Bolsonaro, lãnh đạo được cho là khá lạnh nhạt với Trung Quốc, từng nhiều lần gieo nghi ngờ lên loại vaccine này.
Nhà sản xuất vaccine Trung Quốc được đầu tư thêm nửa tỷ USD Công ty dược phẩm Sinovac Biotech được đầu tư thêm 515 triệu USD để sản xuất vaccine Covid-19 khi nước này chạy đua để tung vaccine ra thị trường. Sino Biopharmaceuticals Limited, một công ty nghiên cứu y tế đăng ký tại Hong Kong, hôm nay cho biết đầu tư khoản tiền trên để phát triển và sản xuất CoronaVac, một trong những...